Đi Đứng

Share

Trẻ con sinh ra, nhờ sữa mẹ nuôi sống lớn lên. Theo thời gian, trẻ con tập bò, tập ngồi, tập đứng, tập đi. Khi đi đứng thông thạo, trẻ con bắt đầu sinh hoạt với gia đình, kế đến là sinh hoạt tại trường học, và rồi bước vào đời hoạt động, xây dựng quốc gia, xứ sở.

Từ “đi đứng” nói lên sự sống của con người cùng với những thành quả người đó thực hiện trong đời mình. Nhà thơ Đường Bá Hổ đời nhà Tống có viết:

Sống bảy mươi năm đã mấy người!
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.
Thì giờ quãng giữa được bao lâu?
Lại còn viêm lương cùng phiền não.

(“Đời Người” trang 14 Cổ Học Tinh Hoa II Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Từ An Trần Lê Ngọc xuất bản, Thọ Xuân, Sài Gòn 1962).

 

Theo nhà thơ Đường Bá Hổ, những thành quả làm được của con người gần như bị giới hạn trong quãng thời gian “thì giờ quãng giữa” của cuộc đời. Nếu ta trừ bớt thời gian tuổi trẻ và thời gian “già lão” thì con người chỉ còn vài mươi năm để sống với biết bao “viêm lương sầu não”  thì khó mà ghi danh với núi sông được!

Những nhân tài xuất chúng có mặt trên đời đến từ đâu? Ai có công đào tạo những nhân tài đó? Có phải gia đình và trường học đã có công nhiều trong việc đào tạo những anh hùng, những nhân tài của thế giới? Ai cho những nhân tài, những thần đồng có trí óc thông minh, sức khỏe, khả năng để làm nên những công trình lớn lao cho nhân loại? Gia đình và trường học chắc chắn có công rất nhiều trong việc đào tạo nhân tài cho nhân loại. Không ai trong chúng ta phủ nhận vai trò của gia đình và trường học trong việc đào tạo nhân tài. Nhưng còn vai trò của Đức Chúa Trời thì sao? Có biết bao em bé sanh ra được gia đình và trường học giáo dục nhưng không phải tất cả em bé đều trở thành những nhân tài hết. Vậy thì chính Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên con người và vũ trụ mới thật là Đấng có quyền trong việc cho ai, chọn ai, làm nổi danh ai.

“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất” – Sáng thế ký 1:1

“Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên ta. Ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ” – Êsai 43:6-7

“Lạy Chúa là Đức Chúa Trời của chúng con, Chúa xứng đáng nhận vinh quang, danh dự và quyền năng, vì Chúa sáng tạo vạn vật, do ý chỉ của Chúa mà vạn vật mới hiện hữu và được sáng tạo”  – Khải huyền 4:11

Thỉnh thoảng chúng ta có nghe nói về các em “thần đồng”. Có em mới mười tám tuổi đã tốt nghiệp trường Luật năm 1985 ở Miami, Florida. Có phải con người chỉ làm được những công trình lớn lao trong khoảng thời gian “quãng giữa” của đời mình? Chúng ta biết nhiều em bé, những thanh thiếu niên cũng làm được biết bao công tác lớn lao. Theo tờ báo USA TODAY ra ngày thứ Năm 13 tháng 12 năm 2001 có đăng tin em bé học sinh 11 tuổi cũng là nhà thơ Mattie Stepanek. Em bắt đầu làm thơ từ ba tuổi. Dù bị tàn tật vì bịnh teo các bắp thịt và em phải đi xe lăn, nhưng sách thơ của em đều có tên trong danh sách những quyển sách đang bán chạy nhất tại Mỹ. Cuốn thứ nhất mang tên “Heartsongs” đứng hạng 11 và quyển thứ ba “Hope Through Heartsongs” sẽ xuất bản tháng 4 năm 2002.

Chính Chúa Jêsus đã dạy cho các môn đồ Ngài biết rằng con trẻ cũng đóng một vai trò quan trọng xã hội:

“Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng, vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các con trẻ đó. Ta nói thật cùng các con, ai không tiếp nhận nước Đức Chúa Trời như một trẻ thơ thì chẳng được vào đó. Rồi Ngài ôm các con trẻ vào lòng, đặt tay ban phước cho chúng” – Mác 10:14-16

Không ai phủ nhận được, tuổi trẻ là thời gian chúng ta học thuộc và nhớ nhiều bài học, nhiều câu truyện, nhiều câu Kinh Thánh mà đến lớn ta vẫn còn nhớ. Tôi có gặp biết một em bé học lớp mẫu giáo năm 1977 tại Việt Nam được cô giáo cho phép đứng lên hát trong giờ tập hát “Em Yêu Bác Hồ”. Tôi cũng được biết một em học sinh khoảng năm 1960 đã nói về Chúa Jêsus, tặng sách chứng đạo cho bạn cùng lớp và người chị bà con rồi sau đó người bạn đã trở thành Mục Sư tại Đức khoảng 1982 và người chị bà con trở thành vợ Mục Sư năm 2001 tại Mỹ.

Trong Thánh Kinh cũng có nhiều em bé được Đức Chúa Trời cho dự phần trong công việc xây dựng nước Trời. Em bé trai có năm cái bánh, hai con cá, dâng cho Chúa Jêsus phần ăn của mình rồi Chúa dùng bánh và cá ấy làm phép lạ cho 5000 người lớn ăn no nê, em bé cũng được ăn no nê nữa. (Giăng 6:1-15). Em bé Ti-mô-thê, từ khi tuổi trẻ đã biết Kinh Thánh có ích cho đời sống mình (2Ti-mô-thê 3:14-16). Em bé Sa-mu-ên đã ở trong đền thờ, học tập, phụ giúp thầy tế lễ Hê-Li hầu việc Đức Chúa Trời từ khi dứt sữa mẹ, có thể là 3 hay 4 tuổi (1 Sa-mu-ên 3:11-13). Em bé gái người Do Thái bị quân lính Sy-Ri bắt và cho làm đầy tớ của gia đình Tể Tướng Na-a-man. Em tuy nhỏ tuổi nhưng biết nói về Chúa và xác nhận người của Đức Chúa Trời là tiên tri Ê-li-sê có quyền chữa bịnh phong cho ông chủ của mình (2 Các vua 5).

Ngày nay cũng có biết bao người trẻ tuổi trong các hội đoàn hướng đạo, hội thiện nguyện, hội sinh viên, học sinh… đã góp phần trong công tác xây dựng xã hội và xây dựng tâm linh. Các ban ngành trong nhà thờ như ban thanh niên lo dạy các em thiếu niên, thiếu nhi và phụ giúp Mục Sư đủ mọi mặt nào là việc trang trí, phụ lo chương trình ca hát thờ phượng sáng Chúa Nhật, chương trinh bồi linh truyền giảng, trại hè cũng như thăm viếng, giúp người nghèo trên thế giới lo xây sửa trường học, phụ giúp việc y tế…Các em thiếu nhi, thiếu niên cũng được tổ chức thành đội thành đoàn vừa sinh hoạt chung, giúp các bạn học biết thêm những bài ca, các câu truyện trong Kinh Thánh.

Còn những người lớn tuổi thì sao? Cũng theo nhà thơ Đường Bá Hổ, tuổi già kể như không còn làm gì được. Người Việt chúng ta đang sống tại Mỹ nhìn thấy biết bao người Mỹ lớn tuổi hoạt động tích cực, tình nguyện giúp bịnh nhân tại bịnh viện, đưa rước người tỵ nạn đến những cơ quan xã hội, y tế cần thiết hoặc phụ lo mang thức ăn đến tận nhà những người bịnh hoạn, già yếu, nghèo khổ. Riêng đối với những người già cả Việt Nam, các cụ thấy bị trói buộc đủ thứ; có miệng mà không nói được tiếng Mỹ coi như bị câm, có chân mà không lái xe được kể như bị tù. Ngoài ra vì phong tục văn hóa, các cụ coi như bị con cháu đặt đâu ngồi đó, không còn tự do nữa, không còn đi đứng được nữa nên lúc nào các cụ cũng buồn chán! Thậm chí có cụ đã phát biểu chán chường như sau: “Ở Mỹ nầy, sống xa con là tốt nhất.” Ước gì những cụ trong nhà thờ hiệp với Mục Sư chủ tọa và ban chấp hành để thành lập một tổ chức nào đó như là ban bô lão hầu đáp ứng nhu cầu cho các cụ lớn tuổi đang sống cô đơn. Thánh Kinh dạy những người yêu kính Chúa, đến tuổi già vẫn làm được nhiều việc cho Chúa:

“Dầu đến tuổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái, được thạnh mậu và xanh tươi”  – Thi Thiên 92:12-14

Nói tóm lại, mọi hạng tuổi đều có thể đóng góp, xây dựng đất nước, xây dựng xã hội. Còn hơn nữa, con dân Chúa có thêm công tác xây dựng nước Trời. Thật vậy, con người nói chung, con dân Chúa nói riêng, tất cả chúng ta đều được Đức Chúa Trời dựng nên để sống thờ phượng hầu việc Ngài. Ai biết tôn thờ Ngài là người có phước vì người đó sống đúng theo ý của Đấng dựng nên mình.

Một em bé ở tuổi mẫu giáo có thể mời bạn mình hát bài ca về Chúa, kể cho bạn mình một câu truyện về Chúa.

Một em bé thiếu niên có thể cầu nguyện cho bạn mình, có thể làm bài tập giúp bạn, có thể thăm viếng mời bạn đến nhà ăn cơm chung với gia đình mình.

Một thanh niên trong những năm chót của trung học và bốn năm ở đại học có thể làm biết bao chuyện tốt. Cố học giỏi, sống ngay thẳng, thương yêu giúp bạn, cầu nguyện cho bạn, chia sẻ Chúa cho bạn, mời bạn học Kinh Thánh với mình tại nhà, tại trường, giúp bạn suy nghĩ về đời sống và giúp bạn học biết về quyền năng của Đức Chúa Trời.

Một sinh viên, một nhân công, một thầy giáo, một nha sĩ, một kỹ sư, một dược sĩ, một tài xế, một y tá sống tại sở, tại trường học, tại văn phòng, tại bến xe, tại nhà thương có biết bao cơ hội để thương người, để giúp người để tỏ cho người khác biết mình là con dân Thiên Chúa, là người có đời sống phước hạnh, bình an, hy vọng.

Quý độc giả thân mến, bất cứ quý vị đang ở lứa tuổi nào, mong quý vị nhờ ơn Thiên Chúa, sống một đời sống biết Chúa, yêu Chúa, tôn kính Chúa để thực hiện mục đích mà Thiên Chúa Ngôi Hai đã tình nguyện chịu chết để cứu quý vị và mong đợi quý vị sống cho mục đích đó.

Nếu quý vị và tôi chưa sống theo mục đích “tôn vinh thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa” có nghĩa là chúng ta đang sống chưa đúng ý của Đấng dựng nên chúng ta. Lẽ nào quý vị muốn tiếp tục sống làm buồn lòng Đức Chúa Trời Tạo Hóa? Mong quý vị suy nghĩ lại hầu sớm chọn lối sống tôn thờ, hầu việc Thượng Đế là lối sống phước hạnh, bình an, hy vọng mà Đấng tạo dựng và cai quản vũ trụ sẵn sàng ban cho quý vị và tôi. Quý vị chắc chắn có được đời sống hữu ích, phước hạnh, đầy yêu thương, tha thứ và hy vọng nếu quý vị cầu nguyện tin nhận và mời Chúa Jêsus làm chủ, làm Chúa của đời sống quý vị. Mục Sư và Hội Thánh lúc nào cũng sẵn sàng hướng dẫn và giúp quý vị học thêm về sự cầu nguyện, học thêm Thánh Kinh để quý vị sớm trở thành những con dân Thiên Chúa vững mạnh, những công dân hữu ích cho quốc gia, cho dân tộc.

Câu hỏi thảo luận:

  1. Từ “đi đứng” trong chương này có những nghĩa nào?
  2. Bạn đang đầu tư thì giờ, tiền bạc cho trần gian hay cho nước Trời?
  3. Bạn có muốn làm việc cho nước Trời không? Nếu muốn thì bạn bắt đầu như thế nào?

 

(Nguồn: Mục sư Lê Ngọc Cẩn, Trở Về)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan