Kỷ Niệm Để Phá Hủy, Để Trở Thành Tôn Giáo Hay Để Được Phục Hưng – P.2

Share

PHẦN 2: KỶ NIỆM CHÚA PHỤC SINH BẰNG NẾP SỐNG GHI KHẮC, TIẾP NHẬN VÀ KHAI PHÓNG DÒNG SỰ SỐNG PHỤC SINH TRONG MỖI NGÀY.

(Ngoại trừ được nêu lên, Kinh Thánh trích dẫn trong bài viết này là từ Bản Dịch Mới 2002).

 

LỜI DẨN.

Trong phần 1 đã đăng trên trang mạng này, người viết trình bày về hai cách gọi là kỷ niệm Chúa Phục Sinh nhưng thật ra chúng phá hủy ý nghĩa của sự kiện Chúa Phục Sinh. Cách thứ nhứt, kỷ niệm Chúa Phục Sinh bằng“văn hóa ngày nghĩ lễ” để biến Lễ Phục Sinh trở thành những ngày nghĩ cho các mục đích thương mại, mua sắm, vui chơi, giải trí vv… mà hoàn toàn không nhắc gì đến những ý nghĩa cao quý và sự sống đời đời mà Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết để ban cho mỗi người trên thế gian! Cách thứ hai, càng nguy hại hơn nữa, là cách kỷ niệm Chúa Phục Sinh bằng những chương trình “lễ hội tôn giáo” để qua đó tôn cao (hay đánh giá) con người và tổ chức hội thánh.

Trong phần 2 dưới đây, người viết tiếp tục trình bày về cách thứ ba. Dựa trên những ý nghĩa và đặc tính của kỷ niệm mà từ dân Y-sơ-ra-ên cho đến Hội thánh thời Tân Ước qua sự nhận biết, tiến trình thay đổi và thực hành – cách thứ ba này xác định rằng kỷ niệm là một lối sống thờ phượng, ghi khắc, xác chứng và rao truyền tình yêu lớn lạ và quyền năng tuyệt đối của Chúa trong mỗi ngày. Với ý thức kỷ niệm này nói đến mối quan hệ giữa đời sống 33 năm sống là "Con Người" hoàn toàn trên thế gian và “đời sống tự hữu và hằng hữu”của Chúa Giê-su là Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Cách kỷ niệm thứ ba này nhấn mạnh đến sự tìm kiếm chiều sâu của sự hiểu biết Chúa Giê-su, tận hưởng tình yêu lớn lạ và quyền năng tuyệt đối của Ngài. Để sau cùng, cả ba phần nội dung, mục đích và thực hành của sự kỷ niệm Chúa Phục Sinh dẫn nếp sống “yêu kính Chúa trên hết mọi điều và yêu thương người khác”. Từ vị trí này chúng ta tiếp nhận dòng tuôn chảy của “sự sống phục sinh” hay "sự sống sung mãn" trong mỗi ngày.

I. Ý NGHĨA VÀ ĐẶC TÍNH CỦA KỶ NIỆM CHÚA PHỤC SINH.

Kỷ Niệm Chúa Phục Sinh Là Sống Một Nếp Sống Thờ Phượng, Ghi Khắc, Xác Chứng, Sống Theo Và Sống Truyền Lại Di Sản Giao Ước Giữa Chúng Ta Với Chúa Trong Mỗi Ngày.

Kỷ niệm, theo ý nghĩa thông thường, là làm ba điều như sau:

  1. Nhìn lại và xem xét một cách trung thực sự kiện hay con người mà chúng ta kỷ niệm đã và sẽ đem lại những gì cho chúng ta và xã hội con người.
  2. Xác định mối quan hệ giữa sự kiện đó hay con người đó với cuộc sống hiện nay của mình;
  3. Định hướng tương lai của mối quan hệ đó.

Kỷ niệm Chúa Phục Sinh, theo ý nghĩa thông thường như trên, là làm ba điều:

  1. Nhìn lại những gì mà sự kiện Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết đã và sẽ đem đến cho nhân loại và mỗi người chúng ta;
  2. Xác định mối quan hệ giữa Chúa Giê-su với cuộc sống hiện nay của chúng ta;
  3. Định hướng tương lai của mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và chúng ta.

Kỷ niệm, trong Kinh Thánh, có những ý nghĩa sâu xa hơn những ý nghĩa thông thường kể trên. Theo phong tục cổ ở Trung Đông thời các tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên mà cho đến ngày nay nhiều nơi vẫn còn áp dụng – kỷ niệm là một phần của sự thờ phượng. Cựu Ước các tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp vv… đã lấy đá lập nên bàn thờ để thờ phượng Chúa. Ngoài mục đích thờ phượng, những bàn thờ này là những dấu ghi khắc mối quan hệ giữa họ với Chúa và nhắc nhở cho dòng dõi họ nhớ đến Chúa.

Kể từ thời Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu làm những dấu ghi khắc cho toàn thể dân sự với một mục đích sâu xa hơn nữa là xác chứng giao ước trong quá khứ giữa Đức Chúa Trời với tổ phụ của họ vẫn hiện hữu trong hiện tại và tiếp diễn trong tương lai. Sau khi Chúa làm phép lạ rẻ nước sông Giô-đanh dân Y-sơ-ra-ên đi trên lòng sông cạn tiến vào xứ Ca-na-an, Chúa dạy Giô-suê sai 12 người đại diện cho 12 chi tộc đặt 12 hòn đá ở giữa sông để làm “dấu chứng” (Giô-suê 4.1-18). Đây là dấu chứng không chỉ là cho phép lạ rẻ sông Giô-đanh nhưng cũng cho giao ước giữa Chúa với dân Y-sơ-ra-ên (3.7-13). Sau khi chiếm xứ Ca-na-an, Giô-suê cho các chi tộc Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se trở về xứ họ đã xin định cư là Ga-la-át ở bên kia sông Giô-đanh (22.1-8). Tại đây, các chi tộc này xây một bàn thờ bằng đá không phải là để thờ phượng. Họ làm bàn thờ này để làm chứng rằng họ và con cháu muôn đời sau của họ vẫn thuộc về tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời và không một ai có thể chối bỏ điều này (22.24-29).  

Những đặc tính kể trên – thờ phượng, ghi khắc, xác chứng, sống theo và truyền lại cho đời sau tiếp tục giao ước giữa dân Chúa với Chúa. Điều này cho thấy cách Kinh Thánh dạy sống thực hành “kỷ niệm”, khác với ý niệm kỷ niệm thông thường của xã hội thế tục xưa và nay. Những đặc tính “kỷ niệm” này được Chúa Giê-su nhấn mạnh đặc biệt. Ngài đã sai Phao-lô truyền lại cho hội thánh Cô-rinh-tô và chúng ta về ý nghĩa Tiệc Thánh (1 Cô-rinh-tô 11.23a). Ngài hai lần phán dạy “hãy làm điều này để kỷ niệm Ta” – “do this in remembrance of me” (11.24b, 25b – các bản dịch tiếng Việt dùng chữ “nhớ” hay “nhớ đến” không chuyển tải chiều sâu như chữ “kỷ niệm” – “in remembrance” của các bản dịch tiếng Anh).  

Những đặc tính chu kỳ “kỷ niệm” không phải là hàng năm nhưng là trong mỗi ngày. Chúa dạy dân Y-sơ-ra-ên dâng tế lễ nơi đền tạm và sau này trong đền thờ Giê-ru-sa-lem trong mỗi ngày. Hội thánh Giê-ru-sa-lem thờ phượng Chúa tại đền thờ “hàng ngày” (Công Vụ 2.46). Ngày nay, chúng ta luôn được nhắc rằng thờ phượng Chúa là thờ phượng bằng tâm linh và lẽ thật (Giăng 4.24). Một trong những ý nghĩa của lời dạy này là "lối sống" thờ phượng trong mọi lúc, mọi nơi và trong mỗi ngày.

Với sự nhận thức "lối sống" hằng ngày kỷ niệm Chúa Phục Sinh bằng cách thờ phượng, ghi khắc, xác chứng, sống theo và sống truyền rao giao ước giữa chúng ta với Chúa. Cách kỷ niệm này hoàn toàn khác biệt với nội dung và thực hành của kỷ niệm “văn hóa ngày nghỉ lễ” và “tôn giáo”. Những đặc tính của cách này cũng giúp chúng ta loại trừ sự mọi sự thâm nhập của chúng.

II. BỐN CHIỀU SÂU CỦA SỰ KỶ NIỆM CHÚA PHỤC SINH

1. Lối Sống Ghi Khắc Tình Yêu Tận Hiến Với Ngôi Hai Đức Chúa Trời.

Khi kỷ niệm Chúa Phục Sinh, tất cả các hội thánh chúng ta đều phát huy ba đặc tính thờ phượng, xác chứng và sống theo Chúa Giê-su. Đây là một điểm mạnh nổi bật và cũng là điều khiến cho kỷ niệm Chúa Phục Sinh có chức năng là một dạng tuyên ngôn đức tin. Tuy nhiên, có thể nói là nhiều sứ điệp Phục Sinh chưa làm trọn hai đặc tính còn lại là “ghi khắc” và “tiếp nhận sự chuyển tải”.

Kỷ niệm một người, theo cái hiểu chung là nhớ đến cuộc đời của người đó, ghi khắc những giai đoạn quan trọng của người này và nhìn biết những ý nghĩa của chúng đối với chúng ta ngày nay. Nhìn vào Chúa Giê-su chúng ta thấy có ba giai đoạn biểu hiện sự hiện diện và vận hành của Ngài. Giai đoạn 1 là giai đoạn trước khi Ngài giáng sinh Ngài vốn là Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Giai đoạn 2, Ngài giáng sinh và sống hoàn toàn là một con người. Giai đoạn 3, kể từ sau khi Ngài thăng thiên và trở lại làm Ngôi Hai Đức Chúa Trời trong thân xác vinh hiển. Mỗi giai đoạn đều có tầm quan trọng riêng của nó và ba giai đoạn này hòa hợp với nhau để làm sáng tỏ cũng như làm nổi bật lẫn nhau.

Qua các buổi lễ Thương Khó và Phục Sinh từ các bài giảng, nội dung và ý nghĩa chúng ta dường như tập trung rất nhiều vào sự kỷ niệm Chúa Giê-su của giai đoạn 2 mà thiếu mất phần kỷ niệm Chúa Giê-su của giai đoạn 1 và 3. Dĩ nhiên nhấn mạnh giai đoạn 2 rất quan trọng. Chúa Giê-su đã sống hoàn toàn là một con người như mọi người trên thế giới; để mọi người qua đó có thể thấy và kinh nghiệm được tất cả mỹ đức và bản tính của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-su (Hê-bơ-rơ 1.1-3); và Ngài đã chết thay cho nhân loại trên thập giá vv. Nhưng nếu không ghi khắc Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời Ngôi Hai với toàn vẹn sự vinh hiển trong giai đoạn 1 và 3, thì đó là điều thiếu sót.

Giai đoạn 1 là trước khi Chúa Giê-su giáng sinh. Trong giai đoạn này Chúa Giê-su vốn đã tự hữu cùng với Đức Chúa Cha. Ngài là Ngôi Hai Đức Chúa Trời cùng Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh sáng tạo vũ trụ trong đó có loài người (Giăng 1.1-4,10.30; Sáng Thế 1.26, 3.22 vv). Vì yêu nhân loại và vâng phục Đức Chúa Cha, Chúa Giê-su đã từ bỏ tất cả địa vị cao cả để trở thành một con người hoàn toàn để hòa mình với loài người tội lỗi. Ngài hạ mình làm tôi tớ để sau cùng chết nhục nhã như một tội nhân vì chúng ta (Phi-líp 2.6-8). Bản tính sáng tạo, quyền năng và tình yêu tận hiến tuyệt đối của Chúa Giê-su trong giai đoạn này là một nhân tố sinh ra chương trình Ngài đến thế gian để chịu chết và sống lại vinh hiển để cứu chuộc mỗi người chúng ta trong giai đoạn 2.

Với suy gẫm và ghi khắc giai đoạn 1 như trên, chúng ta thấu hiểu và kinh nghiệm được chiều sâu, chiều cao và chiều dài của tình yêu và hy sinh tận hiến mà Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Từ đó sản sinh ra trong chúng ta lòng biết ơn Chúa cách sâu xa và hết lòng xây dựng một mối tương giao với Chúa một cách sâu nhiệm hơn, tin cậy Ngài hơn và thỏa lòng hơn trong mỗi ngày.

Nếu không có mối tương giao mật thiết với Chúa phục sinh mỗi ngày, rất dễ cho chúng ta chỉ chú trọng và khao khát tìm kiếm phép lạ, quyền năng, bằng cấp và chức vụ – mà bỏ qua nguồn gốc là tình yêu thương, lòng thương xót và sống tận hiến cho Ngài. Thiếu các yếu tố này chúng ta sẽ trở nên kiêu ngạo và tự mãn, không thấy sự thiếu sót của mình, không chịu tỉnh thức và ăn năn. Chúng ta sẽ đánh mất ơn và năng quyền. Nhưng khi tình yêu thương của Đức Chúa Trời đổ đầy trong chúng ta bởi Thánh Linh (Rô-ma 5.5b-c), là "điều cao trọng nhất" và “không bao giờ chấm dứt” (1 Cô-rinh-tô 13.1-13; 1 Giăng 4.5-12). Thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được mọi ơn quyền, phước hạnh và sống thành công trong mọi bước đường phục vụ Chúa.

Vậy nên, kỷ niệm Chúa Phục Sinh phải dựa trên ý thức ghi khắc tận sâu trong tấm lòng và linh hồn của chúng ta về tình yêu thương, sự hạ mình tận hiến của Chúa Giê-su vốn là Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy trở nên giống Chúa Giê-su (Phi-líp 2.5). Vì Ngài đã “từ bỏ chính mình”, “hạ mình trở nên tôi tớ” và “chịu chết trên thập giá” (Phi-líp 2.6-11). Vậy nên, kỷ niệm Chúa Phục Sinh, ngoài việc tuyên ngôn về đức tin, cảm tạ và vâng phục – còn là một tuyên ngôn về cam kết xây dựng đời sống yêu thương, hạ mình tận hiến phục vụ người khác.

2. Lối Sống Vui Mừng, Đắc Thắng Và Hy Vọng.

Trong giai đoạn 1, Ba Ngôi Đức Chúa Trời – đã biết trước con người sẽ phạm tội nên đã thiết lập trước chương trình cứu chuộc của Ngài. Giai đoạn 2 là giai đoạn Chúa Giê-su từ bỏ chính mình đến thế gian sống hoàn toàn là một con người để cứu nhân loại. Sự giáng sinh và phục sinh của Chúa Giê-su trong giai đoạn này là một hình ảnh minh chứng khởi đầu về tình yêu tận hiến và quyền năng cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Giai đoạn 3 là giai đoạn của những kết quả minh chứng cho sự phục sinh toàn vẹn của Chúa Giê-su trong giai đoạn 2 và phục hồi bản thể Ngôi Hai Đức Chúa Trời của Ngài trong giai đoạn 1. Trong giai đoạn 3, Chúa Giê-su không còn là một con người, nhưng Ngài mang lấy bản thể vinh hiển (Phi-líp 3:21). Ngài sẽ trở lại thế gian trong trong thân vị này để tiếp đón những ai thuộc về Ngài và sẽ đoán xét thế gian. Nếu không có giai đoạn 3, lời công bố Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết và thăng thiên vinh hiển thì đó là điều vô cùng thiếu sót. Giai đoạn 3 xác chứng sứ điệp của giai đoạn 2 là Ngài đắc thắng sự chết và tội lỗi. Ngài ban quyền năng sống vui mừng, đắc thắng và hy vọng cho những ai tiếp nhận Ngài.  Nếu Chúa Giê-su không là Ngôi Hai Đức Chúa Trời trong giai đoạn 3, thì mọi người sẽ nhìn Ngài như là một vĩ nhân hay một giáo chủ tôn giáo đã chết trên thập giá và đã sống lại. Sẽ không ai có thể tin vào sự sống lại đời sau và tòa án chung thẫm. Phao-lô đã nói trong 1Cô-rinh-tô 15:19 "Nếu hy vọng của chúng ta trong Chúa Cứu Thế chỉ về đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại hơn hết trong tất cả mọi người".

Qua 3 giai đoạn này kỷ niệm Chúa Phục Sinh là một tuyên ngôn của lòng vui mừng, hy vọng và tin chắc vào sự đắc thắng Chúa dành cho Cơ-đốc nhân. Đây là những người có đời sống tin nhận và đồng hành với Chúa Giê-su cho đến cuối cùng.

3. Lối Sống Yêu Kính Chúa Trên Cả Mọi Điều Và Yêu Thương Người Khác.

Như đã chia xẻ ở những phần trên, một đặc tính của kỷ niệm Chúa Phục Sinh là lối sống thờ phượng Chúa trong mỗi ngày.

Thờ phượng không phải là làm nghi lễ tôn giáo nhưng là sống một lối sống mỗi ngày, tôn thờ kính yêu Chúa trên hết và yêu thương người khác như chính mình (Mác 12.28-33). Đây là sự thờ phượng là bằng “tâm linh và lẽ thật” (Giăng 4.24). Vậy, kỷ niệm Chúa Phục Sinh là sức sống và năng lực – được sản sinh ra từ lối sống ghi khắc, xác chứng, sống theo và sống truyền rao cho mọi người quyền năng tình yêu cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Đây là giao ước kỷ niệm giữa con người và Đức Chúa Trời.

Với ý nghĩa này, một chương trình lễ Thương Khó-Phục Sinh, dù có tầm quan trọng riêng của nó về mặt tổ chức, sinh hoạt và lịch thờ phượng trong năm, chỉ là một phần của nếp sống mỗi ngày “nhớ” hay “kỷ niệm” Chúa Phục Sinh. Chúng ta không coi trọng tâm là làm sao có số đông người dự, chương trình hấp dẫn, tổ chức “hoành tráng”, diễn giả thu hút vv. Nhưng khi trọng tâm và tiêu chuẩn của chúng ta là sự xây dựng đức tin, sự hiểu biết Chúa, lòng kính yêu tôn thờ Chúa trên hết và yêu thương người khác, muốn nhiều người được cứu vv. Từ đó chúng ta cầu nguyện để “chọn lọc” ra những phương cách thích hợp để thu hút nhiều người đến dự và để họ gặp Chúa phục sinh, vì chính chúng ta đã gặp Chúa phục sinh và sống trong sự phục sinh của Ngài mỗi ngày. Rồi chúng ta sẽ thấy Chúa làm cho mọi người gắn bó nhau trong tình yêu thương, nhiều người được cứu. Buổi lễ kỷ niệm Thương Khó – Phục Sinh sẽ thành công và đúng ý nghĩa.

4. Lối Sống Ghi Khắc, Xác Chứng, Tiếp Nhận Và Sẻ Chia.

Chúa Giê-su đã dùng chính mạng sống mình để trả giá cho hình phạt của mọi tội lỗi chúng ta. Đồng thời Ngài trao cho chúng ta sự sống của chính Ngài. Sự sống phục sinh bắt đầu tuôn chảy khi chúng ta được tái sinh, là lúc tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Sau đó Đức Chúa Trời tạo chúng ta thành một con người mới trong Chúa Giê-su (Giăng 3.1-8, 2 Cô-rinh-tô 5.17). Bởi ân sủng và đức tin, khi chúng ta tiếp nhận đọc, học, suy ngẫm và làm theo Lời Chúa thì Đức Thánh Linh vận hành để dòng sông sự sống không ngừng đổ vào đời sống của chúng ta. Đây là dòng tuôn chảy đem đến đắc thắng tội lỗi, bệnh tật, nghèo đói, sự chết, mọi ảnh hưởng của thế gian và thế lực tối tăm của ma quỷ (Giăng 4.14).

Trước tiên, dòng sông sự sống tuôn chảy vào cuộc sống hằng ngày, giúp chúng ta có sự suy nghĩ, lời nói, việc làm được biến đổi trở nên giống như của Chúa Giê-su hơn. Giòng sông sự sống của Thánh Linh giúp chúng ta sống thánh khiết, có mọi mỹ đức và bản tính của Đức Chúa Trời như Chúa Giê-su trong 33 năm ở thế gian. Chúng ta có thể hoàn thành trách nhiệm Chúa giao, chia sẻ Tin Lành, đào tạo môn đồ và chuẩn bị chính mình cho xứng hợp với sự sống vĩnh phúc trong nước thiên đàng (Phi-líp 2.12).

Chúa Giê-su yêu chúng ta cho đến cuối cùng (Giăng 13.1b). Ngài không bỏ chúng ta (Giăng 14.1-4,18). Ngài không để cho một ai đã thuộc về Ngài có thể bị hư mất (Giăng 17.1-12). Cho dù chúng ta có yếu đuối, bất toàn hay sa ngã thì dòng tuôn chảy này, tuôn đổ sự tha thứ, chữa lành, phục hồi và tiếp tục biến đổi chúng ta. Chúng ta sẽ phạm sự một thiếu sót rất lớn, nếu chúng ta kỷ niệm Chúa Phục Sinh mà không ghi khắc, xác chứng và rao truyền về sự tuôn chảy sự sống phục sinh đã được trả bằng huyết báu vô giá của Ngôi Hai Đức Chúa Trời.

KẾT: Kết Quả Phục Hưng Đời Sống Cá Nhân Và Hội Thánh.

Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là bằng lối sống mỗi ngày với tấm lòng thờ phượng, ghi khắc, xác chứng và rao truyền giao ước giữa chúng ta với Chúa. Sự kết hợp này là tuyên ngôn đức tin của chúng ta và hội thánh. Nó gia tăng giá trị của sự kỷ niệm Chúa Phục Sinh. Nó “loại trừ” mọi hoạt động mang tính cách kỷ niệm “Phi Kinh Thánh” như là kỷ niệm Chúa Phục Sinh bằng "văn hóa ngày nghĩ lể” và “bằng nghi thức tôn giáo.” Đời sống thờ phượng, ghi khắc, xác chứng và rao truyền (Ma-thi-ơ 28.18-20; Công Vụ 1.8) trong tuyên ngôn này là một nguyên cớ khiến chúng ta và hội thánh tiếp nhận được sự đầy dẫy Đức Thánh Linh cho đời sống mình.

Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là lối sống ghi khắc tận sâu trong tấm lòng và linh hồn mình về tình yêu thương, sự tận hiến tuyệt đối của Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Nếp sống này giúp chúng ta luôn sống biết ơn Chúa, bền lòng tin cậy và trung tín. Đây là những tiêu chuẩn quan trọng mà Chúa dùng để chọn những người làm những điều lớn lạ cho Ngài. Nó cho chúng ta một quyết tâm đền đáp tình yêu thương của Chúa bằng cách sống tận hiến cho Ngài. Đây là của lễ mà Chúa đẹp lòng.

Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là một lối sống vui mừng, hy vọng và đắc thắng trong cuộc đồng hành với Chúa Giê-su kể từ khi tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đến lúc gặp Ngài. Đây là cách kỷ niệm sinh ra bông trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5.22-23); để đem lại một đời sống sung mãn cho chúng ta (Giăng 10.10b); và giúp chúng ta thanh tẩy mọi bản tính xác thịt và sự cản trở hay phá hoại đời sống tăng trưởng của mình (Ga-la-ti 5.16-21).

Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là bằng một lối sống yêu kính Chúa trên cả mọi điều và yêu thương người khác. Đây là lối sống làm trọn “luật pháp” của Đức Chúa Trời trong mọi thời kỳ Cựu Ước và Tân Ước. Sống trở nên giống Chúa Giê-su trong mỗi ngày là biết chọn những điều cao trọng và lìa những sự hèn. Một trong những điều cao trọng mà chúng ta phải chọn là luôn được đầy dẫy Thánh Linh (Lu-ca 4.1) và đầy dẫy quyền năng Thánh Linh (Lu-ca 4.14). Chính Thánh Linh biến đổi chúng ta và qua chúng ta Ngài biến đổi cộng đồng chung quanh.

Kỷ niệm Chúa Phục Sinh là lối sống ghi khắc, xác chứng, sống tiếp nhận và sống xẻ chia dòng tuôn chảy “sự sống phục sinh”. Dòng sự sống này tuôn chảy từ bên trong khiến chúng ta đắc thắng sự chết, tội lỗi, bệnh tật, nghèo đói, sự cám dỗ thế gian cùng ma quỷ và mọi thế lực tối tăm. Trong cuộc sống hằng ngày, nó giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su trong suy nghĩ, lời nói, việc làm. Chúng ta nhận lãnh và vun trồng được mọi mỹ đức và bản tính quyền năng mà Chúa Giê-su đã bày tỏ ra trong 33 năm Ngài sống làm con người trên thế gian. Tất cả sự sống sung mãn (Giăng 10.10b) này là điều Chúa Giê-su dành sẳn cho chúng ta.

Hãy kỷ niệm Chúa Phục Sinh như vậy!

 

Phạm Phi Phi & Người Dọn Đường

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan