Bộ phim tài liệu này nhắc nhở các giáo hội lưu tâm đến lời kêu gọi hành động trước khi quá muộn. Phân loại phim: NR (Chưa phân loại) | Thời lượng: 01 tiếng | Thể loại: Phim tài liệu | Khởi chiếu 2024
Ông Eric Metaxas, tác giả cuốn sách “Letter to the American Church.” (Thư Gửi Giáo Hội Hoa Kỳ) (Ảnh: Turning Point USA)
Nhiều người Mỹ nhìn nhận rằng các quyền “khẩn cấp” liên quan đến COVID-19 mà chính phủ ban hành gần đây, về bản chất là hoàn toàn chuyên quyền. Nếu bạn cũng giống như hầu hết mọi người thì năm 2020 là một năm mà bạn muốn quên đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại và tìm hiểu, chúng ta sẽ nhận thấy có một số chi tiết thú vị.
Ví dụ như ở tiểu bang California, tôi nhớ như in rằng tất cả các nhà thờ đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, các tụ điểm như câu lạc bộ thoát y và cửa hàng rượu lại vẫn mở cửa. Rõ ràng là, các nhà thờ — vốn từ lâu đã được biết đến là trung tâm kết nối cộng đồng để người dân tiếp cận với các vấn đề về sức khỏe tinh thần và tâm linh, cũng như nhiều nhu cầu khác, bị xem là “không thiết yếu.”
Cuối cùng, khi một số ít các nhà hoạt động Cơ Đốc Giáo gây sức ép lên vấn đề này thì một vài thờ cũng được phép mở cửa trở lại (mặc dù có giới hạn về ngày giờ). Tuy nhiên, Thống đốc Gavin Newsom đã thông qua dự luật cấm những người đi nhà thờ hát Thánh ca và đọc kinh khi tham dự các buổi lễ. Nhiều người nhận thấy những hạn chế sâu rộng này mang tính chất phân biệt đối xử, nhưng các chức sắc trong cộng đồng Cơ Đốc Giáo đa phần đều giữ im lặng.
Sau khi xem bộ phim tài liệu mới đầy tính chiêm nghiệm có tên là “Letter to the American Church” (Thư Gửi Giáo Hội Hoa Kỳ), phản ứng này bắt đầu trở nên dễ hiểu. Bộ phim dựa trên cuốn sách cùng tên bán chạy nhất của tác giả kiêm người chủ trì chương trình phát thanh, Eric Metaxas.
Bộ phim so sánh và đối chiếu nhiều vấn đề đang gây đau khổ cho thế giới Tây phương thời nay, bắt đầu từ sự nổi lên của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã (Nazi Party) vào đầu những năm 1930. Ngày 01/02/1933, hai ngày sau khi Hitler được bầu làm thủ tướng Đức, vị mục sư trẻ tuổi người Đức tên là Dietrich Bonhoeffer đã đọc một bài diễn văn trên đài phát thanh, có tựa đề là “Führer Principle” (Nguyên tắc Lãnh đạo).
Mục sư Dietrich Bonhoeffer phát biểu trong phong trào Giáo hội Xưng tội, trong tác phẩm “Letter to the American Church” (Thư Gửi Giáo Hội Hoa Kỳ) (Ảnh: Turning Point USA)
Khi nước Đức thất bại cả về mặt đạo đức và kinh tế sau Đệ nhất Thế chiến, Hitler đã tự phô trương mình là vị cứu tinh có thể vực dậy người dân Đức. Tuy nhiên, có một điều cần cảnh báo rằng: Mọi mong muốn và mệnh lệnh của vị Quốc trưởng này phải được tuân theo như thể chúng là những mệnh lệnh thần thánh.
Tuy nhiên, mục sư Bonhoeffer đã nhìn thấu sự thâu đoạt quyền lực toàn trị dưới vỏ bọc trá hình này, và bài diễn văn của ông đã chứng minh rằng những lý tưởng mà Hitler đặt ra là sai lầm. Ông Metaxas mô tả điều cuối cùng đã xảy ra vào cái ngày định mệnh đó: “Đó là bài phát biểu thách thức quan niệm về những gì mà một nhà lãnh đạo nên có — một vị Quốc trưởng — lẽ ra nên có, và việc trở thành một nhà lãnh đạo tin kính có nghĩa là gì. Bài diễn văn dũng cảm đó đã trực tiếp thách thức Hitler và vị trí Quốc trưởng mới của ông ta. Vào lúc đó, trước khi mục sư Dietrich kịp kết thúc bài phát biểu của mình thì tín hiệu vô tuyến đã bị cắt.”
Không lâu sau đó, vào ngày 27/02/1933 đã xảy ra sự kiện “Reichstag Fire” (Vụ hỏa hoạn Reichstag), trong đó tòa nhà Reichstag (tòa nhà Quốc hội Đức) tương đương với tòa nhà quốc hội Hoa Kỳ, đã bị phóng hỏa. Thời điểm xảy ra vụ việc này rất đáng chú ý. Tuy vụ hỏa hoạn được buộc tội ngẫu nhiên cho một “kẻ quẫn trí người Hà Lan,” nhưng Hitler và Đảng Quốc xã đã sử dụng sự kiện này (mà nhiều người tin là dàn dựng) để ban hành các quyết định “khẩn cấp” trên phạm vi rộng, cho phép ông ta vượt qua quốc hội Đức. Hitler ngay lập tức nắm quyền kiểm soát tin tức của giới truyền thông với mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi cho bất cứ ai dám chống đối chiến dịch khủng bố được nhà nước hậu thuẫn mà Đảng Quốc xã thực hiện tiếp sau đó.
Tất nhiên, để củng cố quyền lực, Hitler phải khiến Giáo hội Đức nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của mình. [Vậy là,] một Giáo hội Đức thân Đức Quốc xã bất ngờ được thành lập, bên cạnh những người phản đối nó, chẳng hạn như mục sư Dietrich Bonhoeffer, một thành viên của phong trào Giáo hội Xưng tội. Giáo hội Xưng tội lập luận rằng quyền lực tối thượng của nhân loại nằm trong tay Thiên Chúa, chứ không phải trong tay một phàm nhân nào đó như Hitler.
Ông Metaxas giải thích rằng, trong số khoảng 18,000 mục sư Tin Lành ở Đức thì có khoảng 3,000 người ủng hộ Đức Quốc xã, và 3,000 người khác phản đối Đức Quốc xã (thuộc phong trào Giáo hội Xưng tội). Điều đáng báo động là tổng số 12,000 mục sư còn lại lựa chọn đứng ngoài cuộc, bất chấp mối đe dọa rõ ràng về mặt đạo đức và thần học đối với các nguyên tắc của đức tin Cơ Đốc. Ông Metaxas rút ra được sự tương đồng trực tiếp này với cảm xúc thờ ơ kỳ lạ đang lan tràn khắp các Giáo hội của Mỹ quốc thời nay.
Ông cũng nói một phần vấn đề nằm ở chỗ các nhà lãnh đạo Cơ Đốc Giáo hiện đại không nhận ra rằng, văn hóa của chủ nghĩa Marx đã thâm nhập vào các nhà thờ Mỹ quốc. Nhiều ý tưởng thuộc văn hóa chủ nghĩa Marx đang rất thịnh hành thời nay — về bản chất là vô thần và hoàn toàn trái ngược với các giáo lý cơ bản của Cơ Đốc Giáo, chứ chưa nói đến bất kỳ tôn giáo nào khác, chẳng hạn như Do Thái Giáo hay Hồi Giáo.
Ông Charlie Kirk, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi Turning Point USA, giải thích: “Những người theo chủ nghĩa Marx phải phá hủy [các giá trị] về gia đình, tôn giáo, và quyền sở hữu. Chính là như vậy. Họ tập trung vào ba yếu tố đó.”
“Vì vậy, họ phải phá hủy mối liên kết giữa con người với Thần, họ phải phá hủy gia đình hạt nhân, và họ phải phá hủy khả năng sở hữu tài sản của bạn.”
Ông Kirk tiếp tục mô tả cách mà Hitler cũng từng nghiền nát Giáo hội Tin Lành chân chính và lập ra một tổ chức doppelgänger (bản song trùng) thay thế do Đức Quốc xã kiểm soát, tương tự như cách mà chính quyền luôn luôn thay thế giáo hội ở bất kỳ quốc gia nào mà cộng sản kiểm soát. Hitler đã tấn công vào quan niệm gia đình, khuyến khích việc dựa vào cộng đồng để làm tai mắt chỉ điểm cho Đảng Quốc xã, đồng thời tịch thu hoặc tiêu hủy tài sản riêng của công dân.
Như bộ phim đã cho thấy, kinh tế học thuần túy của chủ nghĩa Marx không bao giờ là đủ đối với những kẻ độc tài trên thế giới. Một phương án nham hiểm hơn, và nói thẳng ra là hiệu quả hơn để lật đổ quần chúng, là bí mật thâm nhập vào các nền văn hóa của thế giới và bôi nhọ các truyền thống của họ. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy rất nhiều hành vi đồi bại phản gia đình, chống nam giới, bài Cơ Đốc Giáo, và phản lại các giá trị truyền thống đang được truyền bá bởi các thể chế hùng mạnh mà văn hóa chủ nghĩa Marx đã soán quyền, trong đó gồm các phương tiện truyền thông dòng chính, giới học thuật, phim ảnh và truyền hình, và đúng vậy, ngay cả các nhà thờ.
Một trong những điều tôi yêu thích ở bộ phim kích thích tư duy này là mặc dù nó nặng về thông tin và đi sâu vào nhiều chủ đề nóng bỏng, nhưng nó lại diễn ra theo cách đầy thú vị và hấp dẫn. Thay vì diễn giải như một cuốn sách giáo khoa khô khan, nhịp độ nhanh của bộ phim cùng với các sự kiện thực tế được truyền tải rõ ràng rất lôi cuốn người xem.
Bộ phim tránh được một lỗi phổ biến mà các nhà làm phim tài liệu hay mắc phải. Thay vì chỉ xác định các vấn đề xã hội, tác phẩm này còn đưa ra một số giải pháp thực tiễn. Bộ phim không chỉ thách thức và kêu gọi các tín hữu Cơ Đốc đứng lên và hành động ôn hòa theo nhiều cách thực sự có ý nghĩa, mà còn mang lại những bài học có thể áp dụng được trong thực tế. Tôi thích phương thức này hơn là những bình luận “hy vọng và cầu nguyện” phổ biến trên mạng xã hội thời nay.
Mục sư người Đức Martin Niemöller của phong trào Giáo hội Xưng tội từng đưa ra lời cảnh báo đầy thi vị, và vượt thời gian, mà điều này lại đặc biệt liên quan đến các giáo hội Hoa Kỳ. Thời gian đang cạn dần với những ai lựa chọn đứng ngoài cuộc:
Đầu tiên chúng tìm đến những ai theo Cộng sản
Và tôi không lên tiếng
Vì tôi không phải là người theo Cộng sản
Sau đó chúng tìm đến những ai theo chủ nghĩa xã hội
Và tôi không lên tiếng
Vì tôi không phải là người theo chủ nghĩa xã hội
Sau đó chúng tìm đến những ai là đoàn viên công đoàn
Và tôi không lên tiếng
Vì tôi không phải là đoàn viên công đoàn
Sau đó chúng tìm đến người Do Thái
Tôi vẫn không lên tiếng
Vì tôi không phải là người Do Thái
Thế rồi chúng tìm đến tôi
Nhưng không còn một ai
Lên tiếng cho tôi nữa.
——————————————-
Bộ phim “Letter to the American Church” phát hành trên EpochTV vào ngày 08/02.
Đạo diễn: Rachel Tash, Simone Alex, và Adam Tash
Thời lượng: 01 tiếng
Ngày phát hành: 08/02/2024
Xếp hạng: 5 trên 5 sao