Bác Bỏ Nghị Quyết Của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Lên Án Sự Định Cư Của Người Y-sơ-ra-ên

Share

Tuyên Ngôn Của Phong Trào Cơ Đốc Nhân Cho Y-sơ-ra-ên

Ngày 24 tháng 12 năm 2016

Hôm qua, thứ sáu 23 tháng 12 năm 2016, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp tại New York đã thông qua một nghị quyết lên án các khu định cư của người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem, Giu-đê và Sa-ma-ri từ năm 1967 là “trắng trợn vi phạm luật quốc tế”. 14 trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu thuận. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ, không bỏ phiếu, đã không dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn cản một nghị quyết như vậy.

Một “cuộc định cư” (settlement) không hơn và cũng không kém – có ý nghĩa là một nơi sinh sống, một bầu không gian cho con người sống. Dù nghị quyết chỉ lên án vai trò của chính phủ Do Thái đã cho phép xây nên “những khu định cư” và không áp dụng với những người dân đến sống trong khu định cư – nhưng trong thực tế của công pháp quốc tế, nghị quyết này kể là tất cả mọi người Do Thái sống trong thành phố cổ Giê-ru-sa-lem, Giu-đê và Sa-ma-ri kể từ tháng 6 năm 1967 là bất hợp pháp và tội phạm. Nghị quyết này là một trong những đợt sóng thần với những nghị quyết đã được tổ chức UNESCO (Văn Hóa Quốc Tế Liên Hiệp Quốc) và UN General Assembly (Hội Đồng Liên Hiệp Quốc) đưa ra để bác bỏ mọi quan hệ giữa Do Thái với thành phố Giê-ru-sa-lem và những ngọn núi ở Do Thái.

Thế là một lần nữa, Phương Tây, khi gọi các vùng lãnh thổ này là “Pa-lét-tin”, đã vì quyền lợi chính trị của họ mà quên đi rằng khởi đầu, chính cuộc xâm lăng của người Ả-rập đã trục xuất người Do Thái ra khỏi những lãnh thổ này vào năm 1948. Đây là một thí dụ điển hình về thái độ của các nhà lãnh đạo Phương Tây chấp nhận phong trào viết lại lịch sử theo quan điểm của khối Hồi Giáo để tháo bỏ cho những nước Á-rập lân bang với nước Do Thái và giới lãnh đạo Á-rập Pa-lét-tin mọi trách nhiệm của họ về vấn đề xung đột giữa Do Thái và Pa-lét-tin.

Nghị quyết này lấy biên giới của năm “1967” làm biên giới của nước Pa-lét-tin mà Liên Hiệp Quốc cương quyết dựng nên. Những đường ranh giới này được dựng nên vì các nước Giô-đanh, Ai Cập, Sy-ri-a và các nhà lãnh đạo Ả-rập Pa-lét-tin đã bác bỏ “Kế Hoạch Phân Chia Lãnh Thổ 11-1947”, và vào ngày 15 tháng năm 1948 phát động một chiến tranh toàn diện chống lại Do Thái với mục đích đẩy người Do Thái xuống biển. Nếu họ chấp nhận kế hoạch đó – như các nhà lãnh đạo Do Thái đã chấp nhận – thì một nhà nước Á-rập Pa-lét-tin đã được hình thành từ rất lâu rồi.

Thay vào đó, giới lãnh đạo Á-rập Pa-lét-tin bác bỏ mọi quyền của người Do Thái để có một quốc gia tự chủ – như những gì họ đã làm từ lúc Bản Quyết Định Về Pa-lét-tin được hình thành năm 1920 để dựng nên một nước Do Thái. Sự bác bỏ này tái diễn liên tục với những cuộc chiến tranh năm 1956, 1967 và 1973 với kết quả là 70 năm tranh chiến xảy ra với giá trả của hàng chục ngàn sinh mạng từ cả hai phía. Và sự bác bỏ quyền có một nhà nước tự chủ của người Do Thái như vậy cũng nằm sâu kín trong nghị quyết này.

Bằng cách chấp nhận lời công bố của người Pa-lét-tin là họ độc quyền chủ quyền trên thành phố cổ Giê-ru-sa-lem (old city of Jerusalem), Núi Đền Thờ (Temple Mount) và toàn lãnh thổ Giu-đê và Sa-ma-ri, Hội Đồng Bảo An đang ngầm phá hủy chủ quyền của nhà nước Do Thái trong việc quyết định biên giới của chính mình. Không hề có một tranh chấp nào như thế này trên thế giới mà Liên Hiệp Quốc lại cương quyết cho chính mình quyền quyết định kết quả (về tranh chấp giữa nhà nước Do Thái và giới lãnh đạo Á-rập Pa-lét-tin). Thế nhưng Liên Hiệp Quốc tự cho là có trách nhiệm và thẩm quyền để giải quyết cuộc tranh chấp này, trong đó có quyền bao gồm cả quyền tự quyết chính sách ngoại giao của người Do Thái.

Tại sao Liên Hiệp Quốc phủi tay trước những cuộc diệt chủng ở Congo, Căm Bốt (thời Polpot) và gần đây ở Congo, Uganda, Sudan vv… nhưng lại kiên quyết xen vào cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Á-rập Pa-lét-tin với một thái độ chống Do Thái như vậy? Tại sao tổ chức Văn Hóa Thế Giới Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã có thời được vận động để vinh danh một lãnh tụ cộng sản khát máu làm danh nhân thế giới? Cũng may là cuộc vận động này bị thất bại vì các nhân sĩ trí thức quốc tế đã mạnh mẽ lên tiếng phản bác. Đây là một điều để chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận về vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và tư cách của Liên Hiệp Quốc trong từng trường hợp một – để tránh vội vã chấp nhận hay bác bỏ những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Với người Do Thái, câu hỏi về vấn đề biên giới không chỉ là câu hỏi về quyền hợp pháp, nhưng là vấn đề sống chất. Những kẻ thù của người Do Thái biết rõ là đường ranh ngưng bắn năm 1949 là đường ranh không thể phòng thủ được. Cựu Ngoại Trưởng Do Thái Abba Eban ví chúng như là “những đường ranh của trại tập trung Auschwitz”. Nếu một nhà nước Á-rập Pa-lét-tin được dựng nên theo đường ranh này, và nếu nhà nước đó bị Hamas hay Hizbollah hay một chế độ Hồi Giáo cực đoan kiểm soát, đất nước Do Thái sẽ đối diện với sự bị hủy diệt. Từ đường ranh này, kẻ thù nghịch với Do Thái có thể dùng các loại pháo 130 ly của thời chiến tranh Việt Nam bắn đến bất cứ thành phố nào của Do Thái, chưa nói đến những loại vũ khí tối tân sát thương hàng loạt của thể kỷ 21 ngày nay, mà các nước Ả-rập và Hồi Giáo thù nghịch Do Thái đã có từ lâu và sẵn sàng viện trợ hoặc là cho Hamas, Hizbollah hay nhà nước Á-rập Pa-lét-tin.

Bằng cách thông qua nghị quyết này, các nước chúng ta một lần nữa lại bỏ rơi dân tộc Do Thái và đứng về phe những kẻ thù của họ. Đây là một bước làm tiếp tục lịch sử của sự kiêu ngạo và tự hào mà kết quả là những cuộc tàn sát, bắt bớ và diệt chủng người Do Thái đã xảy ra trong suốt hơn 2000 năm qua.

Là những Cơ Đốc Nhân, chúng tôi báo động và kinh hãi nhưng không ngạc nhiên. Chúng tôi biết Giê-ru-sa-lem sẽ bị “chà đạp bởi các dân ngoại” cho đến ngày chính Chúa hiện ra (Lu-ca 21/Rô-ma 11). Chúng tôi biết là các nước sẽ cố chia cắt đất đai (Giô-ên 2/3) và đến nghịch cùng Giê-ru-sa-lem (Xa-cha-ri 12.14). Và chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể phó thác trong Chúa là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên vì Ngài bảo vệ dân sự của Ngài.

Nhưng chúng tôi từ chối sự câm lặng. Chúng ta, là những Cơ Đốc Nhân, phải đứng lên cho quyền của dân Do Thái để họ tự quyết định tương lai của họ, và bảo vệ quyền sống của người Do Thái trong một biên giới được bảo đảm an ninh. Chúng tôi cũng tôn trong danh dự và quyền của người Á-rập Pa-lét-tin nhưng không phải là bằng cái giá của sự hiện hữu của dân Do Thái.

Chúng tôi tin chắc rằng người Á-rập và Pa-lét-tin và các nước Á-rập trong vùng sẽ không được thịnh vượng cho đến khi có một nền hòa bình chân chính trong vùng. Hòa bình và an ninh chân chính không đến từ những điều kiện áp đặt mà Liên Hiệp Quốc đưa ra. Nó chỉ đến khi các nước trên thế giới chấp nhận quyền của người Do Thái, cũng như bất cứ một dân tộc nào, tự quyết định vận mệnh của họ trong vùng đất mà lịch sử của họ gắn bó một cách sâu xa và riêng biệt.

 

Ánh DươngDTCMS chuyển ngữ theo “Christians for Israel denounces UN Security Council resolution condemning Israeli settlements,” C4Israel, 24 Dec 2016

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan