Hãy đứng vững. Ngày 01.  John Wycliffe c. 1330–1384:  Ngôi sao mai của phong trào Cải Chánh

Share

Hơn năm trăm năm trước, Martin Luther đã đứng vững phát động Phong trào Cải Chánh, nhưng ông không hề đứng một mình. Phong trào Cải Chánh là một phong trào của rất nhiều anh hùng, nổi tiếng và thầm lặng, đã hình thành nên lịch sử. Hãy tìm hiểu toàn bộ anh hùng Cải Chánh của chúng ta qua loạt tài liệu Hãy Đứng Vững.

   John Wycliffe được gọi là “Ngôi Sao Mai Của Phong Trào Cải Chánh”. Sao mai không phải là một ngôi sao, mà là hành tinh Venus, xuất hiện trước khi mặt trời mọc và lúc tối tăm vẫn còn che khuất đường chân trời. Sao mai là một hiện tượng rõ rệt.

   Bóng tối vẫn còn che khuất đường chân trời vào thế kỷ 14, thế kỷ của Wycliffe, sinh năm 1330 và mất năm 1384, chính xác là gần 100 năm trước khi Luther chào đời. Trong tuổi thiếu niên, Wycliffe đi học tại trường Oxford. Thomas Bradwardine (được biết với cái tên “Doctor Profundus”) dạy thần học và William quê ở Ockham (nổi tiếng với tên gọi “dao cạo Ockham”) dạy triết học. Trước đó, Wycliffe đã nằm trong số những người ưu tú của trường. Được chỉ định học ở trường Cao Đẳng Cử Nhân Balliol, Wycliffe học và viết về triết học. Nhưng sự thôi thúc nghiên cứu Kinh Thánh cứ đem bám ông. Ông đã nghiêm túc học thần học và nghiên cứu Kinh Thánh. Khi đó, ông nhận thấy Hội Thánh đã thay đổi sang rất nhiều chiều hướng sai trật.

Giai đoạn hình thành

   Vào những năm 1370, ông đã cho ra đời ba tác phẩm đáng chú ý để chống lại sự mục nát của Hội Thánh. Tác phẩm đầu tiên là On Divine Dominion (1373–1374), nhắm vào quyền hạn của giáo hoàng. Wycliffe không tìm thấy bấy kỳ yếu tố nào trong Kinh Thánh về chức vị giáo hoàng. Thật ra, ông lý luận rằng chức giáo hoàng mâu thuẫn và làm lu mờ thẩm quyền thực sự của Kinh Thánh trong Hội Thánh. Tác phẩm quan trọng thứ hai là On Civil Dominion (1375–1376). Trong tác phẩm này, Wycliffe nhắm vào ngôi vị vua chúa và tầng lớp quý tộc ở Anh về quyền hạn của họ ở trong Hội thánh Công Giáo La-mã. Ông không thấy có lý do chính đáng để người dân ở nước Anh ủng hộ một Hội Thánh mục nát như vậy. Trong tác phẩm quan trọng thứ ba là On the Truth of Sacred Scripture (1378), ông còn phát triển một giáo lý về thẩm quyền của Kinh Thánh.

   Cả ba tác phẩm này có tầm quan trọng để hình thành phong trào Cải Chánh. Hai thành viên ưu tú đến thăm trường Oxford đem những tài liệu của Wycliffe về thành phố của họ là Prague, sau đó đã tác động đến Jan Hus. Người này trở thành “Sao Mai” thứ hai của phong trào Cải Chánh. Những tài liệu đầu tay của Martin Luther có dấu ấn của John Wycliffe. Tuy những tác phẩm này rất đáng trân trọng nhưng chúng lại lu mờ khi so sánh với một đóng góp quan trọng nhất của ông đó là Kinh Thánh Wycliffe.

Phong trào Cải Chánh bắt đầu với công tác dịch thuật

   Trong tác phẩm On the Truth of Sacred Scripture, Wycliffe kêu gọi rằng Kinh Thánh phải được dịch sang tiếng Anh. Trong điều luật của Công Giáo La-mã thì việc dịch Kinh Thánh sang tiếng phổ thông là một kiểu dị giáo đáng tội chết. Thật không thể tưởng tượng được lý do vì sao Hội Thánh không muốn người dân có Kinh Thánh, trừ khi Hội Thánh muốn nắm quyền trên dân chúng. Lời Chúa đã thuyết phục Wycliffe nhiều hơn mệnh lệnh của giáo hoàng. Cuối cùng, ông và một nhóm bạn đã kết ước cùng nhau đem Lời Chúa đến với mọi người.

   Không chỉ Kinh Thánh cần được dịch ra; mà còn phải được in ra và phân phối rộng rãi. Đây là thời kỳ trước khi có máy in (được phát minh vào năm 1440), cho nên toàn bộ quá trình sao in đều được làm cẩn thận bằng tay. Dẫu có nhiều thách thức, hàng trăm quyển Kinh Thánh được xuất bản và phân phối cho rất nhiều người chăn bầy, những người đi giảng đạo khắp nước Anh cũng đem Lời Chúa đến tay mọi người. Những người theo Wycliffe được gọi là Lollard. Họ không chỉ cải cách Anh quốc, mà còn thay đổi cả lục địa Châu Âu.

   Những nỗ lực trong công tác dịch thuật, sao in và rao giảng Kinh Thánh trong tiếng Anh được lèo lái bởi một động cơ duy nhất, mà Wycliffe đã bộc lộ như sau: “Công trình này giúp người tin Chúa biết về Phúc Âm trong ngôn ngữ mà họ có thể hiểu tốt nhất”.

   Vào những năm cuối đời, Wycliffe đã chịu đựng sự ruồng bỏ từ Hội Thánh và tầng lớp quý tộc ở Anh. Tất nhiên, ông đã không còn được giáo hoàng coi trọng từ rất lâu rồi. Tuy vậy, Wycliffe đã tuyên bố rằng: “Tôi sẵn sàng bênh vực duyên cớ của mình cho tới chết”. Ông vẫn giữ vững lập trường về thẩm quyền và trọng tâm của Lời Chúa, ông đã sống tận hiến cả đời mình để giúp đỡ Cơ Đốc Nhân học Kinh Thánh. Sau khi trải qua hai cơn đột quỵ, John Wycliffe đã qua đời vào ngày 30 tháng 12 năm 1384.

“Kẻ dị giáo” và anh hùng

   Vào năm 1415, Hội đồng Constance, đã kết án Jan Hus tội chết, tuyên bố Wycliffe là kẻ dị giáo. Hài cốt của ông bị khai quật và thiêu ra tro được rải xuống sông Swift. Nhưng nỗ lực Cải Chánh của Wycliffe không thể bị dập tắt bởi ngọn lửa hoặc không phải vì những lời tuyên bố của hội đồng mà dừng lại. Ngôi Sao Mai này một lần nữa vẫn sáng ngời ở đường chân trời, là dấu hiệu của bình minh sắp sửa ló dạng.

 

Theo Nguồn: https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan