8BẠN CÓ THỂ LAY ĐỘNG NGAI ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện có một cánh tay dài, có thể vươn đến tận thiên đàng. Kinh Thánh dạy lẽ thật này qua biểu tượng đẹp đẽ – giơ cao tay lên mà cầu nguyện. “Chúng ta hãy đưa tay, hướng lòng về Đức Chúa Trời trên trời” (Ca 3:41).
Tấm gương đầu tiên Cựu Ước ghi lại là cuộc chiến với dân A-ma-léc, khi Môi-se giao cho Giô-suê lãnh đạo dân sự Đức Chúa Trời đang khi ông đưa tay lên cầu khẩn Chúa. Kinh Thánh chép: “Vả, hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn. Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ liền lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê lấy lưỡi gươm đánh bại A-ma-léc và dân sự người. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: “Hãy chép điều này trong sách làm kỷ niệm” (Xuất 17:11-14). Sự giải thích chiến thắng vĩ đại này là gì và vì sao phải ghi nhớ kỷ niệm này? Môi-se trả lời trong câu 16: “Có giơ tay lên đến ngôi Đức Giê-hô-va”.
Về thuộc thể, tay chúng ta đã đưa lên; về thuộc linh, tay ấy đã chạm đến ngôi của Đức Chúa Trời. Bạn có thể dâng lên những lời cầu nguyện không vượt quá đầu mình, hay không bao giờ đi xa hơn căn phòng bạn đang ở. Nhưng khi bạn cầu nguyện trong Thánh Linh, theo ý muốn của Đức Chúa Trời và trong danh Chúa Jêsus, lời cầu nguyện của bạn có thể vươn đến tận thiên đàng!
Môi-se đã ghi lại lẽ thật này. Tay ông đã chạm đến ngôi của Đức Chúa Trời. Tay của bạn cũng vậy, nếu bạn bước theo các nguyên tắc của sự cầu nguyện.
Phao-lô đã thúc giục chúng ta trong I Ti-mô-thê 2:8 “Vậy, ta muốn những người đàn ông đều giơ tay thánh sạch lên trời mà cầu nguyện khắp mọi nơi”. Có phải điều này có nghĩa đen là chúng ta phải đưa tay mình lên trời mỗi lần chúng ta cầu nguyện không? Tất nhiên là không. Đức Chúa Trời quan tâm nhiều hơn khi chúng ta hướng lòng và linh hồn mình về Ngài. “Hỡi Đức Giê-hô-va, linh hồn tôi hướng về Ngài” (Thi 25:1; 86:4; 143:8). Dù có đưa tay thuộc thể lên hay không, thì đó chính là tâm linh và tinh túy của lời cầu nguyện mà chúng ta hướng mắt thuộc linh và lòng mình về Đức Chúa Trời. Và giữa những lần cầu thay tha thiết hoặc chiến trận thuộc linh căng thẳng, chúng ta có thể (trong chốn riêng tư hay giữa mọi người – gần như vô thức) giơ cao đôi tay thuộc thể hướng về Chúa. “Khi tôi giơ tay lên hướng về nơi Chí Thánh của Chúa mà kêu cầu cùng Chúa, xin hãy nghe tiếng khẩn cầu của tôi’ (Thi 28:2).
Bạn có thể lay động người khác qua lời cầu nguyện
Lời cầu nguyện của bạn không chỉ thấu đến thiên đàng, mà cánh tay cầu nguyện còn có thể vượt hàng vạn dặm để đến bất kỳ miền nào trên đất. Tại nơi cầu thay bạn có thể lay động một ai đó đang cần đến mình, dù họ cách xa hàng nghìn dặm. Đây là sự thật thuộc linh không hề tưởng tượng.
Tôi không bao giờ quên thời gian hai tuần ở Ấn Độ nhiều năm trước đây, khi tôi cảm nhận một gánh nặng cầu nguyện liên tục cho con trai chúng tôi. Cao độ là vào chiều Chúa nhật khi ở nhà một mình, tôi thấy mình chìm sâu trong sự cầu nguyện cho con, đến nỗi trong một lúc lâu tôi không còn chú ý đến sự tồn tại của thời gian và không gian. Khi tiếp tục dốc đổ thì đột nhiên như là tôi đang quỳ gối cạnh John, tay tôi đặt lên vai cháu, cầu nguyện cho cháu. Tôi không biết mình đã cầu nguyện bao lâu hay nói những gì, nhưng tôi biết rằng cánh tay cầu nguyện của mình đã vượt đại dương và đất liền qua hàng nghìn dặm và tay tôi đã đặt trên vai John. Điều này thực tế đến mức như thể tôi đang ở bên cạnh cháu. Rồi lòng được bảo đảm vững vàng, tôi đã bật dậy và sau đó ban phát sứ điệp tối Chúa nhật của mình.
Vì các trách nhiệm truyền giáo nên tôi không kịp viết thư cho John đến tận chiều hôm sau. Tôi đến văn phòng và bắt đầu viết: “John yêu quý! Bố không biết điều này là gì với con, nhưng phải có một ý nghĩa nào đó. Nhiều ngày bố đã liên tục cầu nguyện đặc biệt cho con và chiều hôm qua khi đang quỳ bên giường mình, đột nhiên bố cảm nhận như đang ở bên con, đặt tay trên vai con”. Tôi vừa định viết thêm đoạn nữa thì chuông cửa kêu. Tôi bước ra và thấy một người đưa thư trao cho tôi một bức điện tín.
Tôi trở vào nhà, khép cửa và mở bức điện ra: “Đức Chúa Trời là Đội trưởng của con. Một quyết định im lặng nhưng chắc chắn. Cám ơn bố về gia sản, tình yêu và lời cầu nguyện. John”. Tôi quỳ sụp xuống, nước mắt tuôn tràn trên má. Đức Chúa Trời đã cho phép tôi chạm một tay đến Ngôi cao sang của Ngài và một tay trên vai con trai mình. Sau những ngày cần thiết đã qua thì lá thư của John đã đến. Đúng lúc tôi quỳ gối cầu nguyện ở Allahabad, Ấn Độ thì John ở Hoa Kỳ, cũng đang quỳ gối một mình trong đêm tối dâng lòng mình cho Chúa.
Bạn có thể được lay động qua lời cầu thay của người khác
Tôi nhớ lại một dịp khác vào tháng 6/1962, khi tôi được triệu tập đến Los Angeles để dự cuộc họp của Ban Giám Đốc OMS. Ngày cuối cùng ở Landour, trên độ cao 1.800 mét thuộc dãy Hymalayas, tôi bắt đầu cảm thấy đau yếu. Cổ họng khô, cơ thể đau nhức, tôi bị sốt cao. Khi làm việc ở văn phòng cố thu dọn đống thư từ liên lạc, tôi cầu nguyện để gia đình không chú ý đến mức độ ốm của mình, vì e rằng họ sẽ không cho tôi đến Delhi để về Hoa Kỳ tối đó. Cả gia đình cùng đi bộ với tôi xuống sườn núi đến trạm xe buýt và không để ý sự đau yếu của tôi.
Khi xe buýt chuyển bánh tôi vẫy chào tạm biệt gia đình, nhưng xe vừa đến vòng cua của góc phố thì tôi nằm gục đầu xuống ghế phía trước, không còn đủ sức ngước lên tí nào nữa. Tôi sốt cao mà chuyến đi 18 dặm trên đường quanh co đến Dehra Dun thật là vất vả. Ở đây, tôi bắt xe lửa đến Delhi. Đêm đó cầu chì điện bị cháy nên quạt và đèn trên xe không hoạt động. Cơn sốt tăng lên khi tôi đấu tranh chống lại sự ói mửa và đau đầu. Tôi thầm nghĩ: “Giá như mình có thể gặp được một Cơ Đốc Nhân và nhờ họ cầu nguyện cho mình nhỉ!”
Bỗng nhiên, con tàu tăng tốc trong đêm tối và tôi cảm thấy như có một bàn tay người cầm khăn lạnh lau trán tôi. Lập tức, cơn sốt, đau đầu, buồn nôn và đau họng biến mất và tôi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Ngay sau đó tôi nghĩ: “Ai đã cầu nguyện cho mình nhỉ?”
Có hai chặng dừng chân ở Hồng Kông và Tokyo, với một ngày cầu nguyện đã lên lịch với các đồng lao người Hoa và Nhật ở cả hai thành phố. Mỗi lần trước khi chia sẻ sứ điệp, tôi đều nói về từng trải vừa rồi của mình. “Tôi có mặt ở đây ngày hôm nay là nhờ một người đã cầu thay cho tôi. Tôi không biết vị đó là ai, nhưng tôi đã cảm nhận bàn tay của người đó”.
Các khóa họp của Ban Giám đốc OSM kéo dài vài ngày ở Los Angeles. Một ngày kia khi thư từ được phát thì có một lá thư cho tôi. Tôi mở ra đọc: vào khoảng 9:15 tối ngày tôi rời Landour, người đó đã cảm thấy có một gánh nặng phải cầu nguyện cho tôi. Vâng, đúng ngày giờ đó. Dù tôi có cảm thấy bàn tay thực thụ của người cầu nguyện ấy không, hoặc đó là tay của một thiên sứ giúp đáp lời cầu nguyện thì cũng chẳng có gì khác biệt. Lời cầu nguyện vượt nhiều dặm đường và đem tác động chữa lành trên chuyến tàu đang tăng tốc vào một đêm tháng 6 nóng bức như thế.
Vì sao chúng ta lại không thường xuyên kinh nghiệm sự cầu nguyện với tác động mạnh như vậy? Có lẽ quá ít người đã phát triển được đôi tai biết lắng nghe tiếng phán êm dịu, nhỏ nhẹ của Thánh Linh. Có lẽ chúng ta thường không gần Chúa đủ để nhạy bén với sự hướng dẫn của Ngài. Dầu vậy, thực tế vẫn tồn tại. Cầu nguyện có một cánh tay dài, có thể vươn tới thiên đàng hay tác động vào bất kỳ lúc nào hoặc nơi nào trên đất. Theo một ý nghĩa kỳ diệu thì cầu nguyện khiến bạn trở thành người trung chuyển các phước hạnh của Đức Chúa Trời.
Ba Ngôi Đức Chúa Trời của sự cầu thay
Chúa Jêsus là Đấng Trung bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người trong sự cứu rỗi. Bất cứ sự trung chuyển phước hạnh nào mà Đức Chúa Trời cho phép chúng ta làm hiện nay đều dựa trên nền tảng là sự trung bảo của Đấng Christ, là người”. cũng đã viết tiếp sau đó ba câu: “Ta muốn những người đàn ông đều giơ tay thánh sạch lên trời, mà cầu nguyện khắp mọi nơi”.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta cầu thay với Ba ngôi như Ngài đã chỉ định. Đức Chúa Con hằng sống để cầu thay cho chúng ta (Hê 7:25). Hiện giờ, Ngài đang cầu thay cho chúng ta bên hữu Đức Chúa Trời. Chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta (Ro 8:34, 26). Dù Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh đang liên tục cầu thay thì sự cầu thay của Ba ngôi Đức Chúa Trời vẫn chưa hoàn tất cho đến khi bạn dự phần với Ngài trong sự cầu nguyện.
Đấng Christ đang cầu nguyện trên ngôi, đối diện với Đức Chúa Cha. Nhưng chúng ta “những kẻ yếu đuối hữu hạn, được cứu chuộc bởi ân điển của Đức Chúa Trời” lại được ban cho đặc ân không tưởng là chạm tay tới thiên đàng và cũng lay động ngôi Đức Chúa Trời! Lúc đó tôi nhớ cầu nguyện mà Đức Chúa Trời đã ấn định được hoàn chỉnh. Theo nghĩa thiêng liêng thì chúng ta đồng dự phần với Đấng Christ trong việc trung chuyển các phước hạnh của Đức Chúa Trời: Ngài ban phước cho thế giới này qua lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện khiến chúng ta có khả năng đụng chạm, lay động ngôi của Đức Chúa Trời bằng tay này và thế giới đau khổ bằng tay kia!
Wesley L. Duewel