Phan Khôi (1887-1959): Cuộc Ðời và Sự Nghiệp – P.4

Share

3. Nhà Văn:

Phan Khôi là một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Như đã nói ở trên, nếu xét theo quan niệm phổ thông có lẽ nhiều người sẽ không gọi Phan Khôi là nhà văn bởi vì số tác phẩm văn xuôi của ông rất ít; ông chỉ phát hành một cuốn tiểu thuyết Trở Vỏ Lửa Ra và vài truyện ngắn. Tuy nhiên, những bài viết bằng văn xuôi của Phan Khôi rất nhiều. Chủ yếu là các bài nghiên cứu, phê bình và truyện ngắn, được phát hành trên báo chí khắp cả nước.

Mặc dầu Phan Khôi viết báo rất nhiều, nhưng không mấy ai gọi ông là nhà báo mà hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình đều gọi ông là nhà văn bởi vì những bài ông viết thuộc phạm trù văn học. Những tư tưởng Phan Khôi viết đã để lại ảnh hưởng lâu dài trên nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam. Hơn nữa, vào những thập niên đầu thế kỷ của thế kỷ 20, báo chí là phương tiện phổ thông để phát hành truyện ngắn và tiểu thuyết trước khi được in thành sách; do đó, nhiều người viết báo nhưng thực chất lại là nhà văn. Phan Khôi là một người trong số những người đó.

Cuộc đời cầm bút của Phan Khôi kéo dài 51 năm, bắt đầu vào năm 1907, khi ông viết cho tờ Ðăng Cổ Tùng Báo của Phong Trào Ðông Kinh Nghĩa Thục, và kết thúc khi tờ Văn tại Hà Nội bị đóng cửa vào năm 1958. Trong suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút, Phan Khôi viết rất nhiều và cộng tác với khoảng 30 tờ báo khác nhau. Những bài viết của ông được đánh giá rất cao, tuy nhiên như đã nói ở những phần trước, cho đến nay (1996) chưa có một công trình nào sưu khảo tổng hợp lại những bài viết đó. Nhiều bài báo của Phan Khôi về sau được nhiều người chú ý như Ðọc Lệch Giết Lầm (1936), Ông Bình Vôi, và Ông Năm Chuột (Văn – Ngày 10-1-1958).

Trở Vỏ Lửa Ra là tiểu thuyết đầu tiên và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của Phan Khôi. Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà Văn Hiện Ðại đã phân tích khá dài dòng tác phẩm này nhưng không có lời khen. Có lẽ Phan Khôi cũng nhận biết đó không phải là sở trường của mình nên ông không viết tiểu thuyết nữa.

Năm 1954 từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Phan Khôi lại tiếp tục cầm bút viết văn. Ông làm Chủ Nhiệm tờ Văn và cho xuất bản một số thơ và truyện ngắn thật đặc sắc. Hai truyện ngắn được nhiều người biết đến đó là truyện Ông Bình Vôi và Ông Năm Chuột. Hai truyện này nổi tiếng vì liên quan đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Sau khi hai truyện ngắn trên được phát hành, tờ Văn bị đóng cửa, các văn nghệ sĩ liên hệ bị đem ra xét xử, trong đó có học giả nổi tiếng Ðào Duy Anh, nhạc sĩ Văn Cao, người viết quốc ca Việt Nam, một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường; và Phan Khôi là nhân vật chủ chốt.

Truyện Ông Năm Chuột thuật lại câu chuyện liên quan đến một người thợ bạc, tên là Năm Chuột vốn là người quen biết với gia đình Phan Khôi. Năm Chuột biết một số chuyện không tốt trong gia đình Phan Khôi. Năm Chuột bị người trong làng ghét vì họ cho rằng Năm Chuột là người khoác lát. Tuy nhiên, khi có dịp tiếp xúc với Năm Chuột, Phan Khôi biết Năm Chuột là một người cương trực và có học nên Phan Khôi quí mến. Điều đáng tiếc, thiện cảm của Phan Khôi với Năm Chuột bị những người vai vế trong gia đình và trong làng khó chịu.  Họ bực mình vì Năm Chuột biết quá nhiều cái xấu, cái sai của họ. Khi viết lại truyện này, Phan Khôi quyết định đặt tựa đề truyện ngắn là Ông Năm Chuột để tỏ lòng quí mến đối với nhân vật đó.

Truyện ngắn được viết dưới hình thức một bút ký, ghi lại những chuyện liên quan đến gia đình Phan Khôi, tuy nhiên tác phẩm đã bị xem là nguy hiểm vì ám chỉ rằng những người cầm quyền có nhiều thối nát, dầu có tìm cách che giấu những sai lầm, thì những người dân tầm thường vẫn biết. Cuối truyện có nhắc đến bài thơ Mại Trúc Diêu nói về thân phận của người dân bị quan quyền ức hiếp. Người dân rất uất ức nhưng không nói ra được. Nội dung câu chuyện Ông Năm Chuột, cộng với việc ghi lại bài thơ, đã dẫn đến tờ Văn bị đóng cửa.

Trong truyện Ông Năm Chuột, Phan Khôi khen Ông Năm Chuột nhưng trong truyện Ông Bình Vôi, Phan Khôi lại không khen Ông Bình Vôi. Truyện Ông Bình Vôi phê bình những hủ tục tại thôn quê. Người dân quê Việt Nam thấy “vật gì có thể hại mình thì gọi là “ông,” vật gì to hay sống lâu thì gọi là ông.” Phan Khôi đã mô tả “Ông Bình Vôi” như sau: “Cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn sùng bái gọi bằng “Ông””. Truyện ngắn này bị kết án là dám phê bình nhà cầm quyền duy trì những người lãnh đạo bất tài vô dụng làm hại đất nước.

Gần kết câu truyện, Phan Khôi thuật lại, hồi trai trẻ ông đã rủ bạn bè lật đổ những “Ông Bình Vôi” trong đình làng; trong những năm tháng cuối đời, Phan Khôi cũng hành động tương tự như vậy trong lĩnh vực tư tưởng. Trước một số chính sách cai trị không đúng tại miền Bắc sau 1954, cộng với việc lãnh đạo miền Bắc duy trì những người vô dụng bất tài như “Ông Bình Vôi”, Phan Khôi đã không chỉ góp ý nhẹ nhàng nhưng ông đã thẳng thừng phê phán vì tin rằng điều đó ích lợi cho tương lai của nước Việt Nam. 

Phan Khôi đã lãnh đạo một số văn nghệ sĩ nổi tiếng vào thời ấy như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Ðào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường,… phê bình “những lãnh đạo văn nghệ” của Nhà Nước. Phan Khôi và những văn nghệ sĩ trên đã bị bắt. Sống trong một giai đoạn mà con cái có thể đấu tố giết cha mẹ mà Phan Khôi dám viết công khai và hành động như vậy, ông quả là người can đảm và cương trực phi thường. Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm 1958 để lại một nét son trong lịch sử của những người cầm bút Việt Nam.

Không phải chỉ khi sống trong chế độ Cộng Sản, Phan Khôi mới bày tỏ những nhận xét cương trực của mình; ngay những ngày cầm bút từ thập niên 1930, Phan Khôi đã phê bình những người lãnh đạo phong kiến ngu dốt bất tài qua truyện Ðọc Lệch Giết Lầm (Phụ Nữ Tân Văn – 1930). Giống như Giăng Báp-tít trong Kinh Thánh, Phan Khôi thẳng thắn nói ra những sai lầm trong xã hội. Tính thẳng thẳng, cương trực và “sự khôn ngoan trước thời đại” của Phan Khôi đã khiến nhiều người khó chịu; và những điều đó đã trở thành cái tội cho Phan Khôi khi ông dám nói ra dưới chế độ Cộng Sản.

4. Nhà Phê Bình:

Nói đến Phan Khôi không thể không nói đến những bài phê bình của ông. Trên văn đàn, Phan Khôi được xem là một nhà phê bình hàng đầu của Việt Nam trong hai thập niên 1920 và 1930. Với kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, cộng với uy tín trên văn đàn và với ngòi bút sắc sảo, hợp lý, những bài nghị luận của Phan Khôi được người đọc đón đọc khắp cả nước. Tuy nhiên, Phan Khôi có rất nhiều quan điểm “cách mạng” so với người cùng thời. Trước những quan điểm mới của Phan Khôi, số người phản đối ông không ít và những người đồng tình với ông cũng rất nhiều.

Phan Khôi bình phẩm về nhiều lĩnh vực.

Những bài viết đầu tiên của Phan Khôi trên báo Nam Phong là những bài về thi thoại. Tác phẩm Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi xuất bản trong những năm về sau là một tác phẩm phê bình về thi ca.  Thi thoại là những giai thoại về chuyện làm thơ. Tuy nhiên, khác với những người giữ mục thi thoại cùng thời, Phan Khôi không chỉ kể chuyện thơ mà ông còn bình phẩm. Nhờ có một kiến văn rất rộng và một lối lý luận vừa sắc bén vừa dí dỏm, những bài phê bình của Phan Khôi đã mang một nét độc đáo hiếm có.

Nhận xét về thơ Phan Thanh Giản, Phan Khôi phê bình “như là giọng văn nói với vợ.” Viết về thơ Tùng Thiện Vương, Phan Khôi bình rằng “giọng thơ quý phái không ảnh hưởng gì đến xã hội.” Phan Khôi phê bình mẹ vua Duy Tân làm thơ không đúng thiên pháp. 

Bên cạnh việc phê bình, Phan Khôi cũng có công xây dựng.  

Dầu là người miền Trung nhưng Phan Khôi sống nhiều năm tại miền Nam, Phan Khôi đã dành nhiều trang để giới thiệu các thi gia miền Nam như Tôn Thọ Tường, Nhiêu Tâm, Học Lạc,…; nhờ đó, đọc giả cả nước hiểu thêm về một kho tàng văn học khác của thi ca Việt Nam.

Trong cuộc đời cầm viết của Phan Khôi, ngoài việc phê bình thơ, Phan Khôi đã có nhiều cuộc bút chiến và tranh luận với những nhân vật nổi tiếng. Có người cho rằng bản tính thích tranh luận của Phan Khôi vì ông sinh ra tại xứ “Quảng Nam hay cãi.” Thật ra, Phan Khôi là người có bản chất thẳng thắn, trung thực và cầu toàn; thấy cái sai, ông luôn luôn mạnh dạn phê bình để tìm ra chân lý.

Năm 1920, trong thời gian ở Hà Nội cộng tác với tạp chí Hữu Thanh của Tản Ðà, Phan Khôi đã bút chiến với Hải Triều, một nhà văn có khuynh hướng Cộng Sản. Khi ấy Ðảng Cộng Sản Việt Nam chưa ra đời. Cuộc bút chiến đã gây dư luận sôi nổi trong cả nước.

Tranh luận với cụ Huỳnh Thúc Kháng – một nhà cách mạng nổi tiếng ở miền Trung. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng nhắc đến vai vế, tuổi tác, Phan Khôi cho rằng tranh luận để tìm ra chân lý; ai đuối lý là thua, không cần biết lớn hay nhỏ. Dầu trên mặt báo hai người cãi nhau nhưng trong thâm tâm Phan Khôi hết lòng kính phục cụ Huỳnh Thúc Kháng, người mà Phan Khôi từng theo ủng hộ trong phong trào chống thuế năm 1907 cho đến nỗi chính Phan Khôi phải vào tù.

Phan Khôi cũng từng góp ý với Phạm Quỳnh – một học giả hàng đầu của Việt Nam vào thời đó – về việc viết văn. Phan Khôi rất trọng kiến văn học thuật của Phạm Quỳnh. Phan Khôi đã khen Phạm Quỳnh rằng: “Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết, tôi nói ngay rằng hạng học phiệt ấy ở nước ta chẳng bao lăm người mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một.” Tuy nhiên, Phan Khôi góp ý: “Chữ viết phải đúng, đừng để cho kẻ khác có thể hiểu lầm, văn phải viết cho thật đâu ra đó, như cái tờ giao kèo hay lời quan tòa biện án, đào đất mà chôn giọng văn khoa cử ngày xưa đi.”

Một trong những lý do khiến nhiều nhà văn thời đó ghét Phan Khôi và vì Phan Khôi phê bình Nho giáo. Xuất thân từ Nho giáo nhưng Phan Khôi phê bình Nho giáo nặng nề. Phan Khôi viết một loạt 21 bài trên tờ Thần Chung, rồi sau đó viết trên tờ Phụ Nữ Tân Văn tiếp tục phê bình Nho giáo.

Một trong những điều Phan Khôi phê bình Nho giáo là vì Nho giáo chủ trương trọng nam khinh nữ. Phan Khôi tin rằng đàn ông hay là đàn bà cũng là người cả, ai cũng có thể có tài và cần phải được đối xử bình đẳng như nhau. Bằng lý luận chặt chẽ, Phan Khôi bày tỏ nhận xét của ông về Võ Tắc Thiên, một phụ nữ nổi tiếng dâm loạn trong lịch sử Trung Hoa, như sau: “Ðàn ông làm vua được, sao đàn bà không được làm vua. Vua đực có nhiều cung phi mỹ nữ, sao vua cái lại không được có nhiều cung phi mỹ nam? … Biết bao đàn ông xưa nay đã làm lấm đi biết bao trương lịch sử, thứ người đàn bà này mới làm lấm có một trương mà kể số vào đâu, cho nên tôi nói rằng không đắc tội.”

Thật ra, Phan Khôi không có ý định bênh vực Võ Tắc Thiên nhưng ông muốn dùng câu chuyện trên để phê bình lối suy luận một chiều, cùng những quan điểm luân lý hẹp hòi của Nho giáo, mà nhiều người đã viện vào đó để áp bức phụ nữ. Ông cho rằng trí thức Việt Nam ngày xưa chỉ biết “nhai lại những cái bả của Trung Hoa” mà không thấy những sai lầm nghịch lý trong đó.

Trong một trường hợp khác, Phan Khôi phê bình tục lệ đàn ông chết vợ được tái giá, còn đàn bà mất chồng phải thủ tiết thờ chồng. Phan Khôi ghi: “Chẳng có thánh hiền nào cấm đàn bà tái giá hết. Ðức Khổng Tử cũng để vợ (ly dị). Ngài để vợ rồi cưới vợ tức ngài thuận cho người vợ bị để đó cũng được lấy chồng khác. Hễ đàn bà bị để mà còn lấy chồng, ấy là đàn bà góa cũng được lấy chồng. Từ ông Trình Tử nhà Tống muốn cấm đàn bà góa lấy chồng bày ra câu nói rằng: “Chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn,” rồi sau người ta cứ thêm bớt mà lập luật khiến cho cái chế độ gia đình thêm nặng nề khó chịu, không biết bao nhiêu là người vợ hiền mẹ lành, đàn bà có phước mà phải chịu điều tủi nhục và đau xót…. Nay xin tòa án hãy đóng gông cái câu của ông Trình Tử lại trước hết rồi sẽ phăng mà hỏi đến các bị cáo khác.”

Sống trong một xã hội theo chế độ phụ hệ nhưng Phan Khôi dám bênh vực phụ nữ, đây là một tư tưởng và hành động mới mẻ vào thời đó. Những điều này như những quả bom nổ tung trong dư luận xã hội Việt Nam vào thập niên 1930.

Phan Khôi phê bình sách Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Ông cho rằng đạo Nho ngoài mục “tu thân” có thể hữu ích cho việc giáo dục con người, ngoài ra không thể nào chấp nhận được. Phan Khôi cho rằng đạo Nho, vốn chủ trương làm chính trị bằng cảm hóa, chỉ cần minh đức ở mình là có thể tân dân, chỉ cần tu thân là đi đến trị nước, bình thiên hạ được.  Phan Khôi cho rằng quan điểm này không thực tế và phản khoa học. Phan Khôi cho rằng cái gì cũng phải học rồi mới làm được, kể cả chính trị – phải học trong sách vở hoặc học trong thực hành.

Cụ Trần Trọng Kim đã viết bài phản bác lại từng điểm mà Phan Khôi phê bình. Giới phê bình văn học thời ấy nhận xét không ai thắng ai thua; dầu vậy, trên thực tế Phan Khôi đã đúng. Lịch sử cho thấy cụ Trần Trọng Kim một đời mẫu mực, thanh liêm, ra lo việc nước nhưng không “trị nước” nỗi. Ngược lại, ngày nay, không thiếu gì những lãnh đạo chẳng hề tu thân nhưng đã “trị quốc, bình thiên hạ.”

Vài nhà nghiên cứu thử tìm lý do vì đâu Phan Khôi là một nhà Nho lại có thái độ phê bình Nho giáo khắc khe như vậy. Giáo sư Phạm Thế Ngữ đã trưng dẫn một mẫu chuyện cho rằng Phan Khôi viết những điều này để bênh vực bà cố nội của ông. Cụ cố của Phan Khôi là một phụ nữ phải tái giá để nuôi con; bà đã xây dựng cả dòng họ Phan nên cơ nghiệp, nhưng cuối cùng đến lượt bà cụ qua đời, gia tộc không cho bà được chôn bên chồng, viện cớ vì bà đã tái giá.

Trên thực tế, những bài phê bình sắc sảo của Phan Khôi chỉ xuất hiện sau năm 1928, nghĩa là sau khi Phan Khôi dịch Kinh Thánh xong. Sau 10 năm dịch Kinh Thánh, Lời Chúa đã giúp cho Phan Khôi thấy rõ được chân lý. Lối lập luận của Phan Khôi trên báo về chuyện Võ Tắc Thiên khiến chúng ta liên tưởng đến việc Đức Chúa Jesus nhẹ nhàng phân tích cho người Do Thái trong câu chuyện người phụ nữ tà dâm được ghi lại trong Giăng đoạn 8. Phan Khôi đã thấy được ý nghĩa của câu chuyện này, con người thường chạy theo dư luận chỉ trích tội lỗi của người khác nhưng không bao giờ nhìn lại chính mình. Nhận thấy những vô lý, bất công trong xã hội Do Thái ngày xưa, Phan Khôi đã dùng ý niệm đó để phê bình hiện trạng trong xã hội Việt Nam. Qua Thánh Kinh Tân Ước, Phan Khôi cũng học được quan niệm về bình đẳng giữa nam nữ. Phan Khôi biết rằng trước mặt Chúa, Ngài không kỳ thị nữ hay nam. Trong khi đó, con người đã đánh giá thấp phụ nữ vì những khác biệt giữa hai giới tính. Phan Khôi muốn tinh thần kỳ thị nam nữ đó trong xã hội Việt Nam cần được bãi bỏ.

5. Người Xây Dựng Văn Phạm Quốc Ngữ:

Phan Khôi không chỉ là khởi xướng phong trào thơ mới và có những tư tưởng cách mạng trong văn nghị luận, nhưng ông là người có công rất lớn trong việc chấn chỉnh và xây dựng nghệ thuật viết văn Quốc ngữ.  Đây là một trong những công lao lớn của Phan Khôi đối với văn học Việt Nam.

Vào những thập niên 1920-1930, các nhà trí thức Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng của Nho giáo, và cách viết văn của các cụ mang giọng văn khoa cử. Phan Khôi đã cùng các nhà văn, nhà báo của Ðông Dương Tạp Chí và Nam Phong góp phần vào việc hoàn chỉnh cách đặt câu cho quốc văn.

Khi chữ Quốc Ngữ bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, những người viết quốc văn đầu tiên là những nho gia, cho nên cách hành văn trong quốc văn bị ảnh hưởng rất nhiều theo cách viết của Hán Văn. Vài đặc điểm của cách hành văn vào thời đó như sau:

– Mạch văn chú trọng về âm điệu với mục đích làm cho câu văn đọc lên được êm đềm; do đó người viết thường dùng những từ thuận âm mà nhiều khi ý nghĩa không được sáng suốt, rõ ràng.

– Nghệ thuật viết câu phổ biến là văn biền ngẫu. Câu văn thường có hai đoạn giống nhau hoặc hai câu đối nhau.

– Từ ngữ thường được dùng kiểu cách, cầu kỳ; đôi khi dùng nhiều chữ Nho không cần thiết.

– Ý tưởng trong bài văn thường được nêu lên cách tổng quát, đại khái, và dùng nhiều điển tích.

– Câu thường dài dòng, không khúc chiết, không có chấm câu phân minh. Câu không có mệnh đề chính, mệnh đề phụ.

Giáo sư Phạm Thế Ngữ trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên khi viết về Phan Khôi đã nhận định rằng từ năm 1919 khi viết những bài thi thoại cho tờ Nam Phong, những bài viết của Phan Khôi đã có một lối hành văn khúc chiết, rõ ràng, khác hẳn với những nho gia nổi tiếng cầm bút cùng thời.

Sau khi được nổi tiếng, những tư tưởng “cách mạng” của Phan Khôi về cách viết văn đã được rất nhiều người tán đồng, đặc biệt những nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ,… Những nhà văn này đã theo quan điểm của Phan Khôi, họ viết văn theo cú pháp mới, ít dùng chữ nho, câu văn trong sáng gẫy gọn; qua đó, những nhà văn này đã viết nên một trang sử sáng ngời trong nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam. Nhiều người biết đến thành tích của Tự Lực Văn Ðoàn nhưng ít người biết rằng Phan Khôi là người đã gây ảnh hưởng sâu đậm trên phong trào Tự Lực Văn Ðoàn cả trên hai lĩnh vực văn học và thi ca.

Sở dĩ Phan Khôi chú ý đến việc xây dựng văn phạm Quốc Ngữ vì khi học Pháp văn, Phan Khôi rất thích khoa lý luận và văn phạm trong văn học Tây Phương. Phan Khôi tâm sự rằng một trong những mục đích ông nhận lời dịch Kinh Thánh sang Việt Ngữ là để được học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn phạm. Ao ước đó của Phan Khôi đã được thỏa nguyện.

Theo Giáo Sĩ E.F.Irwin, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (The British and Foreign Bible Society) đã hợp tác chặt chẽ với Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp trong việc phiên dịch Kinh Thánh. Thánh Kinh Hội là cơ quan đã trả lương cho Phan Khôi và chịu mọi chi phí trong việc in và phát hành Kinh Thánh về sau. Do đó, chắc chắn cả đề án phiên dịch Kinh Thánh được tiến hành theo những nguyên tắc dịch thuật, và được hướng dẫn kỹ thuật bởi Thánh Kinh Hội.

Như đã nhắc trước đây, sau 10 năm làm việc với các học giả Kinh Thánh, Phan Khôi được “tu nghiệp” về văn phạm, ngữ pháp, nghệ thuật tu từ của văn chương Hy Lạp (Greek) và Hi-bá-lai (Hebrew). Làm việc với những nhà phiên dịch Kinh Thánh, những chuyên gia về văn phạm, Phan Khôi đã có một cơ hội mà ít nhà văn Việt Nam nào khi ấy có được. Vấn đề ngữ pháp rất được coi trọng trong khi dịch Thánh Kinh. Từ ngữ khi dùng dịch Thánh Kinh cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, bản thảo dịch Kinh Thánh thường trải qua nhiều giai đoạn hiệu đính, nhờ đó Phan Khôi có cơ hội học hỏi, trau chuốt trong cách đặt câu cũng như cách dùng chữ. Do đó, khi trở lại cầm bút, Phan Khôi đã có một căn bản văn phạm thật vững vàng; cho nên khi phê bình các văn gia khác, các nhà văn cùng thời ngạc nhiên khi thấy Phan Khôi lúc đó có một cặp mắt nhận xét sắc sảo lạ thường.

Khi tham dự vào việc phiên dịch Kinh Thánh, Phan Khôi hiểu rằng việc dịch Kinh Thánh không đơn giản như dịch một tác phẩm văn học. Dịch Thánh Kinh không phải chỉ đơn thuần dịch rõ ý nhưng còn phải cố gắng giữ văn mạch như trong nguyên bản, từ ngữ phải dùng theo cùng thể loại, nghĩa phải mang nhiều ý nghĩa tương đồng như trong từ gốc, và câu phải giữ theo văn phạm trong nguyên văn,..; ngoài ra, bản dịch phải diễn đạt trôi chảy và trong sáng trong tiếng Việt. Với khả năng vốn có, Phan Khôi có thể thực hiện được hai điều sau là làm cho câu văn trong sáng và trôi chảy, nhưng những yếu tố về văn phạm và nghệ thuật tu từ, Phan Khôi phải làm việc với các Giáo Sĩ và Ủy Ban Phiên Dịch. Từ cụ bà William Cadman, người có bằng Cao Học (Master – M.A.) về Greek, Phan Khôi đã học được rất nhiều về cách dùng từ ngữ, văn phạm và cú pháp.

Ðể hiểu được khả năng của Ban Phiên Dịch Kinh Thánh, chúng ta chỉ cần đối chiếu bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ (1925) hiện đang lưu dụng (1996) với những bài viết mà Phan Khôi đã viết trên các báo, dù là mười năm về sau, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng văn trong Kinh Thánh khúc chiết, mạch lạc hơn văn viết phổ thông của Phan Khôi rất nhiều. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng mặc dầu Phan Khôi có công rất lớn trong việc phiên dịch Kinh Thánh nhưng Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh đã hiệu đính và làm việc rất cẩn thận để có được một bản dịch Kinh Thánh còn lưu dụng được cho đến ngày nay.

Sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi áp dụng những kiến thức văn phạm mà ông đã học được vào cách viết chữ Quốc Ngữ. Ông đã chấn chỉnh lại những tập quán sai lầm trong cách viết văn, kêu gọi người Việt viết văn theo chính tả của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cũng là những người cũng từng nghiên cứu Kinh Thánh. Ngoài “Phép Làm Thơ” ông cũng đề ra “Phép Làm Văn” để dạy thế hệ mới viết văn.

Theo Giáo sư Phạm Thế Ngữ, Phan Khôi đã đặt ra những quy tắc văn phạm trước cả cụ Trần Trọng Kim. – Cụ Trần Trọng Kim là người về sau đã cùng Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ soạn ra cuốn Việt Nam Văn Phạm. Cuốn sách đã được dùng làm tài liệu văn phạm Việt Ngữ căn bản trong cả nước nhiều thập niên về sau.

Bên cạnh việc dạy cách viết văn, Phan Khôi cũng mở mục Ngự Sử Trên Văn Ðàn chuyên hạch lỗi (faute) các nhà văn, nhà báo viết cẩu thả. Mục Ngự Sử Trên Văn Ðàn là nguồn gốc của mục Ðãi Sạn, Nhặt Cỏ trên các báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn về sau. Nhà phê bình Thiếu Sơn ghi nhận rằng chính nhờ Phan Khôi mà các nhà văn, nhà báo bấy giờ chú ý hơn đến văn phạm và chính tả, không dám viết bừa bãi nữa. Ảnh hưởng tốt đẹp đó không phải chỉ ở miền Nam mà lan rộng trên toàn quốc.

Phan Khôi cũng có công trong việc thống nhất cách viết và khích lệ việc dùng từ ngữ của cả ba miền. Trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp dùng biện pháp chia để trị, Việt Nam bị chia làm ba miền với ba chính sách cai trị khác nhau. Người Pháp đã dùng nhiều cách để chia rẽ dân Việt, khiến dân Việt kỳ thị lẫn nhau, kể cả trong ngôn ngữ. Một số trí thức Việt Nam trong đó có Phan Khôi tìm cách ngăn chặn ý đồ chia rẽ đó trong văn học Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu phê bình đã xác nhận công lao của Phan Khôi vì ông đã dùng ngòi bút và sở học của mình để giúp cho việc thống nhất ngôn ngữ trong cả ba miền đất nước.

Sở dĩ Phan Khôi làm được điều đó vì Phan Khôi là một trong số rất ít nhà văn khi ấy thông thạo cách viết của ba miền. Ông là người học rộng đi nhiều nên thấy được cái hay cái đúng của mỗi miền. Ông mạnh dạn dùng cái đúng ở miền này sửa cái sai ở miền kia. Ví dụ ở miền Bắc thường dùng lầm lẫn các phụ âm đầu như âm ch, gi với tr (giời và trời); s với x. Trong khi ở miền Nam lại hay dùng sai phụ âm cuối t thành c (khóc ngất & khóc ngấc),… Phan Khôi đã sửa lại những điều đó.

Khi phiên dịch Kinh Thánh, Phan Khôi làm việc chung với cụ Tú Nguyễn Hữu Phúc ở Hà Nội và sinh viên Trần Văn Dõng ở trong Nam, các nhà phiên dịch Kinh Thánh đã áp dụng nguyên tắc dùng từ ngữ của cả ba miền trong bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ. Do đó, vài nơi trong Thánh Kinh dùng những từ ngữ thuần túy miền Nam như đặng (được), ên (một mình)…; đa số những chỗ khác lại dùng từ ngữ của miền Trung và miền Bắc.

Một trong những thí dụ về việc dùng tiếng địa phương trong bản dịch Thánh Kinh (1925) là chữ “ên” trong II Sa-mu-ên 18:24,26. Khi đọc đến khúc Kinh Thánh này, trong nhiều năm liền người viết bài này không biết chữ “chạy ên” trong những câu Kinh Thánh trên là tiếng miền Nam, mà cứ nghĩ rằng đó là chữ “chạy lên” nhưng người sắp chữ đã sắp không đúng. Mãi về sau, khi chị của người viết bài này lập gia đình về sống tại Sóc Trăng thì người viết mới biết chữ “ên” có nghĩa là “một mình.” Vài năm sau, người viết được dịp đọc lại Kinh Thánh Anh Văn, khi tham khảo các bản King James, New King James, Revised Standard Version, New Revised Standard Version, NIV, ABS, TEV đều dùng chữ “running alone” thì người viết mới biết mình đã hiểu sai, và biết rằng kiến văn của các cụ ngày xưa quá rộng.

Khi viết báo, Phan Khôi cũng áp dụng nguyên tắc dùng chữ ba miền đó. Ông đem tiếng miền này phổ biến ở miền kia và xây dựng cho dân Việt một kho ngữ vựng chung, một văn pháp phổ thông. Nhờ viết bài trên hai tờ báo phổ biến rộng cả nước vào thời đó, và bản thân có uy tín vững vàng, nên những đóng góp của Phan Khôi đã được quảng bá và có ảnh hưởng rộng rãi. Cụ Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu đã ghi rằng hai tờ báo có công trong việc thống nhất tiếng nói cả ba kỳ vào thời đó là tờ Nam Phong Tạp Chí và tờ Phụ Nữ Tân Văn. Cả hai tờ báo trên chính là hai tờ báo mà Phan Khôi cộng tác.

Mười năm phiên dịch Kinh Thánh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên sự nghiệp văn học của Phan Khôi. Qua ông, Thánh Kinh đã để lại một dấu ấn sâu đậm trên văn học Việt Nam, và những ảnh hưởng tốt đẹp đó vẫn còn cho tới ngày hôm nay.

 

Nguyệt San Linh Lực

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan