Con Trẻ Có Nhu Cầu Kỷ Luật

Share

“Con ơi, hãy nghe lời cha giáo huấn.
Đừng bỏ khuôn phép mẹ con…
Vì giáo huấn là ngọn đèn,
Khuôn phép là ánh sáng.
Quở trách khuyên dạy là vạch đường sống cho con.” Châm ngôn 6:20, 23 (Bản Diễn Ý)

“Con cái phải vâng lời trong Chúa, đó là điều phải làm.
‘Phải hiếu kính cha mẹ’ là điều răn đầu tiên có kèm theo lời hứa: ‘nhờ đó con mới được phúc và sống lâu trên đất.’
Cha mẹ không nên chọc giận con cái, nhưng phải nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ chúng theo đường lối Chúa.” Ê-phê-sô 6:1-4 (Bản Diễn Ý)

“Cha mẹ đừng trách mắng con quá nặng nề khiến chúng nản lòng.” Cô-lô-se 3:21 (Bản Diễn Ý)

Khởi đầu là phần quan trọng nhất trong mọi công việc, nhất là trong trường hợp của con trẻ còn non yếu; vì đó là lúc cá tính đang hình thành và tâm trí dễ uốn nắn hơn cả. Cha mẹ có nên vô ý để cho con cái nghe mọi chuyện huyễn do những kẻ vô ý tứ bày ra, để rồi con cái tiếp thu những gì hoàn toàn ngược lại với điều cha mẹ mong muốn – Plato

Bạn có thể dạy dỗ con trẻ bất cứ gì, miễn là bạn chịu vui chơi với chúng. – Edduard Bismark.

Cha mẹ hãy coi chừng kẻo làm con trẻ đòi hỏi quá đáng. Nếu “đức hạnh” mời gọi đứa trẻ với vẻ mặt ưu sầu và gượng gạo, trong khi “tự do” và buông tuồng hiện ra dưới một hình thức hấp dẫn, dễ chịu thì cha mẹ mất hết, và công khó của bạn sẽ vô ích. – Francis de S Fenelon.

TRẺ EM CẦN NẾP SỐNG KỶ LUẬT

MỘT CẬU BÉ 12 TUỔI điền vào phiếu câu hỏi của nhà trường. Chỗ khoảng trống dành để ghi tên bố hoặc người giám hộ, cậu ghi tên bố mình. Tại dòng kế tiếp hỏi về “mối quan hệ”, cậu bé viết “rất tốt.”

Nếu muốn cho quan hệ giữa bố mẹ và con cái được tốt, thì một trong những chức năng quan trọng của phụ huynh là đặt ra những giới hạn cho hành vi của con cái mình. Muốn kỷ luật hiệu quả cần phải sáng suốt, kiên nhẫn và bền bỉ.

Nếu nói rằng một người cha hoặc một người mẹ tốt chỉ cần yêu thương con mình là đủ thì chẳng khác nào cho rằng tình yêu là yếu tốt duy nhất đem lại hạnh phúc trong hôn nhân. Hầu như mọi người đã ly dị sẽ thú nhận rằng họ đã có lúc rất yêu người phối ngẫu của mình.

Trong cuốn “Chỉ Yêu Thương Thôi Chưa Đủ” Bruno Betteheim viết rằng phụ huynh phải dùng sự hiểu biết, cảm thông và tự chế để giằng những cảm xúc nồng nàn, trìu mến, và thương yêu của mình xuống. Các phụ huynh – Leonard Gross chủ bút của tạp chí Look ở vùng Duyên Hải có lần viết: “Một đứa trẻ được tự do một cách không giới hạn thường hay sợ hãi; nó nghi ngờ rằng mình không được yêu thương.”

Một giáo viên nọ mua một chiếc chậu lớn dành nuôi cá rồi đổ đầy nước vào đó. Khi nước đạt đến cùng một nhiệt độ với gian phòng, cô bỏ vào chậu một số cá. Tuy nhiên các con cá tỏ ra kỳ lạ: Chúng chụm lại ở giữa chậu và không dám di chuyển nhiều. Ít ngày sau, cô mua về một ít viên đá màu cho vào chậu cá. Sau khi cô bỏ đá vào chậu, các con cá đã bơi quanh thật thoải mái. Các viên đá trong đáy chậu đã đặt những giới hạn cho nước, là điều mà những con cá chưa xác định được.

Cũng vậy, một đứa trẻ không bị giới hạn nào cho hành vi của mình sẽ cảm thấy không an toàn và không được yêu thương. Đứa trẻ tìm thấy tự do khi nó xác định rõ đâu là giới hạn. Tiến sĩ Peter G Crowford, một nhà tâm lý học thiếu nhi tại Augusta, Geogia, nói rằng các vấn đề về tình cảm nơi trẻ em nảy sinh không phải do kỷ luật cứng rắn, mà là vì thiếu kỷ luật cứng rắn. Tuổi trẻ cần những giới hạn.

Không phải lúc nào đứa trẻ cũng cảm thấy nồng thắm với bố mẹ, dầu cho bố mẹ nó có cố gắng cách nào đi nữa. Phụ huynh nào hành động để luôn được con cái tán thành và yêu mến thì chẳng bao lâu sẽ gặp rắc rối. Những phụ huynh có trách nhiệm đôi khi phải đưa ra một số quyết định không hợp lòng con. Nếu họ nhượng bộ khi họ biết tình yêu thật đòi phải làm gì để con được ích lợi, thì đến một lúc nào đó họ sẽ đánh mất lòng kính trọng của con và cả chính đứa con.

Wallace Denton trong cuốn sách rất thực tế của mình nhan đề Các Rắc Rối Trong Gia Đình Và Cách Giải Quyết chỉ ra rằng những người làm cha mẹ tốt thường có những đức tính căn bản nào đó.

“Trong đó có: (a) Khả năng chấp nhận đứa con cách niềm nở. Nếu không được như thế, dứa trẻ sẽ nghẹt ngòi khả năng sống yêu thương lành mạnh cũng như trong việc ý thức rằng mình là con người giá trị. (b) Hành vi thuần nhất trong cương vị làm cha làm mẹ tức là cách một người cha hoặc mẹ quan hệ với con luôn thuần nhất. Một số cha mẹ dường như lúc nào cũng khe khắt có lẽ còn tốt hơn là một đứa trẻ có bố mẹ không nhất quán. (c) Khả năng thiết lập những giới hạn rõ ràng cho hành vi đứa trẻ. Những giới hạn cụ thể có thể khác nhau tùy theo gia đình. Điều quan trọng là các giới hạn này phải được xác định rõ cho đứa trẻ và phải được cha mẹ áp dụng triệt để. Không bị hạn chế đứa trẻ sẽ trở nên lúng túng và âu lo. Nếu không học tập sống với những giới hạn ngay trong gia đình thì nó sẽ gặp khó khăn khi sống với những giới hạn thực tế sẽ gặp khi bước vào thế giới bên ngoài.”

1. Định Nghĩa Kỷ Luật. Kỷ luật thường được định nghĩa là ‘Hình phạt với mục đích đem lại sự tuân phục.’ Định nghĩa như thế là quá hẹp hòi. Từ kỷ luật (‘discipline’) phát sinh từ gốc ‘disciple’ – vốn có nghĩa là môn đồ hay môn đệ. Cả hai từ ‘kỷ luật’ cũng như ‘môn đệ’ có nguồn gốc ở từ ngữ La-tinh chỉ ‘học trò’, và có nghĩa dạy, giáo dục và huấn luyện. Kỷ luật liên hệ đến toàn bộ việc uốn nắn tâm tính của đứa trẻ bằng cách khích lệ những hành vi tốt và sửa trị những hành vi sai trái. Hình phạt chỉ là một phần của kỷ luật nhằm tạm thời răn đe trong thời gian ngắn.

Không phải trừng trị hành vi xấu là đương nhiên kiến tạo được hành vi tốt. Kỷ luật gồm cả trách nhiệm của cha mẹ trong việc khuyến khích cũng như gầy dựng hành vi tốt để thế chỗ cho hành vi xấu. Kỷ luật vừa có giáo dục lẫn hạn chế – hai yếu tố cần thiết cho đời sống. Một người làm vườn giỏi vừa nuôi dưỡng vừa tỉa sửa các cây để có được kết quả tốt. Cỏ dại phát triển một cách tự nhiên mà không cần ai chăm sóc. Điều chúng ta cần phải làm cho con mình chính là dạy dỗ nó. Quan niệm về kỷ luật một cách rộng rãi như vậy giúp chúng ta nhận ra rằng các biện pháp kỷ luật có thể đa dạng hơn là chúng ta thường nghĩ. Kỷ luật là tất cả những gì mà một bậc phụ huynh để giúp cho con em mình học tập và phát triển nên người trưởng thành.

2. Mục Đích Kỷ Luật. Cha mẹ phải thường xuyên tự hỏi: “Mục đích cuối cùng mà chúng ta nhắm tới trong việc kỷ luật con cái mình là gì?”

3. Biện Pháp Kỷ Luật. Thái độ đáp ứng của đứa con trước kỷ luật của cha mẹ quan trọng gấp bội so với biện pháp được sử dụng. Sau đây là một số nguyên tắc ngắn gọn có thể giúp cho quí vị:

Hành động tích cực thường tạo ra được hành vi mà chúng ta mong muốn nơi đứa trẻ hơn là hành động tiêu cực.

Hãy khen ngợi nhiều hơn là trách mắng.

Cần thấy trước những lãnh vực có vấn đề và tìm cách giải quyết chúng trước khi nảy sinh xung đột.

Khích lệ thay vì cằn nhằn.

Phải hết sức công bằng.

Hãy lắng nghe con giải thích trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cần trước sau như một, nhưng không phải luôn cứng nhắc.

Không nên chế giễu, mỉa mai hay châm biếm.

Cần giải thích các quyết định của mình nếu có thể, nhưng phải trông đợi một thái độ vâng lời tức khắc khi cần.

Phải đưa ra những giới hạn dứt khoát, rõ ràng cho hành vi của con, tránh các qui định dài dòng hoặc tùy tiện có thể gây rối trí con.

Cần chậm rãi khi đưa ra các quyết định mang tính tối hậu, nhất là khi bị mệt hoặc căng thẳng. Hãy nói “Có lẽ” thay vì “Không,” hoặc “Bố (mẹ) sẽ suy nghĩ lại.”

Phải lưu ý đến các khác biệt ở mỗi cá nhân đứa con và phán đoán cho phù hợp.

Nếu cần phải có những biện pháp trừng phạt, thì nên thi hành chúng một cách khôn ngoan.

Cần phân biệt giữa dạy dỗ và trừng phạt. Nhiều hành động bất cẩn hoặc vụng về nơi đứa con chỉ có thể cải thiện nếu được kiên trì nhắc nhở trong một thời gian dài, trong khi các hành vi sai trái một cách cố ý cần phải bị trừng phạt ngay.

Hình phạt phải căn cứ vào động cơ chứ không phải vào hậu quả. Một lời nói dối cần phải được xử lý nghiêm khắc hơn là việc làm đổ một tô cháo.

Hình phạt phải thích hợp với sai phạm. Làm nhục hoặc sửa trị giữa đám đông thường ít có hiệu quả.

Tránh kỷ luật con ngay giữa bữa cơm. Nên giữ một bầu không khí hòa hợp trong giờ ăn.

Cần hoãn những hình phạt nghiêm khắc cho đến khi bạn bình tâm và tự chủ lại. Các quyết định bốc đồng thường khiến phải hối tiếc.

Hoặc là phạt, hoặc là cha, chứ đừng hăm dọa con.

Đừng phạt con bằng cách buộc chúng làm những điều chúng có thể thích. Chẳng hạn có những phụ huynh bắt con đọc thơ ca hoặc Kinh Thánh như là một hình thức phạt.

Hạn chế đến mức tối thiểu những luật lệ, nhưng những qui định nào đã có thì phải thi hành cho được.

Các phương cách kỷ luật có thể tóm tắt dưới ba tiêu đề: (1) Qui định, (2) Làm gương, và (3) Truyền cảm hứng.

Qui định là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn ấu thơ. Các qui định phải rõ ràng và dễ hiểu. Đứa con sẽ kính trọng những phụ huynh nào biết định đặt ra luật lệ. Đứa con sẽ tôn trọng hình phạt của cha mẹ khi nó vi phạm các luật lệ này hơn là những lời la mắng hoặc hăm dọa vốn thường không rõ ràng. Một đứa bé tám tuổi phát biểu: “Hôm nay chúng con có một cô giáo đến dạy thay. Cô ấy để mặc chúng con làm bất cứ thứ gì chúng con muốn, nên chúng con chẳng thích cô ấy tí nào,” Trẻ con lúng túng và không sung sướng khi được làm những điều chúng biết là sai.

Đôi khi kỷ luật có thể gây thương tổn, cả về tình cảm lẫn thể chất, nhưng bố mẹ sẽ hành xử bất công đối với con cái nếu không thi hành kỷ luật chỉ vì nó có thể gây tổn thương nhất thời. Nếu con bị gãy tay thì kéo lại xương cho ngay đương nhiên sẽ gây đau đớn. Đứa con có thể van xin bố mẹ đừng chạm đến chỗ đau. Thử hỏi có cha mẹ nào chịu nghe lời con, bằng lòng để nó có nguy cơ chịu thương tật thay vì làm điều đáng phải làm? Hẳn là không. Cũng vậy, tại sao chúng ta chấp nhận nguy cơ có thể khiến con em mình bị khuyết tật về tinh thần bằng cách khước từ việc sửa trị chúng một cách tích cực nhằm tạo dựng cho chúng tâm tính ngay lành?

Qui định đặt ra các luật lệ phải tuân giữ. Nó cũng hàm chứa việc thi hành sự sửa phạt bằng roi vọt hoặc giữ lại các đặc quyền.

Mặc dầu các qui định là quan trọng, nhưng phải coi chừng “Tình yêu bóp chết” – theo như có người đã gọi. Giữ cho con cái phụ thuộc quá lâu vào luật lệ của bố mẹ khi chúng đã đến lúc đáng ra phải tự quyết định là điều không khôn ngoan. Điều này có tác dụng tương tự như “giúp” một con bướm sắp nở mở chiếc kén của nó.

Phương pháp kỷ luật thứ hai là làm gương. Walt Whitman đã viết: “Có một đứa trẻ đi ra (?) mỗi ngày và đối tượng nào mà nó nhìn ngắm trước hết thì nó trở thành đối tượng đó.” Trẻ con là những đôi tai, những cặp mắt và những lỗ chân lông nở rộng. Mỗi đứa trẻ là một bề mặt dễ thẩm thấu. Trẻ nhỏ quan sát những người chung quanh chúng và bắt chước họ. Chúng làm sao cho giống những người chúng ham mộ. Một đứa trẻ sẽ trở thành mẫu người mà nó yêu mến và ngưỡng mộ. Cha mẹ không bao giờ nên làm những gì mà họ không muốn con mình bắt chước.

Ý thức giữa sai và đúng của một đứa trẻ tùy thuộc vào những ràng buộc tình cảm mà nó có với cha mẹ nó. Những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy cho thấy những công dân tốt của xã hội là những người có được các mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ mình trong thời ấu thơ, trong khi những tội phạm thì không. Nếu bố mẹ muốn nuôi dạy con đi trong nề nếp thì trước hết họ phải làm gương. Học bằng nhìn có kết quả gấp bội so với học bằng nghe. Chính những gì người cha hoặc mẹ làm – chứ không phải những gì họ nói – mới trở thành khuôn mẫu cho con.

Những gì cha mẹ làm trong đời sống quan trọng hơn nhiều so với những gì họ nói hoặc những giới hạn họ đưa ra cho con cái, vì trẻ con bắt chước cha mẹ chúng bất kể tốt xấu.

Một tranh biếm họa vẽ hình một người cha ngồi chống cùi chỏ trên bàn ăn, vẻ mặt bối rối. Ông ta nhìn người vợ ngồi ở cuối bàn và phàn nàn: “Tại sao chúng vẫn không hiểu rằng chẳng ai được ngồi thế này trừ tôi ra?” Rồi có một ai đó bình phẩm: “Trẻ con sinh ra vốn là những kẻ bắt chước. Chúng cư xử như cha mẹ chúng, mặc cho mọi cố gắng của cha mẹ nhằm dạy chúng các cách cư xử nào khác.”

Một phương pháp kỷ luật thứ ba là truyền cảm hứng. Bí quyết chính của kỷ luật nằm ở đây. Nếu cha mẹ sống hạnh phúc và thỏa lòng với nhau một cách đúng mực thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng tích cực trong việc tạo ra tư cách đạo đức tốt nơi con cái.

Kỷ luật và hạn chế sẽ không ổn trừ phi chúng hiện hữu trong một khung cảnh thoải mái, yêu thương và vui nhộn. Các phương pháp hạn chế không bao giờ sánh được với thuần nhất của cha mẹ cũng như một tinh thần lúc nào cũng muốn giúp đỡ con. Đứa con phải cảm nhận được thiện chí cũng như tình cảm của cha mẹ đối với mình. Trẻ con yêu thích và đáp ứng trước những khuôn mặt biết mỉm cười. Tình yêu kiên định đưa đến hành vi cử chỉ đồng nhất. Một đứa trẻ cần phải biết rằng bố mẹ nó luôn đáng tin cậy. Không khí gia đình trong mọi mối quan hệ có liên quan chặt chẽ với kỷ luật chính đáng. Một bà mẹ mặc cả với các con mình. Bà bảo: “Mẹ không muốn gắt gỏng. Vì vậy tuần này mẹ sẽ dành ra một ít tiền lẻ. Chúng ta sẽ chia đều số tiền này. Bất cứ khi nào một trong các con nghe mẹ cáu gắt thì cứ yêu cầu mẹ chi một đồng. Còn nếu mẹ bắt gặp các con cãi cọ, thì các con phải trả mẹ một đồng. Đồng ý chứ?”

Đây là một thỏa thuận và nó đã giúp cho cả mẹ lẫn con tạo dựng một bầu không khí tốt hơn trong gia đình.

Năm Nguyên Tắc Kỷ Luật Tốt Của Dobson

Trong những cuốn sách bàn về kỷ luật, một trong những cuốn hữu ích nhất, thực tiễn nhất, gần với đời sống nhất là quyển “Hãy Mạnh Dạn Sử Dụng Kỷ Luật” của James Dobson. Bác sĩ Dobson giảng dạy môn Nhi Khoa tại trường y của đại học đường Southem California ở Los Angeles. Ông viết: “Tôi hoàn toàn tin rằng phương cách thích hợp để kiểm soát con cái có thể được tìm thấy trong một triết lý hợp với lẽ thường trong đó có năm yếu tố then chốt.”

Đứng đầu năm nguyên tắc kỷ luật con cái này là nguyên tắc Phát triển lòng kính trọng đối với cha mẹ. Điều này quan trọng không phải vì cha mẹ muốn như thế, mà là vì quan hệ cha mẹ – con cái đặt nền tảng cho mọi quan hệ khác của đứa trẻ.

Dobson khuyên: “Nếu bạn muốn con mình chấp nhận những tiêu chuẩn của bạn khi nó đến tuổi thiếu niên thì bạn phải đáng cho con tôn trọng khi nó còn bé.” Ông lưu ý rằng tôn giáo là một phạm vi trong đó cần xem xét nhân tố quan trọng này. Nếu cha mẹ không đáng tôn trọng thì Chúa của họ hoặc các nguyên tắc đạo đức của họ cũng không đáng tôn trọng nốt.

Dobson khuyến cáo cha mẹ nên trước hết xác định xem một hành động ngỗ nghịch nào đó của con có phải là trực tiếp thách thức thẩm quyền của cha mẹ hay không. Việc đánh đòn con trẻ từ mười tuổi trở xuống nên dành cho những lúc chúng tỏ ra thực sự thách thức như “Con không làm” hoặc “Bố (Mẹ) im đi.” Ông nói rằng có một nghịch lý là trẻ con muốn được kiềm chế, nhưng chúng đòi hỏi cha mẹ phải kiếm ra cách để trị được chúng.

Nguyên tắc thứ hai mà Dobson đề ra, đó là Phải nhận rằng mối tương giao thường được cải thiện sau biện pháp kỷ luật. Khi cảm xúc được khai thông sau khi bị phạt, đứa trẻ thường muốn thể hiện tình yêu bằng cách ôm chặt lấy cha hoặc mẹ. Lúc đó cha, mẹ cũng nên mở rộng vòng tay và nhân cơ hội này bày tỏ tình yêu đối với con cũng như giải thích lý do tại sao phạt nó.

Kiểm soát mà không cần phải cằn nhằn là nguyên tắc thứ ba của tác giả trong việc kỷ luật con cái. Cha mẹ rất dễ bị đụng bẫy cằn nhằn như là bảo con làm một việc gì đó rồi cứ lải nhải hoài cho đến nổi quạo. Khi cha mẹ thường lải nhải thì con cái không vâng lời và cứ chọc cho cha mẹ thêm giận dữ.

Nguyên tắc thứ tư là Cha mẹ không nên cho con cái nhiều quà quá. Ông cho rằng tạm thời không thỏa mãn giúp chúng hiểu rõ giá trị của sự vật. Cho con nhiều quà quá mức làm chúng không còn sung sướng khi nhận lãnh. Dobson nói: “Mặc dầu nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng quả là bạn đang gạt con để lấy mất niềm vui của nó khi bạn cho nó quá nhiều.”

Đề nghị thứ năm dành cho những bậc cha mẹ là Tránh rơi vào các thái cực trong việc kiểm soát hoặc trong tình yêu dành cho con. Nếu cha mẹ quá khe khắt, đứa con sẽ cảm thấy nỗi nhục của một người hoàn toàn bị thống trị. Nó thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi và không dám quyết định bất cứ điều gì. Còn dễ dãi quá thì cũng tệ hại không kém, vì như thế chẳng khác nào dạy con rằng thế giới là lãnh địa riêng của nó và nó sẽ không còn biết tôn trọng người thân của mình nữa.

Dobson còn đề cập đến một khía cạnh khác của xã hội chúng ta khiến làm trầm trọng thêm tình trạng bế tắc giữa cha mẹ và con cái – đó là những gia đình mà bố và mẹ là đại diện cho những thái cực đối lập nhau. Ông bố thì có khuynh hướng ít thông cảm và mau mắn sử dụng hình phạt hơn. Ông thường quan niệm về gia đình như là nơi giúp ông thoát khỏi các áp lực của thế giới công việc thường nhật. Ông muốn được nghỉ ngơi và dễ cáu gắt nên con cái thường trốn ông khi ông ta về nhà. Còn thường thì bà mẹ không phải đi làm nên lại có khuynh hướng bù đắp hơi quá cho thái độ cộc lốc của ông bố bằng cách hành động theo chiều hướng ngược lại với một cường độ tương tự. Trong trường hợp này, đứa con sẽ không tôn trọng cả bố lẫn mẹ, vì người này đã vô hiệu hóa thẩm quyền của người kia.

Con cái vâng lời và tôn kính cha mẹ không hẳn là vì Kinh Thánh dạy như thế, cũng không phải vì cha mẹ làm phải trong mọi tình huống. Đúng hơn, chúng làm thế là vì chúng đáp lại tình yêu, sự cảm thông cũng như các tương quan đầy ý nghĩa với cha mẹ chúng trong công việc, trong vui chơi cũng như trong cuộc sống chung hằng ngày với nhau.

BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: Đúng (Đ), Sai (S), hoặc Thường xuyên (T).

 

Đ   S   T

1. Tôi cảm thấy con tôi tôn trọng tôi như là một người thật sự.

2. Tôi thay đổi phương cách kỷ luật đối với đứa con và tùy vào lứa tuổi mỗi đứa.

3. Tôi tránh nói: “Con phải làm vì ba (mẹ) bảo như vậy.”

4. Tôi không phạt con để hả cơn giận của tôi.

5. Tôi bày tỏ tình yêu đối với con sau khi phạt nó.

6. Tôi cảm thấy các con tôi trong gia đình đều hiểu rõ hành vi nào được phép làm cũng như hành vi nào thì không được.

7. Cả vợ chồng chúng tôi đều thuận ý mỗi khi kỷ luật con.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Kỷ luật là gì?

2. Tại sao mỗi đứa trẻ đều cần kỷ luật?

3. Bạn có không đồng ý với câu: “Một đứa trẻ sẽ vẫy vùng cho đến khi nó cảm nhận được bức tường giới hạn chung quanh nó hay không.”

4. Cha mẹ có thể tạo cơ hội cho con cư xử sai trái khi nào?

5. Bạn có thấy giao tiếp với con dễ hơn sau khi phạt nó không?

6. Điều nào tốt hơn, kỷ luật con mà thiếu tình thương xót, hay không kỷ luật gì cả?

7. Hãy đáp ứng lại lời phát biểu sau đây: “Cha hoặc mẹ có thể kỷ luật một đứa con bốn tuổi bằng cách đánh đòn nó, nhưng con lớn hơn thì cần những lời chỉ bảo.”

8. Bạn nghiêm khắc hơn hay dễ dãi hơn đối với con so với cha mẹ bạn đối với bạn?

9. Nếu có thể, xin hãy đọc cuốn “Hãy Mạnh Dạn Kỷ Luật” của James Dobson, nhà xuất bản Regal.

10. Hãy thực hiện và thảo luận bài trắc nghiệm trong phần Phụ lục A: “Bạn Dễ Dãi Đến Mức Độ Nào?”

 

PHỤ LỤC A

Bạn Nuông Chìu Con Đến mức Nào

Một bài trắc nghiệm để giúp cha mẹ tìm được chỗ đứng trung dung giữa hai thái cực cho con quá nhiều hoặc cho con quá ít tự do.

Nuông chìu đã trở thành một từ ngữ gây tranh chiến giữa vòng các bậc cha mẹ lẫn các nhà tâm lý học về trẻ con. Sự khôn ngoan phổ biến ngày nay nhận rằng có thể có tình trạng cho con cái quá nhiều tự do. Nhưng mặt khác, trẻ em ngày nay đã cho thấy rằng chúng chỉ đơn thuần không chấp nhận phần lớn những hạn chế mà cha mẹ của chúng đặt ra khi chúng còn bé.

Tất cả điều này đặt nhiều bậc cha mẹ trong một tình thế khó xử. W. T. Byers, một nhà tâm lý thiếu nhi nổi tiếng, đã phát biểu: “Cha mẹ thường cảm thấy mình như đang đi trên một sợi dây căng thẳng giữa thái độ nuông chìu và thái độ độc đoán. Nhận thức thường tình bảo cho họ biết rằng họ phải áp dụng mỗi thứ một chút, nhưng họ bối rối vì không chắc khi nào là nuông chìu và khi nào là độc đoán.”

Để giúp làm tan đi những mối nghi ngờ này và để các phụ huynh có chút ít khái niệm về việc họ chìu con đến mức nào, Byers và các nhà tâm lý thiếu nhi khác đã triển khai bài trắc nghiệm sau. Hãy chọn câu trả lời cho các câu hỏi do các chuyên gia đưa ra rồi xác định thế nào là quá nuông chìu.

Câu Hỏi

1. Có nên yêu cầu các con dưới 12 tuổi giúp làm các việc như rửa chén, xếp giường, và lau chùi đồ đạc không? Có. Không.

2. Người hàng xóm than phiền rằng con trai của bạn đã dẫm lên luống hoa của bà ấy. Bạn sẽ: (a) cho rằng chuyện ấy chẳng đáng gì phải làm ầm ĩ; (b) phạt đứa con; (c) rầy con và bắt nó phải xin lỗi.

3. Con bạn muốn có một chiếc xe đạp mới mà bạn thật sự không đủ khả năng mua. Có phải bạn: (a) bảo với con mình rằng nó không thể có xe được? (b) kiếm tiền để mua cho nó? (c) hứa cho nó xe đạp khi có đủ tài chánh.

4. Con bạn đòi xem một chương trình TV mà bạn cho là có quá nhiều bạo lực. Bạn sẽ: (a) cứ để mặc nó xem; (b) đổi sang chương trình khác; (c) tắt TV.

5. Khi các con bạn không có mặt ở nhà, bạn có biết chắc chúng đang ở đâu không? Có. Không.

6. Bạn quyết định cho con bao nhiều tiền để tiêu vặt căn cứ vào: (a) số tiền mà bạn kiếm được; (b) số tiền mà các bạn của con mình có được; (c) số tiền mà bạn nghĩ là tốt nhất cho con.

7. Bạn có nên phạt một đứa con dưới 12 tuổi bằng cách bắt đi ngủ mà không cho ăn cơm hay không? Có. Không.

8. Con bạn than phiền rằng bài làm quá khó. Bạn nên hay không nên: (a) ngồi xuống và giúp nó làm bài; (b) bảo nó phải nỗ lực thêm chút nữa; (c) gọi giáo viên của nó ngày hôm sau để xem có gì không ổn.

9. Để khuyến khích con làm bài thi tốt, bạn nên: (a) khuyến cáo nó phải làm bài tốt, nếu không thì không được xem TV nữa; (b) hứa cho phần thưởng nếu nó làm bài giỏi; (c) ôn tồn giải thích rằng các kết quả thi cử đều do nó quyết định.

10. Bạn vẫn còn đọc sách cho con nghe cho dù nó có thể tự đọc được. Có. Không.

Giải Đáp

1. Có. Trong một cuộc thăm dò gần đây tại Los Angeles, chỉ có 28% trong số phụ huynh được phỏng vấn nói rằng họ đòi con cái phải làm công việc nhà đều đặn. Một số cha mẹ nuông chìu con giải thích rằng vì những việc ấy thường không được làm cách thỏa đáng, nên chẳng cần mất công đòi con cái làm. Một số khác đơn thuần nói không nhất thiết phải bắt con nhỏ giúp đỡ. Nhà tâm lý học Byers nói: “Khi không đòi hỏi con cái làm những công việc bình thường, thì cha mẹ đã không huấn luyện chúng cho cuộc sống, là nơi mỗi người đều phải gánh vác gánh nặng của riêng mình. Nhiều bậc cha mẹ không phân biệt được giữa sự yêu thương chăm sóc và sự nuông chìu quá đáng.

2. (c) Byers nêu câu hỏi này cho 200 phụ huynh. Gần một nửa đã trả lời rằng người hàng xóm làm ầm ĩ quá đáng. Chỉ có 30 người bảo rằng họ sẽ rầy con và đưa nó sang nhà hàng xóm xin lỗi. Một nhà tâm lý bình luận rằng: “Bất kể điều gì một phụ huynh có thể nghĩ về người hàng xóm, phụ huynh đó cũng phải dạy con cái mình tôn trọng người hàng xóm đó.

3. (a) Trong cuộc khảo sát của Byers, 80 trong số 200 người đã nói rằng họ sẽ cố gắng kiếm ra tiền để mua cho đứa con chiếc xe đạp. Phần lớn những người còn lại trả lời rằng họ sẽ cố gắng mua một thứ gì đó ít đắt tiền hơn. Nhà tâm lý học ấy nói rằng: “Ngày nay không có bao nhiêu phụ huynh dám có can đảm trả lời “không” đối với sự đòi hỏi của con cái.”

4. (b) Byers bình luận: “Vấn đề quan trọng ở đây không chỉ là vấn đề bạo lực trên TV có thể tác hại đối với đứa con hay không, mà là cha mẹ có bày tỏ cách dứt khoát không trong việc cho phép hay không cho phép đứa con xem chương trình ấy. Những cha mẹ luôn nghiêm khắc là những người rốt cuộc có thể sai về vài vấn đề, nhưng lại ít gây tai hại trong vấn đề dưỡng dục con cái hơn là những cha mẹ nuông chìu con, tức những người cứ băn khoăn lo nghĩ không biết mình có đang làm điều phải hay không. Tắt TV đi, chỉ là biện pháp sau cùng.”

5. Có, Theo Byers, trẻ con cảm thấy an tâm hơn và ít có khả năng gặp rắc rối hơn khi cha mẹ biết chúng đang ở đâu và đang ở đó với ai.

6. (c) Bayers nói: “Cha mẹ không nên căn cứ trên việc những trẻ khác có bao nhiêu tiền khi quyết định số tiền tiêu vặt cho con mình. Họ cũng không nên căn cứ trên số tiền mình kiếm được, trừ khi họ đang ở trong tình trạng cực kỳ eo hẹp về tài chánh. Mối quan tâm duy nhất phải có là số tiền mà cha mẹ nghĩ là thích đáng nhất cho đứa con.”

7. Có. Lederer phát biểu: “Bắt đứa trẻ nhịn ăn đi ngủ có hiệu quả hơn đánh đòn.” Tiến sĩ Wolfgang. Nếu hình thức phạt này chỉ được thi hành thỉnh thoảng, thì cha mẹ cũng không cần lo lắng về việc con bị đói.”

8. (b) Lederer nói: ‘Làm quá nhiều cho đứa trẻ có thể gây tai hại nhiều hơn là không làm đầy đủ,’. Cha mẹ nào cứ có thói quen giúp con làm bài sẽ tạo nên phản ứng ỷ lại mà sẽ khiến đứa con ít chú ý đến bài học trong lớp hơn.

9. (c) Nhà tâm lý giáo dục Philip J. Oliver nói: “Tôi tin rằng chính bầu không khí chúng ta tạo dựng trong gia đình là điều khích lệ đứa trẻ nỗ lực hơn, chứ không phải là sự hối lộ hoặc đe dọa.”

10. Có. Oliver nhận định: “Đọc lớn tiếng cho nhau nghe là một phương cách trao đổi tốt nhất giữa vòng người lớn. Cha mẹ nào đọc sách cho con nghe tức đem đến cho con họ một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc sống, đồng thời vun trồng cho con một khát vọng lành mạnh để phát triển trí tuệ.”

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan