Nuôi Dạy Con “Nhẹ Nhàng” Theo Cách Hiện Đại Có Luôn Đúng Với Kinh Thánh Không?

Share

Nếu bạn chú ý đến các bậc cha mẹ có con nhỏ trong những năm gần đây, bạn có thể quan sát thấy điều gì đó mà các thế hệ trước nhận ra là vô cùng khó hiểu: một người cha hoặc người mẹ cúi xuống trước một đứa trẻ đang nổi cơn quậy phá và—trong khi tìm cách giao tiếp bằng mắt và giữ lấy giọng điệu thân thiện—nói điều gì đó như thế này: “Con buồn hả con; con cảm xúc quá hả? Cảm xúc như thế là được đó. Cha/mẹ ở đây với con.” Vài phút sau đó, khi bạn quay lại lối đi mua sắm đó, đứa trẻ vẫn giận dữ đòi bánh quy, và người cha/mẹ đang cúi mình vẫn nói điều tương tự.

   Bạn đã chứng kiến ​​“cách nuôi dạy con cái nhẹ nhàng” (còn được gọi là cách nuôi dạy con cái “tôn trọng” hoặc “đáp ứng”). Đó là một trường phái tư tưởng được phổ biến bởi những người có ảnh hưởng trên Instagram như Big Little Feelings (lời nói của phụ huynh trong tình huống trên được lấy từ hướng dẫn xử lý cơn giận dữ của Big Little Feelings); các podcast như “Good Inside with Dr. Becky”; các blog như “Lucy ở nhà”; và các tài khoản TikTok như thebennettgang. Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ tiếp cận cách nuôi dạy con nhẹ nhàng thông qua mạng xã hội, thì nó lại có chiều kích học thuật hơn. Tiến sĩ Becky (họ hiếm khi được sử dụng của cô là Kennedy) có bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia. Mona Delahooke và Robin Einzig, cả hai đều có tiếng nói ảnh hưởng về sự phổ thông của việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng, cũng có bằng cấp học thuật.

Những đề xuất sáng tạo

   Việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng khó có thể định nghĩa bằng một câu rõ ràng. Bước vào thế giới nuôi dạy con cái nhẹ nhàng, bạn sẽ tìm thấy một chuổi những đề xuất thực tế có liên quan với nhau hơn là một lý thuyết chủ nhất quán. Một số lời khuyên thực tế rất sâu sắc:

  • Thay vì ra lệnh có thể dẫn đến đối đầu (“Đã đến lúc rời khỏi sân chơi!”), hãy cho trẻ lựa chọn: “Con muốn rời sân chơi sau hai phút hay năm phút nữa?”
  • Thay vì làm xấu đi bầu không khí khó chịu giữa hai đứa trẻ đang đánh nhau (“Chuyện quái gì đang xảy ra ở đây vậy?! Đứa nào đã khởi đầu chuyện này?!”), hãy xoa dịu sự căng thẳng bằng cách vui đùa: “Phòng này không có đủ robot. Ai muốn trở thành robot cùng tôi nào?”
  • Thay vì bất ngờ tháo núm vú giả của trẻ với thái độ nghiêm khắc “xé băng cá nhân”, hãy ấn định một ngày trên lịch để Cô tiên Paci đến thu núm vú giả. Làm cho trẻ đặt núm vú giả ở trước cửa nhà vào một phong bì. Sau đó, đưa trẻ quay lại và thấy ngưỡng cửa phủ đầy hoa giấy và một món quà được gói lại.

   Tôi thích những gợi ý đó và tôi thích nguyên tắc chung là nhận thức được cảm xúc của trẻ em và tìm kiếm những cách sáng tạo để tránh dẫm đạp lên chúng một cách không cần thiết. Nếu việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng chỉ là một tấm bảng tâm trạng để giải quyết những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái theo những cách không đối đầu, thì tôi sẽ không có gì để phản đối điều đó. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn những khái niệm cơ bản nền tảng về cách nuôi dạy con cái nhẹ nhàng, bạn sẽ thấy có ít nhất hai khái niệm trái ngược với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về việc nuôi dạy con cái.

Hai khái niệm trái với Kinh Thánh

   Khái niệm trái Kinh Thánh đầu tiên là việc cho rằng hành vi xấu (thuật ngữ nuôi dạy con cái nhẹ nhàng là “hành vi thách thức”) là do cảm giác được tạo ra bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. Khi cha mẹ phản ứng tiêu cực trước hành vi thách thức – thuyết này cho là vậy – điều đó sẽ làm tệ hại hơn nửa sự căng thẳng trên đứa trẻ, rồi từ đó mà nó leo thang và duy trì hành vi đó. Ngược lại, nếu cha mẹ thừa nhận cảm xúc của con cái, họ sẽ cho chúng khoảng không gian cảm xúc và sinh vật lý, trong đó chúng có thể rút ra từ bản chất tốt của chính mình để điều chỉnh hành vi, từ từ xây dựng khả năng phục hồi cá nhân.

   Tiến sĩ Becky viết trong cuốn sách Good Inside của mình: “Tôi thực sự tin rằng bên trong chúng ta đều tốt”. “Khi bạn tin tưởng vào sự tốt bụng của con mình, bạn tin vào khả năng cư xử ‘tốt’ và làm điều đúng đắn của chúng”.

   Khái niệm này được áp dụng trong thực tế như thế nào? Một ví dụ là câu trả lời gợi ý của Tiến sĩ Becky cho một đứa trẻ vừa nói dối về việc đánh sập tòa tháp khối mà anh trai mình xếp và dựng lên được: “Chà, nếu ai đó, không phải là con, mà là ai đó đã đẩy một tòa tháp xuống . . . Cha/mẹ nghĩ là cha/mẹ hiểu. Có anh trai là điều khó cho con. Chia sẻ với nhau là điều khó.”

   Vấn đề với cách tiếp cận này là nó không nắm bắt được—và đây là một cụm từ mà bạn sẽ không tìm thấy trong một khóa học trực tuyến về nuôi dạy con cái nhẹ nhàng — bản chất tội lỗi của tội lỗi. Theo Chúa Giê-su, bên trong chúng ta không tốt (Mác 7:21–23); theo Phao-lô, ngay cả khi chúng ta đã tìm ra sự khác biệt giữa đúng và sai, và ngay cả khi chúng ta thực sự muốn làm điều đúng, thì về bản chất chúng ta vẫn có xu hướng không làm điều đó (Rô-ma 7:19) vì thói quen nổi loạn đã sẳn ở từ trong sâu thẳm chúng ta. Bản tính lạc quan của cách nuôi dạy con cái nhẹ nhàng về con người không phù hợp với tính hiện thực của Kinh Thánh.  

   Khái niệm phi Kinh Thánh thứ hai là phần thưởng và hình phạt chỉ sửa đổi hành vi bề ngoài mà không giải quyết được cảm xúc bên trong. Dường như có một chuổi những sự lựa chọn khác nhau ở đây, với một số tiếng nói nuôi dạy con cái nhẹ nhàng nhận ra sự cần thiết phải có hậu quả. Nhưng nói chung, cách nuôi dạy con nhẹ nhàng coi thường phần thưởng và hình phạt như những công cụ của cách nuôi dạy con cái truyền thống mà nó không được được kể là có thực chất và đáng tin.

   Cơ Đốc Nhân nên chia sẻ mục tiêu của việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng là tác động đến cảm xúc bên trong, mà chúng ta có thể gọi là chăn dắt tấm lòng của trẻ thơ. Tuy nhiên, từ góc độ Kinh Thánh phần thưởng và hình phạt là một phần quan trọng của việc chăn dắt đó.

   Có nhiều điều để nói về ban thưởng (nếu có vấn đề với việc ban thưởng, ai đó nên nói với Chúa), nhưng phần còn lại của bài viết này sẽ tập trung vào vị trí trừng phạt trong việc nuôi dạy con cái theo Kinh Thánh.

Tha Thứ Trên Thiên Đàng, Sửa Phạt Dưới Đất.

   Cơ Đốc Nhân đã quá quen thuộc với việc nghe tin mừng về sự tha tội đến nỗi bất kỳ cuộc nói chuyện nào về hình phạt đều có thể bị coi là xa lạ. Khi Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, Ngài gánh lấy tội lỗi của chúng ta và làm cạn chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời cho đến tận đáy. Những ai tin cậy nơi Ngài sẽ không còn phải đối mặt với sự đoán phạt thiên thượng nữa trong mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:1).

   Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được giải thoát khỏi mọi sự sửa phạt trong thế giới mà Đức Chúa Trời tạo dựng. Đức Chúa Trời có quyền tối cao trên những hoàn cảnh trần thế của chúng ta và có thể dùng những hoàn cảnh đó một cách yêu thương để sửa phạt chúng ta để chúng ta học biết từ những lỗi lầm trong đường lối của mình (Châm ngôn 3:11–12).

   Hơn nữa, nếu điều chúng ta làm đáng bị sửa phạt “dân sự” (civil punishment) thì Đức Chúa Trời sẽ chấp thuận khi sự sửa phạt đó được thực hiện một cách hợp lẽ. Phao-lô mô tả “người có thẩm quyền” là “đầy tớ của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 13:3–4), và ông nói với các Cơ Đốc Nhân rằng: “Nếu bạn làm điều gian ác thì hãy sợ hãi, vì [người có quyền hành] họ mang gươm (được trang bị để thi hành công lý) không phải là vô cớ đâu để thi hành sự trừng phạt đối với kẻ làm điều gian ác”. Tương tự như vậy, Phi-e-rơ kêu gọi các tín đồ Đấng Christ phục tùng các tổng đốc “là những người được vua phái đến để trừng phạt những kẻ làm ác.” (1 Phi-e-rơ 2:14). Cả Phao-lô và Phi-e-rơ đều không nghĩ rằng Cơ Đốc Nhân có tấm thẻ để ra khỏi nhà tù do Chúa ban.

   Điều gì đúng đối với Cơ Đốc Nhân trong xã hội thì cũng đúng đối với đứa trẻ trong gia đình Cơ Đốc. Như chúng ta sẽ thấy từ những bằng chứng trong Kinh Thánh, những hành vi sai trái nghiêm trọng của trẻ em cần được sửa phạt và Chúa đã giao trách nhiệm đó cho cha mẹ.

   Tôi chắc chắn không ủng hộ việc lạm dụng. Sự trừng phạt quá mức và tàn bạo là sự xuyên tạc một cách quái gở về sự kỷ luật theo cách của Chúa. Nhưng sử dụng sai không là cớ để ngăn cản việc sử dụng đúng. Sự hiện diện của một số người lái xe nguy hiểm trên đường không nên dẫn đến việc ngưng lại mọi hoạt động lái xe, và sự hiện hữu của một số bậc cha mẹ ngược đãi không phải là cớ để ngăn cản các bậc cha mẹ khác áp dụng sự sửa phạt đúng đắn.

Kỷ luật và sửa phạt trong Kinh Thánh

   Tất cả các bậc cha mẹ tin vào Kinh Thánh đều có thể đồng ý rằng “kỷ luật” phải là một đặc điểm trong cách nuôi dạy con cái của chúng ta (xem Ê-phê-sô 6:4). Từ “kỷ luật” trong tiếng Anh có thể không nhất thiết gợi đến hình phạt, đặc biệt nếu kỷ luật được định nghĩa là “huấn luyện”. Nhưng Kinh Thánh không được viết bằng tiếng Anh, và khi nghiên cứu ý nghĩa của các từ tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp có liên quan, chúng ta thấy rằng hình phạt là một phần không thể thiếu trong cách hiểu của Kinh Thánh về kỷ luật.

   Trong Cựu Ước, từ Do Thái được dịch ra là “kỷ luật” là musar. Hai ví dụ từ Sách Châm ngôn cho thấy musar có mối liên hệ chặt chẽ như thế nào với hình phạt. Châm-ngôn 13:24 nói: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Nhưng ai thương con sẽ sớm lo sửa dạy nó. [musar] nó.”  Ở đây musar được sử dụng như một thuật ngữ song song với “cái roi”, tượng trưng cho sự sửa phạt đau đớn. Châm ngôn 22:15 cũng tương tự: “Sự ngu dại buộc vào lòng con trẻ, Nhưng roi răn dạy [musar] sẽ làm cho điều ấy lìa xa nó.”

   Khi Cựu Ước lần đầu tiên được dịch sang tiếng Hy Lạp, các dịch giả hầu như luôn sử dụng từ payeia tương đương với musar trong tiếng Hy Lạp. Điều này cho thấy rằng, trước và xung quanh thời Chúa Kitô, padeia (là từ Tân Ước có nghĩa là kỷ luật) và musar đều đề cập đến những khái niệm tương tự. Một ví dụ đặc biệt quan trọng là Ê-sai 53:5, trong đó từ được dịch là “sự sửa phạt” hoặc “sự sửa trị” theo ý tưởng “sự sửa phạt mà nó mang lại sự bình an cho chúng đã được áp dụng trên hắn” (NIV) là musar trong tiếng Do Thái và payeia trong bản dịch tiếng Hy Lạp cổ.

   Chuyển sang Tân Ước, trong Lu-ca 23:16 và Lu-ca 23:22, Phi-lát hai lần nói về Chúa Giê-su: “Vậy nên ta sẽ đánh đòn [dạng lời nói của payeia] rồi thả (hắn) ra.” Phi-lát hầu như là chắc chắn có ý định đánh đòn: trong Giăng, ông ta đã đánh đòn Chúa Giêsu và sau đó trình diện Ngài trước đám đông với ý định sẽ trả tự do cho Ngài (Giăng 19:1–6). Việc Phi-lát sử dụng từ payeia như một cách thay thế lịch sự cho việc đánh đòn cho thấy một khía cạnh về ý nghĩa của kỷ luật trong thế giới Tân Ước.

   Trong Ê-phê-sô 6:4, Phao-lô ra lệnh cho những người cha phải nuôi dạy con cái mình theo “sự sửa dạy [paidea] và sự hướng dẫn của Chúa”. Sự hiểu biết của Phao-lô về payeia bao gồm cả hình phạt: trong 1 Ti-mô-thê 1:20, ông nói rằng Hy-mê-na và A-léc-xan-đơ-ri đã “bị giao cho Sa-tan để họ được học [dạng lời nói thụ động của payeia] không phạm thượng.” Hầu hết các nhà bình luận đều đồng ý rằng Phao-lô đang nói về vạ tuyệt thông, hình phạt nghiêm khắc nhất của giáo hội đối với tội lỗi. Việc Phao-lô sử dụng dạng lời nói payeia trong câu đó cho thấy rằng sự trừng phạt là cần thiết để kỷ luật Hy-mê-na và A-léc-xan-đơ-ri.

Đánh giá bằng chứng Kinh Thánh

   Vấn đề ở đây là kỷ luật theo Kinh Thánh không có nghĩa là hình phạt. Trong 2 Ti-mô-thê 3:16, Phao-lô mô tả Kinh Thánh là “có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính;” từ được dịch ra là “huấn luyện” là payeia, và rõ ràng sẽ là sai lầm nếu cố dịch nó thành “trừng phạt”. Thay vào đó, vấn đề ở đây là hình phạt là một phần của kỷ luật theo Kinh Thánh, một phần thiết yếu trong hộp công cụ kỷ luật. Định nghĩa về kỷ luật của học giả Kinh Thánh William L. Lane nắm bắt được tất cả các khía cạnh khác nhau của nó: “Khái niệm về kỷ luật (payeia) trong Kinh Thánh kết hợp các sắc thái của việc huấn luyện, hướng dẫn và hướng dẫn vững chắc với các khía cạnh quở trách, sửa trị và trừng phạt”.

   Theo quan điểm của Kinh Thánh, chúng ta không thể hình thành tính cách của một đứa trẻ nếu không thể hiện mức độ nghiêm trọng của hành vi sai trái thông qua hình phạt thích ứng. Lời nói thôi chưa đủ vì chúng rất dễ bị bỏ qua (xem Châm-ngôn 29:19). Hình phạt đau đớn do cha mẹ yêu thương thực hiện đã truyền tải thông điệp kỷ luật. Tôi nhớ rõ mình đã suy nghĩ, khi một lần kia cha tôi đang kỷ luật tôi, Ồ. Những gì tôi đã làm thực sự là sai trái.

   Chúng ta có thể lập luận rằng Kinh Thánh không đưa ra hình phạt thể xác vì “cây roi” có thể được xem như là một biểu tượng. Nhưng nếu “cây roi” là một biểu tượng thì chắc chắn nó là biểu tượng của sự sửa phạt đau đớn – kiểu sửa phạt mà một đứa trẻ sẽ coi đó là trừng phạt. Theo Kinh Thánh, cha mẹ yêu thương phải sử dụng cây roi đó (Châm ngôn 13:24), và trừng phạt thể xác là một cách để thực hiện yêu cầu đó. (Cần phải nói rõ rằng không có sự biện minh nào trong Kinh Thánh cho việc sử dụng hình phạt thể xác đối với việc kỷ luật người môn đồ trưởng thành).

   Hình phạt là một phần của kỷ luật theo Kinh Thánh, một phần thiết yếu trong hộp công cụ kỷ luật.

   Các lựa chọn thay thế cho hình phạt thể xác mà trẻ sẽ coi là hình phạt đau đớn sẽ khác nhau với mỗi trẻ. Tôi nhớ một kỳ nghỉ gia đình khi tôi bị cấm bơi cả ngày. Tôi đã được cảnh cáo thích đáng và tôi đáng bị trừng phạt. Như bạn có thể nói, tôi chưa bao giờ quên điều đó bởi vì, cậu bé ơi, nó đau đấy.

   Cơ Đốc Nhân không được tùy tiện dùng ống tiêm để rút ra các từ trong Kinh Thánh và loại bỏ một phần ý nghĩa của chúng. Huấn luyện và trừng phạt được trộn lẫn trong khái niệm kỷ luật trong Kinh Thánh, và những gì Chúa đã kết hợp với nhau, con người không được tách rời.

Ý nghĩa ngoài con bạn

   Một ngày nọ, tại một sân chơi ở thành phố New York, khi bé trai Solly của tôi khoảng 2 tuổi bị một cậu bé lớn hơn đã cắn cắm răng vào vai Solly. Trong khi Solly rên khóc, người mẹ kinh hoàng và vô cùng biết lỗi của cậu bé đã đuổi con trai mình ra khỏi sân chơi.

   Tôi không biết liệu người mẹ đó có thực hành cách nuôi dạy con nhẹ nhàng hay không – cô ấy có thể đã trừng phạt con trai của mình khi về đến nhà. Và tôi không phán xét cách nuôi dạy con cái của cô ấy, bởi vì ngay cả những đứa trẻ được cha mẹ nuôi dạy tốt nhất đôi khi cũng có những hành động tồi tệ. Điểm mấu chốt của câu chuyện là trẻ em không hoạt động trong một chỗ trống không. Hành vi của chúng ảnh hưởng đến người khác, và khi chúng lớn lên, hành vi của họ sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa.

   Trong Sách Châm ngôn, sự ngu dại là hành vi liều lĩnh (Châm ngôn 14:16), và kẻ ngu dại là mối đe dọa cho mọi người (Châm ngôn 17:12). Vì vậy, khi Kinh Thánh nói “sự ngu ngốc vốn nảy bật lên trong lòng trẻ thơ” (Châm ngôn 22:15), Kinh Thánh không nói về sự khờ dại của trẻ em. Vì lợi ích của đứa trẻ và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành vi hiện tại và tương lai của đứa trẻ đó, sự rồ dại cần phải bị loại bỏ. Cách Kinh Thánh để làm điều đó là sử dụng hình phạt một cách yêu thương.

   Nếu sự rồ dại của một đứa trẻ vẫn còn, nó sẽ gây ra hậu quả tai hại, và Kinh Thánh cho rằng sự điên rồ sẽ vẫn tồn tại nếu không có roi kỷ luật. Nếu muốn tạo ra những đứa trẻ ngoan hiền, chúng ta cần điều nhiều hơn những phương pháp nhẹ nhàng—chúng ta cần những phương pháp trong Kinh Thánh.

 

Ánh Dương

Lược Dịch Theo:  https://www.thegospelcoalition.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan