Jim có người cha uống rượu từ 30 năm nay. Trong suốt những năm đó, mẹ của Jim và sau này chính anh cùng với vợ anh ta đã cầu xin Chúa chữa lành cha mình, nhưng vô hiệu. Cha anh không chịu thú nhận mình say rượu chè, và vùng vẫy khi nghe nói đến tôn giáo.
Một hôm Jim nghe nói về năng lực phóng thích khi chúng ta ca ngơi Chúa trước mỗi biến cố trong cuộc sống của mỗi chúng ta, thay vì năn nỉ xin Chúa thay đổi những gì khó chịu cho mình. Jim mang về nhà bản ghi âm cuộc họp và cho các bạn nghe lại. Rồi một ngày kia nẩy ra một ý kiến: chưa bao giờ anh thử ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh cha anh đang sống. Vui mừng quá anh chia sẻ với vợ anh.
Em à, chúng ta hãy ca ngợi Chúa cho người cha say rượu của chúng ta, vì đó cũng ở trong chương trình tuyệt diệu của Chúa đã hoạch định cho cuộc sống của cha.
Và ngày hôm đó, cả hai vợ chồng cảm tạ và ca ngợi Chúa về tất cả mọi mặt của hoàn cảnh. Chiều đến cả hai cảm thấy một niềm vui và hy vọng mới.
Ngày hôm sau, Cha mẹ của Jim đến thăm các con như thường lệ mỗi trưa chủ nhật. Thường ngày cha của Jim không thích ở lâu và xong bữa là ra về. Nhưng lần này, trong khi uống cà phê, ông đột nhiên hỏi: Con nghĩ sao về cái gọi là “Cách mạng của Giê-su”?
Quay về phía Jim ông tiếp: Hôm qua trên truyền hình đã chiếu vài đoạn. Có phải đó là mốt mới không? Hay thật sự những đứa trẻ hút ma túy đã được chinh phục và được đổi lòng?
Câu hỏi đó là khởi điểm cho cuộc tranh luận dài và chân thật về Cơ Đốc Giáo và Cha mẹ Jim ở lại đến chiều.
Sau vài tuần, cha Jim chấp nhận là ông không uống rượu. Ông đã trở về với Chúa Giê-su và ngừng hẳn rượu, cùng với gia đình, ông kể cho tất cả mọi người xung quanh nghe về những điều Chúa có thể làm khi chúng ta biết ca ngợi. Jim nói với tôi:
Thế mà chúng ta đã cầu xin Chúa trong 30 năm, xin Ngài thay đổi cha chúng tôi, trong khi chúng tôi ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh của cha tôi trong vòng một ngày mà đã thu hoạch biết bao nhiêu.
Chúng ta dễ dàng nói một cách máy móc: “Vinh Danh Chúa” và “Tạ ơn Chúa” nên chúng ta cũng dễ quên ý nghĩa thật của mỗi chữ đó.
Ca ngợi, theo tự điển có nghĩa là ca tụng một người nào đó, đề cao họ làm cho họ vẻ vang, tuyên bố công trạng và hoan hô người đó. Vậy ca tụng là góp phần mình để tán đồng về một điều nào đó. Tán đồng nghĩa là chấp nhận, là thỏa thuận về điều đó. Vậy ca tụng Chúa trước một hoàn cảnh khó khăn, một bệnh tật hay một tai họa, có ý nghĩa là chúng ta chấp nhận, chúng ta đồng ý coi những trường hợp đó như ở trong chương trình Chúa định cho mỗi cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta không thể thực sự ca ngợi Chúa về một điểm nào mà không đồng thời cảm tạ Chúa về điểm đó. Và chúng ta không thể thực sự cảm tạ mà không vui sướng về điều mà chúng ta cảm tạ Chúa. Vậy ca ngợi đòi hỏi sự biết ơn và niềm hoan lạc.
Khi chúng ta ca ngợi Chúa, chứ không phải ca ngợi một thần vô danh của định mệnh, có nghĩa là chúng ta chấp nhận rằng Chúa có trách nhiệm cho việc xảy đến cho chúng ta, nếu không thì cảm tạ Ngài nào có ý nghĩa gì.
“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ đối với anh em là như vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).
Tôi biết nhiều người có thể ca ngợi Chúa vì tất cả những gì xảy đến cho họ, chỉ vì họ chấp nhận cách đối nhân xử thế trong Kinh Thánh. Khi ca ngợi, họ thường nhận ra ngay kết quả của một thái độ cương quyết tạ ơn và hoan hỉ. Đức tin của họ mạnh hơn và họ bắt đầu sống một nếp sống mới.
Lượt Dịch Theo: https://vietchristian.com