Không Còn Là Cơ Đốc Nhân

Share

Tại Sao Nhiều Người Từ Bỏ Đức Tin Và Cách Chúng Ta Đáp Ứng

Tác giả của bài viết này là Michael Hakmin Lee, Giáo sư khoa Mục Vụ và Lãnh Đạo của Wheaton College. Bài viết được tác giả đúc kết từ một nghiên cứu của chính ông về vấn đề hàng loạt Cơ đốc nhân vốn từng có những ảnh hưởng lớn trong hội thánh và xã hội ở Hoa Kỳ đã và đang công khai tuyên bố tháo gỡ cấu trúc đức tin hoặc thậm chí tháo bỏ sự cải đạo của họ. Dù được viết trong và cho hoàn cảnh ở Hoa Kỳ, BBT tin rằng bài viết này có nhiều điều đáng cho chúng ta, trong hoàn cảnh người Việt Nam ở trong và ngoài nước, suy xét. Có vài từ thần học rất khó dịch và rất mong bạn đọc giúp góp ý cho người dịch: deconstruction (tháo gỡ đức tin) và deconversion (tháo bỏ sự cải đạo).

Trong những năm gần đây, tình trạng hết loạt người này đến loạt người khác đã tháo gỡ đức tin hay đã hoàn toàn bỏ đức tin dường như đang trở nên một điệp khúc ồn ào hơn và đồng điệu hơn. Những tháo bỏ sự cải đạo (deconversion) của những người nổi tiếng bên trong hàng ngũ lãnh đạo như Joshua Harris, tác giả và cựu mục sư, đã dẫn đến sự sửng sốt và mất tinh thần trong cộng đồng Cơ đốc ở Hoa Kỳ.

Xu hướng này một phần đã khiến tôi thực hiện một dự án nghiên cứu nhằm tìm hiểu những trải nghiệm của các cựu giáo sĩ và mục sư Tin Lành đã từ bỏ Cơ đốc giáo. Dự án này, bao gồm 31 cuộc phỏng vấn sâu cốt lõi và hơn 60 giờ phỏng vấn với những người đã tháo bỏ sự cải đạo như vậy, đã được hướng dẫn bởi một số câu hỏi nhất định:

Những trải nghiệm và ảnh hưởng tôn giáo nào họ đã có trong thời thơ ấu và thiếu niên của họ? Làm thế nào họ nhớ được những trải nghiệm Cơ đốc quan trọng của mình, kể cả những kinh nghiệm mục vụ, và họ cảm nhận thế nào về thế giới tôn giáo của mình khi họ nhận mình là Cơ đốc nhân? Quá trình từ bỏ diễn ra như thế nào, và sự từ bỏ là như thế nào? Những lý do chính khiến họ từ bỏ đức tin Cơ đốc là gì, và hậu quả là gì?

Tôi đã học được rất nhiều điều qua dự án này, kết quả mà tôi tin rằng có thể giúp bắt đầu tìm ra hai vấn đề chính mà hội thánh phải đối mặt ngày nay: Làm thế nào để chúng ta hiểu được xu hướng của những người dường như xếp hàng để kể những câu chuyện về tháo bỏ sự cải đạo và tháo gỡ cấu trúc đức tin của họ? Và chúng ta nên phản ứng như thế nào trước thực tế rằng mọi người không chỉ rời bỏ hội thánh mà còn cả đức tin Cơ đốc?

Để giải quyết những câu hỏi này, chúng ta cần xem xét ba sự thay đổi xã hội liên quan đến điệp khúc ngày càng tăng của những người bỏ đi.

Tác Động Chung Của Sự Rời Bỏ Tôn Giáo Và Ảnh Hưởng Của Tôn Giáo Trong Các Gia Đình Trẻ Càng Ngày Càng Giảm Sút Rất Nhanh

Các cuộc khảo sát toàn quốc khác nhau liên quan đến bối cảnh tôn giáo của Hoa Kỳ đã liên tục chỉ ra sự gia tăng về tần suất các phong trào tôn giáo, cả bên trong và bên ngoài đức tin Cơ đốc. Sự kiện người ta thay đổi từ tôn giáo này sang tôn giáo khác hay từ bỏ tôn giáo đã và đang tiếp tục là một hiện tượng tôn giáo quan trọng ở Hoa Kỳ. Theo một cuộc khảo sát nhân khẩu học tôn giáo toàn quốc của Pew Research năm 2019, tỷ lệ người trưởng thành Hoa Kỳ xác định là Cơ đốc giáo đã giảm xuống còn 65%, theo một quỹ đạo đi xuống nhất quán kéo dài hàng thập niên. Trong khi đó, các cuộc thăm dò của Gallup từ những năm 1950 cho biết hơn 95% người Mỹ xác định họ là Cơ đốc nhân.

Trong vài thập niên vừa qua, những người chiến thắng rõ ràng trên thị trường tôn giáo là những người không theo tôn giáo, hoặc những người không có liên kết tôn giáo, đã tăng liên tục từ 15,3% trong năm 2007, lên 17% vào năm 2009, lên đến 26% vào năm 2019. Những điều gì mà chúng ta có thể xem là nguyên nhân của sự gia tăng của những người không liên kết tôn giáo? Một báo cáo của Pew Research năm 2012 đã đưa ra một bản tóm tắt của bốn lý thuyết: phản ứng dữ dội của chính trị đối với quyền tôn giáo, sự chậm trễ trong hôn nhân, sự rời bỏ xã hội rộng rãi và sự thế tục hóa đời sống con người.

Báo cáo cũng lưu ý rằng mặc dù tỷ lệ người Mỹ được nuôi dưỡng mà không có sự giáo dục theo tôn giáo đang tăng dần lên, nhưng phần lớn những người không có đạo (74%) đều được nuôi dưỡng theo truyền thống tôn giáo. Vì vậy, trong khi tỷ lệ phần trăm của các thành viên thuộc thế hệ mới nhất đang lớn lên mà không có nhiều ảnh hưởng tôn giáo trong gia đình so với các thế hệ trước càng ngày càng gia tăng. Nói tóm lại, ảnh hưởng của tôn giáo trong các gia đình trẻ ngày nay càng ngày càng thấp so với vài thập niên trước đây. Sự giảm đi này không có liên quan nhiều với những thay đổi trong sự liên kết tôn giáo và số người rời khỏi các cộng đồng tôn giáo.

Nghiên cứu của Diễn đàn Pew năm 2009 khẳng định rằng những thay đổi về tôn giáo diễn ra thường xuyên, với một nửa số người trưởng thành ở Mỹ được báo cáo đã thay đổi tôn giáo ít nhất một lần vào một thời điểm nào đó trong đời sống của họ.

Sự Thay Đổi Của Xã Hội Theo Khuynh Hướng Đa Nguyên Tôn Giáo

Trong khi xu hướng trên toàn cầu tiến đến sự hạn chế tôn giáo – với các rào cản do các nhà cầm quyền áp đặt như luật chống cải đạo – thì các phong trào rời bỏ tôn giáo ở Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh thị trường tôn giáo tương đối tự do. Nhưng dù cho nguyên tắc tự do tôn giáo là một cam kết nền tảng của nền dân chủ ở Hoa Kỳ thì trên thực tế, khi đại đa số người dân nhận lai lịch với một tôn giáo cụ thể, thì một cách tự nhiên, các cấu trúc xã hội tạo đặc quyền cho các cam kết của nhóm đa số.

Trong bối cảnh tôn giáo đồng nhất của Hoa Kỳ vào những năm 1950, việc phát thanh rằng bạn là bất cứ thứ gì ngoại trừ Cơ đốc giáo có thể sẽ phải trả giá (dù nhẹ vì đặc tính tự do và dân chủ của Hoa Kỳ) về mặt xã hội: bầu cử, công việc, giao dịch kinh doanh, các mối quan hệ xã hội vv. Nhưng sự tái cấu trúc đáng kể về thể dạng của bối cảnh tôn giáo Hoa Kỳ dường như đã làm xã hội tăng tốc độ chấp nhận những thử nghiệm hoặc thay đổi tôn giáo đang càng ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, như được phản ánh trong các cuộc khảo sát của Pew về niềm tin tôn giáo và thái độ đối với các nhóm tôn giáo khác, chúng ta đang sống trong một xã hội có quan điểm rộng rãi và ưu đãi về đa nguyên tôn giáo. Người Mỹ thường có hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp là những người theo các tôn giáo khác, điều này đã giúp làm nảy sinh trực giác chủ động rằng những người chân thành, đạo đức và thông minh có thể hợp pháp tìm thấy sự làm trọn tôn giáo của họ thông qua nhiều con đường tôn giáo. 

Nói một cách đơn giản, thì kể từ thập niên 70s tôn giáo nói chung và Tin Lành nói riêng đang càng lúc càng sụt giảm ảnh hưởng bởi quan điểm xã hội là đạo nào cũng tốt và có nhiều đạo tốt để chọn lựa.

Kỹ Thuật Truyền Thông Giúp Phổ Biến Và Tăng Tốc Độ Tháo Gỡ Và Tháo Bỏ

Sự phổ biến nhanh chóng và áp dụng hàng loạt của các công nghệ và phương tiện kỹ thuật số, như thiết bị không dây cá nhân và phương tiện truyền thông xã hội, đã dẫn đến một thế giới toàn cầu hóa, có tính kết nối cao. Đối với nhiều người, các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành quảng trường công cộng mới.

Trước đây, quá trình rời bỏ đức tin có thể là một cuộc hành trình đơn độc dẫn đến một lối thoát yên tĩnh. Ngày nay, sự ra đời của các nhóm chung sở thích trực tuyến dành cho những cựu Cơ đốc nhân bất mãn, như #Exvangelical và The Clergy Project, đã khuyến khích và khích lệ những người đang cân nhắc rời đi hoặc đã rời khỏi một nơi để chia sẻ câu chuyện của họ và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Abraham Piper, con trai của John Piper, người đã rời bỏ nền tảng Tin Lành và đức tin Cơ đốc, thường xuyên đưa lên mạng sự bất bình của mình với hơn 1 triệu người theo dõi TikTok. Rhett McLaughlin và Charles “Link” Neal III, từng là những nhà truyền giáo và nhân viên của chương trình chiến dịch truyền giảng Cru, đã tận dụng sức mạnh của YouTube và podcast để chia sẻ hành trình hậu-Tin Lành của họ với hàng triệu người đăng ký.

Xã hội Hoa Kỳ đang ở trong thời kỳ “Sau Tin Lành.” Nó không còn ở trong thời kỳ chịu ảnh hưởng truyền thống của Tin Lành. Nó đã qua thời kỳ tháo gỡ ảnh hưởng này và gần đây nó nó còn đi sâu vào giai đoạn chống lại ảnh hưởng này. Những thế hệ “Sau Tin Lành” trước đây cảm thấy việc tháo gỡ đức tin hay tháo bỏ sự cải đạo giống như một cuộc tranh chấp nội tâm hơn. Nhưng những thế hệ “Sau Tin Lành” ngày nay có vẻ gay gắt hơn và công khai khóa sự tháo gỡ đức tin hay tháo bỏ sự cải đạo cho công chúng thấy rõ, tiếp đón và chịu ảnh hưởng từ đó.

Xét Lại Từ Bên Trong

Đức Chúa Trời đã cảnh báo chúng ta rằng chúng ta, đặc biệt là những người được cho là thầy dạy (Gia-cơ 3: 1), phải chịu trách nhiệm về việc hình thành đức tin của người khác (Mác 9:42; Hê-bơ-rơ 10: 23–25). Chúng ta là những người giữ gìn các anh chị em của chúng ta. Nhưng thay vì giả định tư thế khiêm tốn và trách nhiệm, nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng nhiều Cơ đốc nhân dường như là đáp lại với những người bỏ đi bằng sự khinh thường và tố cáo hơn là sự cảm thông và mong muốn chân thành lắng nghe.

Hai nhận định nhanh chóng mà những người tham gia cuộc nghiên cứu của tôi thường nghe là ngay từ đầu những người tháo gỡ hay tháo bỏ chưa bao giờ thật sự là Cơ đốc nhân và họ rời bỏ đức tin để sống một cuộc sống xấu xa. Dù có đúng như vậy hay không, tôi khuyên rằng thay vì đổ lỗi và làm xấu hổ những người bỏ đi, chúng ta nên mau mau than khóc và nhìn lại bên trong bản thân và cộng đồng đức tin của chúng ta, và nhìn lại cách mà chúng ta có thể đã dự phần với việc họ bỏ đi như thế nào.

Nghi Ngờ Để Tìm Hiểu Không Phải là Kẻ Thù

Theo một cuộc khảo sát quốc gia năm 2017 của Barna, nghi ngờ là điều phổ biến với những Cơ đốc nhân Hoa Kỳ với 65% người Mỹ trưởng thành tự nhận mình là Cơ đốc nhân (hoặc trước đây đã từng) đã đặt câu hỏi về niềm tin của họ tin về tôn giáo hoặc Chúa. Cuộc khảo sát tương tự báo cáo 12% mất niềm tin trong khi 7% tin tưởng vào một phiên bản suy yếu của niềm tin của họ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng nghi ngờ thường được quan sát thấy nhiều hơn ở thế hệ trẻ, nam giới và những người có trình độ học vấn cao hơn.

Chủ thuyết Tin Lành (Evangelicalism), đặc biệt là những hiện thân bảo thủ hơn của nó, thường nuôi dưỡng một đức tin được xây dựng một cách cứng ngắc, với nhiều tầng lớp mà mỗi giáo hội coi là những niềm tin và giá trị thiết yếu. Sự xác chứng có thể giúp an ủi và đảm bảo trong một thế giới đầy hỗn loạn và không chắc chắn. Tuy nhiên, mối nguy hiểm của việc nắm giữ một điều gì đó được cho là thiết yếu đối với đức tin của một người –– đặc biệt là khi điều đó không cần thiết –– là khi điều được cho là thiết yếu đó bị đặt nghi vấn thì toàn thể mọi sự, không chỉ niềm tin đó, bắt đầu trở nên bất ổn.

Nhiều người trong số những người tham gia nghiên cứu của tôi đã nói về một môi trường ngấm ngầm hoặc rõ ràng khuyến khích việc loại bỏ những nghi ngờ và ngăn cản sự đa dạng của các hiểu biết.

Đáng ngạc nhiên là chỉ có 18% người nghi ngờ về thuộc linh quay sang mục sư hoặc người lãnh đạo tinh thần của họ để tìm câu trả lời; 15% tìm đến sách về Chúa, trải nghiệm tâm linh chủ quan của chính họ hoặc tôn giáo. Thực tế là rất ít người đến gặp các nhà lãnh đạo tinh thần của họ (hoặc của hội thánh về vấn đề đó) có thể phản ánh sự lúng túng khi phải tin cậy khi tâm sự với họ về những câu hỏi, cũng như những thách thức mà các vị lãnh đạo mục vụ phải đối mặt để tạo ra những không gian an toàn cho sự nghi ngờ.

Các truyền thống Cơ đốc giáo chào đón và bình thường hóa sự xác tín, niềm tin cứng ngắc và đức tin kiên định có xu hướng trở thành những nơi không cởi mở với những người đang gặp khó khăn khi họ phải đấu tranh để tìm cách trình bày những câu hỏi bất đồng và nghi ngờ. Như một số người tham gia nhận xét, sau khi tiếp tục chấp nhận điều mà họ từng coi là thiết yếu nhưng nay đang có nghi ngờ (ví dụ, thuyết “sáng tạo trái đất trẻ” cho rằng trái đất được sáng tạo ra với hình thể như hiện tại), họ còn bị đặt trong tình trạng phải tự hỏi xem mình còn có sai trật về điều gì khác.

Tôi đồng ý rằng có một vấn đề văn hóa thường được biểu hiện trong các cộng đồng tìm kiếm và mong đợi vào các cấu trúc thần học của họ mà cấu trúc này không được bảo đảm. Họ tin cậy vào những cấu trúc phản ánh truyền thống và bối cảnh hiện tại của họ hơn là đức tin từng được chuyển giao cho các thánh đồ.

Thực tế về những bất đồng thần học trong nội bộ Cơ đốc giáo đã khiến một số người kết luận rằng bản thân Cơ đốc giáo vốn dĩ có điều gì đó không ổn. Trong chủ thuyết Tin Lành (Evangelicalism) đang có một sự lạc quan đặt nhầm chỗ khi cho rằng chúng ta có thể hiểu biết một cách khách quan về chân lý mà sự hiểu biết này chưa được gạn lọc và cần được thử thách. Nó là điều mà chúng ta chọn để đặt niềm tin vào đó. Tôi không nghĩ giải pháp là hạ thấp sự tự tin hay thậm chí là sự chắc chắn trong niềm tin. Điều quan trọng là sự đặt niềm tin và sự tin cậy một cách hợp lý.

Chúng ta phải tin chắc rằng Chúa hiện hữu. Chỉ là những lời tuyên bố thì không đầy đủ và chúng sẽ không thể tránh khỏi bị bóp méo về Chúa là như thế nào. Chúng ta phải có sự tin tưởng ở mức cao nhất rằng Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành những gì Ngài đã đặt ra để làm trong quá trình lịch sử, và chúng ta cần dè dặt nhiều hơn về cách điều này sẽ diễn ra.

Chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta qua các nhà tiên tri, các sứ đồ và cuối cùng là qua Chúa Giê-su, và Kinh thánh nắm bắt được những điều mặc khải thiêng liêng này, nhưng trong khi chúng ta có thể tin tưởng vào thẩm quyền của Kinh thánh, chúng ta phải dè dặt ​​nhiều hơn khi giải thích về Kinh thánh, mở ra các ý nghĩa khác nhau (như tuổi của trái đất, v.v.).

Cái tâm lý hoặc là có tất cả hoặc là không có gì hết dễ đem đến sự hiểu lầm thường xảy ra của một số Cơ đốc nhân về vị trí của những sự nghi ngờ trong đời sống của một tín đồ. Nghi ngờ không nhất thiết là kẻ thù của đức tin nhưng thực tế có thể là người bạn đồng hành hữu ích trong đức tin ngày càng lớn mạnh. Theo những người trả lời cuộc khảo sát của Barna, hơn một nửa (53%) cho biết rằng thời gian nghi ngờ về tâm linh khiến đức tin của họ trở nên mạnh mẽ hơn, trong khi chỉ có 7% nói rằng yếu đi.

Các cộng đồng Cơ đốc giáo và những người lãnh đạo của họ nên tìm cách cung cấp một bầu không khí trong đó những người tin và những người hoài nghi có chỗ để thành thật khám phá những nghi ngờ của họ. Thay vì né tránh những câu hỏi khó chắc chắn sẽ nảy sinh trong sự hỗn độn của đời sống, chúng ta nên quảng bá và tôn vinh một nền văn hóa đối thoại mang tính xây dựng và tìm kiếm sự thật, ngay cả khi nó đưa chúng ta đến những nơi không thoải mái. Có một mức độ bất an trong số quá nhiều người Tin lành. Nó dẫn đến sự phòng thủ và bám vào những quan điểm chỉ là thứ yếu như thể chúng là chính yếu. Đức tin của chúng ta không phải là một điều rời rạc và dễ sụp đổ như là một ngôi nhà được xây bằng cách ghép lại những lá bài.

Một ví dụ tích cực là một hội thánh mà tôi biết ở ​​Thành phố New York. Ở đó hội thánh có, thông báo nổi bật trên trang web của họ rằng những người hoài nghi được hoan nghênh, truyền đạt rằng họ là một cộng đồng không chỉ là không kỳ thị sự nghi ngờ mà còn cam kết giúp mọi người giải quyết các câu hỏi khó. Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều hội thánh phục hồi một hình thức biện giáo Cơ đốc giáo một cách khiêm tốn và toàn diện (ví dụ: xem “Biện Giáo Có Văn Hóa” của Paul Gould).

Tôi nhận ra rằng đối với quá nhiều Cơ đốc nhân, biện giáo, giống như truyền giáo, đã trở thành một từ đáng sợ vì nó bị hiểu nhầm và gắn với hình ảnh không mong muốn như hình ảnh của một người bán hàng tự đề cao hoặc một kẻ tranh luận cãi vã. Biện giáo không chỉ bảo vệ sự thật và tính hợp lý của đức tin Cơ đốc cho những người không tin; những người biện hộ tìm cách loại bỏ những trở ngại khác nhau đối với đức tin hoặc làm sâu sắc thêm sự trưởng thành trong Đấng Christ — mức độ trí tuệ, trực giác, cảm xúc, kinh nghiệm — để chúng ta có thể ca ngợi chân lý và vẻ đẹp của đức tin Cơ đốc cho những người tìm kiếm và giúp các tín đồ đào sâu cội rễ của họ. sự tin tưởng. Biện giáo là cho tất cả mọi người và là người bạn đồng hành cần thiết đối với chức vụ công bố phúc âm (1 Phi-e-rơ 3:15).

Đem Sứ Điệp Vượt Qua Mọi Sự 

Sự ra đi của những người lãnh đạo cấp cao của Cơ đốc giáo không chỉ để lại dấu vết tàn phá về mặt thuộc linh. Chúng còn tiếp sức và kéo dài sự ngờ vực và coi thường ngày càng lan rộng mà nhiều người bên ngoài hội thánh nuôi dưỡng đối với các Cơ đốc nhân.

Do đó, các cuộc tao ngộ làm chứng và biện giáo của chúng ta phải chú ý đến thực tế của các vấn đề về lòng tin cậy và sự tín nhiệm. Cơ đốc nhân nên khôn ngoan về những gì họ chọn để đánh giá sự tín nhiệm của họ (và theo sự liên kết, dựa trên Đấng Christ) bởi vì người đối thoại với chúng ta, dù đúng hay sai, có thể coi ý kiến ​​của chúng ta là quan điểm đại diện của Cơ đốc nhân.

Mọi người có thể đánh giá sự thu hút và chân lý của đức tin Cơ đốc dựa trên những Cơ đốc nhân mà họ biết và quan sát, bởi vì dù muốn hay không, người đưa tin Tin Lành đã dựa trên sự thu hút và tính xác đáng của thông điệp. Kinh Thánh sử dụng các thuật ngữ như “nhân chứng” (marturein) và “người đưa tin” để mô tả vai trò của chúng ta trong việc truyền giảng.

Chúng ta là những người đại diện cho Vua, vì vậy không chỉ là uy tín của chúng ta đang bị đe dọa; đối với nhiều người, họ sẽ hình thành ý kiến ​​của họ về đức tin Cơ đốc dựa trên nhận thức của họ về các Cơ đốc nhân và cộng đồng Cơ đốc.

Tôi kêu gọi các mục sư và các nhà lãnh đạo Cơ đốc thể hiện sự kiềm chế trong việc sử dụng các nền tảng của họ để đưa ra ý kiến ​​của họ về các vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ. Tôi không nói rằng họ không nên hình thành và đưa ra ý kiến, nhưng thay vào đó hãy thể hiện sự khôn ngoan và sáng suốt hơn ở nơi chúng ta chọn để cắm cờ của mình, kẻo chúng ta làm tổn hại đến lời chứng của mình, khiến người khác vấp phạm và làm mất uy tín về Đấng mà chúng ta đại diện.

Trong nhiều trường hợp, đối với tôi, dường như những người bỏ đi không từ chối Đức Chúa Trời như đã được bày tỏ cho chúng ta trong Chúa Giê-su và trong Kinh Thánh. Đúng hơn, họ đang bác bỏ một hình ảnh xuyên tạc về Chúa và những gì Ngài đã tiết lộ về Ngài, chúng ta và các hoạt động của Ngài trên thế giới. Hình ảnh bị xuyên tạc đó có thể đến từ chính họ hoặc từ chúng ta hoặc từ cả hai.

Với tư cách là những đại sứ của Vua, chúng ta đại diện cho danh dự và lợi ích của Đấng Chủ Tể, không phải của riêng chúng ta. Nếu đi đến mức mà chúng ta đang rao truyền các nghị trình yêu quý của chúng ta với cái giá phải trả là làm mất uy tín đối với Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài, chúng ta đang thất bại với tư cách là đại sứ của Đức Chúa Trời.

Hãy nhớ những người mà chúng ta phục vụ. Chúng ta hãy cảnh giác, cứ ở trong Chúa Giê-xu và chú ý không chỉ đến sự tăng trưởng và hạnh phúc của chúng ta mà còn đến của các anh chị em và những người đang tìm kiếm giữa vòng chúng ta.

 

Nguyễn Trọng

(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan