“Người làm nên lịch sử” – Người phục vụ cho mục đích của Đức Chúa Trời trong thời đại của mình

Share

Trong suốt Kinh Thánh một trong những nhân vật làm nên lịch sử là Vua Đa-vít. Ông vốn là người rất tầm thường, gia đình tầm thường, làm công việc tầm thường là chăn chiên. Không ai chú ý ông, dù đó là cha mẹ và các anh của ông. Từ cậu bé chăn chiên không tên tuổi, Đa-vít đã đem nước Y-sơ-ra-ên từ thời kỳ bị các nước lân bang áp bức trở thành một đất nước vững mạnh. Từ thời kỳ đen tối không biết tay trái và tay phải khác nhau (phân biệt đúng và sai) sang thời kỳ yêu mến thờ phượng Chúa và ham thích luật pháp Ngài. Vua Đa-vít là người làm tròn những gì mà Môi-se ao ước thành toàn, kết thúc những gì Giô-suê và các thẩm phán chưa hoàn tất là chiếm lấy toàn bộ đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho tổ phụ họ là Áp-ra-ham. Có rất nhiều điều chúng ta cần học nơi Vua Đa-vít. Trong phạm vi giới hạn của bài viết, chúng ta sẽ học từ nơi Vua Đa-vít, con người đã làm nên lịch sử này, hầu cho chúng ta có thể phục vụ Đức Chúa Trời, đặc biệt trong sứ mạng đem Tin Lành biến đổi đời sống đến cho dân tộc và thời đại mình.

1. Tấm lòng và thái độ phục vụ Chúa của Đa-vít: Đa-vít là người tìm kiếm và làm theo ý muốn của Chúa

  • Đa-vít yêu mến và khao khát sự hiện diện của Chúa

Cuộc đời của Vua Đa-vít nổi bật ở chổ ông là người tìm kiếm Chúa, trú ẩn trong Ngài vì ông nhận biết “ngoài Ngài ra” ông “không có ân phúc nào khác” (Thánh thi 16:1,2). Ông khao khát Chúa đến độ ví mình như con nai sau khi bị săn đuổi mong ước được đến bên suối nước để được thỏa mãn cơn khát. Ông nói:

1Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mong đợi Chúa;Như con nai thèm khát suối nước. 2Linh hồn tôi khao khát Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống (Thánh thi 42:1,2).

Tôi đã xin CHÚA một điều, Là điều tôi sẽ tìm kiếm. Ấy là tôi được ở trong nhà CHÚA đến suốt đời, Để chiêm ngưỡng sự tốt đẹp của CHÚA. Và cầu hỏi trong đền thờ Ngài (Thánh thi 27:4).

Điều quan trọng nhất của Vua Đa-vít không phải là tìm cách đánh bại kẻ thù của mình, giải quyết những nan đề trong gia đình hay trong chức vụ, nhưng là tìm kiếm Chúa và cầu khẩn Ngài vì ông biết rằng khi ông kêu cầu Chúa thì không có kẻ thù hay nan đề nào đứng vững trước mặt ông; Chúng sẽ bỏ chạy sau lưng ông. Ông xác quyết, “Ngày nào tôi cầu khẩn thì các kẻ thù tôi sẽ tháo lui,Vì tôi biết điều này: Đức Chúa Trời ở cùng tôi” (Thánh thi 56:9). “Tôi hằng để CHÚA ở trước mặt tôi. Vì Ngài ở bên phải tôi; Nên tôi sẽ không bị rúng động” (Thánh thi 16:8). Điều Đa-vít lo sợ nhất không phải là kẻ thù, mà là không còn được ở trong sự hiện diện của Chúa và Đức Chúa Trời cất Thánh Linh Ngài khỏi ông (Thánh thi 51:11).

Chìa khoá thành công của Vua Đa-vít là ông đặt ưu tiên cho việc tìm kiếm Chúa trước khi phục vụ công việc Chúa sai phái.

  • Đa-vít yêu mến Lời Chúa

Nhiều người thích hát thờ phượng Chúa ở trong sự hiện diện Ngài, nhưng họ không thích đọc và suy gẫm Lời Chúa. Sách Thánh thi 119:11,12,165 cho biết, khi chúng ta dấu lời Chúa trong lòng để không phạm tội cùng Ngài, luôn chuyên tâm làm theo các qui luật của Chúa đến tận cùng thì được Chúa ban cho bình an lớn; với những người yêu mến kinh luật Chúa thì không có gì có thể làm cho họ vấp ngã. Vua Đa-vít không chỉ là người có lòng tìm kiếm mặt Chúa, nhưng ông cũng là người yêu mến và vui thích làm theo Lời Chúa. Ông giữ đời sống mình để không có gì chê trách trước mặt Chúa. Ông nói:

“Vì tất cả mạng lệnh của Ngài đều ở trước mặt tôi, Tôi không bỏ qua quy luật nào của Ngài. Tôi không có gì đáng trách trước mặt Ngài. Tôi đã giữ mình cho khỏi phạm tội” (Thánh thi 18:22,23).

  • Đa-vít là người luôn muốn sống theo ý Chúa – Sống để phục vụ cho mục đích của Đức Chúa Trời trong thời đại mình

Vâng lời khác với làm theo mục đích Chúa hay ý Chúa. Vâng lời là làm theo những gì Chúa dạy trong Kinh Thánh. Đây là điều tốt. Nhưng làm theo mục đích của Chúa là điều vượt cao hơn sự vâng lời, vì nó đòi hỏi chúng ta có tinh thần luôn tìm cầu ý Chúa như người đầy tớ trung tín muốn làm theo ý chủ, như đứa con hiếu thảo làm theo ý cha mình.

Tiên tri Sa-mu-ên nói với vua Sau-lơ rằng: “Nhưng bây giờ, ngôi vua sẽ không bền. CHÚA đã tìm cho Ngài một người theo ý Ngài” (1Sa-mu-ên 13:14). Người mà Đức Chúa Trời chọn thay thế vua Sau-lơ là Đa-vít. Đa-vít không chỉ yêu mến luật pháp Chúa và làm theo, nhưng ông muốn sống theo ý Ngài. Chính Đa-vít đã thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa Trời tôi, Tôi mong muốn làm theo ý Ngài” (Thánh thi 40:8).

Kinh Thánh đã ghi lại cho chúng ta thấy Đa-vít đã luôn tìm kiếm ý Chúa và cầu hỏi Ngài dạy cho mình phải làm gì khi có nan đề hoặc khi có quyết định phải chọn (1Sa-mu-ên 23:1-6; 1Sa-mu-ên 30:8; 2Sa-mu-ên 5:17). Đa-vít đã cầu nguyện với Chúa như sau:

4Lạy CHÚA, xin cho tôi biết đường lối Ngài, Xin dạy tôi các nẻo đường Ngài. 12Ai là người kính sợ CHÚA? Ngài sẽ chỉ dẫn họ con đường mình phải chọn” (Thánh thi 25:4,12).

Vua Đa-vít đã truyền lại cho bí quyết này cho người con nối ngôi của mình, và Vua Sa-lô-môn dạy lại cho chúng ta như nhau: “Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối mình, Ngài sẽ làm cho đường lối của con bằng thẳng (Châm ngôn 3:6).

Phục vụ Đức Chúa Trời phải là phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời. Nhiều người ngày nay nói là phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng thật ra là để cho người khác chú ý đến mình. Họ phục vụ cho cá nhân hay một tập thể nào đó, nhưng chẳng hề hỏi Chúa là “Ngài có mục đích gì cho cuộc đời con?”; “Ngài muốn con làm gì?” Ngoài ra, có nhiều người phục Chúa, rất nhiệt thành, hy sinh nhiều điều cho công việc Chúa, nhưng đáng tiếc điều họ làm không phải là điều Chúa muốn họ làm. Hãy nhận biết rằng phục vụ Chúa theo ý và cách con người là kẻ thù của phục vụ theo mục đích của Đức Chúa Trời. Tìm cầu và làm theo ý Chúa là nguồn sinh ra kết quả đắc thắng sau cùng. Trong suốt thời kỳ từ các thẩm phán (quan xét) cho đến vua Sau-lơ, dân Y-sơ-ra-ên không thể nào chiếm và giữ được toàn bộ đất hứa cho đến đời Đa-vít. Lý do là vì trước Đa-vít, cách sống của họ là “ai nấy đều làm theo ý mình cho là phải” (Thẩm Phán 21.25b). Nhưng với một vị vua sống phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời như Đa-vít, dân Y-sơ-ra-ên đã chiếm lấy tất cả vùng đất mà Ngài đã hứa cho họ.

  • Đa-vít có phạm tội nhưng ăn năn trở lại với Đức Chúa Trời

Cuộc đời chúng ta thường phạm những sai lầm và phạm tội, Đa-vít cũng vậy. Điểm đặt biệt của Vua Đa-vít là dù phạm tội nặng nhưng ông đã ăn năn và lìa bỏ điều ác khi Chúa cáo trách mình. Tấm lòng ăn ăn từ bỏ điều ác, để trở lại cùng Đức Chúa Trời đã được ghi lại trong Kinh Thánh bằng những áng thơ bất tuyệt như sau:

10Đức Chúa Trời ôi, xin tạo nên trong tôi một tấm lòng trong sạch; Và làm mới lại trong tôi một tâm linh chân chính. 16Vì Ngài không vui lòng về tế lễ hy sinh, Bằng không tôi đã dâng. Tế lễ thiêu Ngài cũng không thích 17Tế lễ hy sinh đẹp lòng Đức Chúa Trời là tâm thần tan vỡ. Đức Chúa Trời ôi, tấm lòng ăn năn tan vỡ Ngài không khinh bỉ đâu “ (Thánh thi 51:10, 16,17)

2. Tấm lòng và thái độ phục vụ của Đa-vít đối với gia đình: Đa-vít là người con hiếu thảo hết lòng yêu thương phục vụ gia đình.

Chúng ta có thể thấy trong 1 Sa-mu-ên 16:11; 1 Sa-mu-ên 17:17-20 là Đa-vít vâng lời cha, phục vụ gia đình, làm một công việc rất hèn mọn trong xã hội người Y-sơ-ra-ên là chăn chiên ngoài đồng.

  • Đừng so sánh phân bì mình với người khác là mình chịu cực khổ. Đừng có tinh thần lánh nặng tìm nhẹ.
  • Trung tín làm việc nhỏ chổ không ai thấy – Chúa sẽ cho mình thành công trong việc vĩ đại mọi người đều thấy.
  • Tất cả mọi việc phải bắt đầu từ gia đình và Hội Thánh là những đơn vị nhỏ nhất.
  • Không phải là làm chuyện vĩ đại mới là người vĩ đại; nhưng làm chuyện nhỏ cách vĩ đại.

Đa-vít yêu thương bảo vệ mọi người trong gia đình và giúp họ hoàn thành sứ mạng Chúa trao cho họ.

  • Khi công chúa Mi-canh đã được vua Sau-lơ hứa gả cho Đa-vít nhưng dù vua Sau-lơ, sau đó đã thất hứa gả nàng cho người khác, Đa-vít vẫn tìm và lập nàng làm vợ mình.
  • Mặc dù con của Đa-vít là Áp-sa-lôm phản loạn đoạt ngôi vua và hãm hiếp các cung phi của ông, nhưng Đa-vít vẫn yêu con. Khi Áp-sa-lôm chết ông khóc và than ước gì chết thay cho con.
  • Đa-vít biết con mình là Sa-lô-môn sẽ được Chúa dùng làm vua thế cho ông. Ông biết Chúa sẽ dùng Sa-lô-môn để xây đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông chuẩn bị mọi sự để con mình có thể hoàn thành sứ mạng Chúa giao cách dễ dàng.
  • Khi quân A-ma-léc bắt giữ toàn bộ thân nhân của Đa-vít và các thủ hạ của ông, dù bao nhiêu người chung quanh nản lòng, thậm chí họ muốn ném đá giết ông, nhưng Đa-vít lấy sức lực từ Chúa đuổi theo quân thù, đánh bại chúng và giải cứu dành lại họ cùng với rất nhiều chiến lợi phẩm.

Gia đình là phước hạnh và cơ nghiệp Chúa ban. Khi đánh mất gia đình sẽ mất sự nghiệp hay chức vụ. Khi một người không trung tín chăm sóc tốt trong phạm vi là gia đình là những gì quý giá nhất Chúa cho họ thì Ngài sẽ không tin cậy giao cho họ những việc lớn hơn là những việc có giá trị đời đời. Khi chúng ta phục vụ Chúa, ma quỷ sẽ tấn công vào gia đình chúng ta như trường họp của Vua Đa-vít, vậy hãy chiến đấu cho gia đình mình và nhận phần thưởng to lớn Chúa ban trong cuộc chiến đấu này. Chúa Giê-su phán:

10Ai trung tín trong việc nhỏ cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất chính trong việc nhỏ cũng bất chính trong việc lớn. 11 Vậy, nếu các con không trung tín Ctd: không đáng tín nhiệm về của cải bất chính thì ai dám giao của cải thật cho các con. 12 Nếu các con không trung tín về của cải của người khác, thì ai dám giao cho các con của cải thuộc phần các con?” (Lu-ca 16:10-12)

3. Tấm lòng và thái độ phục vụ của Đa-vít đối với công việc được trao phó: Đa-vít chu toàn trách nhiệm.

  • Tinh thần khiêm nhường và chịu khó phục vụ không nề hà việc lớn hay nhỏ.

Được xức dầu làm vua thay Sau-lơ nhưng ‘chức vụ’ đầu tiên của Đa-vít là nhạc công chơi đàn hạc và mang binh khí cho Sau-lơ (1Sa-mu-ên 16.14-21). Dù có chức ‘mang binh khí’ cho vua là một địa vị cao hơn những chiến binh và chắc chắn là cao hơn việc chăn chiên nhiều nhưng Đa-vít vẫn chịu đi đi về về để chăn chiên cho cha mình ở Bết-lê-hem (1 Sa-mu-ên 17:15). Đây là một tấm gương rất đặc biệt về tinh thần khiêm nhường và hạ mình phục vụ không nề hà việc lớn hay nhỏ mà người phục vụ chúng ta ngày nay cần xin Chúa dạy và ban ơn cho mình có được như vậy.

Sau khi được Chúa dùng giết chết tên khổng lồ Gô-li-át là tay dũng sĩ Phi-li-tin mà tất cả các dũng sĩ của Y-sơ-ra-ên kinh sợ không dám đối đầu, Sau-lơ ban thưởng cho Đa-vít chức sĩ quan chỉ huy ngàn quân là một chức không xứng đáng (1Sa-mu-ên 18:12-13) nhưng Đa-vít tiếp tục trung tín phục vụ và Chúa ban ơn cho ông thắng trận luôn đến nỗi Sau-lơ đặt ông “chỉ huy quân đội chinh chiến” là một chức vụ tương đương với tư lệnh lực lượng tác chiến (1 Sa-mu-ên 8.5). Ông tiếp tục trung tín và rồi Chúa nâng ông lên làm vua để chăn dắt dân sự Ngài.

70Ngài chọn Đa-vít làm tôi tớ mình; Ngài rút ông ra khỏi chuồng chiên; 71Từ việc chăm sóc đàn chiên, Ngài cất ông lên chăn giữ nhà Gia-cốp, dân Ngài. Và chăn giữ Y-sơ-ra-ên, cơ nghiệp Ngài (Thánh thi 78:70-71).

  • Trung tín và sử dụng khéo léo mọi khả năng và tài nguyên Chúa ban để phục vụ Chúa và dân sự của Ngài.

Đa-vít được Chúa ban sự khôn ngoan và ông biết dùng sự khôn ngoan Chúa ban cho để thu phục được mọi hạng người. Kinh Thánh ghi lại: “ Đa-vít đã lấy lòng thành thật chăn dắt họ, và dùng tài năng khéo léo lãnh đạo họ” (Thánh thi 78:72 ). Trong hoàn cảnh bị vua Sau-lơ săn lùng và trong địa vị là con trai út nhưng Đa-vít thu phục và lãnh đạo không chỉ những người anh đã từng coi thường ông cho đến bộ tộc của cha ông và cả những kẻ “cùng khốn” và vô dụng biến họ thành một đạo quân chiến đấu cho Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (1Sa-mu-ên 22:1-2). Đến cả Giô-na-than là “thái tử” sẽ kế vị vua Sau-lơ, là người đáng lẽ phải xem Đa-vít là kẻ thù nguy hiểm nhất, cũng nhận biết Đa-vít được Chúa dùng, Đa-vít xứng đáng làm vua và Giô-na-than cam kết, với tất cả chân tình, sẽ là người dưới trướng trung thành với Đa-vít (1Sa-mu-ên 23:16-18).

Đa-vít dùng tất cả những của cải vật chất và uy quyền của ông để chuẩn bị mọi điều cần thiết cho con là vua Sa-lô-môn sau này xây cất đền thờ Giê-ru-sa-lem. Về nhân sự, ông xây dựng một đội ngũ thật hùng hậu gồm nhiều kiến trúc sư và thợ xây cất chuyên môn. Về nguyên vật liệu xây cất, ông tích trữ một khối lượng khổng lồ sắt, đá, đồng, gỗ quý (gỗ bá hương), bạc và vàng vv… Chỉ riêng bạc và vàng, Đa-vít chuẩn bị 3450 tấn vàng, 34.500 tấn bạc. Về chính trị và linh vụ, ông ra lệnh cho tất cả những người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên giúp đỡ Sa-lô-môn xây đền thờ (1Sử Ký 22:1-19).

Để chuẩn bị cho sự ca ngợi tôn vinh thờ phượng Chúa của dân sự trong đền thờ Giê-ru-sa-lem được toàn hảo, Đa-vít tổ chức biên chế người Lê-vi thành một đội ngũ phục vụ các mục vụ của đền thờ, lập các ban thầy tế lễ và các đội ca nhạc sĩ trong đền thờ, những người phụ trách điều hành, hành chánh và tổ chức để phục vụ nhu cầu thờ phượng của toàn dân Y-sơ-ra-ên tại đền thờ Giê-ru-sa-lem (1Sử Ký 23-26).

4. Tấm lòng và thái độ phục vụ của Đa-vít đối với người cô thế: Đa-vít nâng đỡ tạo cơ hội cho họ phát triển tài năng

Đa-vít giải cứu dân thành Kê-i-la (1Sa-mu-ên 23:1-6).

Đa-vít bảo vệ tài sản của Na-banh cách tình nguyện (1Sa-mu-ên 25:17).

Đa-vít tiếp nhận khoảng 400 người nợ nần, cùng khốn, bất mãn bị bỏ rơi, huấn luyện họ trở thành những dũng sĩ cho mình (1Sa-mu-ên 22:1,2).

5. Tấm lòng và thái độ phục vụ của Đa-vít nhắm đến sự xây dựng tình yêu thương, cộng tác với và biến đổi những người có quan hệ với ông.

  • Đa-vít với mọi thành phần trong xã hội:

Đời sống của Đa-vít gây ấn tượng sâu sắc đối với người lớn tuổi hơn mình và có chức vụ rất cao như là thái tử Giô-na-than đã yêu Đa-vít như chính mình và kết ước cùng Đa-vít (1Sa-mu-ên 18:1-5). Các dũng sĩ của Đa-vít sẳn sàng chết vì ông (2Sa-mu-ên 23:13-17). Các trưởng lão Y-sơ-ra-ên quý mến tôn ông làm vua (2Sa-mu-ên 3:17; 5:3). Ngay cả kẻ thù của Đa-vít cũng phải tôn trọng ông.

  • Đa-vít làm cho những binh sĩ thành những lãnh tướng.

Những người theo Đa-vít họ trở thành những dũng sĩ, vì ông tập luyện họ cho chiến trận trở thành những kẻ giết khổng lồ. Đa-vít giết khổng lồ và làm những kẻ theo ông trở thành những dũng sĩ giết kẻ khổng lồ (1Sa-mu-ên 22:1,2; 2Sa-mu-ên 23:8-39).

Kết luận:

Vua Đa-vít sau khi phục vụ cho mục đích của Đức Chúa Trời trong thời đại mình, đã qua đời. Dù thân xác ông bị rữa nát (Công vụ 13:36), nhưng những gì ông đã phục vụ vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Đa-vít biết mục đích của Đức Chúa Trời muốn mình làm điều gì cho thế hệ của mình và ông đã làm xong điều đó. Do đó, ông đã hoàn tất những gì Môi-se và Giô-suê chưa làm xong; ông làm trọn vẹn những gì các thẩm phán không thể làm; ông tìm kiếm và thực hiện ý Chúa khác với vua Sau-lơ chỉ làm theo ý riêng của mình. Đa-vít đã trung tín cộng tác với Đức Chúa Trời và qua ông Đức Chúa Trời làm thành mọi điều Ngài đã hứa với các tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên, dân Y-sơ-ra-ên và chi phái Giu-đa của ông – Danh Ngài được vinh hiển.

Ông đã để lại những di sản cho hậu thế ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Vua Đa-vít người làm nên lịch sử đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá. Để trở nên người làm nên lịch sử cho thế hệ của mình chúng ta cần phải tự hỏi chính mình là:

  • Tôi có yêu mến sự hiện diện Chúa và lời Ngài hơn là công việc phục vụ Ngài không?
  • Tôi có đang và sẽ tiếp tục phục vụ Chúa không?
  • Tôi đang phục vụ ai? Cá nhân tôi? Gia đình? Tổ chức? Hay là phục vụ Chúa một cách thật sự và thật lòng.
  • Tôi có trung tín trong việc nhỏ của gia đình, và những công việc không quan trọng hay ít được biết đến trong Hội Thánh không?
  • Tôi có đang phục vụ mục đích của Đức Chúa Trời cho thời đại mình không? Tôi đang phục vụ cho điều tạm thời hay cho cõi đời đời?
  • Mối quan hệ của tôi với những người chung quanh như thế nào? Có ai theo dấu chân tôi không?
  • Tôi sử dụng sức lực và ân tứ Chúa ban như thế nào?
  • Khi đối diện khó khăn thử thách phản ứng của tôi như thế nào?
  • Khi sa ngã tôi làm gì?

 

  • Giá trị con người không phải là do có được những gì nhưng là do quyết tâm sống hoàn thành mọi điều Chúa kêu gọi.
  • Giá trị con người không phải ở chỗ sống lâu nhưng là sống cho ai và sống cho những mục đích gì.
  • Giá trị con người không phải là do đạt được điều gì nhưng là để lại được những gì cho mai sau?
  • Giá trị con người không được đo lường bởi có bao nhiêu gia sản để lại cho con cháu nhưng là được đo lường bởi đã để lại được những di sản gì cho con cháu.
  • Giá trị con người không phải ở chỗ chết sẽ có ai sẽ khóc thương nhớ mình nhưng ở chỗ sau khi mình chết thì sẽ có những ai đi theo dấu chân mình.
  • Giá trị con người không phải là do có bao nhiêu người quý trọng mình nhưng là do Đức Chúa Trời quý trọng mình. Chúa Giê-su phán: “Ai phục vụ Ta sẽ được Cha Ta quý trọng” (Giăng 12:26).
  • Giá trị con người không phải do có mộ bia hay sách sử ghi chép điều gì về mình nhưng do những gì Đức Chúa Trời ghi chép trong sách ghi nhớ của Ngài (Ma-la-chi 3:16).

Nguyện Đức Chúa Trời dấy chúng ta lên thành những con người làm nên lịch sử như Vua Đa-vít cho dân tộc Việt Nam; Xin Ngài biến đổi chúng ta thành những con người sống cho mục đích của Đức Chúa Trời cho dân tộc và cho thế hệ của mình – là sống cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. A-men.

 

Người Dọn Đường & DTCMS

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan