Tại Sao Tôi Tha Thứ Kẻ Mà Tôi Mưu Sát

Share

Những ảo tưởng trả thù làm lòng tôi trở nên đen tối cho đến khi tôi tin nhận Chúa Giê-su

Chúng tôi nghe tiếng súng xa xa đã mấy tuần. Nhưng sáng hôm đó chúng nổ thật gần và dường như là bắn có mục đích. Tôi nhìn anh tôi và những người lớn khác để được trấn an. Những cặp mắt của họ chứa đầy sự giận dữ và thất vọng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chờ đợi.

Những “chiến binh tự do” đã đến. Vào giữa buổi sáng chúng tôi nằm úp mặt xuống đất trong nhà, lắng nghe đạn bay vèo vèo. Trong những lúc giữa những đợt súng nổ, khu phố lại yên lặng một cách kỳ dị. Trong bầu không khí tĩnh lặng đó chúng tôi có thể nghe những tiếng kêu la ra lệnh. Nếu chúng tìm được tên của tôi, chúng sẽ giết tôi.

ẢO TƯỞNG ĂN

Tôi sinh ra ở nước Liberia, Tây Phi, nơi cha tôi phục vụ trong Ban Bảo Vệ Đặc Biệt của Tổng Thống Samuel Doe (chúng tôi không có liên hệ họ hàng gì với ông), là người đã tiến đến chỗ nắm lấy quyền lực sau một cuộc đảo chánh đẩm máu vào mười năm trước. Chế độ của ông đàn áp những người đối lập chính trị và gian lận bầu cử để nắm giữ chính quyền. Những “chiến binh tự do” nổi lên để lật đổ ông. Họ dấy lên chiến tranh và tìm giết bất cứ ai làm việc cho chính quyền Doe hay đến từ bộ tộc của ông. Đây là tình trạng ở Liberia vào tháng 8 năm 1990. Đang khi cả thế giới đang chú tâm vào Saddam Hussein và vụ I-rắc xâm lăng Kuwait, thì hàng triệu người Liberia đang ở trong chỗ tắm máu.

Lúc đó tôi được 11 tuổi. Một năm trước mẹ tôi mất vì bệnh. Bây giờ sinh mạng của cha tôi đang bị nguy hiểm. Vài tuần trước khi quân nổi dậy đến, ông dặn tôi đi đến sống với vợ chồng anh tôi, anh Roosevelt. Hoang mang với biết bao nhiêu câu hỏi, tôi xếp hành trang vào một túi nhỏ với vài bộ quần áo.

Chúng tôi sống ở phía sau chiến tuyến của quân nổi dậy trong ba tháng. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi. Chúng tàn nhẫn, giết người vô tội chỉ vì một nghi ngờ cỏn con.

Trong lúc trốn lánh, mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn một bữa với thực phẩm là cơm và các loại đậu. Thịt và nước sạch rất hiếm hoi. Hy vọng lại càng hiếm hoi hơn. Là trẻ con, chúng tôi luôn mở lời nói về tương lai với câu, “Nếu tôi sống sót, tôi sẽ…” Chúng tôi sống dựa vào những cái ăn tưởng tượng. Chúng tôi đã không đến trường học sáu tháng rồi.

Vào tháng 11 năm 1990, Tổng Thống Doe bị giết, và lực lượng bảo vệ hòa bình từ các nước láng giềng đến. Chiến tranh đã gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa được, và lòng ngây thơ của tôi đã mất.

Anh Roosevelt và tôi rời Liberia trên một chiếc tàu chở người tỵ nạn đến Ghana vào đầu tháng 11. Khi cuộc sống trở lại bình thường cũng là khi tôi nhận được tin cha tôi bị giết. Ông đã đầu hàng quân nổi dậy dựa theo lời hứa sẽ được tự do nếu trả lời những câu hỏi của họ, nhưng không ai còn thấy được ông nữa.

Tôi là một trẻ mồ côi. Mỗi khi một mình, tôi khóc. Chiến tranh đã để lại trong lòng tôi một nỗi quay cuồng.

ẢO TƯỞNG TRẢ THÙ

Như mọi người Liberia khác, Roosevelt và vợ của anh là những cơ đốc nhân. Chúng tôi đi thờ phượng, nhưng tôi không tin vào sự cầu nguyện. Tôi đã cầu nguyện rằng mẹ tôi không chết, nhưng bà đã chết. Tôi đã cầu nguyện xin cho cha tôi không bị giết, nhưng ông đã bị giết. Bây giờ tôi sợ cầu nguyện rằng các anh chị em của tôi sẽ không chết.

Thế là mục tiêu của cuộc đời tôi thay đổi. Tôi muốn tìm ra những tên lính đã làm cho tôi trở nên mồ côi và khiến chúng phải trả giá. Tôi thay thế ảo tưởng ăn thức ăn thời chiến bằng ảo tưởng trả thù.

Không lâu sau đó, vợ chồng anh tôi xin đi Mỹ tỵ nạn, và năm 1993 chúng tôi đến thành phố Boston. Tôi vừa thích thú vừa sợ hãi. Người ta sẽ đối xử với tôi ra sao? Làm sao tôi có thể thích ứng với trường học, tình trạng tội phạm và thời tiết giá lạnh? Tôi chưa từng sống ở nơi nào dưới 23 độ C.

Vài tuần sau khi đến Boston, tôi đi học. Nhưng quãng thời gian đó bị hư đẫm bởi những hổn loạn trong tôi, điểm học thấp và sự thất vọng. Tôi không thể tập trung trong lớp. Trong những lúc yên tĩnh, thầy cô hỏi bài, làm bài thi, và khi tôi một mình, tôi chỉ nghĩ về chiến tranh.

Tôi mơ ước trả thù. Tôi khóc để có thể ngủ được. Tôi hiện hữu nhưng không sống.

Sau khi đậu vớt chương trình trung học, tôi đăng lính với hy vọng biết cách xử dụng vũ khí giết người. Nhưng giữa chừng tôi bị cho giải ngũ vì chứng bệnh tim nhẹ. Tôi hết sức hỗ thẹn. Đời tôi sẽ trở nên cái gì đây?

Vẫn bị tràn ngập bởi nỗi đau, tôi mất hết hy vọng về một tương lai tươi sáng. Không có quan hệ với Chúa và không bước đi với Đấng Christ, tôi không còn một nguồn an ủi và cũng không còn mục đích sống.

Tệ hơn nữa, Roosevelt – người thân duy nhất còn sống – bất thình lình bị chứng đau tim và sẽ chết khi 38 tuổi. Anh bị rơi vào tình trạng hôn mê và người ta phải đem anh vào nhà thương cấp cứu.

Một mình ở nhà, tôi ngồi tê liệt dưới hầm nhà, chỗ tôi ngủ. Một ai đó thân thiết với tôi sẽ chết. Tôi chẳng có nơi nào để tránh khỏi. Tôi khóc nhiều giờ trong nỗi đen tối cực kỳ.

Trong sự đen tối đó, tôi quay đến Chúa. Tất cả những điều tôi hỏi là một câu hỏi: “Tại sao?” Tôi kể ra mọi điều mà tôi oán trách Chúa: mẹ tôi, cha tôi, bị cách ly khỏi gia đình, những đau thương của họ, những thất vọng của tôi – và bây giờ người anh yêu dấu của tôi. Tôi cáo buộc Chúa. Tại sao?

Tôi cũng trách tội chính mình. Mặc cảm tội lỗi bao phủ tôi. Tôi đã chọn giữ lấy cái đau đớn của quá khứ để nuôi dưỡng tham vọng trả thù. Tôi nhận thức rằng, trong sự đen tối đó, tôi có thể giữ cho những ảo tưởng đó sống động, hay tôi có thể vất bỏ hết chúng đi chỉ trong một lần. Tôi cầu xin Chúa tha thứ tôi. Tôi sẽ bỏ đi mọi sự trả thù và giận dữ. Tôi cầu xin Chúa, bằng tấm lòng chân thành và sâu thẳm nhất, cứu anh tôi.

THỰC HÀNH SỰ THA THỨ

Bốn ngày sau, tôi được tin anh Roosevelt đã bình phục. Lời cầu nguyện được đáp ứng đó là bước đầu tiên của hành trình đức tin của tôi.

Dù vậy, phải mất nhiều năm để trở nên hoàn toàn tin cậy Chúa. Khi đức tin tăng trưởng, tâm trí tôi – một thời là sa mạc của giận gữ và tuyệt vọng – trở thành một mảnh đất màu mỡ. Bông trái của đức tin và hy vọng nở rộ và tươi, dù có lúc chúng bị nghẹt ngòi bởi những gai và cỏ dại của sự thù ghét.

Trong nhiều năm, tôi đã an ủi chính mình với ảo tưởng sẽ giết kẻ đã giết cha tôi. Những cái rễ của sự hủy hoại đó đã ăn rất sâu trong tôi.

Cho đến năm 2008 tôi mới thật sự bước đi vào con đường tha thứ. Tôi quyết định rằng tôi phải tìm cơ hội kiếm được kẻ giết cha tôi. Lúc đầu tôi không biết chắc phải nói gì. Tôi ngồi đối diện với một cái ghế trống trong phòng ăn và tập nói, “Tôi tha thứ anh.” Đôi khi, lời độc thoại của tôi trở nên cường điệu đến nỗi tôi phải đứng lên và la hét hay tan vỡ và òa khóc. Tôi hỏi chính mình, tôi có thật muốn gặp người đó theo cách này không?

Ngoài ra, những cơ hội để tìm ra người đó thật gần như là số không. Chắc chắn là ông ta không muốn bị tìm ra. Nhưng khi tôi càng thực tập, tôi càng cảm nhận được sự giải quyết. Tôi quyết định đi nữa vòng trái đất để tặng cho người này điều Chúa Giê-su đã ban cho tôi.

Năm 2010, ở tuổi 31, gần 20 năm sau khi tôi ra đi, tôi trở lại Liberia. Nhưng tôi không gặp được người đã giết cha tôi. Ông ta đã chết trận.

Dù vậy, tôi đã tha thứ ông ta rồi.

Trong chuyến đi đó, Chúa trả lời mọi điều tôi cầu nguyện, mặc dù không theo cách tôi muốn. Cho dù kế hoạch của tôi không hoàn thành, tôi có thể sống trong sự bình an. Tôi có thể tha thứ

Hôm nay, tôi hy vọng xẽ chia sự bình an (mà tôi đã khổ nhọc chiến đấu để có được) với những đồng hương Liberia là những người đã chịu phải đau thương kinh hoàng trong trận nội chiến tàn khốc. Vợ chồng tôi có kế hoạch xây dựng một nông trại tự dưỡng để hỗ trợ cho một trung tâm cộng đồng và thư viện. Nhưng quan trọng hơn, là chúng tôi sẽ hết sức đem tin lành chữa lành, một cách để thoát ra khỏi sự đen tối của chiến tranh đã qua ở Liberia – cái đen tối mà tôi đã biết quá rõ. Bởi vì ở đâu mà lời tha thứ của Chúa Giê-su được nói lên, ở đó có tương lai tươi sáng với hy vọng.

 

Marcus Doe, 26/10/2016. Christianity Today

— Marcus Doe là tác giả cuốn “Bắt Chim Sẻ Gia-va: Câu Chuyện Từ Bỏ Sự Báo Thù” (Catching Ricebirds: A Story of Letting Vengeance Go, Hendrickson Publishers) —

Lược dịch: Nguyễn Bình

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan