Cuộc Ðời Của Sadhu Sundar Singh – P.3

Share

5/ SUNDAR NHẬN ÁO CÀ SA VÀNG (1906-1908) 

Quá khứ đã chết, tương lai của một người quyết tâm theo Chúa đang được bày tỏ. Sundar một mình yên lặng đứng trước bàn thờ của thánh đường Simla tuyên xưng đức tin. Cậu đã nhận thánh lễ báp têm trở nên một cơ đốc nhân, hội viên của một cộng đồng bé nhỏ, hẻo lánh và xa xôi. Thật ra, cậu nợ với các giáo sĩ nhiều hơn là với người đồng hương mình và quí vị ấy xem cậu như là một niềm vui chiến thắng lớn lao bởi ân sũng từ Ðức Chúa Trời, còn các cơ đốc nhân Ấn độ rất thỏa lòng nghĩ đến cậu trai trẻ mà nhiệt tâm dũng cảm theo Chúa. Trong đền thờ của Chúa, khi cậu quỳ xuống để nhận lãnh thánh lễ Báp têm, cái cô đơn của cậu thật là một điều diệu kỳ, nỗi ly cách mọi sự thuộc trần thế của cậu như một sự tán tụng cho sự hiện diện thân mật của Thượng đế. 

Khi rời thánh đường, cậu lên đường trở lại Sabathu. Sundar trông giống như bất cứ một cậu con trai Ấn độ nào khác đang đi băng đường rừng, như sự cô đơn của cậu thật đặc biệt. Bây giờ, không ai có thể giúp cậu được. Sự đấu tranh một mình, sự quyết định một mình và có thể cậu còn phải chịu đựng nhiều ngày tháng cho sự xung đột nội tâm, trước khi cậu sẵn sàng trở lại thế giới hàng ngày bằng một tâm linh trong sáng. 

Cậu đã tranh đấu với chính mình và tiến bước với hai chân không giày đạp gai rừng khắp đó đây. Thi Thiên 23 được đọc trong dịp lễ Báp têm cho cậu như vẫn còn vang bên tai. Cậu lắng nghe như có tiếng phán riêng cho mình: “ Ta là Ðấng Chăn chiên của con… Ta sẽ dẫn dắt con! Con sẽ chẳng thiếu thốn gì ! Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con sẽ chẳng sợ tai họa nào. . . Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con mọi ngày và trọn đời con.”  Sundar biết rằng từ nay cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cậu sẽ chẳng bao giờ đơn côi nữa.  

Hơn một tháng cậu biệt tích khỏi các bạn như một Sadhu ( tu sĩ Ấn độ) của khu rừng tỉnh Rampur. Trong bốn lễ đó, tư tưởng của cậu quay về với những vị ẩn tu tiền bối. Cậu còn nhớ đến lời của mẹ hiền: “ biết đâu một ngày kia con cũng sẽ trở thành một Sadhu”.  Có một cái gì thỏa lòng hơn khi được giao thông cùng Ðức Chúa Trời.  Có chỗ nào cho cậu trong Hội Thánh người Ấn không? Hội thánh đã mất hướng đi, đã tây phương hóa, nên thật khó cho cậu hội nhập.  Những bài thánh ca là những bản dịch, cách thờ phượng chỉ thích hợp với người Âu Mỹ mà thôi.  Họ muốn chứng tỏ cho Ấn độ giáo và Hồi giáo biết rằng họ đã bỏ tất cả các thần mà họ thờ trước đây. Nhưng kết quả cho thấy rất nguy hiểm. Những Hội Thánh Ấn trở nên những Hội Thánh của Tây phương tại Ấn độ.  

Ngày 3 tháng 10 , đúng một tháng sau ngày nhận thánh lễ báp têm, Sundar rời khỏi Sabathu.  Trên đầu cậu vấn một khăn vàng và trên người cậu, mặc một bộ áo cà sa vàng của một tu sĩ Ấn độ Sadhu.  Nhưng đây là một Sadhu khác biệt. Con đường mà tu sĩ này đi là con đường được kêu gọi chẳng còn đơn côi nữa và tu sĩ đó tự xác nhận:

“ Tôi không xứng đáng theo đấu chơn Chúa của tôi, nhưng giống như Ngài, tôi không cần có nhà, không có tư sản. Giống như Ngài, tôi thuộc về đường sá, chia xẻ sự đau thương với đồng hương tôi, ăn với những ai cho tôi trú ngụ và rao báo cho họ biết về tình yêu của Ðức Chúa Trời.”

Phải cần một thời gian lâu các bạn thân của vị Sadhu giảng đạo Cơ đốc mới làm quen được với tư tưởng lập dị đó.  Sundar đã nhập lý tưởng tự chối chính mình của người Ấn độ, không phải cho chính mình nhưng cho người khác, và theo lý tưởng Tây Phương về giáo thuyết của tu sĩ hành khất, ông đã chọn một lý tưởng thiên thượng để phục hưng Hội Thánh Ấn độ. Áo cà sa vàng của Sadhu giúp cho Sundar thành công, được chấp nhận bước vào bất cứ nơi nào, dù rằng ông là tu sĩ áo vàng giảng Phúc âm. Khác với những người bụi đời, rách rưới dơ bẩn, Sundar với 16 tuổi rất ngay ngắn sạch sẽ, sáng suốt vặm vỡ cao lớn và nhiều trào phúng qua các câu chuyện đường rừng của cậu. 

Sundar thử nghiệm đầu tiên bằng cách quay trở về làng Rampuer quê mình. Dĩ nhiên ông bị gia đình chối bỏ, nhưng rất ngạc nhiên là nhiều khán giả nghe say mê ông giảng đạo. Họ là những nhà buôn, những bác nông phu, những cậu con trai mà trước đây vài năm là bạn cùng lớp với Sundar. Ngay cả khu vực của các phụ nữ thượng lưu cũng mở cửa cho Sundar. Trong thời gian này, Sundar sống với các tín hữu Cơ đốc tại Ropur, nơi ông được cứu sống khỏi chết vì độc dược.

Họ hỏi ông về dự tính tương lai:

“ Anh định làm Sadhu như thế này bao lâu, hỡi bạn Sundar?”

“ Tôi được gả cho những chiếc áo vàng này, và theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, tôi sẽ chẳng bao giờ ly dị với nó.” 

Từ đó Sadha Sundar khởi hành hướng về miền Bắc, qua Punjab, qua đèo Bannihal, phía trên của Jammu và Kashmir trước khi bị tuyết đông ngăn chặn. Từ Kashmir ngang qua vùng đất kẻ cướp bóc của biên giới tây bắc đi tới Baluchistan và trở vào xứ sở của Hồi giáo cuồng tín ở Afganistan. Ðương đầu với một chuyến hành trình về miền giá lạnh như thế thật là một khó khăn to lớn. Sundar phải chịu nhiều gian khổ.  Cái áo cà sa vàng mỏng manh không đủ sức chống lại mùa đông giá lạnh. Ông cũng không quen ngủ lạnh ngoài trời mặc dù ông đã từng chịu lạnh như thế. Chân trần không giày dép bị cắt đứt bầm tím để lại những vết chân đẫm máu trên những con đường làng mà Sundar đã qua. Con cái Chúa thời đó gọi Sundar là “ Sứ đồ đẫm máu chơn” 

Ðó là chuyến truyền giáo đầu tiên nhưng đó cũng là những khổ nạn cứ tiếp tục tái diễn trong cuộc đời phục vụ Chúa của ông. Tại Doiwalla, vì chiếc áo cà sa vàng, ông được người ta tiếp đón niềm nở nhưng khi nghe ông nói về Chúa Jesus thì người ta đuổi ông ra ngoài lúc trời đang mưa.  Ðêm ấy, Sundar phải ngủ trong một túp lều tranh xiêu vẹo bỏ trống mà bạn cùng ngủ đêm là một chú rắn hổ mang.  Tại Jallalabad, người Hồi giáo cho ông là mật vụ định tâm chờ ông ngủ sẽ giết nhưng cuối cùng họ tìm thấy ông ở tại một làng khác và kẻ định tâm sát hại ông lại quỳ gối xin ông tha tội và khẩn nài ông rao giảng Tin lành của Chúa Jesus cho ông ta nghe.  

Tại Simla, vào mùa Xuân năm ấy, Sundar gặp được một người Mỹ tên là Samuel Stokes, giàu có theo Giáo hội Quaker và muốn hiến cuộc đời mình cho người Ấn. Thay vì nghỉ ngơi sau chuyến truyền giáo gian lao mùa đông vừa qua, Sundar cùng với Samuel Stokes làm một chuyến truyền giáo khác ngang qua Kangra Valley, ban đêm đi bộ rao giảng, ban ngày ngủ và nghỉ ngơi. Cho đến ngày bị ngã quỵ vì chứng sốt rét rừng, cả hai Sundar và Stokes tìm chỗ trú trong nhà của một điền chủ.   

Ðối với Sundar, chuyến hành trình kỳ này xem như kết thúc ở đây; nhưng đối với người điền chủ đó là một sự bắt đầu của một chuyến truyền giáo cho người khác như ông. Bởi vì qua cách hành sử của Sundar, ông ta đã trở thành một tín đồ của Ðấng Christ.

 Mùa hè năm đó, Sundar làm việc chung với Stokes tại bịnh viện cùi Sabathu cho đến khi bịnh dịch tràn lan khắp vùng đồng bằng vì hạn hán và thời tiết khô cháy. Họ cùng nhau đi xuống vùng cát bụi mát dịu hơn của dãy núi Hy mã lạp sơn để làm việc ban đêm và giảng đạo cho những nạn nhân nạn dịch tại những làng thuộc Punjab và Lahore. 

Năm sau,1908, Samuel Stokes trở về Hoa kỳ. Trong những tháng ngắn ngủi chung sống với nhau, Stokes đã giảng giải cho Sundar về lý tưởng của giòng Franciscan , về cách truyền giáo của tu sĩ khất thực.  Ông cũng xác nhận rằng trong sự phục vụ và đời sống tu hành luôn luôn có niềm vui mà chẳng nơi nào có. 

BĂNG QUA DÃY NÚI HY MÃ LẠP SƠN (1908)  

Sundar bẩm sinh là một người phiêu lưu mạo hiểm.

Không ai hiểu được rằng Sundar có thể chấp nhận đời sống của một Sadhu mà trốn khỏi mọi đòi hỏi của thế gian. Sundar vốn rất rụt rè với kẻ lạ nhất là với người Tây phương.  Nhưng với bạn bè, Sundar ăn nói rất tự nhiên. Họ rất ngạc nhiên, trong vòng hai năm, ông đã du hành đến cả miền bắc Ấn chịu đựng với nóng, lạnh, dịch lệ, sốt rét rừng, thổ tả, một số lần đối diện với sự chết và cậu học nhiều điều về thiên nhiên, vạn vật, hoang dã cũng như con người hơn cả các giáo sư đại học đương thời.  Họ có thể nghi ngờ về chuyến du hành của ông  nhưng họ luôn luôn tin tưởng về bản chất chân thật của ông. Người ta phân vân không biết kinh nghiện xuất thần của ông có lẫn lộn với cuộc phiêu lưu hàng ngày không. Chỉ có một điều chắc chắn là không ai đánh giá thấp về tinh thần dâng hiến đời sống của ông cho Thượng đế, lòng nóng cháy rao truyền Phúc Âm và ao ước phục hưng Hội thánh Ấn độ. 

Họ cũng nhận ra rằng tâm linh phiêu lưu của ông đã tự phóng qua bên kia bức tường Hy mã lạp sơn.  Sundar thuờng về Simla Hills để nghỉ ngơi. Ðây là chân của dãy núi Hy mã lạp sơn, nơi đây ông thường đi tản bộ trước và sau ngày nhận thánh lễ báp têm. Ngày nay thay vì lưu trú tại Sabathu như mọi lần, ông lại lặn lội leo lên vùng cao nguyên Simla. 

Narkanda, một ngôi làng nhỏ cao 9000 bộ hay 2,743 thước, rung vang suốt ngày tiếng chuông lừa của đoàn người lái buôn lê bước theo con đường đồi.  Sundar đến đây với các nông dân.  Ông Nandi đang gặt lúa bên dưới nhà gỗ dành cho khách qua đường, ngẩng lên nhìn thấy hình dáng bất động của thánh nhân.  Ða số những nông dân có ít thì giờ dành cho việc thiêng liêng khi họ đang lo toan việc gặt hái. Nandi tỏ vẻ bực bội khi Sadhu Sundar bước xuống nói chuyện với họ. Thật là chẳng lịch sự tý nào khi bắt người ta ngưng việc để nghe, còn tệ hơn nữa khi họ nhận ra Sadhu này không thuộc Ấn độ giáo cũng chẳng phải Phật giáo nhưng có nhãn hiệu là Cơ đốc giáo. Người anh của Nandi đuổi thánh nhân đi và còn ném đá trúng vào phía trên khóe mắt của Sundar. Những con gặt đứng sững ghê sợ, chờ đợi Sadhu chửi một trận nên thân. Thật khó tin, họ nghe Sadhu thầm nói: “ Lạy Cha, xin tha tội cho anh ấy”. Vào khoảng xế chiều hôm ấy, người anh của Nandi té nhào xuống ruộng và đau đầu một cách thảm não. Dân làng cho đây là việc làm ảo thuật của Sadhu và rồi lấy làm ngạc nhiên thấy Sundar cầm lấy cái hái và tiếp nối làm việc.  

Ðêm hôm đó, Sundar nghỉ tại nhà của Nandi và nói chuyện hàng giờ với một nhóm dân làng chăm chú nghe. và từ đó bất cứ khi nào đi ngang qua, họ đều tiếp Sadhu Sundar vui vẻ. Rồi mùa gặt kế tiếp năm sau đó, người ta kinh ngạc khi thấy phần ruộng mà Sundar đã gặt lại trúng mùa gấp bội phần hơn các ruộng lúa khác của Nandi. Ðiều này chưa hề xảy ra trước đây.

Khoảng một dặm bên kia Narkanda, ở giữa những cây thông to lớn của khu rừng già, một con đường chia đôi, ngã chánh đi về Barei, ngã kia dẫn lối về Kotgarh. Vùng này khoảng 7000 bộ hay 2,133 thước trên đồi cao, năm mươi dặm cách Simla, giữa những vườn cây ăn trái và những cánh đồng trồng bắp. Ðây là nơi Sundar dừng chân nghỉ ngơi. Cũng tại đây không xa có ông bà Giáo sĩ Beutel người Ðức đang trông coi một bịnh xá nhỏ và một trường học.

Sundar thường len lỏi qua con đường mòn dẫn ngang qua Kotgarh, xuyên qua khu rừng không người, tiếp nối bằng một vùng đất trồng trọt rồi đến Rampur, thủ phủ của tiểu bang Basshahar mà người ta có thể nhìn thấy nhà cửa chen lẫn nhau dưới sức nóng cháy của thung lũng Sutley.

Ở Rampur, người xây nhà theo lối Tây Tạng với mái nhà cong cong. Cánh đồng bên cạnh có những là cờ mang kinh cầu bay phất phới. Những con bò lông dài mang hàng hóa Tây Tạng. Những lái buôn có nhiều nét Mông cổ mặc cả giá hàng trong các phố bán hàng tạp hóa. Tại Rampur, người ta không quên những con đường phía bên kia đầy hiểm trở với núi cao, đá nhọn dẫn đến xứ Tây Tạng, một quốc gia đóng kín ở giữa Á châu. “ Tây Tạng là trách nhiệm riêng của chúng ta. Phúc âm đã đến với chúng ta, chúng ta không giữ riêng cho mình. Chúng ta phải mang nó đến Tây Tạng, dù có khó khăn hay nguy hiểm”. Ðây là lời thách thức của Sundar với Hội Thánh Ấn về những năm sau này. Riêng Sundar, ông đã đối diện với sự thách thức ấy 18 tháng sau khi làm báp têm.

Nhiều giáo sĩ đã cố gắng xây dựng Hội thánh tại Tây Tạng từ thế kỷ 18. Mọi sự cố gắng đều thất bại. Sáu triệu người dân trên cao nguyên Tây Tạng sinh sống trong dơ bẩn, sợ hãi và thoái hóa. Bậc cầm quyền của xứ sở này là những Larma, là những Thượng Tọa về tôn giáo. Những vị này biết rằng sự du lịch, thương mại với ngoại quốc từ Ấn độ hay từ tây phương, sự giáo dục và đặc biệt là Cơ đốc giáo sẽ phá hũy quyền lực của họ. Chính quyền Tây Tạng cai trị dân họ bằng sự mê tín dị đoan và sự ngu dốt của người dân. Chính danh họ là Phật giáo nhưng đa số là thờ lạy ma quỷ, cuồng tín và độc ác. Bất cứ ai xâm nhập vào Tây Tạng coi như là tự liều lĩnh. Hễ ai cố gắng vượt bức tường chắn Hy mã lạp sơn để giảng Phúc Âm tại vùng đất cấm này phải ngầm hiểu rằng đây không phải là một sự liều lĩnh mà là một sự chết chắc chắn.

Sundar nhận sự liều lĩnh này không phải một lần mà nhiều lần, năm này qua năm khác, với tất cả sự hung dữ thù địch của các Larma và dân chúng cùng trăm điều rủi ro vì sự hiểm trở của dãy núi Hy mã lạp sơn dựng đứng và băng đá quanh năm.

Mùa hè 1908, một thử thách đầu tiên khi Sundar tròn 19 tuổi. Sundar đi vào Lesser Tibet, một cao nguyên bên kia Rampur và Sutleg Valley. Có hai giáo sĩ người Moravian là Kunick và Marx tiếp đón và giúp đỡ Sundar tại Poo, một thành phố vùng biên giới và dạy Sundar ít câu nói tiếng Tây Tạng và cho mượn Tarnyed Ali làm thông dịch viên. Sundar thật kinh hoàng trước tình trạng sinh sống của dân chúng tại đây. Nhà cửa tối om, không thoáng khí, dơ dáy bẩn thiểu giống như thân thể của họ. Người Tây Tạng lấy làm sửng sốt và khó chịu khi thấy Sundar tắm nơi dòng nước đá lạnh và đuổi ông ra khỏi làng bởi vì theo họ “ thánh nhân” thì không bao giờ tắm. Thực phẩm duy nhất mà Sundar có thể có là lúa mạch ran khô cứng ngắt, ngay cả mấy con la cũng không muốn đụng tới. Trà của Tây Tạng thường trộn với muối và một viên bơ đã hôi hám khó cho người ta uống lắm. “ Lá cờ kinh cầu” ( lá cờ mang kinh cầu nguyện) bay phất phới khắp nơi. Người nông dân luôn luôn mang trong người” bánh xe kinh cầu” với những lời lẽ huyền bí khó có ai hiểu được như : “ om-mane padme hum…” Lời rao báo Phúc âm về Chúa Jesus của Sundar làm dân chúng kể cả các Larma tức giận ngay. Cùng với thông ngôn, hai thầy trò nặng nề lê bước từ làng này đến làng khác như kẻ vô gia cư không nhà ở và bị xua đuổi. Chỉ có tại Tashigang, một làng nhỏ nhưng kiên cố, Larma trưởng cai trị một đoàn gồm 400 Larma niềm nở tiếp đón hai thầy trò và cho họ được tự do giảng tại tu viện. Dầu vậy sau đó sự hung dữ thù nghịch càng lên cao hơn nên họ mau trở về qua những đèo hiểm hóc trước mùa đông và rùng mình dường như rằng chẳng bao giờ nên có ý nghĩ đến việc quay trở lại vùng này.

Cuối cùng, Sundar đã nhọc nhằn trở về lại Kotgarh trước khi dự định làm những chuyến truyền giáo khác vào những năm tới khi đường đèo các ngã vào Tây Tạng mở cửa trở lại. Ðây là chuyến truyền giáo bị ghét bỏ đầu tiên vào khoảng giữa năm 1908 –1929. Chẳng có chuyến đi nào mà không có nỗi nguy hiểm và trên hết mọi điều là sự chết.

6/ RỜI KHỎI AN TOÀN ( 1909 – 1911)

“Tôi muốn đi thăm Palestine hơn nơi nào hết trên thế giới” Sundar tâm tình với bạn hữu mình. Năm 1908, Sundar đến Bombay nhưng chính quyền đã từ chối cấp thông hành làm ông thất vọng. Ông trở về với những làng mạc miền Bắc Ấn. Ngồi trên xe lửa, ông trầm ngâm suy tưởng về Chúa Jesus, một người đông phương như ông và về Tin lành đầu tiên được ban bố tại Ấn độ mà nhiều người vẫn tưởng do các giáo sĩ Tây phương mang đến nhưng thực ra do một sứ đồ Sy ri.

Ông thường nói với các giáo sĩ Tây phương rằng; “ chúng ta cung ứng đạo Cứu Rỗi trong một cái ly Tây phương nên bị người Ấn độ từ chối. Nếu chúng ta cung cấp nước sống trong một cái chém Ðông phương, có lẽ dân chúng sẽ dễ dàng nhận biết và vui vẻ chấp nhận hơn”. Bởi vậy, Sundar ăn mặc như một nhà tu Ấn độ đi giảng đạo Cơ đốc và khuyến khích Hội Thánh địa phương thờ phượng Chúa theo lối sống của người dân địa phương.

Sau vài năm học tại St, John’s Divinity College tại Lahore, Sundar được Gáo Hội Trung Ương Ấn độ cấp phát chứng chỉ giảng đạo tại thủ đô Ấn độ. Ông mong ước được lưu hành khắp nơi trong nước và Tây Tạng và bày tỏ ý nguyện này với Giám mục Lefroy. Nguyện ước này chẳng bao giờ được đáp ứng nếu ông không chịu thụ phong bởi Giáo hội. Vị Giám mục bảo ông rằng: “ Bạn Sundar thân yêu, nến bạn chịu thụ phong tại Giáo hội chúng tôi, bạn không thể du hành khắp nơi trong xứ. Bạn sẽ có một Hội Thánh hay có thể một số Hội thánh để chăm sóc. Bạn chắc chắn phải lưu lại tại một giáo khu mà bạn được thụ phong. Bạn sẽ không được giảng tạo Bombay hay Masik hoặc Calcuta hay Maners mà không có giấy phép của Giám mục ở đó.”

“ Còn ở Tây Tạng thì sao ?” Sundar thắc mắc

“ Tây Tạng không thuộc ai cả nhưng bạn không được rời giáo khu bốn hay năm tháng tại một nơi khí hậu nóng bức như Tây Tạng để mất luôn chính bạn nữa”.

Sundar trả lại chứng chỉ giảng đạo và sẽ không bao giờ có thể thụ phong vì ông chỉ muốn làm một tác viên, một Sadhu đi đó đây, một truyền giáo tự do, đặc biệt cho Tây Tạng. Trong thời gian tại Ðại học, Sundar rất cảm mến các Mục sư địa phương, đồng thời cũng xác nhận rằng Cơ đốc giáo được tổ chức theo Tây Phương hoàn toàn không phù hợp với Ấn độ. Bất cứ nơi nào Sundar đến đều nhận được sự vui mừng và tình đoàn kết thân hữu. Và mười năm sau, ông cũng được ân cần tiếp đón trên toàn thế giới như là một cung hiến, một đóng góp duy nhất cho sự sống của Giáo Hội dù rằng ông đã tự chọn theo thiên chức của một Sadhu vì rằng chỉ có con đường này ông mới phục vụ hữu hiệu cho đất nước mà ông yêu mến.

pastedGraphic.png

Ðặc biệt trong thời gian này, ông có một ảnh hưởng lớn đối với các sinh viên thần học người Ấn độ và làm quen với những người bạn mới. Một trong những người bạn quan trọng nhất là Susil Rudra là Viện Trưởng của trường Cao Ðẳng St. Stephen tại Delhi và một người nổi tiếng trên thế giớ lúc bấy giờ là C.F. Andrew. Trong những chuyến đi, Sundar thường ghé qua Delhi và xem trường St. Stephen như nhà của mình. Ông không lớn tuổi hơn các bạn sinh viên khác bao nhiêu vì bấy giờ ông chỉ mới 25 tuổi. Nhưng với những câu chuyện kỳ diệu từ Tây Tạng và vùng biên giới tây bắc ông đã làm cho họ xúc động thích thú. Ảnh hưởng của ông đối với nhóm sinh viên Ấn độ thật sâu đậm và rộng lớn.

Nhiều người lãnh đạo của cộng đồng Cơ đốc giáo sau này đều xuất thân từ nhóm sinh viên Cao Ðẳng St. Stephen. Hễ khi nào có dịp nghỉ hè, họ thích kéo nhau lên vùng Kotgarh để sống chung với người bạn trẻ Sundar. Thỉnh thoảng Susil Rudra viết thư cho Sundar báo nhiều tin tức rất đặc biệt về nhóm sinh viên đã kết ước với nhau, chẳng hạn như:

“ Samuel đã bỏ việc trong chính phủ và dâng mình hầu việc Chúa.”

“Amrit Singh đến Kotgarh hôm qua mang một người thượng trên lưng. Anh đã tìm thấy người đó nằm trên đường rừng vừa đi cỡ hai dặm, đang rên rỉ vì bịnh dịch. Dĩ nhiên những kỳ công lao lực đó do sự cố gắng làm cho được nhưng cũng bởi can đảm mà dù có nặng cũng lao lực đó thành nhẹ”.

“ Theofilus đã thức trọn ba đêm ngồi bên khu của những người quét đường, chăm sóc một người phu bị dịch tả. Và anh có biết không, Theofilus thường nghĩ về những người bần cùng như những người phu quét đường bên lề xã hội này”.

Những tên tuổi có thể bị thay đổi nhưng những việc xảy ra và nhiều việc khác nữa như thế đều là chuyện thật. Ảnh hưởng bên sau của những câu chuyện này là làm cho chàng thanh niên trẻ tuổi áo vàng vừa mới trở lại quyết định một chuyến du hành mùa hè từ Kalka đến Tây Tạng lần nữa.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan