Đọc Kinh Thánh Cho Chính Mình Như Thế Nào

Share

Khi đọc, chúng ta muốn biết trước giả muốn chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm điều gì qua bản văn của họ. Họ đã viết có chủ đích. Điều này không hề thay đổi. Đó là một sự kiện khách quan đã xảy ra trong lịch sử.

Chúng ta không chỉ đọc vì những trải nghiệm chủ quan. Chúng ta đọc để khám phá thêm về hiện thực khách quan. Tôi không hài lòng với những điều xuất hiện trong đầu khi đọc bản văn. Ý nghĩa của một câu, hoặc một từ, hoặc một chữ là những điều trước giả muốn chúng ta hiểu. Do đó, ý nghĩa là mục tiêu đầu tiên cho việc đọc tốt.

Khi đọc, chúng ta thường không thực sự suy nghĩ cho đến khi chúng ta gặp phải vấn đề cần giải quyết, một chỗ khó hiểu cần được sáng tỏ, hoặc một câu đố cần được giải mã. Cho đến khi tâm trí của chúng ta bị thử thách, rồi chuyển từ trạng thái đọc thụ động sang đọc chủ động, chúng ta trôi dạt ở trên rất nhiều sự hiểu biết.

Đưa ra những câu hỏi cho bản thân là cách để tạo ra một vấn đề hoặc một điều khó hiểu cần được giải quyết. Có nghĩa là thói quen tự đặt câu hỏi cho bản thân sẽ đánh thức và kéo dài suy nghĩ của chúng ta. Kích thích tâm trí của chúng ta khi đọc, rồi đưa chúng ta đi sâu vào ý nghĩa thực sự của một phân đoạn.

  1. Hỏi về từ ngữ. 

Hỏi về những định nghĩa. Mấy từ này nghĩa là gì? Hãy ghi nhớ, chúng ta đang hỏi trước giả muốn nói gì qua từ ngữ, chứ không phải chúng ta nghĩ từ ngữ đó có nghĩa là gì. Từ ngữ sẽ có ý nghĩa khác nhau trong các câu khác nhau.

  1. Hỏi về cụm từ.

Một cụm từ là một nhóm từ ngữ không có động từ mô tả một hành động hoặc người hoặc vật nào đó. Thí dụ: “Hãy nhờ Thánh Linh làm cho chết tội lỗi”. “Nhờ Đức Thánh Linh” mô tả hành động này. Kinh Thánh cho chúng ta biết cách để giết chết tội lỗi trong đời sống của mình. Hãy nhìn kỹ vào những cụm từ như thế này và đặt câu hỏi xem chúng đang giải thích cụ thể điều gì.

  1. Hỏi về mối liên hệ giữa các mệnh đề. 

Một mệnh đề là một nhóm từ ngữ có một chủ ngữ và một động từ. Các mệnh đề liên quan với nhau như thế nào là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta cần phải đưa ra. Thông thường, sẽ có một từ nối nhỏ chính là câu trả lời (thí dụ: nhưngnếudo đóđể). Đôi khi sự khác biệt lớn giữa các nền thần học đều nằm ở những kết nối này.

  1. Hỏi về ngữ cảnh giúp xác định ý nghĩa của từ ngữ và cụm từ như thế nào.

Chúng ta không biết chính xác một mệnh đề có nghĩa là gì cho đến khi biết ý nghĩa của từ ngữ, chúng ta không thể biết ý nghĩa của từ ngữ cho đến khi biết ý nghĩa của mệnh đề. Đó là một vòng tròn, nhưng không phải là một vòng tròn tuyệt vọng. Từ ngữ có phạm vi hạn chế về mặt ý nghĩa chung. 

Những suy đoán sai về ý nghĩa của một từ ngữ thường được hiểu đúng nhờ vào cuối câu hoặc cuối đoạn. Mặc dù các từ ngữ có thể mang nhiều ý nghĩa, nhưng nội dung và mối liên hệ giữa các mệnh đề thường làm rõ ý nghĩa cụ thể mà trước giả muốn dành cho từ ngữ đó.

  1. Hỏi về mối liên hệ với các phần khác trong Kinh Thánh.

Chúng ta phải hỏi ý nghĩa ở trong đoạn này phù hợp với các đoạn khác như thế nào. Có sự khẳng định nào khác trong Kinh Thánh không? Có phân đoạn nào mâu thuẫn hoặc không nhất quán không?

Khi tôi thấy có sự căng thẳng giữa hai câu hoặc hai phân đoạn, tôi không hề cho rằng Kinh Thánh thiếu nhất quán. Tôi cho rằng mình không thấy được hết tất cả mọi thứ cần phải thấy. Nếu tôi không nhìn thấy đủ để giải thích sự thiếu nhất quán thật rõ ràng, thì đặt câu hỏi thêm sẽ giúp tôi nhìn thấy nhiều hơn. Có rất ít thói quen giúp chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài sâu sắc hơn và phong phú hơn ngoài thói quen đặt câu hỏi tìm ra mối liên hệ giữa các bản văn mà trước đó chúng chẳng hề liên quan với nhau.

  1. Hỏi về áp dụng.

Các trước giả Kinh Thánh không chỉ muốn chúng ta biết, mà còn muốn chúng ta sống và động. Vậy, chúng ta cần hình thành thói quen đặt câu hỏi liên quan đến hướng áp dụng. Cho chúng ta. Cho Hội thánh và các mối quan hệ của chúng ta. Cho thế giới. Nhiệm vụ của áp dụng không bao giờ dứt. Có hàng triệu cách để áp dụng một bản văn, cũng như có đến hàng triệu tình huống và mối liên hệ để áp dụng. Bổn phận của chúng ta không phải là biết hết từng hướng áp dụng, mà là tăng trưởng trong việc áp dụng ý nghĩa của Kinh Thánh vào trong đời sống của mình. 

  1. Hỏi về tấm lòng – phản ứng thích hợp của tấm lòng.

Mục đích của việc đọc Kinh Thánh không chỉ là phản ứng của tâm trí, mà còn của tấm lòng nữa. Toàn bộ cảm xúc của con người là những phản ứng có thể xảy ra đối với ý nghĩa của Kinh Thánh. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Kinh Thánh không chỉ để thông báo cho tâm trí của mình, mà còn để biến đổi tấm lòng của chúng ta nữa – tình cảm của chúng ta. Lời của Đức Chúa Trời được tôn trọng không phải chỉ vì được hiểu biết cách đúng đắn, mà cũng vì được cảm nhận cách đúng đắn. 

Qua mỗi trang, hãy cầu nguyện và xin Chúa giúp đỡ.

Chúa ơi, xin hãy khiến lòng của chúng con hướng về lời Chúa. Xin ban cho chúng con có sự khao khát. Xin mở mắt chúng con để nhìn thấy điều lạ lùng trong lời của Ngài. Xin bắt phục ý chí của chúng con và ban cho chúng con có lòng vâng lời. Xin làm thỏa mãn tấm lòng của chúng con bằng khải tượng về chính Ngài và đường lối của Ngài cho đời sống của chúng con.

 

 

 

Nguồn:  tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan