19LỜI HỨA DÀNH CHO BẠN
Kinh Thánh là một trong những món quà yêu thương, vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời dành cho bạn. Đó cũng là kho tàng văn học lớn nhất của thế giới, là nền tảng cho Hội thánh và đức tin của bạn. Nhưng có lẽ bạn thường quên rằng Đức Chúa Trời muốn ban Kinh Thánh cách riêng tư và đặc biệt cho bạn. Ngài ao ước bạn dùng Lời Ngài làm thức ăn thuộc linh hằng ngày, làm nguồn tiềm năng cầu nguyện cá nhân và vũ khí cho chiến trận thuộc linh của bạn.
Giăng trình bày rất rõ rằng ông đã viết sách Phúc âm của mình để giúp đỡ bạn tin (Gi 20:31). Đây không chỉ dành cho mọi người nói chung nhưng cũng dành riêng cho cá nhân bạn nữa. Điều này là chân thật về toàn bộ Kinh Thánh, kể cả Cựu ước.
Sự giáo huấn là dành cho bạn. Đề cập đến Cựu ước, Phao-lô viết: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy” (Rô 15:4). Càng sống theo lời của Đức Chúa Trời thì đời sống tâm linh bạn càng trở nên mạnh mẽ.
Những tấm gương là dành cho bạn. Sau khi thuật lại cách Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se như thế nào để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Phao-lô đã viết: “Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta” (Icô 10:11). Đức Chúa Trời cố ý cho bạn học tập và áp dụng cách cá nhân các tấm gương được tìm thấy trong suốt Kinh Thánh. Ví dụ như Gia-cơ “em của Chúa Jêsus” đã khuyến khích bạn cầu nguyện theo gương của Ê-li: “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn người cầu nguyện lại, trời bèn mưa và đất sinh sản hoa màu” (Gia 5:17-18). Mọi tấm gương trong Lời Đức Chúa Trời là dành cho bạn.
Lương thực là dành cho bạn. Giê-rê-mi đã làm chứng rằng: “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy” (15:16). Tác giả Thi thiên viết: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi 119:103). Lương thực qua Lời Chúa luôn là nguồn phước hạnh lớn lao khi bạn bắt đầu bất cứ lần cầu nguyện nào, đặc biệt là những buổi cầu nguyện khoảng một giờ hoặc nhiều hơn với Chúa.
Chúa Jêsus đã làm chứng rằng: “Vì thịt Ta thật là đồ ăn, huyết Ta thật là đồ uống …người nào ăn Ta, sẽ sống bởi Ta vậy” (Gi 6:55, 57). Để làm cho ý này thật rõ ràng, Ngài phán thêm: “Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời Ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (c.63). Bạn không thể duy trì sức khỏe và đời sống tâm linh ngoài việc ăn nuốt các lời của Chúa Jêsus.
“Ăn” bao hàm đọc, hiểu và vâng theo. Kinh Thánh đã được ban cho để bạn “ăn”. Một số tác phẩm hầu như không có giá trị nuôi tâm trí và linh hồn. Những cái khác thì chỉ đáng nếm thử thôi, song chỉ cần nếm một chút là đủ rồi. Kinh Thánh là chế độ ăn kiêng thiết yếu, không có một phương cách nào khác cho Cơ đốc nhân. Không hề có một Cơ đốc nhân bình thường hoặc một nhà lãnh đạo Cơ đốc nào có thể là người mạnh mẽ mà hằng ngày không đọc tối thiểu vài đoạn Kinh Thánh, bất kể bao nhiêu năm người ấy xưng mình là Cơ đốc nhân hoặc giữ vị trí nào trong Hội thánh. Tập sách hướng dẫn đọc Kinh Thánh hằng ngày có thể tác dụng hữu ích nhưng không thể thay thế chính Lời Đức Chúa Trời. Không có một con người nào mạnh mẽ trong sự cầu nguyện mà lại lơ đãng với Lời Đức Chúa Trời. Sự chểnh mảng này giải thích cho những linh hồn còi cọc và việc cầu nguyện yếu ớt.
Lời hứa dành cho bạn. Các trẻ em thỉnh thoảng hát một bản hợp ca bắt đầu bằng:
Mọi lời hứa trong Kinh Thánh là của em,
Mọi chương, mọi câu, mọi hàng, …
Điều đó có đúng không? Đức Chúa Trời ban Lời Ngài cho bạn để sử dụng. Trong khi ban đầu Kinh Thánh được tuyên phán hoặc ban cho những người trong hoàn cảnh đặc biệt cách đây hàng nhiều thế kỷ. Lẽ thật căn bản của Kinh Thánh là chân thật, ngày nay cũng như mãi mãi, và chân thật đối với bạn cũng như với bất kỳ ai khác. Phi-e-rơ đã nói với hàng nghìn người đang nghe ông giảng vào ngày Lễ Ngũ tuần rằng: “Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi” (Công 2:39). Phi-e-rơ đang nói đến lời hứa nào ở đây? Rất có thể là một số lời hứa, trở lại với Ês 44:3. Nhưng Ês 44 được phán cho ai? Nguyên thủy, nó được ban cho dân Y-sơ-ra-ên hơn 700 năm trước khi Đấng Christ hạ sinh. Có phải sứ điệp này thật sự dành cho họ không? Vâng, dành cho họ, cho những người của Lễ Ngũ tuần và chỉ bạn ngày nay.
Đức Chúa Trời đã cảm thúc việc viết Kinh Thánh để ban phước cho bạn. Lời hứa mà Phi-e-rơ đề cập đến là lời hứa mà Chúa Jêsus gọi là “điều Cha đã hứa” (Lu 24:49). Điều mà Đức Thánh Linh đã hoàn thành vào Lễ Ngũ tuần khi làm ứng nghiệm lời hứa đó là rửa sạch (Công 15:9), ban quyền phép (Công 1:8) và đổ đầy Thánh Linh (Công 2:4; 4:31). Lời hứa trong Cựu ước đối với dân Y-sơ-ra-ên được ứng nghiệm cho Hội thánh – là người kế nhiệm thuộc linh của Y-sơ-ra-ên vào Lễ Ngũ tuần. Bạn là một chi thể của Hội thánh Đấng Christ. Vì thế, Phi-e-rơ đã nói: “Lời hứa này thuộc về các ngươi”.
Các lời hứa dành cho cá nhân có tầm quan trọng chủ yếu cho người đó, nhưng điều gì mà Đức Chúa Trời đang sẵn lòng làm cho bất kỳ nhân vật nào trong Kinh Thánh thì Ngài cũng tha thiết làm cho bạn khi bạn cần. Lời hứa dành cho Môi-se hoặc cho các môn đồ Ngài thì nhìn chung cũng là lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho bạn. Các lời hứa Phao-lô đã nêu cho các Hội thánh hoàn toàn có thể áp dụng cho bạn. Những lời cầu nguyện của Phao-lô trong các thư tín gửi cho các Hội thánh vẫn đang được nhậm ngày nay.
Lời hứa Ma-la-chi trao cho dân Y-sơ-ra-ên nếu họ trung tín dâng 1/10 và lạc hiến cũng thích hợp cho ngày ấy và ngày nay: ‘Ta sẽ vì các ngươi ngăn cấm kẻ cắn nuốt, nó sẽ không phá hại bông trái của đất các ngươi” (Mal 3:11). Một ngày kia, cha tôi tản bộ trong vườn của nhà chúng tôi và phát hiện rằng khu vườn của vài người hàng xóm đang bị các con sâu bọ khoai tây phá hoại. Khu vườn chúng tôi nằm ngay bên cạnh. Cha mẹ tôi đã rất trung tín trong việc dâng 1/10, vì vậy họ có quyền đòi hỏi lời hứa này. Cha tôi đi vào giữa luống khoai tây và cầu nguyện, nhắc Đức Chúa Trời về lời hứa của Ngài. Những con bọ ấy dừng lại trên bờ giậu và chúng tôi không có một con bọ khoai tây nào trong vườn nhà cả. Các người hàng xóm kia bọ hỏng hết khoai tây của họ. Cha tôi đòi hỏi lời hứa đó có hợp pháp không? Vâng, có, lời hứa này dành cho cha tôi và cho cả bạn nữa.
Lời hứa Đức Chúa Trời vùa giúp Môi-se đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô dành cho thời điểm đó nhưng minh họa cho loại cầu nguyện mà Ngài vẫn đang đáp lời ngày nay, đặc biệt là khi được áp dụng cách thuộc linh. Năm 1940, vào đêm trước khi chúng tôi lên thuyền buồm đến Ấn Độ, bà Charles Cowman nhắc lại lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho bà về việc mở ra công tác truyền giáo của tổ chức OMS chúng tôi ở quốc gia đó rằng: “Ta sẽ … ban ơn cho ngươi hơn thuở ban đầu” (Êxê 36:11). Nhiều năm, tôi đã thắc mắc lời hứa ấy sẽ được ứng nghiệm cách nào. Nhưng nay, cụ thể là Đức Chúa Trời đã làm đúng mọi điều ấy. Những năm đầu, tôi chứng kiến nhiều kiêng ăn, cầu nguyện, công việc khó nhọc trong công trường truyền giáo với những kết quả thật khiêm tốn để chứng tỏ cho điều ấy. Nay Đức Chúa Trời đang nhanh chóng gia tăng bội phần công tác truyền giáo ở Ấn Độ.
Có phải bà Cowman đã sử dụng sai Kinh Thánh? Ngày nay, chúng ta có thể thuộc linh hóa cho chính mình một lời hứa được ban cho cách đây nhiều thế hệ không? Vâng, có, theo các điều kiện sau:
a. Hãy nghiên cứu Kinh Thánh cách cẩn thận để hiểu được khúc đó có nghĩa gì đối với người đọc lúc ban đầu. Bạn phải áp dụng thuộc linh cho mình trong ánh sáng của nghĩa đen này.
b. Hãy nhận biết rằng nếu đây là lời hứa Đức Chúa Trời dành cho bạn thì Ngài sẽ không chỉ khắc ghi ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn nhưng sẽ cung cấp bằng cớ qua ý chỉ thiêng thượng, qua ý kiến của các Cơ đốc nhân khác và sự bình an sâu thẳm trong lòng.
c. Hãy giữ cho động cơ của bạn chủ yếu vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, không vì tư lợi của mình cho dù bạn có thể hưởng lợi khi lời hứa được ứng nghiệm.
Cách sử dụng Kinh Thánh khi bạn cầu nguyện
Kinh Thánh và cầu nguyện liên hệ hỗ tương (2 chiều) với nhau và không thể thiếu được. Tất cả lời cầu nguyện đều dựa trên cơ sở là sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời như Kinh Thánh đã giải bày. Sức mạnh của mọi lời cầu nguyện đều được củng cố bởi các gương cầu nguyện và sự đáp lời mà Kinh Thánh đã ghi lại. Kinh Thánh được ban cho để làm nền tảng cho các lời cầu nguyện này. Sau đây là một số cách sử dụng Kinh Thánh để khiến lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu quả hơn:
1. Hãy mở đầu các buổi cầu nguyện định kỳ của bạn bằng Lời của Đức Chúa Trời. Thì giờ cầu nguyện của bạn sẽ hiệu quả hơn khi bạn lắng nghe Đức Chúa Trời qua Lời Ngài trước khi cầu nguyện. Đây là một bí quyết lớn mà Đức Chúa Trời đã dạy cho George Mueller – “vị sứ đồ của đức tin”. Đọc Kinh Thánh trước giúp bạn nhận biết sự hiện diện trực tiếp của Ngài, giúp bạn tập trung ý tưởng và thường gợi ý cho nội dung cầu nguyện. Hãy dành nhiều thời gian trong việc đọc Kinh Thánh theo lịch hằng ngày và lắng nghe Đức Chúa Trời qua Lời Ngài bằng với thời gian bạn cầu nguyện. Vậy, nếu bạn dành một giờ để cầu nguyện, hãy bỏ ra ½ số thời gian ấy để đến với Kinh Thánh. Có những trường hợp ngoại lệ khi bạn cưu mang một gánh nặng cầu nguyện đặc biệt.
2. Hãy áp dụng Kinh Thánh vào đời sống mình. Bạn thấy được những gì khích lệ mình cách riêng tư? Điều này sẽ giúp bạn ra sao? Phân đoạn này cho bạn sự dạy dỗ thuộc linh mới mẽ nào? Hoặc hướng dẫn, sửa dạy bạn thế nào? Hôm nay, khúc sách này ban phước cho bạn ra sao? Hãy hằng liên tục áp dụng cho chính mình những gì bạn học được trong Lời Đức Chúa Trời.
3. Hãy liên hệ các phân đoạn Kinh Thánh với cá nhân mình trong suốt buổi cầu nguyện. Bạn có thể điều chỉnh lời ngợi khen hoặc các đoạn về sự cầu nguyện thành một phần của lời cầu nguyện thích hợp với bạn. Bạn có thể cầu nguyện theo điều Chúa phán bảo với ban qua Lời Ngài. Ví dụ: “Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, chúc tụng danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi và sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (Thi 100:4-5). Bạn có thể cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con vào các cửa Ngài bằng những lời cảm tạ; sáng nay lòng con tràn đầy sự ngợi khen. Con cảm tạ Ngài và ngợi khen danh Ngài vì Ngài hằng luôn thật nhân lành với con, tình yêu Ngài đã thật vây bọc con! Ôi Chúa, con thật cảm tạ Ngài và ngợi khen Ngài!” Một sự diễn đạt có ý nghĩa về Lời của Đức Chúa Trời như thế đã dọn lòng bạn để ngợi khen và thờ phượng Ngài.
Một ví dụ khác: “Ngài là Đấng anh em không thấy mà yêu mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài và vui mừng lắm cách không xiết kể và vinh hiển” (Iphi 1:8). Khi đọc câu Kinh Thánh này, bạn có thể ngừng lại một chút và dâng lòng mình lên cho Đức Chúa Trời: “Lạy Chúa, con không nhìn thấy Ngài bằng đôi mắt trần nhưng lòng con nhìn biết Ngài. Con biết rằng một ngày kia con sẽ gặp Ngài mặt đối mặt. Nhưng Chúa ôi, Ngài biết rằng con yêu Ngài. Ngài thật cao quý đối với con. Và càng yêu Chúa thì lòng con càng vui mừng. Con thật tin Ngài và tin những lời hứa của Ngài. Con yêu mến Lời Ngài và Chúa ôi, con yêu Ngài hơn và nhiều hơn thế nữa. Ngợi khen danh Cha!”
Một ví dụ nữa: “Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được đắc thắng trong Đấng Christ luôn luôn và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn! Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu và giữa kẻ bị hư mất” (IICô 2:14-15). Khi liên hệ cá nhân, câu Kinh Thánh làm mẫu có thể là: ‘Lạy Chúa, con thật vui mừng vì Ngài đã đánh bại Sa-tan tại đồi Gô-gô-tha. Con rất mừng vì Ngài là Đấng Chiến thắng mọi quyền lực của sự tối tăm. Con rất mừng vì Ngài đang dẫn con đi từng bước. Lạy Chúa, con thích bước đi theo Ngài. Cảm ơn Chúa vì dẫn con đi trong đoàn quân chiến thắng của Ngài. Con biết rằng thế gian đang chăm xem. Lạy Chúa, xin hãy giúp con bày tỏ niềm vui và sự khải hoàn của Ngài trên khuôn mặt con hôm nay. Chúa ôi, con cảm tạ Ngài vì khi Ngài đặt vẻ đẹp của Ngài trên gương mặt con và trong đời sống con; khi con bày tỏ tinh thần giống Đấng Christ bất kể điều gì xảy đến thì đây là một thứ hương có mùi thơm dâng lên Chúa Cha khiến mọi người nhớ đến Cha”.
Lạy Chúa, con không đáng được điều này. Xin giúp con tỏa ngát hương thơm hơn nữa cho Cha. Hãy giúp con cũng tỏa mùi thơm ra trước thế gian này để ngày hôm nay bất cứ điều gì con nói hay làm đều sẽ giống như một thức hương có mùi nhắc mọi người về Cha. Xin cũng hãy khiến con trở nên phước hạnh, một hương thơm cho những ai chưa được cứu hôm nay nữa. Ôi Chúa, con thật thiếu kém các điều này. Con nương dựa vào Ngài. Xin hãy chúc phước cho con, giúp đỡ và khiến con tỏa ngát hương thơm cho Ngài ngày hôm nay.
4. Hãy để linh hồn mình chìm sâu trong Kinh Thánh để gia tăng đức tin bạn. “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe là khi Lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô 10:17). Điều này không chỉ đúng cho người chưa được cứu mà còn đúng với sự nuôi dưỡng và tăng trưởng của đức tin bạn nữa. Đức tin sẽ không bao giờ tăng trưởng nếu không nhận chìm chính mình trong Lời Đức Chúa Trời. Bạn càng thấm đẫm linh hồn mình trong Lời Chúa thì đức tin bạn càng trở nên mạnh mẽ.
5. Hãy thuộc lòng những câu Kinh Thánh giúp ích cho sự cầu nguyện. Thuộc lòng Kinh Thánh để sử dụng trong việc làm chứng và cầu nguyện là điều khá quan trọng. Bằng mọi giá, hãy thuộc lòng bài Cầu nguyện chung. Bạn sẽ muốn cầu nguyện bài này nhiều lần trong giờ tĩnh nguyện riêng tư với Chúa. Tiếp theo, có lẽ bạn sẽ thấy cần phải học thêm vài câu Kinh Thánh nếu bạn chưa thuộc trước đây. Các câu này sẽ chúc phước cho lòng bạn khi Đức Thánh Linh gợi nhớ tâm trí bạn.
6. Hãy sử dụng Kinh Thánh trong sự ngợi khen và thờ phượng Chúa. Vai trò của sự ngợi khen được thảo luận ở chương 18. Đây là một số phân đoạn mẫu làm chuẩn để sử dụng trong sự cầu nguyện” ISử 29:10-13; Nê 9:5-6; Thi 8, 27:4, 36:5-9, 40:5, 71:14-19, 73:23-25, 103:1-5, 103:20-22, 108:1-5, 115:1, 118:28-29, 139:17-18, 145:1-21, Ês 25:1, Giê 32:17-21, Rô 11:34-36, Khải 1:5-6, 4:8, 11, 5:12-13, 7:12, 15:3-4.
7. Hãy sử dụng Kinh Thán để xưng ra sự bất xứng của mình. Thật phước hạnh khi thưa với Chúa thể nào bạn không đáng được Ngài đáp lời cầu nguyện! Trong các câu Kinh Thánh sau, có lẽ bạn sẽ thấy những khúc có giá trị cầu nguyện lớn lao đặc biệt khi bạn điều chỉnh cho hợp với hoàn cảnh của mình: Sáng 32:10; IISa 7:18; IVua 3:7; ISử 29:14-16; Giê 1:6; Lu 7:6-7; Công 20:19; Êph 3:8.
8. Hãy dùng Kinh Thánh để cầu nguyện và diễn đạt lời cầu nguyện. Bạn thường muốn sử dụng cả cụm từ hoặc cả câu Kinh Thánh trong việc cầu nguyện cho các nhu cầu. Điều này diễn tả đúng những gì bạn muốn nói. Bạn không có thời gian để tra xem câu Kinh Thánh đó mỗi lần cầu nguyện. Nhưng khi Lời Chúa đã giấu kín trong lòng bạn thì Đức Chúa Trời sẽ khiến Lời Ngài thành phước hạnh lớn cho bạn. Đang khi đọc, hãy điều chỉnh các đoạn Kinh Thánh mẫu dưới đây sao cho hợp với sự cầu nguyện riêng của bạn:
– Cầu nguyện cho việc tẩy sạch: Thi 19:12-13; 51:1-10.
– Cầu nguyện Chúa ban phước trên việc đọc Kinh Thánh của bạn: Thi 119:15-16; 18; 97; 103-105.
– Cầu nguyện Chúa ban phước trên công việc của bạn: Thi 96:16-17.
– Cầu nguyện để Chúa làm thành lời hứa của Ngài: IISa 7:25-26; Thi 119:81-82; 162.
– Cầu nguyện xin Chúa chỉ dẫn: Thi 5:8; 25:4-5; 31:3; 43:3; 86:11.
– Cầu nguyện tra xét lòng mình: Thi 26:2-3; 139:1-10; 23-24.
– Cầu nguyện khao khát Đức Chúa Trời: Thi 42:1-2; 61:1-5; 63:1-8; 84:1-2; 123:1-2; 130:5-6; 143:5-8.
– Cầu nguyện để Chúa lắng nghe và vùa giúp: Nê 1:5-6; Thi 5:1-2; 17:1; 19:4; 27:8-9; 69:16-17; 70:1,5; 121:1-2; 130:1-2; 142:5-6.
– Cầu nguyện cho lòng mình yêu Chúa: Thi 18:1; 139:17-18.
– Cầu nguyện cho việc tăng trưởng cá nhân: Rô 12: 1-2; Êph 3:16-21; 4:12-16; Phil 1:10-11; 3:12-15; 4:4-8; Cool 1:9-12; 3:12-17, I Tê 5:16-24; II Phi 1:5-8.
– Cầu nguyện xin Chúa phục hưng: Thi 85:6-7; Ês 43:18-19; 44:2-3; 51:9; 54:2-4; 55:6-13; 57:14-15; 59:12-13; 62:1,10; 64:1-5.
– Cầu nguyện xin Chúa trợ giúp trong chiến trận cầu nguyện: Êph 6:10-18.
9. Hãy công bố các lời hứa trong Kinh Thánh khi bạn cầu nguyện. Ôi, những lời hứa có thể tìm thấy trong Lời của Đức Chúa Trời là một tài sản thật lớn thay! Chúng ta đã thảo luận việc làm sao biến kho tàng ấy thành của riêng bạn.
10. Hãy sử dụng Kinh Thánh để quở trách Sa-tan. Lời Đức Chúa Trời là gươm Thánh Linh (Êph 6:17). Chúa Jêsus đã trưng dẫn Kinh Thánh để đánh bại và đuổi Sa-tan đi (Mat 4:1-11). Bạn có đầy đủ uy quyền để làm điều ấy. Phải hết sức nghiêm túc khi đối đầu với Sa-tan, nhưng đừng sợ nó. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ làm cho việc sử dụng Kinh Thánh của bạn có hiệu lực và khiến nó bỏ chạy (Gia 4:7).