Các nhà khoa học cảnh báo, căn bệnh phù não gây tử vong cao gấp 75 lần virus corona có thể đột biến trở thành đại dịch tiếp theo giết chết hàng triệu người.
Trả lời trang The Sun online, các chuyên gia cho biết làm thế nào mà một số các căn bệnh mới nổi có thể kích hoạt một đợt bùng phát dịch toàn cầu mới, và lần này có thể là “đại dịch”.
Họ e ngại rằng virus Nipah có nguồn gốc từ dơi ăn quả là mối quan tâm nghiêm trọng hàng đầu.
Chứng phù não nặng, co giật và nôn mửa chỉ là một trong số các triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm này. Căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1999.
Các đợt bùng phát ở Nam và Đông Nam Á cho thấy virus này cực kỳ nguy hiểm chết người, với tỷ lệ tử vong từ 40-75%.
Theo Imperial College (London), tỷ lệ tử vong của COVID-19 là khoảng 1%. Như vậy, đại dịch Nipah nếu xảy ra sẽ giết chết nhiều người hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp Nipah vào một trong 16 mầm bệnh ưu tiên nghiên cứu và phát triển do có khả năng gây ra đại dịch. Đáng sợ thay, Nipah chỉ là một trong 260 loại virus mà con người đã biết đến có khả năng gây bệnh dịch.
Loại virus này rất đáng lo ngại do thời gian ủ bệnh dài đến 45 ngày, nghĩa là con người có thể lây lan bệnh trong hơn một tháng trước khi phát bệnh, và nó có khả năng lây nhiễm giữa các loài.
Nipah còn có tỷ lệ đột biến đặc biệt cao. Người ta lo ngại một chủng virus thích nghi tốt hơn với các bệnh truyền nhiễm ở người có thể lây lan nhanh chóng giữa các quốc gia Đông Nam Á có mối quan hệ giao bang tốt.
Trong khi COVID-19 đã tàn phá thế giới, giết chết gần 2,5 triệu người, thì đại dịch tiếp theo được cảnh báo có thể còn tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Melanie Saville, Giám đốc nghiên cứu và phát triển vaccine thuộc Liên minh Sáng kiến Ứng phó Dịch bệnh Toàn cầu (CEPI), đã cảnh báo, thế giới hãy chuẩn bị cho “đại dịch lớn” tiếp theo.
Con người đối kháng với nhiên nhiên, khi dân số tăng và môi trường sống thu hẹp, được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các căn bệnh mới. Đây chính xác là những gì từng xảy ra khi virus Nipah lần đầu tiên lây nhiễm cho người chăn nuôi lợn tại Malaysia.
Tiến sĩ Rebecca Dutch, chủ nhiệm khoa Hóa sinh phân tử và tế bào của Đại học Kentucky và là người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu virus trên thế giới. Bà cho biết mặc dù hiện tại không có đợt bùng phát Nipah trên thế giới, nhưng chúng xảy ra theo chu kỳ và “rất có thể” chúng ta sẽ lại lặp lại.
“Nipah là một trong những loại virus mà hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây ra một đại dịch mới. Một số điều về Nipah rất đáng quan tâm”, tiến sĩ Dutch cho biết.
“Nhiều loại virus khác cùng họ (như sởi) lây truyền tốt giữa người với người, vì vậy có lo ngại về sự xuất hiện của một biến thể Nipah với khả năng lây lan nhanh.
“Tỷ lệ tử vong đối với loại virus này là từ 45% đến 75% tùy thuộc vào đợt bùng phát – vì vậy tỷ lệ này cao hơn nhiều so với COVID-19. Nipah đã được chứng minh là có thể lây truyền qua thức ăn, cũng như khi tiếp xúc với chất bài tiết của người hoặc động vật.
“Thời gian ủ bệnh của Nipah có thể khá dài và không rõ liệu bệnh có thể lây truyền trong thời gian này hay không”.
Cũng như dơi ăn quả, lợn mắc bệnh do ăn xoài bị nhiễm virus và đã truyền bệnh cho người.
Hơn một triệu con lợn được cho là nhiễm virus Nipah đã bị giết ở Malaysia để ngăn chúng lây sang người.
Tiến sĩ Jonathan Epstein, phó Chủ tịch phụ trách khoa học và tiếp cận cộng đồng tại EcoHealth Alliance, giải thích cách họ theo dõi virus Nipah và lo lắng về khả năng gây bệnh của chúng.
Tiến sĩ Epstein chia sẻ: “Chúng ta biết rất ít về sự đa dạng di truyền của các loại virus liên quan đến Nipah ở dơi. Điều chúng tôi không mong muốn xảy ra là việc xuất hiện một chủng virus lây truyền qua người tốt hơn.
“Cho đến nay, Nipah lây lan khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, đặc biệt là người bị bệnh đường hô hấp thông qua các giọt bắn. Thông thường, chúng tôi không quan sát thấy các chuỗi lây truyền lớn.
“Tuy nhiên, nếu có đủ cơ hội để lây truyền từ dơi sang người và từ người sang người, có thể xuất hiện một chủng virus thích nghi tốt hơn trong việc lây truyền từ người sang người.
“Một loại virus lây truyền từ động vật đã xuất hiện trước mắt và ngay bây giờ chúng ta cần phải thực sự hành động, tìm hiểu nơi xảy ra các ca bệnh ở người, nỗ lực giảm thiểu cơ hội lây lan, để virus không bao giờ có cơ hội thích nghi với con người.”
“Đại dịch lớn”
Tiến sĩ Saville cảnh báo rằng chúng ta cần phải sẵn sàng cho một “đại dịch lớn” tiếp theo. Nó có thể xuất hiện ở bất kể đâu, chứ không chỉ có Nipah.
“Chúng ta biết rằng một đại dịch trong tương lai là không thể tránh khỏi, và có nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi khác được công nhận là có khả năng gây đại dịch.
“Chúng bao gồm các mối nguy bệnh đã biết, như cúm, cũng như các mầm bệnh mới hoặc chưa được xác định, được gọi là ‘Bệnh X’.
“Với những thay đổi về môi trường như biến đổi khí hậu, sự tàn phá môi trường sống và sự xâm lấn của con người vào những khu vực từng bị cô lập, tương tác giữa con người đã tạo ra không gian thuận lợi cho virus xâm nhập giữa các loài và do đó chúng ta cần phải chuẩn bị cho ‘đại dịch lớn’ tiếp theo”.
Tiến sĩ Saville cho biết thêm CEPI đang xem xét việc sản xuất một thư viện vaccine nguyên mẫu có thể nhắm mục tiêu đồng thời tất cả các virus corona.
Bà giải thích thêm rằng họ sẽ phát triển vaccine dựa trên những hiểu biết có được từ nghiên cứu COVID-19, nhằm nỗ lực và loại bỏ nguy cơ đại dịch trong tương lai.
Giám đốc điều hành của Tổ chức Tiếp cận Thuốc, Jayasree K Iyer, gọi chủng khuẩn kháng thuốc cũng là một nguy cơ đại dịch lớn.
Bà nói: “Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã gây ra hơn 700.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó có hơn 200.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh.
“Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, do đó ngày càng có nhiều vi khuẩn trở nên đề kháng với các loại thuốc kháng sinh này”.
Bà Iyer và các chuyên gia trong lĩnh vực này lo lắng rằng các công ty dược phẩm chưa hành động đủ để tạo ra vaccine kịp thời cho đại dịch tiếp theo.
Chẳng hạn, không có thuốc hoặc vaccine nào dành riêng cho virus Nipah.
Nhưng đại dịch tiếp theo có thể xuất phát từ một mầm bệnh mà chúng ta hiện chưa biết đến.
Sự bùng phát chưa được biết đến, được gọi là Bệnh X, có thể kích hoạt một đợt bùng phát tồi tệ hơn Cái chết Đen nếu chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa để kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Theo tổ chức EcoHealth Alliance, trong số 1,67 triệu virus chưa biết trên hành tinh, có tới 827.000 virus trong số này có khả năng lây nhiễm sang người từ động vật.
Đông Nam Á, Nam và Trung Phi, các khu vực xung quanh Amazon và phía đông Australia đều được xác định là những khu vực có nguy cơ mắc bệnh mới cao nhất, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
John Vidal, tác gia về môi trường, người đang thực hiện một cuốn sách tiết lộ mối liên hệ giữa thiên nhiên và bệnh tật, đã dự đoán thế giới phải đối mặt với một đại dịch mới có quy mô như Cái chết Đen.
Với sự phổ biến của du lịch hàng không và thương mại toàn cầu, một loại virus có thể hoành hành khắp thế giới, vô tình lây lan bởi những người mang bệnh không có triệu chứng, “trong vài tuần, giết chết hàng chục triệu người trước khi biên giới có thể đóng lại”, ông nói thêm.
“Nhân loại đã biến đổi mối quan hệ của mình với cả động vật hoang dã và động vật nuôi, phá hủy môi trường sống của chúng và tập trung chúng lại với nhau – và quá trình… chỉ đang tăng tốc.
“Nếu chúng ta không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình hình, đại dịch hiện tại này có thể chỉ là dấu hiệu báo trước cho một điều gì đó còn tồi tệ hơn nhiều.”
Những đại dịch nghiêm trọng nhất thế giới
Đây là những đợt bùng phát dịch bệnh gây chết người nhiều nhất trong lịch sử – với số người chết gấp nhiều lần so với COVID gây ra hiện tại.
- Cái chết đen – Từ 75 đến 200 triệu người đã mất mạng – chiếm tới 60% dân số toàn châu Âu – khi bệnh dịch hoành hành tại lục địa này từ năm 1346 đến năm 1353.
Rất có thể nó đã lây truyền sang người thông qua bọ chét ăn thịt chuột đen trên các tàu buôn ở Địa Trung Hải trước khi lan rộng khắp châu Âu và Bắc Phi.
- Dịch cúm Tây Ban Nha – Khi thế giới cố gắng phục hồi sau nỗi kinh hoàng của cuộc Đại chiến năm 1918, một thảm họa khiến số người thiệt mạng gấp đôi so với trong cuộc chiến, đó là dịch cúm Tây Ban Nha.
Có khoảng từ 17 triệu đến 100 triệu người đã chết trong đại dịch kéo dài đến năm 1920 – nhưng hiện vẫn chưa có sự thống nhất về nguồn gốc của loại virus này, mặc dù nó dường như có gen của loài chim.
- Bệnh dịch hạch Justinian – Được cho là cùng loại vi khuẩn gây ra Cái chết đen, bệnh dịch hạch đã tàn phá châu Âu và Tây Á, giết chết từ 15 triệu đến 100 triệu người vào năm 541 và 542 sau Công nguyên.
Người ta tin rằng nó đã lây lan do những con chuột mang bọ chét – vào Đế chế Byzantine thông qua các tàu chở ngũ cốc đến từ Ai Cập.
- Đại dịch HIV / AIDs – Vẫn đang tàn phá các khu vực trên thế giới, ước tính khoảng 35 triệu người đã thiệt mạng vì loại virus âm thầm này kể từ năm 1981.
Nó được cho là đã truyền từ động vật linh trưởng sang người và có khả năng lần đầu tiên lây lan qua hoạt động buôn bán thịt rừng.
- Bệnh dịch hạch thứ ba – Bệnh dịch hạch thể hạch tái phát ở Trung Quốc vào năm 1855, từ đó lây lan và giết chết 15 triệu người.
WHO ước tính vi khuẩn đã hoành hành cho đến năm 1960 – chỉ khi đại dịch kết thúc. Họ tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi đợt bùng phát của bệnh dịch hạch.
Các bệnh trong danh sách nguy hiểm của WHO
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một danh sách các mầm bệnh ưu tiên cho nghiên cứu do hiểm hoạ gây ra đại dịch. Trong đó quan ngại nhất là:
- Ebola – 6 quốc gia ở châu Phi đặt trong tình trạng báo động sau khi Guinea tuyên bố nước này đang phải hứng chịu một đợt dịch Ebola khác. Căn bệnh này đã giết chết hơn 11.000 người trong khu vực. Nó dẫn đến sốt, đau đầu, đau cơ và chảy máu từ tai, mắt, mũi hoặc miệng.
- SARS – Loại virus này được cho là xuất hiện lần đầu tiên từ loài dơi ở Trung Quốc, như COVID-19, gây ra đại dịch từ năm 2002 đến 2004 khiến 774 người thiệt mạng. SARS là một loại virus lây truyền trong không khí và có thể lây lan qua các giọt nước bọt nhỏ theo cách tương tự như COVID-19 và bệnh cúm.
- MERS – Một loại bọ được cho là đã lây lan từ dơi, lạc đà sang người ở Trung Đông. Nó không lây nhiễm như SARS hoặc COVID, nhưng có tỷ lệ tử vong khoảng 35%.
- Bệnh sốt thung lũng Rift (Rift Valley Fever) – Một bệnh chủ yếu truyền từ động vật sang người qua máu động vật bị nhiễm bệnh và muỗi. Các chủng virus nguy hiểm nhất có thể gây mù mắt, vàng da, nôn ra máu và tử vong.
(Nguồn: ntdvn.com)