Tôi có thể tưởng đến một vài phản ứng dành cho bài viết có tiêu đề như thế này.
“Hay quá. Một kẻ hướng ngoại nữa không biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên mỗi người có sự khác nhau”.
“Đây rồi! Một lời nhắc nhở cho những kẻ đứng im như tượng”.
“Thôi mà! Sao không để yên cho mọi người thờ phượng Chúa”.
“Tại sao chúng ta lại nói về chuyện này nữa?”
Đó là câu hỏi cuối cùng mà tôi biết hầu hết sẽ thắc mắc khi viết một bài nữa về tư thế của chúng ta trong sự thờ phượng với Hội Thánh. Chúng ta nói về chuyện này chưa đủ sao? Không phải mọi người cũng chỉ làm những điều họ luôn làm sao? Không phải những gì xảy ra trong lòng của chúng ta quan trọng hơn tư thế của chúng ta sao?
Câu hỏi rất hay. Nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta lựa chọn khác kém hơn hoặc bỏ qua tư thế của mình khi chúng ta nhóm nhau lại trong sự hiện diện của Ngài. Tư thế rất quan trọng.
Tại sao? Cho dù chúng ta giơ tay lên trời vào sáng Chúa Nhật hoặc giữ tay ở dưới thắt lưng của mình, thì Đức Chúa Trời cho biết ít nhất ba lý do vì sao tư thế của chúng ta bày tỏ giá trị của Đấng Christ.
- Tư thế quan trọng đối với Đức Chúa Trời
Hãy nghĩ thử xem. Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta là những thân thể có linh hồn, chứ không phải những linh hồn không có thể xác (Sáng thế ký 2:7). Trong trời mới đất mới, chúng ta sẽ không bị mất đôi tay, đôi chân, hai bàn chân, hai bàn tay và thân trên đâu. Chúng sẽ được làm cho vinh hiển (Phi-líp 3:20–21). Cho đến kỳ hạn đó ở tương lai, Kinh Thánh khuyến khích và chỉ cho chúng ta biết cách đáp ứng trước sự vĩ đại của Đức Chúa Trời bằng chính thân thể của mình.
Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững chắc; Tôi sẽ hát, phải, linh hồn tôi sẽ hát ngợi khen. (Thi thiên 108:1)
Môi và linh hồn tôi mà Chúa đã chuộc lại, sẽ reo mừng khi tôi ca tụng Chúa. (Thi thiên 71:23)
Vậy, hỡi anh em . . . tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. (Rô-ma 12:1)
Đức Chúa Trời liên tục kết nối những tư tưởng trong lòng với tư thế của chúng ta. Tất nhiên, những biểu hiện của tư thế không phải là tất cả. Giơ tay lên trời có thể là một hành động thiếu suy nghĩ hoặc một nỗ lực nông cạn để cho người khác thấy mình thật là thiêng liêng (Ma-thi-ơ 6:2). Chúng ta có thể nhảy nhót để trau dồi cảm xúc của mình và “cảm nhận” sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ðức Chúa Jêsus quở trách những kẻ lấy môi miếng thờ kính Ngài, nhưng lòng họ thì xa Chúa lắm (Ma-thi–ơ 15:8).
Đúng là những biểu hiện của tư thế có thể bị lạm dụng hoặc gây hiểu lầm. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn muốn chúng ta có những tư thế để đáp ứng trong sự thờ phượng Chúa. Từ Sáng thế ký đến Khải huyền, tạo vật của Đức Chúa Trời đáp ứng với Ngài bằng những biểu hiện bên ngoài. Chúng ca hát. Chúng vỗ tay. Chúng reo hò. Chúng nhảy múa. Chúng cúi đầu. Chúng quỳ gối. Chúng kính sợ. Cũng có lúc chúng còn giơ tay lên trời nữa. Đức Chúa Trời được tôn vinh hiển khi tạo vật làm như thế.
Tất nhiên, biểu hiện của tư thế không phải lúc nào cũng làm được. Một phụ nữ trong Hội Thánh của chúng tôi mới đây đã chia sẻ (thông qua con gái của mình) rằng cô ấy đang mất đi khả năng nói chuyện và di chuyển. Nhưng không có gì ngăn cản cô ấy thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tất cả khả năng của mình. Cô ấy không thể ca hát nữa, nhưng cô ta thờ phượng khi những người khác cất cao tiếng hát của họ. Cô ta không thể giơ tay lên trời được nữa, nhưng cô ấy cũng vui mừng như bao người.
Chúa Jêsus phán rằng chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình mà kính mến Đức Chúa Trời (Mác 12:30). Sự kính mến ấy phải được thể hiện ở trong và thông qua tư thế của mình tùy vào khả năng của chúng ta.
- Tư thế quan trọng với người khác
Đức Chúa Trời được tôn vinh hiển khi tư thế của chúng ta đáp ứng trước sự cao cả của Ngài bằng lời ca ngợi và lòng tin cậy. Nhưng câu trả lời đó cũng gửi một thông điệp đến những người xung quanh của chúng ta.
Một người kia đến nhà thờ vào sáng Chúa Nhật lẩm bẩm lời bài hát hoặc đứng khoanh tay có thể không hiểu vì sao Chúa Jêsus là Cứu Chúa thật vinh hiển. Tất nhiên, Đức Thánh Linh có thể chỉ cần dùng lời bài hát để tôn cao Đấng Christ ở trong lòng của người đó. Nhưng lòng nhân từ của Chúa Jêsus không đơn thuần là bài ca để chúng ta cất tiếng hát. Ngôn ngữ cơ thể của chúng ta truyền đạt cho người khác thấy lòng biết ơn của mình đối với bản chất của Đức Chúa Trời và những điều mà Chúa đã làm hoặc không làm. Suy cho cùng, “Người nào ngưỡng trông Chúa thì được chiếu sáng” (Thi thiên 34:5).
Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta để bị ảnh hưởng bởi những điều đã tác động đến người khác. Khi người ta nhìn thấy vẻ mặt của tôi sáng bừng lên khi vợ tôi là Julie bước vào phòng, họ hiểu rằng tôi đánh giá cao sự hiện diện của nàng. Họ sẽ bị cuốn hút để chia sẻ niềm vui và sự cảm kích của tôi, ngay cả khi họ không biết rõ về nàng.
Tương tự, Đa-vít nói hãy ngợi khen Đức Chúa Trời bằng một bài hát mới sẽ khiến nhiều người “nhìn xem, kính sợ, và để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va” (Thi thiên 40:3). Mọi người có cơ hội để “nhìn thấy và sợ hãi” khi quan sát chúng ta vào các buổi sáng Chúa Nhật không? Hành động của chúng ta có cho thấy Đức Chúa Trời đã kéo chúng ta lên khỏi hầm hủy diệt và đặt chân của chúng ta đứng trên hòn đá của Đức Chúa Jêsus Christ (Thi thiên 40:2) không? Chúng ta có thể bỏ lỡ một cơ hội để sử dụng hai bàn tay, hai cánh tay, gương mặt và tư thế của mình để bày tỏ Đức Chúa Trời thực sự hiện diện ở giữa chúng ta và cho thấy chúng ta rất lấy làm lạ, hạ mình xuống và biết ơn Ngài không?
- Tư thế quan trọng với chúng ta
Những chuyển động cơ thể của chúng ta hoạt động theo hai cách khác nhau. Đầu tiên, chúng thể hiện cảm xúc hoặc suy nghĩ ở bên trong. Người hâm mộ bóng đá đứng dậy và cổ vũ khi đội nhà của họ ghi bàn thắng quyết định. Cha mẹ vỗ tay và mỉm cười khi con gái của họ thực hiện bước đi chập chững đầu tiên của mình. Các tay chơi gôn chuyên nghiệp giơ tay lên mừng rỡ sau khi kết thúc lỗ đánh gôn quyết định. Một người chồng tương lai quỳ xuống khi chuẩn bị đeo nhẫn vào ngón tay của người vợ tương lai.
Tại sao chúng ta làm những điều này? Bởi vì có những điều không thể nói hết bằng lời được. Đức Chúa Trời đã ban cơ thể cho chúng ta để làm sâu sắc và khuếch đại suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta. Không ai dạy chúng ta biết những chuyển động của cơ thể cách trực tiếp (mặc dù chúng ta học được rất nhiều thông qua quan sát). Trên thế giới, trong các nền văn hóa, con người thể hiện ra bên ngoài để truyền đạt những điều diễn ra ở trong lòng của họ.
Chúa xứng đáng để chúng ta bày tỏ tình cảm sâu sắc nhất, mạnh mẽ nhất và thuần khiết nhất – Chúa muốn thân thể của chúng ta thể hiện điều đó.
Nhưng các biểu thức vật lý hoạt động theo cách thứ hai. Chúng khuyến khích chúng ta hướng đến những điều nên suy nghĩ và cảm nhận. Chúng rèn luyện tấm lòng của chúng ta để biết điều gì là sự thật, tốt lành và đẹp đẽ. Đó là một lý do vì sao một vài Hội Thánh cử hành nghi lễ bao gồm đứng, ngồi và quỳ cùng với nhau.
Trong chú giải của mình về sách Công vụ 20:36, nhà thần học kiêm Mục Sư John Calvin đã giải thích chi tiết lý do vì sao sứ đồ Phao-lô quỳ xuống cầu nguyện khi chào tạm biệt các trưởng lão Ê-phê-sô. Các nhận xét của ông vẫn còn phù hợp cho thế kỷ 21 như đã từng rất thích hợp cho thế kỷ 16.
Thái độ ở trong lòng chắc chắn là yếu tố tác động đầu tiên đến lời cầu nguyện, nhưng biểu hiện bên ngoài như quỳ gối, không che đầu, giơ tay lên trời, còn có tác dụng gấp đôi. Đầu tiên, chúng ta có thể sử dụng tất cả chi thể của mình để tôn vinh hiển và thờ phượng Đức Chúa Trời; thứ hai, chúng ta có thể nói mình đã thoát khỏi sự lười biếng nhờ có sự giúp đỡ này. Còn cách dùng thứ ba là bằng lời cầu nguyện long trọng và công khai, bởi vì khi làm như vậy, con cái của Đức Chúa Trời tuyên xưng lòng trung thành của họ và giúp đỡ nhau kính sợ Đức Chúa Trời cách nóng cháy. Nhưng cũng giống như giơ tay lên trời là biểu tượng của lòng tin quyết và khao khát, thì quỳ gối xuống là thể hiện sự hạ mình của chúng ta. (Chú giải của Calvin, quyển 19, dịch bởi Henry Beveridge [Grand Rapids: Baker, 1996], trong Công vụ 20:36)
Calvin nhấn mạnh ba lý do vì sao những biểu hiện của tư thế lại quan trọng ở trong mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời (tương tự như ba lý do trong bài viết này). Thứ nhất, Đức Chúa Trời được vinh hiển qua toàn bộ động thái trên cơ thể của chúng ta, thay vì chỉ có một chi thể nào đó. Thứ hai, những biểu hiện của tư thế giúp cho cảm xúc của chúng ta đi liền kề với chân lý mà chúng ta công bố và quý trọng. Thứ ba, những biểu hiện của tư thế truyền cảm hứng cho người khác bày tỏ sự tôn kính Chúa.
Tôi muốn chú ý vào điểm thứ hai. Đôi khi chúng ta cần phải “thoát khỏi sự lười biếng của mình”. Vào buổi sáng Chúa Nhật nọ, tôi cảm thấy mình không biết điều gì đang diễn ra ở xung quanh. Tôi thấy tư tưởng và cảm xúc của mình đang vẩn vơ hoặc uể oải. Vào những lúc như thế, tôi đã quỳ xuống hoặc giơ tay lên trời để thừa nhận rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, còn tôi thì không, chỉ một mình Ngài mới xứng đáng được tôi tôn kính, vâng phục và thờ phượng. Cuối cùng, những hành động đó giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn những điều mình hát hoặc lắng nghe. Tôi đã làm điều tương tự khi ở một mình. Trong cả hai trường hợp, cơ thể rèn luyện tấm lòng của tôi để nhận ra hiện thực, sự thật và điều quan trọng.
Sự thờ phượng đời đời
Thân thể của chúng ta là sự ban cho của Đức Chúa Trời, Chúa muốn chúng ta sử dụng nó vì sự vinh hiển của Ngài, vì lợi ích của những người xung quanh và cũng vì sự vui sướng của chúng ta. Chúa xứng đáng để chúng ta bày tỏ tình cảm sâu sắc nhất, mạnh mẽ nhất và thuần khiết nhất – Chúa muốn thân thể của chúng ta thể hiện điều đó.
Thật rõ ràng, chúng ta chỉ có đủ bấy nhiêu lời để nói ra một vài nguyên tắc và cách diễn đạt cơ bản. Tôi tin rằng các cuộc thảo luận về tư thế trong sự thờ phượng của Hội Thánh sẽ còn tiếp tục và kết quả cho đến khi Chúa Jêsus trở lại. Nhưng các cuộc thảo luận sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ hết mình – tức là bằng tư tưởng ở trong tâm trí, bằng lời lẽ của môi miệng, bằng hành động của thân thể quý báu – chúng ta sẽ không ngừng thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đấng đã cứu chuộc chúng ta.
Điều gì ngăn trở chúng ta bắt đầu ngay bây giờ?
Nguồn: https://tienphong.org