Ngày Của Cha Ra Đời Như Thế Nào?

Share

Ông William Jackson Smart (phải) và con gái Sonora Smart Dodd. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Chris Lawson

Ngày của Cha là một ngày lễ tiêu biểu của nước Mỹ: ngày chúng ta tôn vinh những người cha, cha dượng, ông nội, và những hình tượng người cha — những người có ý nghĩa quan trọng, theo nhiều cách — đối với gia đình chúng ta. Vào Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu, những người cha sẽ được tận hưởng ngày dành riêng cho mình, và nếu may mắn, họ sẽ được con cái và các thành viên trong gia đình trao tặng yêu thương, sự quan tâm, trân trọng, và những món quà.

Đây cũng là dịp để chúng ta ca ngợi tầm quan trọng của tình phụ tử.

Nhưng bạn có biết rằng, ngày lễ đặc biệt này đã được tổ chức trước cả khi nó trở thành ngày lễ quốc gia không? Đây là một câu chuyện có từ 113 năm về trước.

Ngày của Cha như chúng ta biết hiện nay bắt nguồn từ thành phố Spokane, tiểu bang Hoa Thịnh Đốn. Ý tưởng này được một người con gái tận tâm của một người cha góa bụa thời Nội chiến khởi xướng. Tên của bà là Sonora Smart Dodd.

Theo bà Megan Duvall, viên chức phụ trách bảo tồn di tích lịch sử thành phố và quận Spokane, thì mẹ của bà Dodd, bà Ellen, đã qua đời trong lúc lâm bồn khi bà Dodd mới chỉ là một thiếu nữ. Cha của bà là ông William Jackson Smart, đã phải một mình nuôi sáu đứa con khôn lớn, trong độ tuổi từ 16 đến trẻ sơ sinh.

Bà Duvall cho hay, ông William là một nông dân từng chiến đấu cho Liên bang miền Bắc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Nhìn chung, ông là một biểu tượng kiên cường về việc làm cha — nói rộng hơn là việc làm cha mẹ — lẽ ra phải thế. Con gái ông rất muốn tỏ lòng kính trọng với ông và những người cha khác.

Tấm lòng hiếu thuận của cô con gái

Theo các tư liệu lịch sử, mọi việc bắt đầu khi bà Sonora đang nghe một bài thuyết giảng về Ngày của Mẹ tại Nhà thờ Giáo hội Giám lý Trung ương ở Spokane, Hoa Thịnh Đốn vào ngày 09/05/1909. Bà Sonora tự hỏi, liệu chúng ta có nên có một Ngày của Cha tương tự như Ngày của Mẹ không? Ngày của Mẹ đã được khởi xướng hai năm trước đó tại Grafton, tiểu bang West Virginia, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có ngày lễ tương tự được tổ chức dành cho những người cha.

Trong suốt một năm tiếp theo, bà Dodd không ngừng kêu gọi ủng hộ cho ý tưởng về Ngày của Cha, bà Duvall giải thích. Bà đã thuyết phục Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc địa phương và Hội đồng Mục vụ Spokane ký vào một bản kiến nghị để thành lập lễ kỷ niệm Ngày của Cha tại thành phố Spokane. Các doanh nghiệp địa phương, báo chí, và ngài thị trưởng N.S. Pratt đều hưởng ứng.

Trong bản kiến nghị ban đầu gửi Hội đồng Mục vụ Spokane, bà Dodd viết:

Phong tục cao quý về Ngày của Mẹ đã gợi lên một câu hỏi: Tại sao không có Ngày của Cha? Thắc mắc này càng được nhấn mạnh hơn khi Ngày lễ Thiếu nhi được cử hành trong các trường Chúa nhật của chúng ta.

Ngày của Cha sẽ thu hút sự chú ý [của mọi người] đến những lời dạy mang tính xây dựng như vậy từ bục giảng giáo đường, mà một cách tự nhiên sẽ cho thấy:

Những bài viết về chiến dịch biến Ngày của Cha thành ngày lễ chính thức được cắt từ các tờ báo ở Spokane năm 1910. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

– Vị trí của người cha là trong gia đình.

– Giáo dưỡng con cái.

– Gìn giữ sợi dây hôn nhân.

– Bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Bản kiến nghị của bà Dodd nhanh chóng được Liên minh Mục vụ Spokane và ngài thị trưởng ký duyệt.

Bà Duvall cho biết, nhờ sự nổi tiếng của chiến dịch này mà nhiều thị trấn khác nhau ở Hoa Thịnh Đốn thậm chí còn tuyên bố tổ chức các sự kiện của riêng họ. Và ngày ấn định là: 19/06/1910.

Những ngày trước thềm sự kiện, tờ báo Spokane Press đã viết như thế này về bà Dodd vào ngày 06/06:

Bà Sonora Dodd mong mỏi ý tưởng về Ngày của Cha sẽ bén rễ và nảy nở trong trái tim của người dân ở đất nước chúng ta. Theo bà, mục đích của ngày lễ này là để gắn kết tình cha con [nguyên văn], đồng thời trao cho người làm chủ và người nuôi sống cả gia đình tất cả sự tôn trọng và danh dự mà ông nên có. Mục đích của ngày này cũng là để bồi đắp tình yêu thương và sự kính trọng dành cho cha, tương tự như tình cảm dành cho mẹ vậy.

Vào ngày 19/06/1910, các nhà thờ Tin Lành ở Spokane đã tổ chức Ngày của Cha đầu tiên tại Spokane. Các mục sư thuyết giảng các bài giảng về chủ đề tình phụ tử, đồng thời trao tặng sự công nhận đặc biệt. Mục sư Robert Asa Smith có bài thuyết giảng nhân Ngày của Cha tại nhà thờ của ông ở Spokane, một phần bài giảng được tờ Spokane Spokesman-Review trích đăng, như sau:

Tôi tin rằng nam giới sẽ trở nên tốt hơn nếu họ được yêu thương nhiều hơn. Tôn vinh những người mẹ là điều tốt, bởi vì họ là phước lành tuyệt vời nhất mà chúng ta được ban tặng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không tôn kính một món quà khác có giá trị tương tự, những người cha. Chúa phán rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ.” Cha và mẹ đều bình đẳng như nhau.

Chúng ta đã nói và viết rất nhiều về người mẹ, đến nỗi chúng ta gần như bỏ qua sự thật rằng tình phụ tử cũng có vẻ đẹp. Chúng ta đặt vầng hào quang lên đầu mẹ, nhưng trên đầu cha thì chưa từng có vầng hào quang nào và dường như không ai nhận ra sự thiếu vắng đó. Tôi không muốn lấy đi một lời nào từ những lời ngợi ca mẹ, nhưng tôi cũng muốn nói thêm về cha nữa.

Trong buổi sáng hôm nay, tôi kêu gọi các bạn hãy tôn vinh sự tận tụy của cha, sự che chở và tình yêu thương của cha.

Lễ kỷ niệm Ngày của Cha thành công vang dội ở cả cấp tiểu bang lẫn địa phương. Sau sự kiện đầu tiên, bà Sonora Dodd chia sẻ với tờ Spokane Spokesman-Review: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến người dân Spokane vì đã hưởng ứng Ngày của Cha bằng cách cài hoa hồng, đặt những tấm thiệp chúc mừng lên các ô cửa sổ ở cửa hàng, và thuyết giảng về chủ đề này như một chủ đề tiêu biểu,” bà nói. “Tôi đã nhận được nhiều bài viết từ khắp các vùng miền trên tiểu bang về ngày lễ này, một tờ báo Nhật Bản và một tờ báo Đức cũng dành nhiều trang cho những câu chuyện liên quan đến lễ kỷ niệm này. Người Thụy Điển, Scandinavia, và Đan Mạch cũng hưởng ứng ngày lễ này.”

Những thử thách phía trước

Trong những năm tiếp theo, bà Sonora Dodd nỗ lực hết sức để Ngày của Cha được tổ chức trên khắp cả nước. Sự ủng hộ của công chúng lên xuống thất thường, vì nhiều người cho rằng ngày lễ này chỉ là chiêu trò để thương mại hóa thêm một ngày lễ nữa. Những người khác, giống như ngài thống đốc lại cảm thấy nam giới không cần được tâng bốc như vậy.

Sự miễn cưỡng đó được thể hiện rõ trong lá thư mà ngài thống đốc viết cho bà Dodd vào tháng 7/1910, nội dung có đoạn:

Ngay khi đọc được thông tin [ý tưởng về Ngày của Cha] trên báo chí, tôi đã đoán rằng văn phòng này sẽ được yêu cầu cân nhắc nó. Mặc dù, tất nhiên là tôi không phản đối cuộc vận động này dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng tôi vẫn cảm thấy Ngày của Mẹ [có ý nghĩa] quan trọng hơn trong hai ngày. Những người cha chúng tôi vẫn có thể tự xoay xở bằng cách nào đó mà không cần được nhắc đến một cách tâng bốc như vậy. Đàn ông chúng tôi có phần rụt rè và có thể cảm thấy rất ngượng ngùng nếu nhận được quá nhiều sự tôn sùng công khai.

Trân trọng,
Thống đốc M.E. Hay

Tuy nhiên, bà Sonora Dodd vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu.

“Cố gắng biến ý tưởng này thành hiện thực, bà đã thực sự nhờ đến các doanh nghiệp địa phương để giúp thúc đẩy sự ủng hộ cho ý tưởng tôn vinh những người cha,” bà Duvall nói. “Vài ví dụ trong số đó là, bà nhắm đến các công ty may mặc cho nam giới, các nhà sản xuất rượu whisky, và các công ty xe hơi. Thế rồi, Ngày của Cha cũng dần được đón nhận.” Tuy nhiên, bà Dodd cũng có những dự án khác trong cuộc đời. Không lâu sau, bà rời khỏi thành phố Spokane.

“Bà là một phụ nữ năng động,” bà Duvall chia sẻ. “Bà đã sớm lên đường đến Viện Nghệ thuật Chicago để theo đuổi nghệ thuật. Bà trở thành một nhà thơ. Bà vẽ tranh và trở thành một nhà thiết kế thời trang.”

Tuyên bố do Tổng thống Richard Nixon ký, chính thức công nhận Ngày của Cha. (Ảnh: GPO)

Mãi đến những năm 1930, khi bà Sonora Dodd trở về thành phố Spokane thì chiến dịch biến Ngày của Cha thành quốc lễ mới được khởi động trở lại. Trong thời gian bà vắng mặt, ngày càng nhiều thị trấn trên khắp nước Mỹ tôn vinh Ngày của Cha, nhưng quy mô chưa bao giờ sánh được với Ngày của Mẹ, bà Duvall cho biết. Tuy nhiên, bà Dodd vẫn miệt mài thúc đẩy

Theo Thư viện Quốc hội Mỹ, trải qua nhiều năm, ý tưởng về Ngày của Cha đã lan rộng, và người dân đã vận động Quốc hội thành lập ngày lễ này.

Năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilson chấp thuận ý tưởng này nhưng ông chưa bao giờ ký tuyên bố thông qua. Đến năm 1924, Tổng thống Calvin Coolidge đã biến Ngày của Cha trở thành sự kiện quốc gia, nhằm “thiết lập mối quan hệ gắn bó hơn giữa những người cha và con cái, đồng thời nhấn mạnh cho những người cha hiểu đầy đủ hơn về các nghĩa vụ của mình.”

Tuy nhiên, phải đến năm 1966, Tổng thống Lyndon B. Johnson mới ban hành tuyên bố đầu tiên của tổng thống, chính thức công nhận trên toàn quốc “đối với truyền thống lâu đời này.” Ông viết: “Nếu người cha có rất nhiều trách nhiệm, thì phần thưởng của họ cũng rất vĩ đại — [đó là] tình yêu thương, sự cảm kích, và lòng kính trọng của con cái và người phối ngẫu dành cho họ.”

Cuối cùng, vào năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đã ký sắc lệnh chính thức công nhận Ngày của Cha là ngày lễ quốc gia thường niên. “Có một người cha — được trở thành một người cha — là chúng ta đang đến rất gần với cốt lõi của cuộc sống,” ông Nixon viết. Sáu năm sau, bà Sonora Dodd qua đời ở tuổi 96, hạnh phúc vì tâm nguyện cả đời của mình đã hoàn thành, bà Duvall cho biết.

“Bà là người phụ nữ tài năng phi thường,” bà Duvall nói

Bài viết này được xuất bản lần đầu trên tạp chí American Essence.

Hòa Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

 

 

 

Nguồn: https://www.epochtimesviet.com

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan