31. CÁCH TỔ CHỨC MỘT KỲ TĨNH TÂM
Kỳ tĩnh tâm bao gồm gần hết một ngày, kỳ nghỉ cuối tuần hoặc khoảng vài ngày để có đủ thời gian dài hơn ở riêng với Đức Chúa Trời. Tôi có thể thuật lại lời chứng của hàng nghìn người rằng đời sống tâm linh của họ sẽ kém hiệu quả nếu thiếu các kỳ tĩnh tâm thường xuyên như thế. Đức Chúa Trời đã bày tỏ ý chỉ Ngài cho tôi theo cách thức và liên quan đến các vấn đề mà trước đó tôi đã không hề nghĩ đến việc ưu tiên kéo dài gian ở riêng với Ngài. Tôi không muốn đánh đuổi các từng trải đó với bất kỳ điều gì trên đất vì chúng đã có ảnh hưởng rất lớn trên toàn bộ sự phục vụ sau này của tôi với Chúa.
Thời gian kéo dài như vậy với Chúa Jêsus có thể làm phấn hưng cho cá nhân, khiến tâm hồn bình an, thư thái, tươi mới giữa vòng áp lực và biết rõ ý Chúa hướng dẫn khi hoạch định đời sống hay đối diện với các quyết định quan trọng. Chúng ta hầu như thiếu khôn ngoan khi có một quyết định lớn mà thiếu giờ biệt riêng cầu nguyện như thế. Thời gian tĩnh tâm đặc biệt cũng có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc dọn đường cho Chúa (xem chương 21 và 22).
Charles G.Finney – nhà truyền giảng Phúc âm cho hội chúng được Đức Chúa Trời trọng dụng trong thập niên 1850 được xem là nhà truyền giảng lớn nhất kể từ thời sứ đồ Phao-lô. Hơn ½ triệu người đã quy phục Đấng Christ trong cuộc phục hưng mạnh mẽ khởi đầu từ các buổi nhóm của ông. Ước tính chỉ trong năm 1857-1858, hơn 100.000 người đã gặp Đấng Christ cách trực tiếp hay gián tiếp qua chức vụ của ông và hơn 85% trong số người tin Chúa qua các buổi nhóm của Finney vẫn trung tín với lời cam kết dâng mình từ ban đầu, là thuộc viên các Hội thánh và theo đuổi sự tăng trưởng thuộc linh. Song ngày nay, chỉ cần 6% số người công xưng niềm tin qua các chiến dịch truyền giảng Phúc âm sau này gia nhập Hội thánh thì chúng ta cũng đã thỏa lòng rồi!
Đâu là sự khác biệt? Finney viết về cách Đức Chúa Trời ban cho ông những lần đổ đầy quyền năng của Thánh Linh: “Dường như điều này đi xuyên qua tôi, cả thân thể và tâm hồn. Lập tức tôi thấy mình được mặc đầy bằng quyền phép dường ấy từ trên cao đến nỗi chỉ cần vài lời tuôn ra chỗ này, chỗ kia cho các cá nhân thì đã khiến họ quy đạo ngay. Các lời tôi nói thắt chặt dường như những mũi tên có ngạnh thấu vào linh hồn người ta. Chúng như gươm xé thấu; như búa đập tan lòng. Hàng vạn người có thể làm chứng về điều này…Đôi lúc tôi lại thấy mình ở trong một sự trống vắng vô độ của quyền năng này. Tôi có thể đi thăm viếng và nhận ra mình không đem đến một ấn tượng cứu rỗi nào. Tôi có thể thúc giục và cầu nguyện với kết quả như vậy. Rồi, tôi thường biệt riêng một ngày để kiêng ăn cầu nguyện… Sau khi hạ mình và kêu xin Chúa giúp đỡ thì quyền năng lại đổ xuống trên tôi với tất cả sự mới mẻ. Đây từng là kinh nghiệm của cuộc đời tôi”.
John N.Hyde – giáo sĩ Ấn Độ thuộc Hội trưởng lão là một trong các nhà sáng lập Đại Hội Đồng Sialkot ở Ấn năm 1904, vào khoảng thời gian có cơn phục hưng lớn tại xứ Wales. Cho đến nay, Đại Hội Đồng Sialkot vẫn tiếp tục là một nguồn phước lớn cho Hội thánh của Đấng Christ. Trước ngày diễn ra một trong số Hội đồng đầu tiên, Hyde và R. M’Cheyne Patterson đã cầu nguyện trông đợi Đức Chúa Trời trong 30 ngày. Khoảng hơn một tuần sau, George Turner gia nhập với họ. Suốt hơn 21 ngày nữa, ba người này đã cầu nguyện và ngợi khen Đức Chúa Trời vì đã tuôn đổ quyền năng Ngài cách mạnh mẽ. Điều này có đáng không? Thực tế là hàng nghìn người suốt nhiều năm sau đó đã gia nhập trong vương quốc của Đức Chúa Trời qua các lời cầu nguyện của họ.
Các cuộc tĩnh tâm cá nhân có nền tảng Kinh Thánh rõ ràng. Hoàn toàn có thể tin rằng: trước khi được cất lên, Hê-nóc đã có những lần biệt riêng như thế với Đức Chúa Trời. Ông “đồng đi với Đức Chúa Trời trong 300 năm rồi mất biệt, vì Đức Chúa Trời đã đem người đi” (Sáng 5:22-24). Môi-se đã trải qua 2 kỳ mỗi lần 40 ngày trên núi Sianai ở riêng với Đức Chúa Trời. Suốt thời gian này, Chúa đã tỏ bày chính Ngài ra cách đầy đủ cho ông hơn là cho bất cứ ai khác, hoặc trước hay sau đó. Phần nhiều thời gian của Ê-li tại khe Kê-rít (Ivua 17:2-7) chắc chắn để dùng cầu nguyện cho dân Y-sơ-ra-ên làm nơi tĩnh tâm kéo dài (Mác 11:19, Lu 21:37).
Nhiều nhà lãnh đạo Cơ đốc của Hàn Quốc hiểu được khái niệm này. Họ đã thực hành việc giành thì giờ ở riêng với Chúa nhằm tìm kiếm mặt Ngài và học biết ý chỉ Ngài. Vào lễ kỷ niệm lần thứ 75 ngày OMS phục vụ tại Triều Tiên, chúng tôi tổ chức một loạt khóa học về các Chi hội Triều Tiên đã lớn lên từ chức vụ của chúng tôi tại đó – Hội thánh Tin lành Triều Tiên. Hàng loạt Mục sư đã trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Khi nhắc đến chủ đề kiêng ăn, họ cho biết các hồ sơ ghi lại hơn 20.000 Cơ-đốc nhân Triều Tiên đã dành ra 40 ngày kiêng ăn và cầu nguyện.
Có thể bạn sẽ không được Đức Thánh Linh dẫn dắt biệt riêng 40 ngày để tĩnh tâm hoặc kiêng ăn một khoảng thời gian dài. Nếu Ngài quả dẫn dắt bạn trong việc này, bạn sẽ học cách chăm sóc cơ thể mình và chấm dứt kiêng ăn ra sao. Song các kết quả thật rõ ràng: những ai tìm kiếm Chúa trong các kỳ tĩnh tâm đều nhận được ân phước lớn lao.
Mục đích của kỳ tĩnh tâm
Mục đích kỳ biệt riêng cầu nguyện của bạn có thể là để đến gần Đức Chúa Trời. “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8). “Nhưng lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời” (Thi 73:28). Ôi, thật là một đặc ân khi dành thời gian để được gần gũi với tấm lòng của Chúa Jêsus!
Bạn có thể ao ước có thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời vì cần khám phá ý chỉ của Ngài về một vấn đề quan trọng nào đó. Đừng bối rối. Ngài muốn bạn hiểu được ý Ngài muốn. Ngài có một “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn” cho bạn (Rô 12:2). Ngài muốn “cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết thiêng liêng nữa” (Côl 1:9). Ngài có thể tỏ bày cho bạn một định hướng mới mẻ trong giờ bạn biệt riêng cầu nguyện. Ngài đã làm điều này cho tôi. Hoặc Ngài có thể khởi động tiến trình dẫn bạn đến sự hiểu biết trọn vẹn vào một thời điểm sau này. Ngài yêu bạn nhiều đến mức muốn bạn biết và làm theo ý chỉ Ngài.
Bạn có thể ao ước thời gian tĩnh tâm kéo dài này không vương vấn mối quan tâm cho một nhu cầu quan trọng hay cấp bách nào. Nhu cầu có thể liên quan đến một khía cạnh về chính nghĩa của Đức Chúa Trời cho dân tộc hoặc cộng đồng của bạn, cho một người bạn, người thân hay cho chính mình. Đừng ngần ngại cầu nguyện cho các nhu cầu cá nhân.
Cách hoạch định một kỳ tĩnh tâm
1. Hãy chọn một nơi để tập trung cầu nguyện mà không bị quấy rầy. Nhiều lần ở Ấn Độ, khi hết sức cần ở riêng một mình, tôi đi xe lửa đến ga kế tiếp và ở trọn ngày trong phòng chờ của nhà ga, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Dù điều kiện không là lý tưởng vì luôn có nhiều người ở xung quanh, song tương đối tôi không bị quấy rầy.
Ở Triều Tiên, nhiều Hội thánh có liên hệ với OMS có vài phòng cầu nguyện trong nhà thờ của họ, chỉ vừa đủ rộng cho một người. Các thuộc viên có thể đến bất cứ lúc nào, để giày ngoài cửa làm dấu phòng đã có người rồi trải hàng giờ hay cả 1, 2 ngày cầu nguyện ở đó. Các Hội thánh khác có một nhà cầu nguyện đặc biệt ở trên núi, sẵn sàng cho các thuộc viên sử dụng.
Khi tôi và nhà tôi là giáo sĩ đang phục vụ tại Ấn Độ, chúng tôi đến Landour, Mussoorie trên dãy Hy Mã Lạp Sơn vài tuần trong mùa hè để trốn cái nóng chết người. Tôi tìm thấy trên triền núi vài nơi lý tưởng cho các buổi tĩnh tâm của mình, có một điểm chỉ 9 dặm bên kia Landour. Đôi lần trong mỗi mùa hè, tôi thường đi ẩn lúc tảng sáng, cuốc bộ 9 dặm đến địa điểm và dành cả ngày hôm ấy ở riêng với Chúa. Ôi, thật là những lần phước hạnh biết bao!
Ở thành phố Allahabad, tôi sắp xếp với bạn bè để có thể dùng một phòng trống xây bên ngoài nhà kho làm chỗ tĩnh tâm. Không có điện thoại, cũng không có ai để làm gián đoạn giờ tôi ở riêng với Chúa. Vào các lần khác, tôi đã sử dụng căn phòng trống của một nhà thờ. Khi chân thành ao ước tìm kiếm Đức Chúa Trời trong mối tương giao kéo dài, Ngài đã dẫn dắt bạn đến nơi thích hợp.
2. Hãy chọn một buổi mà bạn có thể thoát khỏi các áp lực và sự gián đoạn. Với một số người thì chiều Chúa nhật là thời gian thuận tiện để tĩnh tâm ngắn. Hãy xem xét việc để một phần của kỳ nghỉ phép hoặc chọn một ngày nghỉ của cơ quan để có một buổi tĩnh tâm dài hơn. Bạn có thể hoạch định một buổi cầu nguyện nửa đêm, bắt đầu từ giờ ăn tối. Bạn có thể bỏ qua giờ ăn tối để có thêm giờ cầu nguyện với sự kiêng ăn ngắn.
3. Hãy chuẩn bị các vật dụng cần có. Danh sách các thứ cần có cho giờ tĩnh tâm là:
a) Kinh Thánh
b) Thánh ca
c) Bút vỡ
d) Kinh Thánh phù dẫn
e) 1, 2 bản dịch Kinh Thánh khác hoặc chỉ là Tân ước thôi.
f) Sách tĩnh nguyên hoặc về phục hưng, cầu nguyện hay về Đức Thánh Linh.
g) Đèn pin (nếu cần).
h) Tấm đệm hoặc gối để quỳ.
i) Đồng hồ báo thức (đặc biệt khi bạn có kế hoạch cầu nguyện nhiều ngày).
j) Chăn mỏng.
k) Sổ tay cầu nguyện của bạn.
4. Hãy báo cho một người biết nơi có thể gặp bạn vào trường hợp khẩn cấp. Dù không công bố thời giờ thiêng liêng ở riêng với Đức Chúa Trời, song bạn cần cho một người trong Hội thánh hoặc gia đình biết nơi mình ở vào lúc này. Sau kỳ tĩnh tâm, bạn có thể cần điều đó, khi có người đã cố liên lạc suốt lúc bạn đi vắng nhưng chỉ khi thật sự cấp bách mà thôi. Bạn cũng nên làm chứng, song phải cẩn thận quy mọi vinh hiển cho Đức Chúa Trời và không để người khác chú ý đến mình.
5. Hãy bắt đầu giờ tĩnh tâm cách thoải mái nhất. Khi dự định một kỳ tĩnh tâm nhiều ngày, bạn sẽ cần được làm mới lại cách thích hợp để ở riêng với Chúa. Khi cơ thể đòi nghỉ ngơi thì giấc ngủ hoàn toàn là thuộc linh. Một lúc nào đó trong kỳ tĩnh tâm, bạn có thể cần ngủ một chút trước khi tổng kết sự cầu nguyện và suy niệm của mình về Chúa. Đây là lúc bạn cần đến đồng hồ báo thức.
Cách đầu tư giờ cầu nguyện của bạn
Tuần tự, Đức Chúa Trời có thể chỉ dẫn bạn thay đổi cách cầu nguyện. Hãy tin cậy Đức Thánh Linh hướng dẫn bạn. Tuy nhiên, các gợi ý dưới đây có thể giúp đỡ bạn.
1. Hãy khởi đầu giờ cầu nguyện bằng sự thờ phượng vui vẻ. Thi thiên 104 thúc giục chúng ta bước vào sự hiện diện của Chúa bằng lời cảm tạ và ngợi khen. Hãy để thì giờ cảm tạ Đức Chúa Trời là Chúa hằng hữu vì tình yêu và các thuộc tính khác của Ngài, vì sự lìa bỏ thiên đàng để nhập thể và mọi việc lành của Ngài, vì sự chết và sống lại của Ngài, vì lòng nhân từ Ngài đối với bạn, vì sự sáng tạo đẹp đẽ của Ngài, vì các bạn hữu Cơ đốc và vì Hội thánh.
Các hình ảnh thành văn trong sách Khải huyền cho thấy các thiên sứ, các hữu thể trên trời và các thánh của Đức Chúa Trời cũng hát nữa (Khải 4:8-11. 5:6-14, 7:9-12, 14:2-3, 15:2-4, 19:1-7). Đức Chúa Trời ưa thích tiếng hát. Tiếng hát và sự hoan ca đã có trên thiên đàng trước khi có loài người trên đất (Gióp 38:7). Chính Đức Chúa Trời được mô tả là đang vui mừng ca hát vì cớ chúng ta hay có thể cùng với chúng ta (Sô 3:17). Ngài đã dựng nên loài chim, con người và thiên sứ để ca hát. Bạn đem niềm vui cho tấm lòng của Đức Chúa Trời khi bạn hát ngợi khen Ngài hoặc bằng lời hay trong lòng.
Một số thánh ca vĩ đại của Hội thánh là những bài ca ngợi khen. Bạn sẽ muốn học thuộc một số lời và phiên khúc để tuần tự ngâm nga trong giờ cầu nguyện hằng ngày của mình.
Tôi cảm nhận lòng mình rộn rã khi tôi đến gần nơi chốn và giờ cầu nguyện đặc biệt. Tôi sắp đến giờ ở riêng với Chúa Jêsus! Thật thiêng liêng và tuyệt vời dường bao! Thật phước hạnh làm sao!
2. Hãy khởi sự ăn nuốt Lời Đức Chúa Trời. Thông thường, điều quan trọng trước tiên là lắng nghe Đức Chúa Trời. Lắng nghe cũng quan trọng như nói; ăn nuốt Lời Chúa cũng quan trọng như cầu thay. Bạn có thể thường xuyên nghe được tiếng Ngài qua việc đọc Lời Ngài.
Hãy dành hết thời gian mà bạn cần để làm no đủ lòng mình bằng Lời Chúa. Đôi lúc bạn có thể muốn đọc một số phần Kinh Thánh khi đang quỳ gối. Tiếp tục đọc Kinh Thánh cách có hệ thống thường tốt hơn là nhảy cóc. Mặt khác, bạn có thể được chỉ dẫn bắt đầu đọc một phần của sách Thi thiên khoảng 25 đoạn hoặc hơn, hay đọc hết một sách Phúc âm, một thư tín. Hãy thoải mái làm theo điều Thánh Linh gợi ý cho lòng bạn.
Hãy đọc Kinh Thánh để được phước. Đừng soạn các bài nghiên cứu chính quy hoặc đọc theo các phân tích nếu Chúa không chỉ dẫn bạn làm điều ấy. Hãy chỉ nuôi mình bằng Lời Đức Chúa Trời và sự tốt lành của Ngài. Bạn đang dọn lòng để tương giao với Ngài, thờ phượng nơi chân Ngài để cầu thay cho người khác và để đắc thắng trong các chiến trận cầu nguyện. Trong mọi điều này, Lời của Đức Chúa Trời đặt một nền móng vững bền.
3. Hãy tập trung cầu nguyện các điều Đức Chúa Trời quan tâm. Trong lời cầu nguyện Chúa Jêsus đã dạy cho môn đồ các thứ tự ưu tiên của Ngài là:
a) Danh Cha được tôn thánh (Ngài được kính trọng, tôn cao và vinh hiển).
b) Nước Cha được đến (Chương trình của Chúa cho Hội thánh và thế giới hoàn toàn ứng nghiệm, sự cai trị của Ngài trên và giữa vòng loài người được bành trướng và Chúa Jêsus trở lại lần cuối).
c) Ý Cha được nên trên đất tại đây và ngay lúc này.
Các yếu tố này phải là một phần của mối quan tâm cầu nguyện hằng ngày của bạn, nhất là trong các kỳ tĩnh tâm kéo dài.
Hãy cầu nguyện xin Chúa phục hưng dân sự Ngài. Hãy cầu xin để Hội thánh chung có thể tỏ bày nếp sống thánh khiết, cách xa tinh thần và hành động của thế gian, một tình yêu tuôn tràn cho mọi người đặc biệt giữa người với người. Rồi, người chưa được cứu sẽ lại nói với nhau hôm nay những gì họ đã nói về Hội thánh trong thế kỷ đầu tiên: “Hãy xem kìa, các Cơ đốc nhân này yêu mến nhau dường bao!”.
Hãy cầu nguyện để sự cứu rỗi đến với vô số người chưa được cứu. Đức Chúa Trời được vinh hiển khi Phúc âm được rao truyền cho những ai chưa từng nghe được Phúc âm, khi một mùa gặt gồm các tín hữu mới được thu hoạch ở đây và khắp nơi trên đất. Đây là mục đích vĩ đại của Đức Chúa Trời – đại mạng lệnh cho Hội thánh. Sự cầu thay cho kẻ hư mất phải là một phần trong giờ cầu nguyện của tín đồ.
Hãy cẩn thận kẻo mình bị lôi cuốn vào các nhu cầu và lợi ích cá nhân đến mức lơ là cầu thay cho người khác. Nếu đặc trưng cho đời sống cầu nguyện của bạn là lời nài xin tư kỷ thì bạn sẽ vẫn không có lời đáp. Hãy tập thói quen cầu nguyện cho người khác nhiều hơn là cho chính mình và các người thân của mình. Khi giữ đúng thứ tự ưu tiên mà Chúa Jêsus đã dạy thì bạn chỉ cần cầu nguyện ít mà các nhu cầu riêng đã được đáp ứng! Chúa Jêsus đã hứa trong Mat 6:33 “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.
4. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa. Khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời dọn đường cho việc nài xin các nhu cầu cá nhân. Hãy công bố nhu cầu của bạn cho Ngài và nhìn nhận quyền tể trị của Ngài. Hãy sấp mình khiêm cung đầu phục Ngài. Hãy nhướng mắt nhìn xem Ngài khi bạn hoan ca và cảm tạ Ngài; rồi hạ mình với lòng khiêm nhu khi bạn bắt đầu cầu thay.
Có những lần chúng ta quỳ gối cầu nguyện khi cảm nhận về tội lỗi của dân tộc, của nhóm hay cá nhân mình. Lúc đó, sự xưng tội và hoàn toàn hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời có thể khởi đầu trước mọi khía cạnh cầu nguyện khác. Đây là kiểu mẫu của Thi thiên 51, Đa-vít đã đến gần Đức Chúa Trời với sự cáo trách sâu sắc về tội lỗi của chính mình.
Nếu lòng bạn đang chú về tội lỗi, Chúa sẽ không nghe lời bạn cầu xin (Thi 66:18). Tại Ca-đe Ba-nê-a Đức Chúa Trời đã không nghe lời cầu nguyện của dân Y-sơ-ra-ên khi họ đổ các giọt nước mắt tủi thân (Phục 1:45). Ngài cũng không tôn trọng lời xin của kẻ không ăn năn (Gióp 35:13). Sự tha thứ tội lỗi cá nhân và làm hòa với các anh chị em Cơ đốc mà mình đã sai phạm phải được tiến hành trước giờ tĩnh tâm của bạn (Mat 5:23-24, Rô 12:8).
Khi một tín hữu đầy dẫy Thánh Linh đi trong ánh sáng Chúa, bước vào sự hiện diện của Ngài thì người ấy đến cách vui mừng, không phải với đầu cúi gầm, mắt không dám nhìn lên như người thâu thuế vậy (Lu 18:13). Thay vào đó, như Chúa Jêsus, một người cần ngước xem thiên đàng, trước tiên ca ngợi Chúa và hớn hở trong tình yêu của Ngài. Tiếp theo là cầu thay cho các lợi ích của Nước Trời, rồi người tín hữu đầy dẫy Thánh Linh tất nhiên nghĩ đến các nhu cầu riêng của mình.
Với lòng biết ơn Chúa vì sự thương xót và tốt lành của Ngài, song cũng khiêm nhường thưa với Đức Chúa Trời bạn thật không đáng hưởng mọi sự tốt lành của Ngài và thường thiếu hụt sự vinh hiển Ngài dường bao (Rô 3:23). Sau đó, nhìn lại chính mình dưới ánh sáng của Đức Chúa Trời thánh khiết, bạn có thể nhớ lại các lời hấp tấp của mình đã nói, các bước đi thiếu khôn ngoan của mình và những lần bạn đã làm buồn Đức Thánh Linh. Đó là lúc để cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có tội nghịch cùng chúng con” (Mat 6:12).
Đức Chúa Trời “chống cự kẻ kiêu ngạo, song ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên” (I Phi 5:5-6). Với lòng khiêm nhường như vậy, bạn có thể trao mọi điều mình lo lắng cho Chúa (c.7). Ngài sẽ phấn hưng tâm linh của kẻ thống hối và khiêm nhu (Ês 57:15). Khi dân sự của Đức Chúa Trời hạ mình xuống và xưng nhận tội lỗi mình và các tội lỗi của xứ sở họ thì Đức Chúa Trời luôn tha thứ và chữa lành (II Sử 7:14).
5. Hãy trình các lời nài xin riêng của mình lên Chúa. Vì bạn là con cái Đức Chúa Trời nên mọi sự liên can đến bạn đều quan trọng với Ngài. Không có gì là quá lớn hay quá nhỏ mà bạn không thể chia sẻ với Cha thiên thượng của mình. Bạn cầu nguyện không phải để báo cho Chúa Jêsus những gì Ngài không biết, song để chia sẻ lòng ao ước, các nan đề và nhu cầu của mình. Bạn đến để chia sẻ với Chúa yêu thương. Ngài sẽ nghe bạn vì Ngài đang chờ bạn dâng các lời cầu xin cá nhân lên Ngài.
Đang khi trông đợi kỳ tĩnh tâm, bạn nên lập danh sách cầu thay cho cá người và nhu cầu. Rồi bây giờ là lúc xem xét danh sách đó. Khi có thêm các vấn đề nảy sinh, hãy ghi xuống. Hãy trình dâng các sự cầu xin của bạn từng điều một. Thời điểm để nài xin cho các nhu cầu của bạn là lúc bạn ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời (I Gi 5:14-15, Phil 4:19).
Như vua Ê-xê-chia, khi nhận thư San-chê-rip đe dọa, vua đã lên đền thờ và mở thư đó ra trước mặt Đức Giê-hô-va (II Vua 19:14-20). Vậy, bạn nên mở lòng mình ra và tự do chia sẻ với Ngài. Rồi như Chúa đã đáp lời vua Ê-xê-chia, Ngài sẽ phán với bạn: “Ta đã nghe lời con nài xin”.
6. Hãy dự kiến vài thay đổi hay khác biệt trong kỳ tĩnh tâm của bạn. Cầu nguyện có thể làm kiệt sức khi bạn trải liên tục hết giờ này đến giờ nọ. Bạn có thể cần thay đổi tư thế của mình. Hãy đứng dậy và đi vòng quanh một chút, hát thầm một bài, tuần tự cầu nguyện thành tiếng rồi cầu nguyện thầm hoặc theo một cách nào khác, hãy áp dụng sự thay đổi tiến trình. Nếu không kiêng ăn, một chút đồ ăn nhẹ có thể làm bạn sảng khoái. Đức Chúa Trời là Cha của bạn: Ngài hiểu rõ nhu cầu thể chất của bạn. Hãy thoải mái trong sự hiện diện của Ngài.
7. Hãy nắm chắc lời hứa của Đức Chúa Trời. Lúc nãy, bạn đã xây nền cho giờ cầu nguyện qua việc ăn nuốt Lời Chúa, làm no đầy linh hồn mình bằng Kinh Thánh, Đức Chúa Trời có thể ban cho bạn một lời hứa đặc biệt, đầy ấn tượng. Hãy sử dụng lời đó ngay giờ này. Hay khi bạn cảm nhận hiện diện của Đức Chúa Trời gần gũi, khi bạn cầu thay cho người khác và cho các nhu cầu riêng của mình, Đức Chúa Trời có thể khiến bạn nhớ lại các lời hứa đặc biệt khác. Nếu không, Ngài có thể hướng dẫn bạn trở lại Lời Ngài và ban phước cho lòng bạn một lời hứa mà bạn chưa từng chú ý suốt thời gian dài trước đó hoặc một lời hứa mà bạn đã nhiều lần sử dụng khi cầu nguyện. Không có lời hứa nào tràn ngập phước hạnh hơn các lời mà bạn đã sử dụng đi, sử dụng lại. Bây giờ, Ngài có thể áp dụng lời đó cách tươi mới cho nhu cầu của bạn.
Khi trở về xứ Ca-na-an và cầu nguyện thâu đêm, Gia-cốp nhắc Đức Chúa Trời về lời Ngài đã hứa (Sáng 32:9). Khi cầu thay với Đức Chúa Trời cho dân sự, Môi-se đã nhắc Đức Chúa Trời về lời Ngài (Xuất 32:13). Tác giả Thi thiên đã nài xin: “Xin Chúa nhớ lại lời Chúa đã phán với tôi tớ Ngài, vì Chúa khiến tôi trông cậy” (Thi 119:49). Phi-e-rơ đã thúc giục những ai nghe ông giảng vào ngày Lễ Ngũ tuần, công bố điều Đức Chúa Trời đã hứa (Công 2:39). Như Áp-ra-ham, chúng ta không được phép dao động vì vô tín về lời Chúa hứa, song vững vàng tin cậy lời Ngài, dân sự chúc tụng và vinh hiển lên Đức Chúa Trời (Rô 4:20). Vì sao? Vì chúng ta “được thuyết phục hoàn toàn” rằng Đức Chúa Trời trọn quyền làm những gì Ngài đã hứa (c.21).
Cầm Kinh Thánh trong tay và ngón tay đặt trên lời Chúa hứa. Hãy dạn dĩ, tin cậy, và đầy vui mừng đến với ngôi ân điển của Ngài! “Trong Ngài, chúng ta nhờ đức tin đến Ngài mà được tự do đến gần Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Êph 3:12). “Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một Thầy Tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong mà đến gần Chúa” (Hê 10:19-22).
8. Hãy chắc chắn kết thúc kỳ tĩnh tâm của bạn bằng một thì giờ ngợi khen, thờ phượng và cảm tạ khác nữa. Đến lúc kết thúc kỳ tĩnh tâm, Đức Chúa Trời có thể ban cho lòng bạn sự bình an phước hạnh, niềm tin quyết mới và niềm vui sâu đậm. Nay là lúc ca rao khải hoàn để chúc tụng Chúa. Nay là lúc một lần nữa yêu kính Chúa, chiêm ngưỡng và ngợi khen Ngài.
Dù chưa nhận lời đáp đầy đủ của Đức Chúa Trời hoặc chưa biết chắc cách Ngài sẽ hành động, bạn hãy trở lại với các nhiệm vụ của mình bằng tấm lòng ca hát, mạnh mẽ trong đức tin. Theo lời một bài thánh ca cổ điển: “Trong nơi sâu kín của sự hiện diện Ngài” do cô Ellen Lakshmi Goreh ở Allahabad, Ấn Độ viết:
“Và bất kỳ lúc nào bạn rời xa sự yên lặng
Của nơi nhóm họp vui vẻ đó,
Chắc chắn bạn sẽ mang lấy hình ảnh
Của Đấng Chủ tể trên gương mặt mình”.