Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người sẽ thờ phượng – thật sự thờ phượng – và Ngài có những lời hứa rằng nếu bạn trung tín thờ phượng dựa trên lời Ngài thì sẽ có vô số phần thưởng và phước lành. Tôi thách thức bạn dự phần vào sự thờ phượng thật. Có ba yếu tố cấu thành sự thờ phượng thật mà tất cả chúng ta đều có thể tăng trưởng.
#1: Sự Thờ Phượng Thật Có Sự Khiêm Nhường.
Gần đây tôi đã quan sát một Hội Thánh trên tivi. Tôi chuyển sang kênh này ngay trong lúc đang diễn ra một trong những bài thờ phượng của họ. Họ đang hát “Hỡi Thánh Linh, Ngài được chào đón”. Trong suốt bài hát, từng người mà máy quay lia tới chỉ đứng và đọc những từ chiếu trên tường. Khi bài hát kết thúc, hội chúng ngồi xuống và phần còn lại của buổi lễ diễn ra như đồng hồ đang chạy đều đều và đúng từng ly từng tí.
Khi tôi xem chương trình này tôi bắt đầu nghĩ về việc chúng ta đã đánh mất ý nghĩa thực sự của sự thờ phượng như thế nào. Chúa Giê-xu phán trong Giăng chương 4 rằng chỉ có duy nhất một sự thờ phượng thật. Chúa Giê-xu đã thiết lập hệ thống thờ phượng, vì vậy khi chúng ta quyết định bước vào sự thờ phượng, chúng ta không còn ở trong tầm kiểm soát của chính mình nữa, nhưng chúng ta đang bước vào vùng đất của Ngài và thuận phục chính mình dưới ý muốn của Đức Chúa Trời. Đây là nơi sự khiêm nhường phát huy.
Sự khiêm nhường là chìa khóa đầu tiên dẫn đến mọi thì giờ thờ phượng thành công. Xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh, các từ chính trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp dành cho thờ phượng có nghĩa là sự khiêm nhường. Không có sự khiêm nhường, bạn không thể thực sự thờ phượng. Sự khiêm nhường có nghĩa là hạ thấp bản thân xuống và thuận phục chính mình cho ý muốn của người khác. Vì vậy khi bạn thờ phượng, bạn đang bước đến dưới sự thuận phục Thánh Linh, và cho phép Ngài hành động, bước đi, nói trong và nói qua bạn. Rô-ma 12 bày tỏ điều này rõ nhất bằng cách nói rằng bạn nên dâng, hoặc thuận phục, thân thể mình cho Đức Chúa Trời như một của lễ sống.
Nhiều Hội Thánh của chúng ta ngày nay sẽ không chịu thuận phục dưới Đức Thánh Linh. Họ có một thời gian biểu phải giữ, bài hát này phải được hát, những thông báo này cần phải được thực hiện, Mục sư phải hoàn thành trước 12 giờ. Trong khi Đức Thánh Linh đang cố gắng chỉ ra những người đang bị tổn thương, một hôn nhân đang đi đến bờ đổ vỡ, hoặc một ai đó có thể đang có ý định tự tử.
Chừng nào chúng ta giữ lấy sự kiểm soát, chúng ta sẽ tiếp tục và có buổi nhóm lại như thường lệ để rồi chúng ta có thể xếp hàng ăn bao bụng trước 12h15. Nhưng khi chúng ta để cho Đức Thánh Linh kiểm soát, chúng ta sẽ ngừng việc có buổi nhóm lại và bắt đầu thật sự nhóm lại. Khi Đức Thánh Linh thực sự tham gia vào các buổi nhóm của chúng ta, bệnh tật sẽ được chữa lành, những hôn nhân sẽ được phục hồi, sự vui mừng sẽ cai trị giữa vòng chúng ta một lần nữa và những người hư mất sẽ đến với Chúa Giê-xu.
Liệu các buổi nhóm sẽ quá 12 giờ? Chắc hẳn rồi. Nhưng ai quan tâm chứ? Khi tôi lựa chọn thờ phượng, tôi trông đợi Đức Thánh Linh sẽ nắm quyền kiểm soát. Tôi không muốn Ngài chỉ đi quanh quẩn ở một góc phía sau nào đó. Tôi muốn Ngài làm trung tâm sân khấu. Tôi muốn những người hư mất thấy Ngài và chạy đến. Tôi muốn những người tan vỡ thấy Ngài và bắt đầu la lên vì họ đã được chữa lành. Tôi muốn những người kiêu ngạo và bướng bỉnh thấy Ngài và bắt đầu khóc trong sự khiêm nhường.
Đó là sự thờ phượng thật! Sự thờ phượng trong lẽ thật thật lớn lao và tuyệt vời – hát các bài hát, giơ đôi tay bạn lên, vỗ tay, và tất cả những hình thức hữu hình khác. Nhưng chúng ta vẫn phải vượt trên những điều đó để học làm thế nào để thờ phượng trong Thánh Linh và để Thánh Linh làm theo cách của Ngài.
#2: Sự Thờ Phượng Thật Có Đức Tin
Hê-bơ-rơ 11:6 (BTT): Vả, không có đức tin thì không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì ai đến gần Ngài phải tin rằng Ngài hiện hữu và Ngài ban thưởng cho những kẻ hết lòng tìm kiếm Ngài.
Trong bài học bên trên, chúng ta thấy rằng, yếu tố đầu tiên cần có để thờ phượng là sự khiêm nhường. Chúng ta không thể đến với Chúa với một tinh thần kiêu ngạo hoặc tự tôn. Sự kiêu ngạo không thể làm gì khác hơn là chết trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúa sẽ không cho phép nó vào trong sự hiện diện của Ngài.
Yếu tố thứ hai cần có để có một đời sống thờ phượng thành công chính là đức tin. Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, thuật ngữ “hết lòng tìm kiếm Ngài” cũng có thể được dịch là sự thờ phượng. Vì vậy, chúng ta có thể lật lại đoạn Kinh Thánh này và nói rằng, “Những kẻ thờ phượng Ngài phải tin (có đức tin) rằng Ngài hiện hữu (có thật) và Ngài sẽ ban thưởng cho họ.” Rồi phần đầu tiên của phân đoạn đó nói rằng khi chúng ta tin vào hai điều đó chúng ta sẽ làm đẹp lòng Chúa, và chúng ta biết được từ Rô-ma 12:1 rằng sự thờ phượng thật làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Hãy nhìn Áp-ra-ham. Nếu bạn tiếp tục đọc hết Hê-bơ-rơ 11, bạn sẽ tìm thấy nhiều cách mà Áp-ra-ham đã thực hành đức tin của mình, những hãy xem cách ông thể hiện đức tin của mình ngay trong giữa sự thờ phượng. Ví dụ đầu tiên về từ “thờ phượng” trong Kinh Thánh kể về việc Áp-ra-ham được yêu cầu dâng con trai duy nhất của mình, Y-sác.
Sáng-thế-ký 22:5 Và Áp-ra-ham nói với hai kẻ đầy tớ rằng: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi [chúng ta] sẽ trở lại với hai ngươi.
Phân đoạn này tiết lộ hai yếu tố của sự thờ phượng. Yếu tố đầu tiên, sự khiêm nhường, được thấy trong thực tế là Áp-ra-ham xem việc dâng Y-sác của mình là để thờ phượng. Trong cái nhìn của Áp-ra-ham ông về những điều ông đang làm ông chỉ đơn giản là thờ phượng. Yếu tố thứ hai, đức tin, được nhìn thấy trong điều cuối cùng mà Áp-ra-ham nói với các đầy tớ của mình, “… rồi chúng ta sẽ trở lại cùng hai ngươi.”
Làm sao Áp-ra-ham có thể tuyên bố như vậy? Bởi vì ông có một đức tin sâu sắc nơi Đức Chúa Trời. Ông hết lòng tin rằng Đức Chúa Trời sẽ tha mạng sống cho Y-sác, hoặc Ngài sẽ khiến nó sống lại từ cõi chết. Tại sao? Bởi vì Đức Chúa Trời đã cho ông một lời hứa về dòng dõi của ông nhiều năm trước sự kiện mang tính bước ngoặt này. Áp-ra-ham biết rằng Đức Chúa Trời hiện hữu. Không có sự nghi ngờ nào trong tâm trí ông. Ông đã trải qua bàn tay của Đức Chúa Trời nhiều lần trong đời. Ông cũng biết rằng Đúc Chúa Trời sẽ ban thưởng cho ông vì hành động thờ phượng của ông. Hãy nhớ những gì Phao-lô đã nói trong Rô-ma 4, “Áp-ra-ham tin (có đức tin), và điều đó được kể là công bình cho ông.” Nói cách khác – thiên đàng đã ghi nhận ông vì đức tin của ông.
Trong khi hành động hành động và thái độ của sự thờ phượng là 100% không vì lợi ích kỷ, Đức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ thưởng cho sự hết lòng của chúng ta. Khi chúng ta thờ phượng, việc trông đợi một phước lành là tốt, vì Đức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ ban phước cho chúng ta. Đức Chúa Trời có thể yêu cầu chúng ta làm nhiều điều trong sự thờ phượng làm căng độ thoải mái của chúng ta. Ngài thậm chí có thể yêu cầu chúng ta làm điều gì đó thách thức thần học của chúng ta. Đó là nơi đức tin khởi nguồn. Khi Đức Chúa Trời yêu cầu những điều đó của chúng ta và chúng ta tin cậy rằng Ngài sẽ giải quyết mọi việc cách tốt lành, chúng ta sẽ được dẫn đến yếu tố thứ ba của sự thờ phượng thật – vâng phục.
Chìa khóa ở đây là chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng giữ lời hứa của mình. Khi nghe tiếng Chúa dẫn dắt và thúc giục, chúng ta không thể bỏ qua những gì Ngài đang phán. Chúng ta phải hướng tai lại để lắng nghe.
#3: Sự Thờ Phượng Thật Có Sự Vâng Lời.
Từ đầu đến giờ trong bài học này, chúng ta đã xem xét hai yếu tố quan trọng đối với đời sống của một người thờ phượng – sự khiêm nhường và đức tin. Nếu một trong hai điều này bị thiếu trong sự thờ phượng, thì tôi cho rằng chúng ta đã không bước vào sự thờ phượng thật theo cách mà Đức Chúa Trời đã thiết kế. Yếu tố cuối cùng mà chúng ta sẽ cùng xem là sự vâng lời.
Sự vâng phục, nếu bạn làm theo, sẽ như lớp kem phủ trên bánh. Sự vâng phục là chìa khóa kết thúc sự thờ phượng của chúng ta. Chúng ta không thể đến với Chúa trừ khi chúng ta đã hạ mình xuống trước. Sau đó, khi chúng ta bước vào sự hiện diện của Ngài, Ngài sẽ bắt đầu nói chuyện với chúng ta, và chúng ta phải đưa ra quyết định tin Ngài hay không. Nhưng tất cả những điều đó là vô ích, nếu chúng ta không thực hiện thông qua sự vâng lời.
Hiện giờ khi bạn đang đọc những bài báo này, tôi nghi ngại rằng một số người trong các bạn có thể trở nên hơi thất vọng. Có thể bạn cảm thấy rằng tôi đang cố gắng làm cho hành động thờ phượng trở nên khó khăn hơn mức bình thường. Tôi không cố làm khó, tôi chỉ muốn bạn hiểu rằng khi chúng ta lựa chọn thờ phượng, có một số điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi ở chúng ta. Hãy nhớ rằng trong những thời kì của Đền tạm, chỉ có một người, thầy tế lễ thượng phẩm, được phép vào nơi Chí Thánh. Tại sao? Bởi vì ông là người hoàn toàn tinh sạch, và ông là người đã mang sinh tế tinh sạch đến trước ngai thương xót.
Sự vâng lời chỉ đơn giản là đức tin bằng hành động của chúng ta. Gia-cơ đã thể hiện rõ nhất điều đó trong chương 2 của sách Gia-cơ khi nói rằng đức tin không có việc làm thì 100% đã chết. Và kìa, ông bắt đầu nói về Áp-ra-ham. Gia-cơ 2:21 cho đến Gia-cơ 2:22.
“Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao? Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn.”
Sự thờ phượng của Áp-ra-ham (sự hy sinh của Y-sác) không được hoàn thành cho đến khi ông thực sự cố gắng thực hiện sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Vậy điều đó có ý nghĩa gì đối với bạn và đời sống thờ phượng của bạn? Nếu bạn thực sự muốn thờ phượng theo cách mà Đức Chúa Trời đã định, bạn phải chuẩn bị chuyển động. Hãy sẵn sàng để nghe tiếng của Chúa. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu đã nói trong Giăng chương 4 rằng những người thờ phượng thật phải thờ phượng trong Thánh Linh và lẽ thật. Bây giờ hãy xem này. Chúng ta thờ phượng Thánh Linh qua sự khiêm nhường và đức tin của chúng ta và chúng ta thờ phượng thật qua sự vâng lời của chúng ta – đức tin bằng hành động.
Nếu Áp-ra-ham không trải qua tế lễ là Y-sác, thì ông sẽ vô hiệu hóa đức tin của mình. Ông cũng sẽ cho thấy rằng kế hoạch của ông quan trọng hơn kế hoạch của Đức Chúa Trời, và đó là sự kiêu ngạo làm mất đi sự khiêm nhường.
Tôi thách thức bạn hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời, cho phép Ngài nói với bạn và ban cho bạn sự chỉ dẫn, và hãy sẵn sàng chuyển động khi Ngài phán. Rồi tôi tin rằng Chúa sẽ nhìn xuống và nói “Kìa, này là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.”
Mai Hồng Ân
(Lược dịch theo: churchleaders.com)