Beethoven: Hạnh Phúc Lớn Nhất Đời Người Là Được Gần Với Chúa

Share

 

Ludwig van Beethoven là một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm người Đức nổi tiếng. Ông kế thừa và phát triển trường phái âm nhạc cổ điển, truyền cảm hứng cho phong cách và tinh thần của trường phái âm nhạc lãng mạn. Do đó ông chiếm một vị trí rất quan trọng trong lịch sử âm nhạc. Trong cuộc đời của mình, Beethoven đã sáng tác 9 bản giao hưởng được được đánh số, 36 bản sonata dành cho piano (trong đó 32 bản đã được đánh số, 1 bản chưa hoàn thành), 10 bản sonata dành cho violin, 16 bản tứ tấu dây, 1 bản opera và 2 bản hòa tấu… Những tác phẩm này có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của âm nhạc. Hơn thế nữa, Beethoven là một nhạc sĩ hết sức sùng Đạo, tôn kính Chúa, nên có nơi còn coi ông là một vị “Thánh Nhạc”…

 

Ludwig van Beethoven trình diễn cùng với Razumovsky Quartet, được vẽ bởi họa sĩ August Borckmann. (Tranh qua thenational.ae, Public Domain)

Kể từ khi sinh ra vào năm 1770, Beethoven đã phải đối mặt với một hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha ông nghiện rượu, hà khắc và vô trách nhiệm, trong khi người mẹ nhân từ của ông thì thường ốm đau bệnh tật. Mẹ của ông được cho là rất sùng đạo và đã gửi Beethoven đến một trường học Công giáo từ khi ông còn nhỏ. Khi Beethoven lên 17 tuổi thì mẹ ông mất sớm.

Không khí châu Âu lúc bấy giờ tràn ngập hơi thở của cuộc cách mạng. Mọi khuôn mẫu được thiết lập đều bị thách thức. Napoléon đang trên đường viễn chinh, chinh phục mọi dân tộc trên suốt chặng đường ông đi qua. Lúc đầu, Beethoven rất ngưỡng mộ và chuẩn bị dành tặng bản giao hưởng thứ 3 cho Napoléon. Nhưng khi nghe tin Napoléon muốn xưng đế, Beethoven đã xé trang tiêu đề của bản nhạc ra từng mảnh trong cơn giận dữ.

Người ta nói, thời thế tạo ra con người, nhưng với Beethoven thì không chỉ vậy. Bắt đầu từ tuổi 28, Beethoven đã cảm nhận được chứng điếc từ từ, và căn bệnh ngày càng trở nặng trong suốt quãng đời còn lại của ông.

Mạnh Tử nói: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi”. Bởi thế, bi kịch này, nhìn từ một phương diện, là gây tổn hại tới cuộc đời và sự nghiệp của Beethoven, nhưng nhìn từ một phương diện khác lại là một thử thách, một cú sốc bộc lộ niềm tin đáng kinh ngạc của Beethoven vào Chúa, và có lẽ cũng là điều tác thành nên những bản nhạc lưu danh thiên cổ của ông.

Trong bản di chúc Heligenstadt nổi tiếng của mình, nhà soạn nhạc đã bày tỏ ước vọng sâu xa nhất của ông: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa soi xét linh hồn trong tim con. Ngài cũng thấu tỏ lòng con và biết rằng trong đó tràn đầy tình yêu thương con người và khát vọng hướng tới cái Thiện” (Gottheit, du siehst herab auf mein Inneres; du kennst es, du weißt, daß Menschenliebe und Neigung zum Wohltun drin hausen).

Trên thực tế, Beethoven quả thực rất biết quan tâm và đồng cảm với nỗi đau khổ của người khác. Khi biết người con gái duy nhất còn lại của Bach cần được giúp đỡ, ông lập tức xuất bản một quyển nhạc mới và đưa toàn bộ thu nhập của mình cho bà.

Bệnh điếc của Beethoven càng trở nên trầm trọng thì ông càng khép kín, càng rút lui khỏi xã hội hơn. Beethoven sống cho đến năm 1827. Khi hấp hối trên giường, một lần nữa ông bày tỏ với em trai rằng mình đã “chuẩn bị đầy đủ” để trở về với vòng tay bình yên của Chúa.

 

(Tranh qua classicfm.com, Public Domain)

Hành động cuối cùng của Beethoven vào cuối đời là nhận Tiệc thánh. Người bạn Anselm Hüttenbrenner đã ở lại với ông cho đến khi ông qua đời trong một ngày giông bão. Một người bạn khác nhấn mạnh rằng: “Toàn bộ cuộc đời của Beethoven là bằng chứng về lòng mộ đạo trong nội tâm của ông.”

Nhật ký, thư từ và sách đối thoại của Beethoven (dùng để giao tiếp với người khác sau khi bị điếc) nhiều lần đề cập đến Chúa, và là bằng chứng mạnh mẽ về đức tin kiên định của ông. Khi cảm thấy bất công trong cuộc đời, ông đã cầu nguyện: “Vì vậy, con sẽ chịu đựng mọi điều phi lý một cách bình thản và đặt niềm tin vào sự lương thiện vĩnh hằng của Chúa. Ôi Chúa ơi, trong Chúa vĩnh viễn mang theo Thần tính. Tâm hồn con đang ca hát và Ngài là tảng đá, là ánh sáng và sự tin cậy vĩnh hằng của con.”

Vào năm 1815, Beethoven còn bày tỏ mong muốn trở thành một nhà soạn nhạc trong một nhà thờ nhỏ để tìm kiếm sự bình an và mãn nguyện, nơi ông sẽ cống hiến các tác phẩm của mình cho “sự vinh diệu vĩnh hằng của Đức Chúa Trời”. Lời cầu nguyện nhiệt thành được ghi lại trong nhật ký của ông: “Dù thế nào đi nữa, hãy để con hướng về Ngài mà sáng tác.”

Năm 1810, ông thú nhận lòng tin gần như trẻ thơ của mình với một người bạn. Ông viết: “Tôi không có bạn bè và phải sống một mình. Tuy nhiên, tôi biết rằng Chúa ở gần tôi hơn những người khác. Tôi không sợ Ngài chút nào, tôi luôn có thể nhận biết và thấu hiểu Ngài.”

Beethoven hiểu rõ sứ mệnh của mình và đã viết trong di chúc: “Tôi sẽ sống cho đến khi hoàn thành điều Chúa muốn tôi làm, nếu không, tôi sẽ không thể rời khỏi thế giới này”.

Trên thế gian này, con người rồi sẽ có lúc phải đối diện với những câu hỏi lớn nhất: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Vì sao ta lại sinh ra trên thế giới này? Chết rồi thì sẽ về đâu? Liệu những điều mà tôn giáo nói đến có phải là sự thật? Và rồi dù muốn hay không, con người rồi sẽ trong vô thức đi tìm câu trả lời cho những điều đó. Ngưỡng mộ thay, những ai có được câu trả lời kiên định. Phúc lành thay, những ai có được chốn về trong hành trình tưởng như vô định ấy.

 

(Nguồn: trithucvn.org) 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan