Làm Sao Cảm Tạ Được?

Share

“Biến Đi Chỗ Khác!” 

Bạn biết câu nói đó, đúng không? Câu nói này thường liên hệ đến hình ảnh của một ông cụ hoặc một bà lão đang giận dữ la hét vào một số đứa trẻ đi băng ngang qua khu vườn của nhà họ.

Đáng buồn thay, tôi cảm thấy điều này đã trở nên thái độ mặc nhiên của nền văn hóa của chúng ta. Mọi người có vẻ rất giận dữ. Mọi người có vẻ rất thù địch nhau. Nhưng Lễ Tạ ơn đang đến. Đó là thời gian mà chúng ta được nhắc nhở để quây quần xung quanh bàn ăn và dâng lòng biết ơn vì tất cả những phước lành của chúng ta. Và đây không phải là một điều nhỏ bé đâu. Tôi nghĩ Kinh thánh đã nói khá rõ ràng rằng Cơ-Đốc nhân được kêu gọi để trở nên người vừa có lòng biết ơn, vừa có sự lạc quan. Cá nhân nào liên tục tức giận hoặc thường xuyên bị căng thẳng thì người đó ngược lại với con người tin kính mà chúng ta thấy ở trong Kinh Thánh.

Hãy xem một ví dụ trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17, “…Cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh; vì đây là ý muốn của Đức Chúa Trời cho anh chị em trong Đấng Christ Giê-Su.” (CSB). Có lẽ có một câu Kinh Thánh khác còn thuyết phục và thách thức hơn nữa, đặc biệt vào thời khắc lịch sử này là ở trong Cô-lô-se 3:15, “Và hãy để sự bình an của Đấng Christ cai trị lòng anh chị em, là sự bình an mà anh chị em đã được kêu gọi vào một thân thể. Hãy tỏ lòng biết ơn.” (CSB). Việc bước theo Chúa Giê-Su có nghĩa là trở nên người có lòng biết ơn, lạc quan và hòa thuận.

Nhưng bằng cách nào đây? 

Làm thế nào để chúng ta có thể cảm ơn trong khi dường như rất nhiều người đang tức giận? Làm thế nào để chúng ta cảm ơn ngay cả khi chúng ta cũng là những người đang tức giận? Tôi thực sự nghĩ rằng Lễ Tạ Ơn có thể là một thời gian trì hoãn cần thiết giữa những lúc đang tức giận. Hãy suy nghĩ đến vài ý tưởng về việc có một Lễ Tạ ơn đầy lòng biết ơn, ngay cả khi thế giới xung quanh bạn dường như rất tức giận. 

Hãy Nhớ Đặc Tính của Đức Chúa Trời

Tại Hội Thánh của chúng tôi, hầu như vào mỗi Chúa Nhật thì chúng tôi nói hai điều quan trọng. Chúng tôi nhắc nhở chính chúng tôi rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là tốt lành. Câu tuyên bố đơn giản này là cách mà chúng tôi xác nhận quyền tối cao (Cô-lô-se 1:17) và sự cung ứng (Rô-ma 8:28) của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có thẩm quyền trên mọi sự, và Ngài luôn luôn hành động cho sự tốt lành để hoàn tất mục đích của Ngài.

“Một trong những điều thường làm chúng ta thất vọng về thế giới là nó tệ đến thế.”

Hai lẽ thật thần học này sẽ ban cho chúng ta sự vững tin nơi Đức Chúa Trời trong những khoảnh khắc mà chúng ta tìm thấy chính mình đang ở trong đó. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng những khoảnh khắc mà chúng ta đang ở trong đó, bất kể là chia rẽ và độc hại như thế nào thì khi so với uy quyền của Đức Chúa Trời, chúng cũng không ngăn cản được Ngài hoàn tất mục đích tốt đẹp của Ngài. 

Có rất nhiều điều để biết ơn khi chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang ngự ở trên ngai và ý muốn tốt lành của Ngài sẽ được hoàn thành.

Hãy Nhớ Rằng Thế Giới đang bị Sa Ngã

Một trong những điều thường làm chúng ta thất vọng về thế giới là nó tệ đến mức như thế. Một trong những biện pháp chữa trị cho điều này là nhận lãnh liều thuốc cho sự yếu đuối của chính chúng ta. Thế giới đang bị đổ vỡ, đúng vậy, nhưng đó là bởi vì mỗi chúng ta đã bị đổ vỡ. Khi những người không biết Chúa Giê-Su hành động như một cá nhân đổ vỡ, họ đơn giản làm điều mà họ có thể làm. Tội nhân thì phạm tội. Và khi họ không có sự hiện diện của Đức Thánh Linh để cầm giữ họ lại thì chúng ta đừng ngạc nhiên là họ cứ tiếp tục phạm tội hoài, không giảm thiểu xuống.

Nhưng những Cơ-Đốc nhân xung quanh chúng ta thì sao? Tôi không nói điều này để tránh né trách nhiệm của Cơ-Đốc nhân trong việc thực hành các nguyên tắc Kinh Thánh, hoặc ngay cả trách nhiệm của Hội Thánh để thực hành sự kỷ luật của Hội Thánh nhưng tôi có thể nói rằng nhiều điều mà chúng ta đấu tranh ngày hôm nay không được viết cách rõ ràng trong Kinh Thánh. Những người chân thành thật sự yêu mến Chúa Giê-Su có thể đi đến những khía cạnh khác nhau của nhiều vấn đề chính trị. Là những Cơ-Đốc nhân, chúng ta phải được biết đến vì cớ tình yêu thương của chúng ta, đặc biệt là tình yêu của chúng ta dành cho những Cơ-Đốc nhân khác. Thậm chí Chúa Giê-Su còn chỉ ra rằng tình yêu của chúng ta dành cho nhau sẽ là bằng chứng cho thế giới biết rằng chúng ta thật sự là Cơ-Đốc nhân (Giăng 13:35).

Hạ mình đối với những yếu đuối của chính chúng ta và hiểu thấu ân điển sâu đậm của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, ân điển ấy sẽ đi cùng chúng ta một chặng đường dài để giúp đỡ chúng ta bày tỏ ra ân điển, sự tha thứ và ngay cả lòng biết ơn về những người có thể đã khiến chúng ta thất vọng.

Hãy Suy Gẫm về Vị Trí của Chúng Ta Giữa Thế Gian

Có bao nhiêu bà mẹ đã phĩnh dỗ những đứa con của họ để chúng có thể ăn bằng cách nói, “Những đứa bé chết đói ở Châu Phi thích các món ăn mà con ăn tối nay lắm đấy”? Trong khi đó có thể là một cách thao túng để dụ những đứa nhỏ ăn món măng tây của mình, có một mức độ sự thật trong những điều này. Vâng, chúng ta đang sống trong một thời khắc chia rẽ trong lịch sử. Những ai trong chúng ta gọi Hoa Kỳ là quê nhà của mình thường mất tinh thần về sự đoàn kết rất ít ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này, nhưng chúng ta không để đánh mất vị trí của chúng ta giữa các quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta được phước. Chúng ta có tự do. Và mặc dù có sự bất đồng về mức độ thật sự của hai điều này, và liệu hai điều này có đang bị đe dọa trong tương lai hay không, thì không có nghi ngờ rằng chúng ta có thể cảm ơn Chúa vì những gì chúng ta đang có trong hai điều này khi so sánh với rất nhiều nơi trên khắp thế giới, là những nơi mà người ta mong trải nghiệm những điều mà chúng ta thường coi là hiển nhiên. 

Hãy Suy Gẫm đến Vị Trí của Chúng Ta trong Lịch Sử

Cuối cùng tôi muốn khích lệ chúng ta nhìn vào cả hai phương diện là nhìn lại quá khứ và hướng đến phía tương lai. Đúng là hiện tại đang có tình trạng chia rẽ thật, nhưng đã có lúc tình trạng còn tồi tệ hơn. Chúng ta không thể nào quên một trong những thời khắc đẫm máu nhất trong lịch sử nước Hoa Kỳ, khi những người ở các tiểu bang này đánh những người ở tiểu bang khác và quốc gia, suốt một khoãng thời gian, đất nước đã chia ra nhiều quốc gia riêng biệt. 

Vượt lên trên những điều đó, hãy nhìn vào tương lai. Kinh Thánh nói khá rõ ràng rằng có một thời điểm sẽ đến khi Chúa Giê-Su quay trở lại, Ngài sẽ mở ra sự chung cuộc của vương quốc của Ngài, và mọi thứ xấu xa mà chúng ta đang trải qua sẽ biến mất. Đây là thời điểm có thể khó khăn, nhưng thời gian này cũng là tạm thời. Chúa Giê-Su đang trở lại và Ngài sẽ làm cho mọi thứ trở nên theo lẽ đúng. Cho đến lúc đó, Ngài sẽ kiểm soát tất cả.

Vào thời điểm mà chúng ta có thể bị mù bởi sự chia rẽ xảy ra ở khắp nơi thì Lễ Tạ Ơn thật sự có thể trở thành thời điểm tốt để chúng ta suy gẫm về Đức Chúa Trời là ai, chúng ta là ai và vị trí của chúng ta trong câu chuyện tối thượng của Đức Chúa Trời. Và sau đó hãy dâng lòng biết ơn. Đức Chúa Trời là tốt lành, chúng ta có ân điển và cuối cùng mọi thứ sẽ ổn. Amen.

 

Barnabars Huỳnh

(Lược dịch theo: lifewayvoices.com)

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan