Phan Khôi (1887-1959): Cuộc Ðời và Sự Nghiệp – P.1

Share

Lời Giới Thiệu

Năm 2016 là dịp kỷ niệm 90 năm chính thức phát hành bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ đầu tiên tại Việt Nam (1926-2016). Năm 2017 cũng là dịp kỷ niệm 130 năm sinh nhật của nhà văn Phan Khôi.  Nhân dịp này Thư Viện Tin Lành xin trích đăng lại loạt bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Phan Khôi được đăng trên Nguyệt San Linh Lực của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý San Diego vào năm 1997.

Bài viết đã được phát hành cách đây hơn 20 năm nên một số chi tiết liên quan đến nhận định về Phan Khôi tại Việt Nam đã thay đổi ít nhiều.  Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Ban Biên Tập
Thư Viện Tin Lành (2017)

Lời Ban Biên Tập Nguyệt San Linh Lực (1997)

Ða số những tín hữu tin Chúa lâu năm đều biết rằng bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mà Cộng Ðồng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam hiện đang sử dụng đã được dịch sang tiếng Việt cách đây hơn 70 năm. Mặc dù được dịch đã khá lâu, nhưng đây là bản Kinh Thánh Việt Ngữ được tin cậy và sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Chỉ trong hai năm qua (1995-1996), riêng tại Việt Nam, bản dịch Kinh Thánh này đã được tái bản 100.000 cuốn.

Phan Khôi là một trong những người đã góp phần trong việc thực hiện bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành. Năm 1997 là năm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà văn Phan Khôi. Nhân dịp đầu xuân, chúng tôi xin mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Phan Khôi, người đã được Chúa dùng góp phần trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.

Lẽ ra bài viết này được phát hành vào mùa Hè năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 85 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam và 70 năm ngày phát hành bản dịch Kinh Thánh Quốc Ngữ. Tuy nhiên, khi ấy có nhiều tài liệu cần phổ biến nên chúng tôi tạm ngưng cho đến nay. Bài khảo cứu về Phan Khôi, do Phước Nguyên viết, khá dài. Linh Lực sẽ đăng làm bốn kỳ, xin mời bạn đọc theo dõi.

pastedGraphic.png

I. Tiểu Sử Phan Khôi

1. Gia Thế:

Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, và ông là con trưởng nam trong gia đình. Dòng họ Phan Khôi cả bên nội lẫn bên ngoại quê quán đều ở tại Ðiện Bàn, Quảng Nam. Ông nội của cụ Phan Khôi từng làm Án Sát tỉnh Khánh Hòa dưới triều vua Tự Ðức, còn ông ngoại là Tổng Ðốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ năm 1882 vào tay sĩ quan Pháp Henri Rivière. Trước khi làm Tổng Ðốc Hà Nội, cụ Hoàng Diệu đã từng đi sứ sang Tây Ban Nha và Anh quốc.

Thân sinh của Phan Khôi là cụ Phan Trân. Cụ Phan Trân vốn sinh trưởng trong dòng dõi nho gia hiển đạt nên cũng học rất giỏi và thi đỗ đại khoa. Khi ấy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn: nhạc phụ tuẫn tiết vì tổ quốc, còn cha lại bị triều đình cách chức, nên Phan Trân đành ra làm Tri Phủ tại Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa. Ông nghĩ rằng với đồng lương quan phủ có thể chu cấp cho cả gia đình hai bên trong cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cha của Phan Khôi làm quan cũng chỉ ba năm. Sau đó, vì cãi nhau với viên Công Sứ Pháp tỉnh Khánh Hòa nên ông cáo bệnh về hưu dạy học, lúc mới 38 tuổi.

2. Học Vấn:

Thừa hưởng truyền thống của gia đình, Phan Khôi học rất giỏi. Trí thông minh của “cậu Cả, con ông Phủ” nổi tiếng trong làng. Phan Khôi khá tự mãn về sức học của mình. Ông nghĩ rằng thế nào ông cũng đậu thủ khoa hoặc thuộc năm hạng đầu của cử nhân. Năm 18 tuổi, Phan Khôi dự kỳ thi Hương năm 1905 và đỗ tú tài Hán học, nhưng vì không đậu thủ khoa nên “cậu Cả” giận mà khóc. Ðây là bằng cấp cao nhất mà Phan Khôi có, do đó về sau nhiều người vẫn gọi ông là Tú Khôi.

3. Hoạt Động:

Thất vọng với nền cựu học, Phan Khôi nhảy sang học chữ Quốc Ngữ. Trong thời gian này, chàng thanh niên trẻ tuổi có dịp gặp gỡ một số chí sĩ cách mạng Việt Nam nổi tiếng như Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Nhờ tiếp xúc với những nhà ái quốc, tinh thần ái quốc và cách mạng của chàng trai trẻ được tô bồi và càng thêm nóng cháy.

Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội tham gia phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục. Mặc dù học chữ Quốc Ngữ không lâu nhưng so với những người cùng thời, Phan Khôi đã giỏi chữ Quốc Ngữ. Do đó, khi mới 20 tuổi Phan Khôi được những người lãnh đạo của phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục giao viết bài cho tờ Ðăng Cổ Tùng Báo do phong trào này xuất bản.

Ðông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào cách mạng của giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Một trong những hoạt động chính của phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục là cổ võ việc sử dụng chữ Quốc Ngữ. Phong trào kêu gọi: “Bỏ chữ Nôm, học chữ Quốc Ngữ, mở các trường tân học, khuyến khích việc xuất dương du học, dịch thuật các sách khoa học…”

Phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục sau đó bị thực dân Pháp dẹp bỏ. Những mục tiêu chính trị của phong trào không hoàn tất nhưng cuộc cách mạng văn hóa do phong trào khởi xướng đã mang lại những kết quả tốt đẹp lâu dài về sau. Năm 1915, tại miền Bắc và năm 1918 tại miền Trung, lối thi cũ bằng Hán Học bị hủy bỏ. Chữ Quốc Ngữ dần dần được phổ biến và sau đó được công chúng và chính quyền, công nhận. Chữ Quốc Ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt mãi cho đến ngày hôm nay.

Sau khi phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp, tất cả thành viên của phong trào bị truy nã gắt gao. Phan Khôi trốn vào Nam Ðịnh rồi xuống Hải Phòng để tránh mật thám Pháp. Vài tháng sau, Phan Khôi trở về Quảng Nam. Ông tham gia phong trào Văn Thân Cứu Quốc của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế cho dân vào năm 1908, Phan Khôi bị thực dân Pháp bắt giam tại Faifo (Hội An) – Quảng Nam.

Trong thời gian ở tù, Phan Khôi có dịp gặp lại những nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng. Trong tù, ông đã học thêm tiếng Pháp. Từ chỗ không biết gì, sau vài năm ở tù, Phan Khôi có thể đọc thành thạo bộ sách văn học sử bằng tiếng Pháp của Cuvillier.

Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ. Chiến tranh Pháp – Ðức diễn ra. Ðể lấy lòng dân chúng thuộc địa, Toàn Quyền Ðông Dương là Albert Sarraut đã phóng thích một số chính trị phạm, nhờ đó Phan Khôi được tự do.

Sau khi được phóng thích, Phan Khôi tiếp tục sống tại Quảng Nam. Dù vẫn còn trong lứa tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Phan Khôi đã thông thạo cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và Pháp Văn. Ðây là bốn chữ viết quan trọng của người Việt vào thời ấy.

Sau khi ra tù, trong thời gian ở Quảng Nam, Phan Khôi nhận lời dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ Tin Lành với mục đích trau giồi thêm tiếng Pháp. Khi ấy đạo Tin Lành mới truyền vào Việt Nam được ba năm. Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ. Thực Dân Pháp nghi ngờ các giáo sĩ liên hệ với người Ðức nên không cho hoạt động truyền giáo. Vì các giáo sĩ chưa được phép hoạt động truyền giáo nên đã dành nhiều thì giờ để học tiếng Việt.

Hai năm sau khi Phan Khôi dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ, năm 1916, giáo sĩ E.F. Irwin nhận biết được khả năng uyên bác của Phan Khôi nên đã mời ông Tú Khôi tham gia Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc Ngữ.

Chương trình của Ðức Chúa Trời thật kỳ diệu. Ngài đã sắp đặt, huấn luyện một người nhiệt thành và tài năng để góp phần dịch Kinh Thánh cho dân tộc Việt. Phan Khôi đã nhận lời và trở thành người phiên dịch chính. Ông làm việc suốt 10 năm (1916-1925) chung với ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John Drange Olsen, ông Trần Văn Dõng, và ông Nguyễn Hữu Phúc. Theo tài liệu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bản dịch Kinh Thánh Quốc Ngữ được hoàn thành vào năm 1925, đem in tại Trung Hoa và mang về Việt Nam phát hành ngay năm ấy. Tuy nhiên, theo tài liệu của Thánh Kinh Hội, bản dịch Kinh Thánh này chỉ được chính thức phát hành vào năm 1926.

Trong thời gian này (1916-1925), bên cạnh công việc chính là phiên dịch Kinh Thánh, Phan Khôi cũng dành thì giờ để cộng tác với một số báo chí từ Bắc chí Nam.  Năm 1917, Phạm Quỳnh phát hành Nam Phong Tạp Chí. Tờ báo gồm có ba phần: Hán Văn, Pháp Văn và Quốc Văn nhưng phần Quốc Văn là quan trọng nhất của tờ báo. Phạm Quỳnh mời Phan Khôi cộng tác phụ trách phần Quốc Văn, Phan Khôi nhận lời. Tuy nhiên ông chỉ làm việc với Nam Phong được có hai năm. Sau đó, ông đành từ chối vì quá bận với công việc phiên dịch Kinh Thánh.

Một số nhà nghiên cứu văn học Việt Nam không rõ công việc chính của cụ Phan Khôi trong giai đoạn này nên cho rằng lý do của sự chia tay với tờ Nam Phong Tạp Chí là Phan Khôi bất đồng với Phạm Quỳnh. Thật ra, có những bất đồng với Phạm Quỳnh, nhưng lý do chính chỉ vì Phan Khôi phải lo công việc phiên dịch Kinh Thánh.

Giáo sĩ E. F. Irwin người gần gũi với Phan Khôi trong giai đoạn này, đã viết trong cuốn bút ký With Christ in Indochina, xuất bản tại Philadelphia vào năm 1936, ghi nhận rằng: “Một tờ báo đã mời Phan Khôi làm Chủ Bút với tiền lương nhiều hơn số tiền mà Hội Thánh có thể trả cho ông trong việc phiên dịch Kinh Thánh, nhưng ông đã từ chối, và bằng lòng ở lại làm việc với Hội Truyền Giáo. Phan Khôi đã làm việc nhiệt tình suốt trong 10 năm cho đến khi toàn bộ Kinh Thánh được dịch xong.”

Bên cạnh việc phiên dịch Kinh Thánh, ông như một con chim xuôi ngược từ nam chí bắc, hết Sài Gòn rồi Hà Nội. Với biệt tài của mình, Phan Khôi được rất nhiều tờ báo lớn trong cả nước mời cộng tác.

Năm 1919, Phan Khôi vào Sài Gòn cộng tác với tờ Lục Tỉnh Tân Văn của Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên, theo Phan Khôi, khi ấy trình độ thưởng thức Quốc Văn của người dân Nam Kỳ chưa cao, nên bài ông viết “chẳng ai thèm đọc thèm hiểu cả nên phải ôm bút trở về.”

Năm 1920, Phan Khôi lại ra Hà Nội cộng tác với tờ Thực Nghiệp Dân Báo và Tạp Chí Hữu Thanh của cụ Ngô Ðức Kế. Trong thời kỳ này, cụ đã bút chiến với Hải Triều, một nhà văn có khuynh hướng Cộng Sản về sau đã trở thành một nhà tư tưởng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Phan Khôi khi ấy được tiếp xúc với Lời Chúa nên thấy rõ cái sai của chủ nghĩa vô thần. Cuộc bút chiến giữa hai khuynh hướng duy tâm (Phan Khôi) và duy vật (Hải Triều) đã gây xôn xao dư luận trong cả nước vào lúc đó.

Chẳng bao lâu sau, cả hai tờ Thực Nghiệp Dân Báo lẫn Hữu Thanh đều bị đình bản. Có lẽ Ðức Chúa Trời thấy Phan Khôi chưa dịch xong Kinh Thánh nên Ngài ngăn trở sự nghiệp làm báo của ông. Dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, ở đâu ông cũng đành phải bỏ dở việc làm báo và phải tập trung nhiều hơn vào việc phiên dịch Kinh Thánh.

Ðể hiểu rõ lý do vì sao Phan Khôi ra vào Hà Nội lẫn Sài Gòn thường xuyên trong khoảng thời gian này, chúng ta cần biết Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh khi ấy làm việc tại hai nơi: ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman và cụ Tú Nguyễn Hữu Phúc làm việc tại Hà Nội, Giáo Sĩ John Drange Olsen và ông Trần Văn Dõng làm việc tại Sài Gòn. Chương trình phiên dịch Kinh Thánh lúc đó do Thánh Kinh Hội tài trợ và Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp thực hiện.  Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Việt Ngữ phải làm việc tại hai nơi: Giáo Sĩ và bà William C. Cadman nhận lo công việc truyền giáo tại miền bắc, còn Giáo Sĩ John D. Olsen có trách nhiệm mở mang công việc Chúa tại Sài Gòn; cả hai giáo sĩ không thể ngưng trách nhiệm truyền giáo để dịch Kinh Thánh và ngược lại cũng không thể vì mãi lo công việc truyền giáo mà không thực hiện việc dịch Thánh Kinh. Vào thời đó, do các phương tiện truyền thông, như điện thoại, chưa phổ biến; do đó, Phan Khôi, người phiên dịch chính, như con thoi đi lại làm nhịp cầu giữa đôi bên.  Phan Khôi cộng tác với Hội Truyền Giáo 10 năm, trong đó có 5 năm làm việc với ông bà William C. Cadman; thời gian còn lại ông làm việc với Giáo Sĩ John D. Olsen và các giáo sĩ khác.

Trở lại với Phan Khôi, năm 1928, sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn cộng tác với tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn. Trong thời gian ở Sài Gòn, Phan Khôi cho xuất bản tập thơ đầu tiên lấy tên là Nam Âm Thi Thoại.

Năm 1931, Phan Khôi lại ra Hà Nội làm Chủ Bút cho tờ Phụ Nữ Thời Ðàm tuy nhiên ông vẫn cộng tác cho những tờ báo lớn trong Nam.

Năm 1932, tờ Phụ Nữ Tân Văn đăng bài Tình Già của Phan Khôi. Bài thơ được xem như là phát pháo đầu khởi xướng phong trào thơ mới. Phan Khôi được giới nghiên cứu văn học xem là người đã khai sinh ra phong trào thơ mới của Việt Nam.

Năm 1936, Phan Khôi trở về Huế viết cho tờ Tràng An. Sau đó, ông cho xuất bản tờ Sông Hương và tái bản tập thơ Nam Âm Thi Thoại. Lần này, tập thơ mang tên Chương Dân Thi Thoại vì cụ đã đổi bút hiệu Nam Âm thành Chương Dân. Năm 1937, tờ Sông Hương bị đình bản. Năm 1939, Phan Khôi lại vào Sài Gòn và cho xuất bản tiểu thuyết Trở Vỏ Lửa Ra.

Ngoài những tờ báo trên, trong quãng đời cầm bút của Phan Khôi, ông cũng viết bài cho nhiều tờ báo khác như Hà Nội Báo, Ðông Tây, Ðông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Thực Nghiệp Dân Báo, Trung Lập…. Do phải cộng tác và dành nhiều thì giờ cho báo chí nên Phan Khôi không có những tác phẩm văn học đáng lưu ý, ngoại trừ tập thơ Chương Dân Thi Thoại và truyện Trở Vỏ Lửa Ra.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiến tranh lan tràn khắp nơi. Phan Khôi về quê lánh nạn.

Năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Phan Khôi tham gia kháng chiến. Phan Khôi là một người yêu nước và cương trực; mặc dầu hợp tác với Việt Minh nhưng Phan Khôi thẳng thắn chống lại những chủ trương sai lầm của Việt Minh. Ðiển hình là việc ông phản đối việc Việt Minh khủng bố ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khi Cộng Sản định phá đền thờ của Tổng Ðốc Hoàng Diệu, Phan Khôi mạnh dạn lên tiếng công kích.

Dù bị Phan Khôi thẳng thắn phê bình, nhưng trước uy tín, tài năng cá nhân của ông, truyền thống chống Pháp của gia đình ông, Việt Minh vẫn phải giữ Phan Khôi. Nhiều cán bộ địa phương tại Quảng Nam định bắt Phan Khôi nhưng vì nể con ông là Phan Thao đang làm một viên chức Việt Minh cao cấp trong Ủy Ban Trung Bộ nên đã không dám bắt cụ.

Về phần Phan Khôi, lợi dụng quen biết cũ, cụ đã viết thư cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi ấy đang được Việt Minh mời làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ tại Hà Nội. Cụ Huỳnh tìm cách can thiệp nên nội vụ được xử êm. Hồ Chí Minh đã dàn xếp khéo léo vụ xung đột bằng cách tự tay viết thư mời Phan Khôi ra Hà Nội hợp tác. Các nhà lãnh đạo Việt Minh dự định giao Phan Khôi cho người em họ của cụ là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam, Trung Ương Ủy Viên Ðảng và là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ vào lúc đó, để quản thúc.

Biết được mưu tính của Việt Minh, ra đến Hà Nội, Phan Khôi không ở chung với Phan Bôi nhưng cụ lên phố Quan Thánh ở nhà của Khái Hưng, tức Trần Khánh Dư, một nhà văn theo Quốc Dân Ðảng. Khái Hưng là một trong những nhà văn hàng đầu của Tự Lực Văn Ðoàn. Những nhà văn trong phong trào Tự Lực Văn Ðoàn rất ngưỡng mộ Phan Khôi. Suốt hơn một thập kỷ qua họ là những học trò đã đem những tư tưởng “cách mạng” của Phan Khôi trong cách hành văn để xây dựng nền văn xuôi Việt Nam trong giai đoạn 1932-1945.

Khi Việt Minh khủng bố Quốc Dân Ðảng, vây nhà bắt Khái Hưng, Việt Minh cũng bắt cụ Phan Khôi. Tuy nhiên, con trai của Phan Khôi là Phan Thao, bây giờ đã làm Chủ Nhiệm báo Cứu Quốc tại Hà Nội, nên một lần nữa Công An Việt Minh không khủng bố cụ. Sau đó, cụ Phan Khôi được giao cho Phan Bôi đưa lên chiến khu Việt Bắc.

Trong suốt chín năm kháng chiến, Phan Khôi sống tại Việt Bắc. Cụ được giao cho trách nhiệm dịch sách Hán Văn và Pháp Văn ra Việt Văn. Tuy bất mãn với một số đường lối của Việt Minh, nhưng cụ Phan cũng làm tròn nhiệm vụ. Hồ Chí Minh rất hài lòng về những việc cụ Phan Khôi làm, và cũng vì đã giam lỏng được Phan Khôi, nên đã đích thân tặng Phan Khôi một chiếc áo “bờ-lu-dông” Mỹ.

Năm 1950, Ðại Hội Văn Nghệ Nhân Dân được tổ chức tại Việt Bắc. Dầu có mặt tại đó, nhưng Phan Khôi là một trong số rất ít văn nghệ sĩ không chịu bẻ cong ngòi bút theo chỉ đạo của Ðảng, nên đã không được Ðảng trọng dụng. Phan Khôi ghi lại tâm sự đó trong bài thơ Hớt Tóc:

Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.   (1952)

Năm 1954, Hiệp Ðịnh Genève ký kết, đất nước bị chia đôi. Vì là người “theo kháng chiến”, Phan Khôi không thể vào nam, nhưng phải về sống tại Hà Nội; dầu vậy ông luôn luôn tỏ ra bất đồng với những chính sách bất công và có nhiều sai lầm tại miền Bắc. Không nhà cửa tại Hà Nội, Hội Văn Nghệ đã dành cho cụ một căn phòng tại tầng ba trong trụ sở Hội Văn Nghệ tại đường Gambetta. Phan Khôi vẫn tiếp tục làm công việc phiên dịch như trước.

Miền Bắc bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trước những sai lầm liên tiếp tại miền Bắc, Phan Khôi đã viết bài “Phê Bình Lãnh Ðạo Văn Nghệ” đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu.

Năm 1956, phong trào chống đối của các văn thi sĩ tại miền Bắc bộc phát. Cụ Phan đứng ra làm Chủ Nhiệm tờ Văn, lãnh đạo những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Ðào Duy Anh… phê bình, chỉ trích những sai lầm trong chính sách cai trị của nhà nước. Rất tiếc, những tiếng nói trung thực ấy đã bị đàn áp.

Những truyện ngắn của Phan Khôi như Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột lần lượt đăng trên báo Văn ở Hà Nội. Một số bài thơ của ông xuất hiện trên tờ Giai Phẩm I, II, và III. 

Khi ấy, Tố Hữu – người lúc còn thiếu niên được Hải Triều, người đã bút chiến với Phan Khôi, chiêu mộ vào Ðảng Cộng Sản – giờ đây đã trở thành người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Ðảng, đang giữ vai trò lãnh đạo tư tưởng tại miền Bắc. Sau những bài báo trên tờ Văn và Giai Phẩm được phát hành, Phan Khôi bị Tố Hữu ra lệnh thanh trừng vì đã dám phê bình những lãnh đạo văn nghệ; lúc đó Tố Hữu là người đứng đầu ngành văn hóa và nghệ thuật tại miền Bắc. Sau đó, báo Văn bị đóng cửa. Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm với tinh thần bất khuất của Phan Khôi đã gây tiếng vang khắp nơi. Mãi nhiều thập niên sau, một số người Cộng Sản mới nhận sai lầm và biết rằng đó là những tiếng nói trung thực.

Sau một thời gian bị quản thúc, ngày 16/1/1959, Phan Khôi mất tại Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi.

Phan Khôi là một con người rất đặc biệt: đặc biệt trong nhân cách, trong văn chương, và trong mối quan hệ. Ít có người nào có mối quan hệ rộng rãi và đa chiều như Phan Khôi.  Ông đã từng sống gần gũi, hoặc làm việc với nhiều hạng người khác nhau: từ những nhân vật được nhiều người kính mến như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh; lãnh đạo cộng sản như Hồ Chí Minh, những người mà Cộng Sản cho là bán nước như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh; những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Tản Ðà, Thế Lữ, rồi Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nam Cao; …, và những nhà truyền giáo tiên phong đem Tin Lành đến cho Việt Nam như các giáo sĩ E. F. Irvin, William C. Cadman, John D. Olsen. 

Phan Khôi được không ít người yêu thương, và cũng không ít người chống đối; dầu vậy đa số những người đó vẫn kính nể ông. Chúa đã chọn Phan Khôi, một con người uyên bác, kỳ tài, và cương trực cho công việc phiên dịch Kinh Thánh. Ngày nay sau 70 năm, bản dịch Kinh Thánh do Phan Khôi góp phần vẫn là bản Kinh Thánh Việt Ngữ được xử dụng phổ biến nhất.

Ðiều đáng tiếc cho Phan Khôi, cũng như một số học giả Việt Nam vào thời đó; có lẽ do cái cao ngạo của một nhà Nho; ông đã đến với Kinh Thánh, học biết một số chân lý trong Lời Chúa, trân quý những điều đó, nhưng ông không tiếp nhận chân lý quan trọng nhất là sự cứu rỗi của Chúa. Theo ký ức của một số đầy tớ Chúa, bà William C. Cadman, người cùng làm việc với Phan Khôi, và được Phan Khôi kính phục, đã viết rất nhiều lời làm chứng cho Phan Khôi, nhưng khi ấy ông vẫn chưa chịu tin nhận Chúa.

Hy vọng rằng trong những năm tháng cuối cùng, sau những bể dâu trong cuộc sống, Phan Khôi nhận thấy sự hư không của cõi đời, và tiếp nhận Chúa một cách âm thầm. Mong rằng một ngày nào đó khi về thiên đàng, chúng ta sẽ gặp lại Phan Khôi, người đã góp phần quan trọng trong việc phiên dịch Thánh Kinh cho dân tộc Việt.

Nguyệt San Linh Lực (1997)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan