Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 20

Share

20Ê-LI VỐN NHƯ BẠN

 

Tiểu sử các cá nhân trong Kinh Thánh được lựa chọn kỹ và rất cô đọng. Các tấm gương anh dũng oai hùng về đức tin liệt kê trong Hê-bơ-rơ 11 và một số nơi khác trong Lời Đức Chúa Trời không chỉ đem đến phước hạnh cho bạn mà còn có thể khiến bạn tự hỏi: Phải chăng các người này có lẽ đã thuộc về tầng lớp thánh nhân tinh hoa nào đó – nghĩa là họ sống ở tầm cao hơn mức của nhân loại so với số còn lại trong chúng ta – những kẻ hay hư nát chăng. Đôi khi bạn tự hỏi rằng có thể có rất ít các người của Đức Chúa Trời như vậy hiện đang sống trong ngày hôm nay?

Có hai phân đoạn Kinh Thánh qua đó Đức Chúa Trời muốn thách thức và khuyến khích bạn: “Lời hứa này thuộc về các ngươi” (Công 2:39) và “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta” (Gia 5:17). Mọi lời quý giá trong Kinh Thánh về các vị anh hùng thiêng liêng của lịch sử này là tuyệt đối chân thật. Nhưng cũng rất đúng rằng mỗi vị đó đều là người bằng xương bằng thịt giống như bạn và tôi.

Kinh Thánh không che giấu sự thật bằng mỗi nhân vật nổi bật được ghi lại đã có một hoặc nhiều nhược điểm, đôi lần làm buồn lòng Đức Chúa Trời, cần tiếp nhận ân điển và sự vùa giúp của Ngài. Con người trọn vẹn duy nhất đã từng sống trên đất là Chúa Jêsus. Chỉ một mình Ngài không bao giờ phạm tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nhưng Ngài hoàn toàn hiểu và cảm thông với bạn, không chỉ do tri thức siêu phàm và vô lượng của Ngài mà còn do Ngài đã tự nguyện chọn trải qua các cám dỗ, gian nan, khổ nạn của cuộc đời. Chúa Jêsus hiểu bạn.

Ngài cũng chuẩn bị sẵn chương trình cứu rỗi cho bạn. Ngài đã hoạch định chức đối tác cầu thay với bạn và chức vụ cầu nguyện qua bạn. Chương trình lớn lao này được lập nên nhằm mục đích giúp bạn, vì hợp với tầm cỡ của bạn. Điều này dành cho một người vốn giống như bạn.

Có ai đã từng hoàn tất nhiều việc qua sự cầu thay như Môi-se? Ông đã viết các sách đầu tiên của Kinh Thánh. Ông không thể dựa vào bất kỳ lời hứa nào trong Kinh Thánh cho đến khi Đức Chúa Trời ban các lời đó cho ông để ghi lại. Môi-se là một tấm gương về tình yêu, lòng kiên nhẫn, sự cầu nguyện và vâng lời. Ông đã đem một dân thờ thần tượng, cứng đầu và hay nghi ngờ ra khỏi sự nô lệ trở thành một dân tộc; ra khỏi sự thờ lạy hình tượng để vào sự thờ phượng chỉ Đức Giê-hô-va mà thôi; ra khỏi xứ Ê-díp-tô, trải 40 năm lang thang trong đồng vắng, vào đến cửa ngõ xứ Ca-na-an. Môi-se đã đi đến chỗ nhận biết Đức Chúa Trời mà trước đó chưa từng có ai đã nhận biết (Phục 34:10).

Môi-se là một trong số người được đào tạo tốt nhất và có thể là vị lãnh tụ nhiều kinh nghiệm nhất thời bấy giờ nhưng ông lại là một cựu phạm nhân. Ông đã gặp những nan đề gia đình, các sự dấy nghịch liên tục và nhiều lần gần đến sự kết liễu cuộc đời. Ông thường xuyên đối mặt với các tình thế nan giải, không biết phải làm gì tiếp theo. Ít nhất một lần vào cuối chức vụ mình, ông làm Đức Chúa Trời thật buồn lòng. Bất chấp vai trò lỗi lạc của ông, người thân đem lòng ganh tị với ông. A-rôn- người anh giúp việc làm ông thất bại, vợ ông không chịu hiểu hoặc ủng hộ ông và con gái ông không được nhắc đến nữa. Môi-se vốn cũng chỉ là một người bình thường giống bạn thôi. Nhưng Môi-se biết cách cầu nguyện!

Ê-li vốn cũng là một con người bình thường. Ông đã mỏi mệt, chán nản và chuẩn bị bỏ cuộc. Ông đã trở nên quá tuyệt vọng đến đỗi mong được chết. Ông không có vợ hay anh em để an ủi hoặc khích lệ. Ông cô đơn, bị khinh thị, phản bội và không được đánh giá đúng. Ông không phải là người thành công lớn bằng bất kỳ cách nào, ngoại trừ việc là một tiên tri. Thực ra, Ê-li đã có một bản chất của con người tội lỗi. Nhưng Ê-li nổi bật trong lịch sử vì những lời cầu nguyện đầy năng quyền của mình.

Khi là thanh niên, Đa-vít không được đánh giá cao và tôn trọng. Cha vợ của ông đã trở thành kẻ thù và để nhiều thời gian cố gắng tìm giết ông. Vợ ông là Mi-canh không hiểu lòng yêu mến Chúa của ông. Một số kẻ trợ giúp đắc lực của ông tỏ ra không hứng thú hoặc quan tâm đến vấn đề thuộc linh. Một lần, ông đã phạm một tội ác bi thảm, dù sau đó đã thành tâm ăn năn song Đức Chúa Trời vẫn có thể kể Đa-vít là người bạn gần gũi với Ngài và đã gọi ông là “người vừa lòng Ta” (Công 13:22). Tại sao vậy? Vì đời sống cầu nguyện của ông. Đa-vít vốn là một người yếu đuối như bạn thôi ngoại trừ việc tương giao thường xuyên với Đức Chúa Trời và đời sống cầu nguyện của mình.

Còn Phi-e-rơ thì sao? Ông thật là một người thành tâm, thẳng thắng, với cái miệng mau mắn thường đẩy mình vào rắc rối. Chỉ vài phút sau khi vừa tuyên xưng Chúa Jêsus cách mạnh mẽ thì ông đã nhận lời quở trách rất nghiêm khắc nhất mà Chúa từng quở một môn đồ. Song Phi-e-rơ vẫn là một trong số đối tác cầu nguyện gần gũi nhất của Chúa Jêsus. Nếu Phi-e-rơ, người đánh cá bỏ tính bộp chộp đã có thể trở thành một người cầu nguyện thì bạn cũng có thể làm chứ.

Hoặc lấy gương Phao-lô chẳng hạn. Ông là người quả quyết, nghiêm khắc như thép. Ông làm lụng khó nhọc, chịu đựng và gian khổ nhiều hơn ai hết, vượt xa cả sự suy tưởng của con người. Ông yêu thương các tân tín hữu và các Hội thánh mình đã thành lập với một sự ghen tuông mềm mại, mãnh liệt của Chúa. Ông chắc không thỏa hiệp, rất khao khát các bạn đồng lao giúp đỡ mình. Tôi tin rằng, nếu có thể, bạn sẽ muốn ở trong đội ngũ cộng tác với ông. Nhưng Cơ-đốc-nhân nào đã từng để lại chuỗi phước hạnh như thế? Ông đã làm việc chăm chỉ khó nhọc hơn mọi người khác và chắc đã yêu thương mãnh liệt hơn các nhà lãnh đạo của Hội thánh đầu tiên. Thật là một người của Đức Chúa Trời! Nhưng, ông vẫn là người! Đúng vậy, về nhiều mặt, Phao-lô tất nhiên không giống bạn; song, có lẽ về các phương diện khác, bạn có thể thấy được chính mình qua con người của Phao-lô.

Ông là vị giáo sư vĩ đại nhất, nhà thần học lớn nhất của Hội thánh Cơ-đốc, người mở Hội thánh cao quý nhất đã từng sống trên đất. Nếu không mạnh mẽ trong sự dốc đổ cầu thay, Phao-lô chắc đã không bao giờ hoàn tất được những gì ông đã làm, các gian khổ ông đã chịu và xây dựng Hội thánh Đấng Christ như ông đã xây dựng. Phao-lô đã cầu nguyện cả ngày lẫn đêm. Ông đã cầu nguyện cho từng anh em trong các danh sách dài dằng dặc của mình. Ông đã đổ nước mắt và cầu nguyện cho các Hội thánh của mình. Ông đã kiêng ăn và cầu nguyện cho mọi Hội thánh mà ông đã thành lập hoặc viếng thăm.”

Lịch sử của Đức Chúa Trời có lẽ tỏ rõ rằng Phao-lô đã hoàn tất nhiều hoặc càng nhiều hơn nữa qua lời cầu nguyện hơn là qua sự dạy dỗ và truyền giảng của ông. Các bút tích của ông hình thành bởi sự cầu nguyện và được đổ đầy bằng lời cầu nguyện. Phao-lô vốn giống như bạn ngoại trừ chiến trận cầu nguyện không thôi và ồ ạt của mình. Nếu có Cơ-đốc-nhân nào đã từng giao chiến và đắc thắng trong chiến trận cầu nguyện thì đó là Phao-lô!

Họ chinh phục bằng đầu gối

David Livingstone, John Knox, John Wesley – tất cả đều là các dũng sĩ của Đức Chúa Trời. Nhưng ngày nay, có người lại muốn viết lại tiểu sử và đào bới lên tất cả bùn nhơ, làm mờ nhạt những ánh hào quang và chỉ ra các nhược điểm của những anh hùng đức tin lớn như thế. Tuy vậy, bất chấp các điểm chưa hoàn hảo đó, Đức Chúa Trời đã sử dụng cả nhóm họ cũng như Ngài đang sử dụng bạn và tôi vậy. Vai trò vĩ đại nhất của họ cuối cùng có lẽ là không phải nhờ các điều đó mà họ được nổi tiếng nhất.

Livingstone có thể là người vĩ đại nhất trong sự cầu nguyện. Ông đã chết khi đang quỳ gối.

John Know là một nhà lãnh đạo cứng rắn, không chịu khuất phục, song, ông đã chiến đấu và giành thắng lợi trong cuộc chiến thuộc linh cho xứ Scotland bằng đầu gối của mình. Chính bởi các lời cầu nguyện nhiều hơn là nhờ các bài giảng hoặc hành động của ông mà xứ Scotland đã được cứu.

John Wesley đã không có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Làm sao có được khi ông sống ở mức độ như ông đã sống? Vợ ông đã làm tất cả những gì bà có thể làm để gây khó khăn cho ông. Song, con người này đã đảo lộn cả nước Anh cho Đức Chúa Trời, giảng dạy Lòng thánh khiết. Mỗi ngày, John Wesley thường đi 6-70 dặm trên lưng ngựa, giảng vài lần. Suốt 54 năm, ông đã cưỡi ngựa trung bình 5.000 dặm mỗi năm; tổng cộng 290.000 dặm, bằng 12 lần chu vi trái đất. Suốt 54 năm chức vụ, trung bình ông giảng 15 bài mỗi tuần cộng với nhiều bài kêu gọi thúc giục và giảng thuyết khác. Đôi khi ông giảng cho 10-20 và 30.000 người trong mỗi lần nhóm ngoài trời mà không có một trợ cụ âm thanh nào.

Chức vụ của Wesley đã được một số sử gia đời này xem là làm biến đổi nước Anh đến mức giúp thoát khỏi sự tái lập cuộc Cách mạng đẫm máu tại Pháp. Tuy cũng có những sai lầm riêng mình nhưng ông là Người cầu nguyện. Ông nói: “Đức Chúa Trời không làm điều gì ngoài việc đáp lời cầu nguyện”. Có người đã nói về ông: “John Wesley nghĩ rằng cầu nguyện là một công việc nhiều hơn bất cứ điều gì khác, và tôi đã nhìn thấy ông bước ra khỏi phòng riêng với vẻ mặt rạng rỡ gần như đang tỏa sáng”. Wesley đã dành 2 giờ mỗi ngày cho sự cầu nguyện.

Martin Luther đầy gian nan cũng là con người xác thịt yếu đuối song là người của sự cầu nguyện. Ông viết: “Tôi lượng giá lời cầu nguyện của mình còn nhiều hơn là chính ma quỷ; nếu nó quả như vậy thì trái lại Luther có lẽ đã khác hơn cách đây từ lâu rồi. Nhưng người ta sẽ không thấy và nhận biết các dấu kỳ phép lạ vĩ đại mà Đức Chúa Trời đã làm cho tôi. Nếu tôi chểnh mảng cầu nguyện chỉ một ngày thôi thì tôi đã mất đi rất nhiều lửa của đức tin”.

Người ta nói đến Luther như là “người có thể đạt được bất cứ điều gì mình muốn từ Đức Chúa Trời”. Khi họ đem một cô bé quỷ ám đến với Luther, ông đặt tay trên đầu cô, cầu nguyện và cô được giải cứu hoàn toàn. Quyền năng cầu nguyện chữa lành của Luther đã đem người ta trở lại từ bờ vực của sự chết.

Đôi mắt của Philip Melanchthon mờ đục, khả năng nói và nghe dường như đã chấm dứt. Ông không còn nhận thức và vừa mới ngưng ăn thực phẩm. Khi thấy hoàn cảnh này, Luther bắt đầu nài xin mạnh mẽ với Đức Chúa Trời, nắm lấy tay của Melanchthon và nói: “Hãy vững lòng, bền chí, Philip, ông sẽ không chết đâu… Hãy tin cậy Chúa là Đấng có thể cất mạng sống và có thể ban sự sống”. Khi ông đang nói, Philip bắt đầu cựa quậy, thở lại và sức khỏe rồi sức mạnh trở lại.

Bị bệnh lao vào giai đoạn cuối, nhà lãnh đạo Myconius đáng kính nằm hấp hối khi Luther cầu nguyện cho ông. Luther viết: “Nguyện tin Đức Chúa Trời đừng để tôi nghe tin ông chết khi tôi còn sống nhưng khiến ông sống lâu hơn tôi. Tôi cầu nguyện điều này cách khẩn thiết và tin chắc sẽ được nhậm lời, và ý muốn tôi sẽ được nhậm ở đây. Amen!” Myconius đã được chữa lành và sống thọ hơn Luther.

Tất cả các thánh đồ của Đức Chúa Trời đều là con người xác thịt như bạn và tôi nhưng họ đã trở nên quyền năng trong sự cầu nguyện. Bạn sẽ không bao giờ trở nên vĩ đại hơn lời cầu nguyện của mình. Nhưng bạn có thể vĩ đại trong sự cầu nguyện, bất kể điều gì khác nếu như bạn cứ bước đi với Đức Chúa Trời. Có thể hầu hết những người cầu thay vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời đều không được mọi người biết đến, song Chúa biết.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận. Bạn sẽ không bao giờ thành vĩ đại nếu bạn có hoài bão mãnh liệt, muốn trở nên vĩ đại trước mắt Đức Chúa Trời. “Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm kiếm!” (Giê 45:5). Nếu bạn đang sẵn lòng chịu khinh thị, được khen ngợi một lát rồi bị lãng quên, bị nhiều người xem là thất bại theo tiêu chuẩn của họ thì có lẽ bạn giống như Giăng Báp-típ, trở nên cao trọng trước mặt Chúa” (Lu 1:15).

Con đường dẫn đến sự cao trọng thuộc linh bao hàm đời sống đầy dẫy Thánh Linh, bước đi khiêm nhường với Đức Chúa Trời, giao thông liên tục với Chúa Cha, thông công mật thiết với Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người cầu thay vĩ đại. Sự cầu thay thường xuyên là một vai trò ẩn giấu, bị đánh giá thấp bởi hầu hết loại Cơ-đốc-nhân thường chỉ bước đi cạn cợt với Đức Chúa Trời.

Nếu Môi-se đã là một trong số người cầu thay vĩ đại nhất trên thế giới thì bạn cũng có thể được Đức Chúa Trời sử dụng cách mạnh mẽ. Nếu Ê-li có thể được Đức Chúa Trời kể là một trong số chiến sĩ cầu nguyện vĩ đại nhất thì bạn cũng có thể đăng ký vào đội quân cầu thay của Ngài. Nếu Đa-vít có thể vượt trên quá khứ sa bại là tà dâm và giết người để được biết đến như là người làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì bạn cũng có thể là kẻ rất yêu dấu của Ngài khi bạn cứ chân thành dâng chính mình cho sự cầu thay và tương giao ngọt ngào với Ngài.

Có lẽ bạn không thể như Martin Luther dành 3 giờ tốt nhất mỗi ngày, hay như John Wesley dành 2 giờ đầu tiên trong ngày cho sự cầu nguyện (tuy một số ít có thể). Nhưng bạn có thể làm được gì? Nếu Tổng thống George Washington đã có thể dậy lúc 4 giờ mỗi sáng để có thời gian cầu nguyện thì bạn cũng có thể dậy sớm hơn mọi người trong gia đình để có thì giờ cầu nguyện có chất lượng. Có lẽ, bạn không trải qua những đêm dài quỳ gối, úp mặt xuống sàn nhà cầu nguyện, khóc than và nhiều lần kêu la như John Knox: “Lạy Đức Chúa Trời, xin ban cho con xứ Scotland, nếu không thì con sẽ chết”. Nhưng bạn có thể bắt đầu cưu mang các gánh nặng cầu nguyện cho người khác.

Bạn có thể quyết tâm nhờ ân điển Chúa để dành ưu tiên cho sự cầu nguyện bằng những cách cụ thể và mới mê hoặc hình thành các thói quen cầu nguyện tốt. Bạn có thể học cách kỷ luật nếp thời gian của mình và bắt đầu lên lịch cầu nguyện. Bạn có thể chuộc lại khoảng thời gian trong ngày và dành thì giờ cho sự cầu nguyện nếu lòng bạn đói khát đủ cho Đức Chúa Trời.

Có một con đường để bạn bắt đầu cầu nguyện theo chiều kích mới. Không một ai trong số các chiến sĩ cầu nguyện vĩ đại này đã khởi đầu như người khổng lồ về sự cầu thay. Họ đã phát triển đời sống cầu nguyện của mình qua một loạt bước tiến, đã học cách liên tục tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời. Họ đã học cách trả giá để cầu nguyện. Do đó, họ trở thành các dũng sĩ cầu nguyện đầy năng quyền.

Đức Chúa Trời kêu gọi bạn có bước tiến mới trong sự cầu nguyện. Hãy tiếp nhận ngay hôm nay và bắt đầu bước đi mới mẻ với Chúa. Hãy biến một khoảng thời gian nào đó trong ngày thành giờ cầu nguyện của mình. Hãy biến một nơi nào đó thành chốn cầu nguyện của mình. Hãy bắt đầu lập các danh sách cầu thay của bạn ngay hôm nay. Ê-li và các anh hùng cầu nguyện khác vốn cũng giống như bạn. Trong cuộc sống bận rộn giữa hoàn cảnh bức bối, nếu muốn bạn vẫn còn chỗ để cầu nguyện nhiều hơn. Liệu bạn có khứng không?

 

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan