13
BẠN CÓ THỂ LÀM SÂU NHIỆM LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MÌNH QUA SỰ KIÊNG ĂN
Tại sao Hội thánh lại rất ít đề cập đến sự kiêng ăn? Làm cách nào Sa-tan có thể khiến nhiều nhà lãnh đạo Cơ-đốc ngày nay né tránh chủ đề này? Mặc dù kiêng ăn được giảng dạy và thực hành rõ ràng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, nhưng tôi chưa bao giờ được nghe một sứ giả nào giảng đầy đủ về chủ đề này.
Môi-se đã hai lần kiêng ăn suốt 40 ngày (Phục 9:9, 18) cho đến khi mặt ông phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Giô-suê đã kiêng ăn sau khi thất bại trước thành Ahi (Giô-suê 7:6). Trong thời kỳ các quan xét (Quan 20:26) và Sa-mu-ên (I Sam 7:6, 12), tất cả dân Y-sơ-ra-ên đều đã kiêng ăn. Đa-vít đã kiêng ăn trước khi đội vương miệng, khi con trai ông bị ốm nặng, khi kẻ thù ông bị đau ốm (Thi 35:13), và khi dân sự phạm tội (69:9-10). Giô-sa-phát và dân sự đã kiêng ăn cho đến khi Đức Chúa Trời phán: “Trong trận này các ngươi sẽ chẳng cần tranh chiến” (II Sử 20:17). Họ đã chiến thắng nhờ kiêng ăn và ngợi khen Chúa, mà không cần phải chiến đấu hoặc đổ máu. Ê-li, Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên – tất cả đều được biết đến vì sự kiêng ăn của mình.
Kiêng ăn là một chiến lược đầy quyền năng được Chúa chúc phước của Hội thánh đầu tiên và qua đời sống của nhiều nhà lãnh đạo mà Đức Chúa Trời đã dấy lên. Phao-lô đã cầu nguyện kiêng ăn tại mọi Hội thánh mà ông đến thăm (Công 14:23). Các Hội thánh thời Tân Ước này đã không được thành lập bằng phương cách nào khác.
Êpiphanius, Giám mục ở xứ Salamis (sinh năm 315 sau Chúa), đã viết: “Ai không kiêng ăn vào ngày thứ tư và thứ sáu trong tuần đều bị các Cơ-đốc nhân trên khắp thế giới xem xét!” Vào thế kỷ XIII, Francis của xứ Assisi đi khắp các đường phố ở nước Ý ca hát, giảng đạo, làm chứng, cầu nguyện và kiêng ăn cho đến khi hàng ngàn nghìn thanh niên được cứu. Martin Luther đã bị chỉ trích vì kiêng ăn quá nhiều. John Calvin đã kiêng ăn và cầu nguyện cho đến khi hầu hết mọi người ở Geneva ăn năn quay về với Chúa, mỗi nhà đều có ít nhất một người hay cầu nguyện, John Knox đã kiêng ăn cầu nguyện cho đến khi Nữ hoàng Mary tuyên bố bà sợ lời cầu nguyện của ông hơn sợ quân đội của xứ Scotland. Trong thực tế, hầu hết các nhà cải chính như Latimer, Ridley, Cranmer đều được biết đến qua sự cầu nguyện kiêng ăn của họ.
John Wesley đã kiêng ăn tuần hai lần cho đến bữa ăn nhẹ vào bữa tối theo cách thức của Hội thánh đầu tiên. Ông thúc giục tất cả các môn đồ mình cùng làm như vậy. Ông nói mình sẽ bị rủa sả hay xét đoán nếu không kiêng ăn, vì “trên thiên lộ lịch trình, người không bao giờ kiêng ăn cũng chẳng hơn gì người chưa từng cầu nguyện”. Jonathan Edwards rất mạnh mẽ trong sự kiêng ăn cầu nguyện. Một số người nói ông đã kiêng ăn quá mức cho đến khi hầu như kiệt sức không đứng nổi trên bục giảng, nhưng ông đã làm chuyển động cả New England cho Đức Chúa Trời. Charles G. Finney được Đức Chúa Trời sử dụng đầy năng quyền trong cuộc phục hưng ở thế kỷ XIX, đã kiêng ăn đều đặn hàng tuần. Bất cứ lúc nào nhận biết Chúa Thánh Linh ít hiện diện trong các buổi nhóm lại, ông thường dành ba ngày đêm kiêng ăn cầu nguyện. Ông cho biết là sau đó, Đức Thánh Linh tiếp tục vận hành trong quyền năng và cuộc phục hưng lại tiếp diễn. Dwight L. Moody đôi khi cảm nhận một nhu cầu đặc biệt trong các chiến dịch truyền giảng nên thường hay nhờ Học việc Thánh kinh Moody kêu gọi các ban ngành và sinh viên kiêng ăn cầu nguyện một ngày. Thường thì họ hay cầu nguyện thâu đêm suốt sáng. Ông tuyên bố: “Nếu bạn cho rằng mình chỉ kiêng ăn khi nào Đức Chúa Trời đặt để điều đó trên mình, thì bạn sẽ không bao giờ làm được việc gì. Bạn chỉ mãi là nguội lạnh và thờ ơ. Hãy mau nhận lấy ách đó cho mình đi!”
Kiêng ăn là hoạt động khá phổ biến trong các công trường truyền giáo của chúng ta ngày nay. Giống như mọi sinh hoạt tôn giáo khác mà Chúa qui định, kiêng ăn có thể bị sử dụng sai hoặc lạm dụng. Chúng ta sẽ nói đến điều này ở phần sau, nhưng kiêng ăn vẫn là cách Đức Chúa Trời chọn để làm cho sự cầu nguyện thêm sâu nhiệm và mạnh mẽ. Bạn sẽ nghèo nàn về thuộc linh và khô hạn trong đời sống cầu nguyện cho đến khi bạn thực hành đặc quyền kiêng ăn này.
Đây là thời điểm chiến trận thuộc linh cho các quốc gia và dân tộc, nhưng Cơ Đốc Nhân xác thịt chỉ thích biểu dương lực lượng. Đây là thời điểm của sự hiệp một, nhưng tính xác thịt lại theo đuổi khuynh hướng cá nhân. Chúng ta cần những hành động đầy năng lực của Thánh Linh, nhưng bản ngã xác thịt chỉ thích diễn thuyết. Lúc này cần phải kiêng ăn, nhưng dân sự lại thích tiệc tùng hơn (Ês 22:12-13).
Thời đại Cơ Đốc đã bắt đầu bằng những con người không kể điều gì là của riêng mình (Công 4:32) và quyền phép vĩ đại cùng ân điển lớn lao đã tuôn đổ trên Hội thánh. Hiện nay, chúng ta ngày càng nắm giữ nhiều thứ cho riêng mình, muốn sở hữu các vật dụng và tiện nghi tân tiến nhất. Chúng ta không hiểu được tinh thần kiêng ăn hoặc tinh thần vác thập tự giá của Đấng Christ. Vì sự vui mừng của mùa gặt nên Phao-lô đã làm việc cực nhọc, cầu nguyện kiêng ăn và làm rúng động Đế quốc La Mã cho Đấng Christ. Vì sự vui mừng đặt trước mặt Ngài, mà Chúa Jêsus đã nhận lấy thập tự giá (Hê 12:2) và đã ban sự cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai tin nhận danh Ngài.
Vai trò thuộc linh của sự kiêng ăn
Sự kiêng ăn theo Kinh Thánh là một hình thức từ bỏ chính mình vì lợi ích của Chúa Jêsus và Vương quốc Ngài. Đó là quyết định kiêng cữ một phần hoặc tất cả thức ăn vì một chủ đích thuộc linh. Điều này đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh sâu xa. Sự kiêng ăn vì sức khỏe đôi khi có thể đem lại lợi ích về thể chất, nhưng đây không phải là ý nghĩa kiêng ăn của người Cơ Đốc. Kiêng ăn theo Kinh Thánh là tự nguyện, không dùng thực phẩm vì sự đói khát tâm linh trong mình thật sâu xa, quyết định cầu thay trong mình thật mãnh liệt hoặc trận chiến thuộc linh thúc đẩy chúng ta tạm gác lại nhu cầu ăn uống để tập trung hoàn toàn vào sự cầu nguyện và suy gẫm.
Tinh thần kiêng cữ cũng có thể được áp dụng cho giấc ngủ. Đấng Christ thường hay bớt ngủ nghỉ nhằm dành thêm nhiều thời giờ ở riêng với Đức Chúa Cha. Bạn có thể bớt ngủ hay kiêng ăn với cùng một lý do. Hàng tháng hay hàng tuần, nhiều nhóm trong số 105 đội thành lập Hội Thánh của OMS thường kiêng ăn hoặc cầu nguyện thâu đêm, ít ra mỗi tháng một lần. Thỉnh thoảng cũng có những người mới tin Chúa tham gia. Cùng một sự đói khát, cưu mang và quan tâm thuộc linh làm động lực thúc đẩy kiêng ăn hay bớt ngủ.
Kiêng ăn thật chính là quyết định tạm rút một thời gian khỏi sự thông công với gia đình và bạn bè để tận hiến chính mình cách trọn vẹn và riêng tư hơn cho sự thông công với Đức Chúa Trời và cầu thay. Khi các anh em đồng đức tin với chúng tôi ở Hàn Quốc kiêng ăn trong 40 ngày, họ thường đi riêng rẽ lên một ngọn núi đặc biệt gọi là “nhà cầu nguyện hay trung tâm tĩnh nguyện”. Nơi đó họ kết hợp kiêng ăn, bớt ngủ và tránh các giao tiếp xã hội hằng ngày.
Các ngày tĩnh tâm trọn ngày như vậy có thể kết hợp kiêng ăn và không giao tiếp, nghĩa là ưu tiên dành trọn thời gian cho sự cầu nguyện. Thật không may là kiểu tĩnh tâm duy nhất mà nhiều người biết đến thường là một buổi nhóm có ca hát, sứ điệp và ăn uống, còn sự cầu thay tích cực chỉ có tính cách chiếu lệ với rất ít thời gian còn lại. Đấng Christ đã yêu cầu các môn đồ đi tản ra xa, để Ngài có thêm nhiều thì giờ biệt riêng cho sự cầu nguyện (Mat 14:23). Những lần khác, Ngài không cho phép ai theo – ngoại trừ 3 môn đồ (Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng) hoặc 12 sứ đồ (Mat 17:1; Lu 8:18).
Theo nghĩa rộng, kiêng ăn là sự tự chối mình có chủ đích nhằm tăng trưởng thuộc linh mạnh hơn và để mở rộng bờ cõi Nước Trời hơn. Bạn có thể từ bỏ các hoài bão, ước vọng và chương trình riêng, bỏ các thú tiêu khiển, quyền lợi và niềm vui hợp pháp, bỏ các tiện nghi xa hoa của mình. John Wesley khi xem lướt qua ngôi nhà của một vị quý tộc đã ngưỡng mộ các tác phẩm nghệ thuật đắc giá, biểu tượng về văn hóa và sự giàu có. Ông nói: “Tôi cũng thích những điều này, nhưng còn một thế giới khác nữa.”
Trung tâm của Phúc Âm là thập tự giá. Tinh thần của Đấng Christ là hy sinh xả kỷ. Thập tự giá, sự hy sinh, tự chối mình và kiêng ăn đều có mối quan hệ hỗ tương. Đó là tinh thần đặt Đức Chúa Trời lên trên hết: Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, tinh thần đặt ưu tiên cho ý chí của Đức Chúa Trời và các mục đích đời đời, tinh thần mỗi ngày mang thập tự giá mình mà theo Đấng Christ. Trung tâm của đời sống nên thánh là giai đoạn khổ hình khi chịu đóng đinh, hạ mình đầu phục Chúa và khi tận hiến trọn vẹn mà kết quả là một nếp sống mang dấu ấn của thập tự giá. Tín đồ đầy dẫy Thánh Linh cần tìm được niềm vui trong sự kiêng ăn vì các mục tiêu của Nước Trời.
Kiêng ăn có thể bị lợi dụng
Trong lịch sử Hội thánh, có lúc đã từng có sự nhấn mạnh sai lầm về nếp sống khổ hạnh nên chúng ta phải cẩn thận với động cơ sai trật hoặc ngay cả với sự thái quá. Tuy nhiên, so với việc đi đến mức thái quá thì các Hội thánh Tin Lành đang gặp nguy cơ lớn hơn, vì đã làm ngơ ý chí của Đức Chúa Trời và các phước hạnh của sự kiêng ăn như là một phương tiện của ân điển. Bất cứ phương tiện ân điển nào đều có thể trở nên mối nguy hiểm khi nó chuyển thành cứu cánh trong chính mình (mà không dẫn đến Chúa).
Đừng kiêng ăn để kiếm chác ơn phước của Đức Chúa Trời. Có thể rơi vào sự nguy hiểm tế nhị khi nghĩ rằng nếu mình cầu nguyện đủ, chắc Chúa sẽ nhậm lời hay nếu mình kiêng ăn đủ, Ngài sẽ để ý đến lời mình xin. Tai của Đức Chúa Trời luôn mở ra để lắng nghe bạn; lòng Ngài luôn nhân từ. Có thể bạn chưa bao giờ tìm được sự cứu rỗi của Chúa cho một thân hữu, hay ơn phước của Đức Chúa Trời trên công việc mình làm, hoặc sự phục hưng cho Hội thánh. Các điều này không thể đến qua nghi thức tôn giáo hay các sinh hoạt quá khích, vì chúng đều là các quà tặng từ ân điển và lòng thương xót của Ngài.
Đừng kiêng ăn như một việc thay thế cho sự vâng lời. Ês 58:1-11 đã đưa ra lời kêu gọi của Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài là những kẻ đang kiêng ăn như là phương tiện hối lộ Ngài. Thay vào đó, họ được thúc giục ngừng tranh cãi, tu chỉnh công lý, giúp kẻ nghèo khó, thiếu thốn và cất bỏ gánh nặng trên vai người khác, nếu thật lòng muốn Chúa nhậm lời khi họ cầu nguyện và kiêng ăn: “Các ngươi kiêng ăn trong ngày như vậy, thì tiếng các ngươi chẳng được nghe thấu nơi cao” (c.4)
Nếu Đức Chúa Trời cáo trách bạn về tội chểnh mảng một nhiệm vụ nào đó, thì tội đó sẽ ngăn trở lời cầu nguyện cho đến khi bạn sửa lại cho đúng. Sự kiêng ăn không thể như của lễ hối lộ để Ngài bỏ qua sự bất tuân của mình. Đức Chúa Trời ưa thích sự vâng lời hơn là của tế lễ, nhưng sự vâng lời cộng với của tế lễ lại càng đẹp lòng Ngài hơn.
Đừng kiêng ăn để gây ấn tượng cho người khác. Sứ điệp của Xa-cha-ri cho dân Y-sơ-ra-ên vọng lại sứ điệp của Ê-sai: Kiêng ăn không tự động đem lại phước hạnh của Đức Chúa Trời, còn sự bất công và thiếu lòng thương xót có thể làm mất giá trị của kiêng ăn. Các con cái Y-sơ-ra-ên đã giữ thói quen tôn giáo này để gây ấn tượng cho người khác và Đức Chúa Trời hơn là để tìm kiếm Ngài.
Đấng Christ đã dạy rằng khi kiêng ăn (chú ý: không phải nếu) thì phải làm điều đó cách kín nhiệm, đừng như người Pha-ri-si là kẻ giả hình, họ không rửa mặt, không xức dầu để khiến người khác chú ý đến sự mộ đạo của mình. Kiêng ăn phải được thực hiện vì Đức Chúa Trời, không phải để người khác nhận biết.
Đừng để kiêng ăn trở thành đơn thuần là một hình thức. Như phép Báp-têm, lễ Tiệc thánh, đọc Kinh Thánh hay dâng 1/10 có thể trở thành những nghi thức trống rỗng, thì cầu nguyện và kiêng ăn cũng có thể chỉ là hình thức. Bất cứ phương tiện ân điển nào cũng có thể thoái hóa thành cứu cánh trong chính nó. Cách chữa trị ở đây không phải là dừng lại không thực hành nữa mà là làm tất cả mọi sự xuất phát từ tình yêu sâu đậm và lòng tận hiến với Chúa.
Đừng kiêng ăn như một hình thức giữ luật pháp. Bất kỳ sự thực hành tôn giáo nào được Kinh Thánh dạy đều có thể trở thành sự trói buộc theo luật pháp. Bạn có thể bị trói buộc qua số giờ cầu nguyện, số tiền dâng cho công việc của Đức Chúa Trời hay bởi lịch nhóm lại dày đặc của Hội thánh. Câu trả lời không nằm trong việc đình lại mọi hoạt động này, nhưng do lòng quá yêu mến Chúa đến nỗi bạn muốn tận dụng mọi cơ hội hay phương tiện để có thời gian gần gũi Ngài hơn.
Tự kỷ luật không có nghĩa là tuân theo luật pháp cách cứng ngắc. Tự kỷ luật có thể giúp bạn thiết lập thời gian biểu cụ thể cho sự cầu nguyện, với thời lượng tối thiểu, có danh sách cầu thay và đi kèm với sự kiêng ăn. Cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng cho nhưng lần được Thánh Linh chỉ dẫn về kiêng ăn cầu nguyện, tức là bất ngờ và không theo thời gian biểu. Có thể tìm thấy điều này giữa vòng các sự từng trải đậm đà nhất. Nếu chỉ cầu nguyện hoặc kiêng ăn khi cảm thấy thích, thì bạn sẽ trở nên yếu mỏn thuộc linh và bỏ lỡ nhiều phước hạnh lớn lao mà Đức Chúa Trời rất muốn dành cho bạn.
Cách kiêng ăn với Chúa
1. Kiêng ăn để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hãy kiêng ăn vì bạn muốn đến gần Chúa hơn. Hãy kiêng ăn vì Ngài thật quý trọng với bạn, đến nỗi bạn muốn dâng cho Ngài một món quà có giá trị. Hãy kiêng ăn vì Ngài đã chịu nhiều đau đớn cho bạn, đến nỗi bạn vui nhận tinh thần thương khó của Ngài. Hãy kiêng ăn vì bạn yêu mến Ngài và muốn yêu Ngài nhiều, thật nhiều hơn nữa. Đức Chúa Trời đã hỏi trong Xa 7:5 “Có phải các ngươi thật vì Ta mà giữ lễ kiêng ăn đó chăng?” Đức Chúa Trời tiếp nhận sự kiêng ăn của bạn như báu vật khi bạn kiêng ăn để làm đẹp lòng Ngài.
2. Kiêng ăn để đáp ứng kêu gọi của Đức Chúa Trời. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, kiêng ăn là một dấu ấn để nhận biết lòng mộ đạo giữa vòng các người nam và người nữ, các tín hữu bình thường và tôi tớ đặc biệt của Đức Chúa Trời. Thời Cựu Ước, tiên tri Giô-ên đã kêu gọi: “Hãy định sự kiêng ăn thánh” (Giô-ên 1:14; 2:15). Thời Tân Ước, chính Chúa Jêsus đã tuyên bố mong đợi dân sự Ngài kiêng ăn (Lu 5:33-35).
Chúng ta được kêu gọi để thờ phượng Đức Chúa Trời và sự kiêng ăn được cụ thể hóa là “thờ phượng” trong Lu 2:37 và Công 13:2. Nếu chưa từng kiêng ăn có lẽ sự thờ phượng của bạn còn đang thiếu hụt một điều nào đó.
3. Kiêng ăn để hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, kiêng ăn thường được liên kết với ăn năn (I Vua 21:27; Thi 35:13). Nhưng có nhiều điều đối với sự kiêng ăn hơn là tác dụng của nó trong giai đoạn đầu của sự ăn năn; bạn cần hạ mình xuống trước Chúa nhiều lần và hơn nữa như Đa-vít đã làm (Thi 35:13). Kiêng ăn có thể khiến bạn cảm nhận được lòng mình trống rỗng, thiếu hụt không đáp ứng được và khao khát Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời…ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (I Phi 5:6).
4. Kiêng ăn để hoàn toàn tìm kiếm Đức Chúa Trời. Bạn phải yêu kính Đức Chúa Trời với hết cả con người mình – hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức (Mác 12:30.33). “Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi tìm kiếm Ta hết lòng” (Giê 29:13). Kiêng ăn là phương cách thiêng liêng để tìm kiếm Đức Chúa Trời với hết cả lòng mình.
Đấng Christ đã dạy: để nhận được sự trả lời thiêng thượng, chúng ta phải “xin …tìm…gõ cửa” (Mat 7:7). Mỗi từ đều diễn tả mức độ sâu hơn với ý nghĩa rất súc tích. Cũng vậy, kiêng ăn bày tỏ lòng khao khát mãnh liệt muốn tìm kiếm Đức Chúa Trời. Sự đói khát muốn nhìn thấy Đức Chúa Trời và quyền năng Ngài có thể lớn đến mức con người có thể quên mất nhu cầu ăn uống của thể xác. Có thể đạt đến điều này qua sự kiêng ăn có chủ đích để làm tăng lòng khao khát, cho dù thể xác có đói mềm.
5. Kiêng ăn như một nếp kỷ luật thánh cho linh hồn bạn. John Wesley cũng tin và dạy rằng chúng ta có thể tìm kiếm Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện kiêng ăn. Ông nhấn mạnh việc thiết lập phương pháp qui định một người cùng đi với Đức Chúa Trời, nên các môn đồ đầu tiên của Wesley được gọi là “phái Giám lý” (người theo phương pháp).
Môn đồ của Chúa Jêsus là người theo Chúa với nề nếp kỷ luật. Các thói quen kiêng ăn cầu nguyện là một phần tự nhiên trong đời sống tâm linh của những ai bước đi theo Ngài. Chúng cung cấp cách thức đều đặn để đến gần Đức Chúa Trời, tra xét chính mình trước mặt Ngài và dấn thân sâu hơn vào đời sống cầu thay. Đây là một phương cách quý báu để vác thập tự giá mình mà theo Chúa (Mat 16:24).
Chúng ta nên nhớ rằng ngày nay, phương pháp của các sứ đồ vẫn còn giá trị. Sa-tan ghét sự kiêng ăn, nhưng Đức Chúa Trời lại quý trọng điều đó. Trong thời kỳ truyền giáo này, một Hội thánh mạnh mẽ phải thắng trong các chiến trận cho Chúa và một lần nữa, chấp nhận chiến lược của Đức Chúa Trời là thêm kiêng ăn vào sự cầu nguyện.