Tôi Có Thể Nên Thánh Mà Không Thấy Vui Vẻ Không?

Share

Khi mới đính hôn, tôi tìm một quyển sách hay nói về hôn nhân. Tôi còn nhớ lướt ngang một quyển, được cho là quyển kinh điển hiện đại, bìa sách còn có câu hỏi đáng ghi nhớ này: “Chuyện gì nếu Đức Chúa Trời tạo ra hôn nhân để khiến chúng ta nên thánh hơn là vui sướng?”

Tôi không thích cách đóng khung vấn đề như thế. Tại sao lại so sánh thánh khiết đối lập với vui sướng như vậy? Dẫu cho cái bìa đã có mấy chữ hóc búa là “chuyện gì nếu”. Quyển sách này chưa có vẻ nguy hiểm với tôi, ngay cả dòng chữ phụ muốn nhằm vào một hình tượng trong thế hệ của chúng ta.

Tất nhiên là ở mức độ nào đó thì tôi hiểu và thông cảm cho người nào có một định nghĩa và những liên tưởng mông lung về vui sướng. Đến mức “vui sướng” có nghĩa là những cảm giác khoái chí, không có đau khổ, được an ủi, hời hợt, nhất thời — và không cần phải có sự tái sanh — phải đó, đối với Đức Chúa Trời thì sự thánh khiết thật sẽ luôn kỳ quặc khi đứng cạnh “vui sướng” như thế. Tuy nhiên, tôi chưa sẵn sàng để cho vui sướng bị định nghĩa một cách nông cạn và mờ nhạt như thế đâu. Đó không phải là những gì chúng ta tìm thấy ở trong Kinh Thánh. Chúng ta cũng không thấy sự thánh khiết đối lập với vui sướng thật. Mà cả hai bị buộc chặt với nhau một cách vô cùng mật thiết nữa là đằng khác.

Những khái niệm lạ về sự thánh khiết

Vài người trong chúng ta, thích nói mình được lớn lên trong gia đình Cơ Đốc và trung tín nhóm lại với Hội thánh, cần thay đổi khái niệm về thánh khiết sau khi tiếp nhận Chúa ở tuổi thiếu niên hay thanh niên. Khi nhìn lại, với tâm trí tỉnh thức, lỗi không tại vì cha mẹ hay Hội thánh (đối với nhiều người trong chúng ta), mà tại vì bản thân mình: chúng ta bị chết trong tội lỗi (Ê-phê-sô 2:15), sống trong xác thịt nhưng không sống trong Thánh Linh; chúng ta cần phải sanh lại. Khi Đức Chúa Trời khiến chúng ta được tái sanh ở trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:5), chúng ta bắt đầu thấy Đấng Tạo Hóa và thế giới của Ngài bằng cặp mắt mới, rồi cũng thấy được sự thánh khiết của Ngài và sự kêu gọi phải nên thánh của chúng ta, như Ngài là thánh nữa.

Sự kêu gọi phải nên thánh không phải là thách thức dành riêng cho thế hệ của chúng ta đâu. Ba trăm năm trước, một người trẻ tuổi tên là Jonathan Edwards (1703–1758) đã đối diện với rào cản này và nhờ Chúa vùa giúp mà vượt qua. Khi viết về Edwards 16 tuổi, một nhà viết tiểu sử tên là George Mardsen nói rằng:

Sự kỷ luật bản thân đã thất bại nhiều như thành công. Sự tra xét bản thân cũng chẳng khả quan gì mấy. Theo trí nhớ của mình, ông đã bực tức trước sự dạy dỗ và cách kỷ luật tẻ nhạt của cha mẹ. Sự thánh khiết dường như là “một điều buồn bã, u sầu, chua chát và tẻ nhạt”. Ông không thấy vui vẻ khi tham dự giờ nhóm dài dòng. Ông vẫn còn cái bản chất nổi loạn. Ông là kẻ kiêu ngạo. Ông có tính cách khó chịu và ít xã giao, ông cũng chẳng có dấu hiệu khoan dung là bằng chứng của ân điển. Ông còn vật lộn với vấn đề tính dục, dù đã nỗ lực hết sức, ông không thể nào kiểm soát được. (Jonathan Edwards: Cuộc đời, trang 36)

Ở đây Marsden phỏng đoán những suy nghĩ của Edwards ở tuổi thiếu niên (trong đoạn trích) dựa vào việc Edwards được nhận vào một trường học sau này, khi ông viết về “vẻ đẹp của sự thánh khiết” là: “Chúng ta uống vào những khái niệm lạ về sự thánh khiết từ hồi còn thơ ấu, cứ như đó là một điều buồn bã, u sầu, chua chát và tẻ nhạt” (Các tác phẩm của Jonathan Edwards, 13:163).

Edwards không hề cô đơn ở trong thế hệ của ông hay của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta, trong chính niềm tin của mình, đã uống vào “những khái niệm lạ về sự thánh khiết” dường như trái ngược hẳn với sự vui sướng, làm cho ý nghĩ về niềm vui trở nên mỏng manh và thế tục. Sau khi được tái sanh, chúng ta cần xem xét về sự thánh khiết theo hướng mới, bắt đầu bằng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, rồi mới xét đến phần của chúng ta.

Chính Ngài là sự thánh khiết

Sự thánh khiết bắt đầu với Đức Chúa Trời. Ngài là trọng tâm của sự thánh khiết. Trên thực tế, chúng ta tưởng sự thánh khiết là bản tánh phụ của Chúa. Chúng ta không thể tìm được chỗ nào mô tả sự thánh khiết đầy kinh ngạc của Đức Chúa Trời bằng Ê-sai 6. Trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta nghe thấy tiếng các sê-ra-phim nói với nhau, ngợi khen sự vô hạn của Đức Chúa Trời rằng:

“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài!” (Ê-sai 6:3)

Có lẽ chúng ta đã từng nghe rằng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chỉ về sự khác biệt hay sự biệt riêng của Ngài — Chúa là Đấng biệt riêng khỏi tạo vật của Ngài, khỏi tội lỗi và thế gian. Tất cả đều là tạo vật bình thường; còn Chúa là thánh khiết.

Sự khác biệt có một khía cạnh quan trọng trong sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, nhưng lại không nói lên được sự thánh khiết là gì, giống như trong sự thờ phượng của các sê-ra-phim. Khi chúng kêu lên rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay” mà không kêu là: “Khác biệt, khác biệt, khác biệt”. Chúng kêu lên trong sự thờ phượng; chúng ngợi khen Đức Chúa Trời là thánh và lấy làm vui vì Ngài là Đấng thánh. Chúng không tỏ ra thờ ơ. Chúa không chỉ là Đấng khác biệt, mà còn là Đấng tốt lành nữa. Các sê-ra-phim đã thấy và hiểu được giá trị vô hạn của Đức Chúa Trời đến nỗi phải kêu lên trong sự thờ phượng rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay” một cách vui mừng và kính sợ.

Trước khi các sê-ra-phim và những kẻ được chuộc nhìn thấy và thấu hiểu điều nầy, thì Đức Chúa Trời đã thấy và hiểu rõ giá trị của chính Ngài. Nói cách khác, Đức Chúa Trời lấy làm vui vẻ về chính Ngài. Chúa là Đấng vui vẻ hạnh phước (1 Ti-mô-thê 1:116:15). Như Edwards, sau khi trừ bỏ “những khái niệm lạ” trước đây của mình, thì ông đã thấy điều nầy:

Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời nghĩa là Chúa có một sự quan tâm đúng mực và thích hợp đối với mọi vật, trong đó Ngài chủ yếu quan tâm và yêu mến chính Ngài đến vô cùng, Chúa là Đấng vĩ đại và siêu việt nhất. (Các tác phẩm, 20:460)

Trọng tâm của sự thánh khiết ở trong Đức Chúa Trời đó là sự quan tâm hay tình yêu hay niềm vui mà Chúa dành cho chính Ngài. Trước khi Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài là Đấng thánh đối với tạo vật, thì Chúa là Đấng thánh đối với chính Ngài — nghĩa là Chúa nhìn thấy, hiểu rõ, vui thích, yêu mến và lấy làm vui trong sự toàn hảo của Ngài là “Đấng vĩ đại và siêu việt nhất đến đời đời”. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là Đấng hạnh phước hay vui vẻ là hai điều không thể tách rời nhau. Đức Chúa Trời thánh khiết là Đấng trước hết vui vẻ ở trong chính Ngài.

“Trong Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy chỗ nào nói sự thánh khiết đối lập với sự vui vẻ thật. Hai điều nầy được buộc chặt vào nhau một cách hết sức mật thiết”.

Trọng tâm của sự thánh khiết

Thế còn “sự thánh khiết” của chúng ta là những tạo vật thì sao? Thật không thể tránh khỏi, sự thánh khiết ám chỉ cách chúng ta sống, ăn nói, hành động ở trong thế gian, liêu những điều nầy có xứng hiệp với giá trị siêu việt của Đức Chúa Trời chăng. Tuy nhiên, chúng ta nên hỏi rằng: Những biểu hiện thánh khiết của tạo vật được xuất phát từ trọng tâm nào? Bản chất cốt lõi của sự thánh khiết ở trong những kẻ được chuộc chính là trọng tâm biết tôn kính, yêu mến và lấy làm vui về Đức Chúa Trời siêu việt.

Tiến trình mà chúng ta gọi là “sự nên thánh” (nghĩa là trở nên thánh khiết, lớn lên trong sự thánh khiết) như John Piper viết là “một lối sống có cảm xúc, tư tưởng và hành động bày tỏ đúng giá trị của Đức Chúa Trời” (Acting the Miracle, trang 36). Sự thánh khiết ở trong chúng ta, là những tạo vật hữu hạn của Đức Chúa Trời, bắt đầu khi chúng ta thực sự hiểu thấu và tôn cao đúng giá trị và sự siêu việt của Đức Chúa Trời.

Vậy, không chỉ sự thánh khiết thật mang lại niềm vui sướng nhất, mà sự vui sướng ở trong Đức Chúa Trời là trọng tâm của sự thánh khiết. Như Piper đã từng nói là: “Hãy thử giải thích sự thánh khiết mà không có niềm vui mà xem, chúng ta sẽ thất bại. Bản chất cốt lõi của sự thánh khiết đó là được vui sướng ở trong Đức Chúa Trời”.

Sự thánh khiết không bị giới hạn, hoặc bị đóng khung, ở trong tâm hồn của loài người.

Sự thánh khiết bằng đôi tay và đôi chân

Sự thánh khiết cũng phải được bày tỏ ra trong thế gian. Sự thánh khiết ở trong lòng của chúng ta phải được bày tỏ qua lời nói và việc làm sao cho người khác biết được giá trị siêu việt của Đức Chúa Trời mà họ chưa từng thấyvà cũng chưa hề nghe. Giống như Đức Chúa Trời lấy làm vui vẻ về chính Ngài được bày tỏ một cách “công khai” trong thế giới có thể nghe, nhìn và rờ đụng, thì Đức Chúa Trời cũng muốn sự vui sướng của chúng ta ở trong Ngài được bày tỏ một cách “công khai” ở trong thế giới mà Ngài đã tạo nên thông qua lời nói và đời sống có kết quả của chúng ta.

Sự vui sướng thật ở trong Đức Chúa Trời là trọng tâm của sự thánh khiết thật ở trong chúng ta. Còn sự thánh khiết thật ở trong chúng ta, tức là trong tâm hồn và thể xác, bắt đầu khi tâm hồn được vui sướng ở trong Đức Chúa Trời, làm cho cơ thể phải thốt lên những lời lẽ và có những việc làm xứng đáng với giá trị siêu việt của Ngài.

Sự vui sướng và sự thánh khiết

Quay lại với khẩu hiệu của quyển sách đã làm cho sự thánh khiết không thể nào sánh vai cùng sự vui sướng được. Tôi muốn hỏi là: Tại sao lại chia rẻ bạn bè thành kẻ thù của nhau như vậy? Tại sao lại nhường chỗ cho những quy tắc cổ điển nói là Đức Chúa Trời đòi hỏi tạo vật của Ngài phải vui sướng?

“Để được nên thánh ở trong thế gian, chúng ta phải được vui sướng ở trong Đức Chúa Trời. Người nào thực sự được vui sướng ở trong Ngài thì sẽ được nên thánh”.

Có một chân lý quan trọng mà chúng ta phải nhận ra: Đức Chúa Trời quan tâm đến sự nên thánh của chúng ta nhiều hơn là “sự vui sướng” đến từ những điều an ủi tạm bợ. Nếu chúng ta định nghĩa “sự vui sướng” theo xã hội thế tục, thì những cảm xúc ngắn ngủi, hời hợt, thoải mái, không có khổ sở, dễ chịu ấy chẳng cần đến sự tái sanh làm gì, thì bởi thế cho nên Đức Chúa Trời mới quan tâm đến sự nên thánh của chúng ta nhiều hơn những điều kể trên. Nhưng tôi chưa sẵn sàng để cho thế gian định nghĩa sự vui sướng như thế mà không tranh cãi với họ.

Khi chúng ta nhìn thấy sự vui sướng thật là niềm vui sâu sắc, đậm đà, lâu dài, đâm rễ ở trong Đức Chúa Trời – chiếu sáng rực rỡ trên công tác và đời sống của Đấng Christ – thì chúng ta mới thấy sự vui sướng ấy là trọng tâm để định nghĩa sự thánh khiết là gì. Nó xua tan đi những khái niệm lạ cho rằng sự thánh khiết là u sầu, buồn bã, chua chát và không có gì thích thú. Hãy đến mà xem sự thánh khiết đẹp đẽ, đáng chuộng và kỳ diệu như thế nào!

Sự thánh khiết thật trong thế giới nầy bắt đầu khi được vui sướng thật ở trong Đức Chúa Trời. Người nào được vui sướng thật ở trong Chúa sẽ được nên thánh.

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan