Cầu Nguyện Tháng 1/2018

Share

Kính chào quý vị, hội thánh và các bạn cầu nguyện.

Shalom,

Kính chúc quý vị và các bạn một năm mới 2018 tràn đầy sự tươi mới, nguồn vui và ơn sức phục hưng.

Chúng ta đã cầu nguyện cho Việt Nam, Hoa Kỳ, Châu Âu v.v.. Chúng ta không quên Y-sơ-ra-ên.

Trong tháng 1-2018 chúng ta sẽ cầu nguyện cho Y-sơ-ra-ên.

Quan hệ giữa Y-sơ-ra-ên với Hội thánh là một quan hệ phức tạp nhưng thật sâu nhiệm trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Vì vậy, hơi khác với những thông tin cầu nguyện trước đây, tháng này chúng ta cần chia sẻ (dù vắn tắt) những gì Kinh Thánh dạy về quan hệ giữa Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời và Hội thánh để rút tỉa ra những điều quan trọng cần cầu nguyện cho Y-sơ-ra-ên.

Chúng ta sẽ suy niệm từng khía cạnh và sau đó cầu nguyện cho những khía cạnh này. Chúng ta cầu nguyện cho 5 điều như sau:

1/ Sự bình an, trong tiếng Hê-bơ-rơ là shalom (hòa bình, sung túc và thịnh trong mọi mặt của sự sống), cho Y-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Trời đã kêu gọi và dùng Áp-ra-ham (và sau đó là các tổ phụ và tiên tri vv…) để dựng nên dân Y-sơ-ra-ên với địa vị đặc biệt là tuyển dân của Ngài. Chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su đến thế gian trong dòng Đa-vít là con cháu Áp-ra-ham. Chúng ta dễ hiểu lầm, nhìn vào sự kiện lịch sử là giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị Do Thái thời đó đã cùng với Tổng Đốc La-mã là Phi-lát giết Chúa Giê-su – để cho rằng dân Do Thái ngày xưa đáng bị những hoạn nạn đã xảy ra cho họ, hay nước Do Thái ngày nay không đáng được có sự an ninh, thịnh vượng và chủ quyền trên đất của họ.  Khi hiểu lầm như vậy, chúng ta sẽ dễ thờ ơ và dững dưng trước những nguy cơ, khó khăn và thách thức ở mức sự sống còn của dân Y-sơ-ra-ên.

Chúng ta cầu nguyện xin Chúa bảo vệ, ban bình an và thịnh vượng cho nước Y-sơ-ra-ên, đặc biệt khi luôn luôn phải đối phó với những nguy cơ, khó khăn và thách thức trong mỗi ngày: 

  1. Luôn bị những tổ chức khủng bố quốc tế và những người Hồi Giáo cuồng tín tấn công.
  2. Luôn bị những quốc gia Hồi Giáo quá khích tìm cách tiêu diệt
  3. Luôn bị những tổ chức văn hóa và tôn giáo trên thế giới, trong đó có nhiều tổ chức văn hóa và xã hội của Liên Hiệp Quốc, tấn công bằng những văn hóa phẩm, những thông tin truyền thông cho công chúng và những lý luận chứa đầy sự tuyên truyền bác bỏ chủ quyền của nước Y-sơ-ra-ên trên lãnh thổ hiện nay của họ.
  4. Phải đối phó với những ảnh rất hưởng tiêu cực của “Thần Học thay thế” – dạy rằng Chúa đã tước bỏ địa vị tuyển dân của Y-sơ-ra-ên để trao cho Hội thánh.  Dưới ảnh hưởng này, nhiều Giáo Hội và Hội thánh đặc biệt ở Châu Âu và Hoa Kỳ, đã có thái độ không thân thiện, thậm chí thù nghịch với quốc gia Y-sơ-ra-ên.

2/ Các Hội thánh Cơ Đốc và chính người Y-sơ-ra-ên nhận biết địa vị tuyển dân của Y-sơ-ra-ên trong chương trình Cứu Chuộc

Không phải là tất cả dân Y-sơ-ra-ên đã nhúng tay vào cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. Nhưng lẽ thật là theo chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su hiến thân ngài trên thập giá làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Chính Ngài đã phán:  “Sở dĩ Cha yêu thương Ta, là vì Ta hi sinh mạng sống mình để được nhận lại. Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hi sinh. Ta có quyền hi sinh mạng sống và có quyền lấy lại. Ta đã nhận mệnh lệnh nầy từ nơi Cha Ta.” (Giăng 10.17-18). Không có Y-sơ-ra-ên được chọn là tuyển dân thì không có Chúa Giê-su làm của lễ chuộc tội, không có chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời và dĩ nhiên là không có Hội thánh.

Chúng ta cần cầu nguyện cho Y-sơ-ra-ên ý thức vai trò quan trọng của mình là tuyển dân của Chúa, được Chúa dùng trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời – và cầu nguyện về lời hứa của Chúa rằng họ sẽ được Chúa thăm viếng và phục hồi.

3/  Trách nhiệm hai chiều của Hội thánh và Y-sơ-ra-ên trong sự xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa hai bên với nhau.

Hội thánh không là kẻ xa lạ hay thù nghịch với Y-sơ-ra-ên. Trong Rô-ma 11, Phao-lô giải thích Chúa dùng sự vô tín của Y-sơ-ra-ên để cứu các dân ngoại không phải là dân Y-sơ-ra-ên (Rô-ma 11.11).  Ông dùng hình ảnh tuyển dân mới như là cây ô-liu có gốc rễ là Chúa Giê-su; dân Y-sơ-ra-ên như là cành bị cắt đi và dân ngoại là những cành không phải là ô-liu nhưng được tháp vào chỗ cắt đi đó (Rô-ma 11.12-22). Nhưng không phải tất cả Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Chúa Giê-su (11.3-10). Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài về Y-sơ-ra-ên (11.28-29). Ngài không từ bỏ Y-sơ-ra-ên (11.2). Cho đến thời điểm “dân ngoại gia nhập đầy đủ” Ngài sẽ ghép họ trở lại vào chương trình cứu chuộc của Ngài (11.23-29). Phao-lô nói đến Chúa đã thương xót Hội thánh như là một nhánh xa lạ, trước kia không vâng phục – để “tháp” vào cây ô-liu thì Ngài lại càng thương xót Y-sơ-ra-ên là nhánh nguyên thủy, dù cũng trong tình trạng không vâng phục, sẽ được phục hồi, “được tháp lại vào cây ô-liu” (11.30-32).

Chúng ta cầu xin Chúa cho:

  • Hội thánh biết cầu nguyện, xây dựng mối quan hệ thông công mật thiết với Y-sơ-ra-ên, và đặc biệt là vô hiệu hóa hay xóa bỏ những ảnh hưởng của “Thần Học Thay Thế”
  • Hội thánh hiểu được những biến chuyển trên thế giới có liên quan đến Y-sơ-ra-ên.

4/  Trách nhiệm của Hội thánh: sống bày tỏ những ơn phước và biến đổi (phục hưng) để giúp Y-sơ-ra-ên mở mắt và trở lại với Chúa.

Chúa muốn dân Y-sơ-ra-ên thấy được ơn phước và sự cứu chuộc lớn lạ của Ngài cho dân ngoại để họ sẽ ý thức được địa vị tuyển dân mà “ganh đua” với dân ngoại trong đức tin và quan hệ với Ngài (11.11). Đời sống của hội thánh Chúa nói chung, và của Cơ đốc nhân nói riêng là cớ khiến cho họ ý thức.

5/  Những điều mà Đức Thánh Linh cảm động chúng ta cầu nguyện cho Y-sơ-ra-ên

Kính mến trong Chúa.

Shalom.

 

LỜI KÊU GỌI CẦU NGUYỆN PHỤC HƯNG 24/24 MỖI THỨ HAI 

1.  Mục đích:

a.  Thực hiện tinh thần hiệp một cầu nguyện với sự liên kết rộng rãi để mọi người dù ở Úc, Mỹ, Việt Nam, Châu Âu vv… đều có thể dự phần.

b.  Xây dựng sự hiệp một cầu nguyện tập trung vào các đề mục phục hưng chung.

c.  Xây dựng tinh thần kiên tâm cầu nguyện của con dân Chúa trong hội thánh.

2.  Thực hiện nội dung cầu nguyện phục hưng:

a.  Mỗi tháng người điều hợp sẽ tham khảo với một số Mục sư ở khắp nơi trên thế giới để chọn chủ đề với 5-6 điểm cầu nguyện cho sự phục hưng chung trong tháng và sau đó gửi email thông báo đến các hội thánh và quý vị.

e.  Chúng tôi không thu nhận những nhu cầu cầu nguyện có tính cách là của cá nhân, gia đình hay hội thánh địa phương. Những nhu cầu này đều có thể được cầu nguyện trong nhóm học Kinh Thánh, nhóm Cầu Nguyện, buổi thờ phượng vv… của gia đình hay hội thánh địa phương.

3.  Cách Hội thánh và quý vị tham gia:

a.  Xin xem bảng giờ được đính kèm. Bảng này chia ngày thứ hai thành 48 khoảnh giờ. Mỗi khoảnh giờ dài 30 phút.

b.  Hội thánh hay quý vị tùy nghi chọn một hay một số khoảnh giờ cố định để cầu nguyện vào mỗi ngày thứ hai.

c.  Hoặc hội thánh hay quí vị tùy nghi chọn những khoảnh giờ linh động khác nhau cho mỗi thứ hai. 

d.  Giờ cầu nguyện là giờ địa phương của quý vị.

e. Mục tiêu của chúng ta là làm sao có được người cầu nguyện cho tất cả 48 khoảnh giờ của ngày thứ hai mỗi tuần. Để được như vậy, nếu hội thánh hay điểm nhóm của quý vị có nhiều người tham gia thì không đòi hỏi là họ phải tập trung ở một chỗ. Họ có thể cầu nguyện ở nhà riêng của mình vào những khoảnh giờ khác nhau. Dĩ nhiên nếu họ thích hiệp lại cầu nguyện chung với nhau thì rất tốt.

f.  Nếu không tiếp tục cầu nguyện hay đổi giờ cầu nguyện cố định, xin báo đến địa chỉ email mới: hoidongphuchunglienhieptoancau@gmail.com để chúng tôi kịp thời cập nhật.

g.  Cách cầu nguyện linh động: trong khoảng giờ 30 phút đó, mỗi cá nhân hay nhóm cầu nguyện tùy nghi áp dụng cách cầu nguyện của mình như cầu nguyện qua những bài hát ngợi khen, đọc Lời Chúa dẫn đường vv… Tuy nhiên phải dùng ít nhất là 10 phút để cầu nguyện bằng lời. Nếu nhận 2 khoảnh giờ liên tục thì phải dùng ít nhất là 25 phút để cầu nguyện bằng lời.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan