Vượt Thoát Từ Bắc Hàn

Share

Trong một cách nào đó, tôi tưởng tượng thời tôi lớn lên ở Bắc Hàn cũng giống như ở mọi nơi khác. Tôi có cha mẹ là người hiếm khi nào mà không tỏ lòng yêu thương tôi, và chị lớn của tôi luôn lo chăm sóc cho tôi. Tôi cùng đám bạn con nít tung tăng chạy bắt những con chuồn chuồn và ngóng đợi những giây phút thích thú xem phim hoạt họa trên TV. Thế nhưng Nạn Đói Vĩ Đại năm 1995 giáng xuống, và đặc ân thời thơ ấu của tôi bị tước mất.

Năm tôi 12 tuổi, cha tôi chết đói. Nhà của chúng tôi bị xiết để trả nợ cho một người bạn của gia đình tôi. Năm ấy, mẹ tôi trốn đến Trung Quốc với chị tôi để tìm thức ăn và tiền bạc. Vài tháng sau, bà trở về nhà một mình. Bà đã bán chị tôi làm “dâu nô lệ”, một số mệnh phổ thông cho những thiếu nữ Bắc Hàn tị nạn. Mẹ tôi tin rằng điều đó tốt hơn là để chị tôi ở nhà.

Tôi không biết bà có biết cái mà chúng ta gọi là “buôn bán nô lệ tình dục” là gì không! Nhưng những người môi giới thì vẽ vời về những quyền lợi khi lấy chồng người Trung Quốc. Mẹ không phải la người duy nhất phải làm những cái quyết định như thế này. Mẹ tôi tiếp tục lén lút đi đến và về từ Trung Quốc cho đến khi bị chính quyền Bắc Hàn bắt giam.

Với tình trạng cả gia đình biến mất, tôi phải sống trên đường phố. Cái cơ hội được yêu thương bắt đầu nhạt nhòa đi. Trước khi tôi có cơ hội để quyết định mình là ai, tôi bị người khác gọi là đứa vô gia cư, mồ côi, ăn xin. Khi tôi đến gần người ta ở khu ăn uống trong những cái chợ, họ xua đuổi tôi như xua đuổi ruồi. Không ai nói, “Sao con tiều tụy và tuyệt vọng quá vậy!” 

HÃY VƯƠN LÊN

Đến tuổi 15, tôi đối diện với một chọn lựa: hoặc là chết đói như cha tôi, hay trốn khỏi xứ và hy vọng tìm được một cuộc sống tốt hơn ở bên ngoài biên giới được đóng đồn canh gác. Giữa chuyện chắc chắn là chết và cơ hội sinh tồn, tôi chọn sinh tồn.

Tôi nghe là hầu hết những người Bắc Hàn vượt thoát bằng cách vượt qua biên giới Trung Quốc ban đêm nên tôi làm kế hoạch vượt thoát vào giữa ban ngày tháng 2 năm 2006. Tôi trườn xuống bờ sông Tumen, bọc giầy của tôi với cát phù sa để giày bám, rồi chạy hết sức vượt qua mặt sông đóng băng qua tới bên kia bờ. Thật là một phép lạ khi tôi qua được bên đó. Tôi vượt thoát với ngập tràn hy vọng. Tôi chắc là mình sẽ không gặp khó khăn tìm thức ăn. Tôi tưởng tượng có những gia đình người Trung Quốc trao cho tôi những đồ ăn thừa của họ vì một chén cơm chẳng là gì với họ.

Nhưng một khi đã đến Trung Quốc, sự thật lại phũ phàng. Chẳng có ai muốn chia xẻ cho tôi. Họ khó chịu khi tôi xin cơm thừa. Tôi thật hoảng hốt. Tôi không tin là người ta lại như vậy. Trong vài tuần lễ, tôi chỉ ăn xin được đủ để sống sót. Thế rồi một bà cụ Trung Quốc gốc Hành đến nói với tôi, “Bà xin lỗi – bà không có gì để cho cháu,” bà bảo. “Nhưng cháu nên đến một hội thánh.” Bà nói tôi tìm một căn nhà nào có thập tự giá. Tôi đã thấy một chữ thập đỏ ở cổng nhà thương ở Bắc Hàn. Tôi có thấy vài tòa nhà, nhưng không cái nào có chữ thập đỏ. Tôi hỏi một người đi bộ ngang qua. “Ở đâu tôi có thể tìm ra thập tự giá?” Ông nói, “ngước mặt lên đi.” Và nó ở ngay đó. Đây là lần đầu tiên tôi bước vào một hội thánh. Lúc đó là giấc khuya, và có vài người đàn ông đứng ở một tòa nhà tầm cỡ trung bình. Tôi nói, “Cháu đến từ Bắc Hàn. Cháu không biết ai ở đây hết và cháu xin giúp cho cháu.” Một ông cho tôi 20 yuan và nói rằng đó là tất cả những gì họ có.

Từ phố đó ở vùng cực bắc Trung Quốc, tôi tìm cách đến được Yanji, rồi thành phố Tumen. Tôi lang thang mãi cho đến khi tìm được một nhà thờ. Trên bức tường có viết những chữ này: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ ban cho ngươi sự yên nghĩ.” Tôi cảm giác như là một người nào đã nói trực tiếp với tôi. Tôi nghĩ là nghe được tiếng nói rằng, Ta biết con đã kiệt sức ra sao và con đang ở trong tình trạng tuyệt vọng thế nào. Hãy đưa bàn tay của con cho ta và ta sẽ chăm sóc con. Một người đàn bà ăn mặc tươm tất chào tôi với nụ cười mĩm – mặc dầu tôi đã không tắm rửa trong nhiều tuần, “Tôi có thể giúp cho cậu như thế nào?” 

Tôi nghĩ là phải làm cho ra vẻ khẩn cấp hơn nên thay vì nói với bà những điều tôi thường nói, tôi nói dối. Tôi bảo là tôi trên đường tìm đến chị tôi ở một phố khác và cần có phương tiện đi đến đó. Bà nói tôi chờ trong sảnh. Bà trở lại với 50 yuan và chúc tôi may mắn. Đó là số tiền lớn nhất tôi từng có được trong tay.

Vài ngày sau, tôi trở lại nhà thờ đó, tưởng tượng sẽ được 50 yuan nữa. Lần này, các tín hữu cho tôi ở tạm. Thật là tốt hơn tôi mong đợi. Tôi đã từng ngủ trong một căn nhà bỏ hoang không có cửa sổ trong mùa đông giá lạnh; ngủ trong một căn phòng đàng hoàng với một cái mền thật là thích thú. Tôi đồng ý ở lại.

Một tuần sau, tôi đụng phải người đàn bà đã cho tôi 50 yuan. Bây giờ mới biết biết bà là vợ của ông mục sư. Tôi sợ bà sẽ la mắng tôi vì đã nói dối và sẽ đuổi tôi đi, nhưng bà cứ để tôi ở đó. 

Một buổi trưa nọ, tôi nghe các tín hữu bàn về việc mục sư có răng hư nhưng không đủ tiền đi chữa răng. Tôi biết ra là bà đã cho tôi số tiền mà ông để dành. Đến lúc đó tôi mới nhận thức 50 yuan lớn như thế nào với gia đình của bà.

Hành động rộng rãi của bà đốt lên sự tò mò của tôi về Đức Chúa Trời. Bà nhìn cũng như những người đã từ chối, không cho tôi cơm thừa của họ, nhưng bà khác họ. Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh để biết bà tin cái gì. Mặc cho tôi đã ráng học, tôi không thể hiểu. Từ vựng, khái niệm về thiên đàng và hỏa ngục – chẳng có cái nào trong những cái này là hợp lý với tôi. Dù vậy, tôi vẫn kinh ngạc về đức tin của bà. 

Ở Trung Quốc, chứa chấp một người tỵ nạn Bắc Hàn là bất hợp pháp, vậy mà hội thánh này đã cho tôi ăn ở hơn 2 tuần. Tôi không thể ở đó mãi. Một tín hữu tìm ra một bà cụ Trung Quốc gốc Hàn sống ở một thành phố khác sẵn sàng chứa chấp tôi. Bà là một Cơ đốc nhân tin kính. Bà cho tôi gọi bà là “bà nội.” Tôi không biết cầu nguyện, nhưng bà khích lệ tôi đọc Kinh Thánh và dạy tôi hát các bài thánh ca. Bà cho tôi một cái tên mới là Giô-sép.

Bài cầu nguyện đầu tiên của tôi là bằng tiếng Trung Quốc, vào cái đêm bà dạy tôi bài hát:

Cha ơi, con vươn tay đến Ngài

Chẳng một ai giúp con, con biết

Nếu Ngài rút tay ra khỏi con

Ôi! Con sẽ đi về đâu.

Tối hôm đó tôi cầu nguyện, Chúa ơi, con không biết Ngài là ai hay Ngài có thật hiện hữu như Kinh Thánh và mấy người tin Chúa nói. Nhưng con thật cần Ngài.

Vài tháng sau khi tôi dọn vào nhà bà nội. Tôi gặp một người truyền giáo Nam Hàn đang điều hành một nơi tạm trú bí mật cho những người Bắc Hàn. Sau đó, cũng trong năm, một người hoạt động giúp tôi tái định cư ở Hoa Kỳ. Tôi đến năm 2007 như là một người tỵ nạn và bắt đầu đi học trường phổ thông ở Richmond. Những ngăn trở khác nhau ụp xuống tôi. Tôi không thể hiểu một chữ tiếng Anh, và tôi không hiểu một lời mà lớp học hay bạn học của tôi nói, tôi không theo kịp với dòng khác biệt văn hóa. Nhưng vì tôi còn trẻ, tôi có thể học tiếng Anh. Tôi tốt nghiệp sau 4 năm học, và hiện nay đang học Đại Học ở thành phố New York. Tôi tham gia một hội thánh ở Manhattan để biết thêm về Chúa và Lời Ngài.

[bs-quote quote=”Chúa ơi, con không biết Ngài là ai hay Ngài có thật hiện hữu như Kinh Thánh và mấy người tin Chúa nói. Nhưng con thật cần Ngài.” style=”style-15″ align=”right”][/bs-quote]

Bài hát bà nội dạy tôi đặt những lời mà lòng tôi cần nói ra. Tôi đã đơn độc trong thế giới. Bất cứ lúc nào, giới chức chính quyền cũng có thể bắt tôi và trao trả tôi trở lại Bắc Hàn để chết đói. Tôi có cảm giác rằng chẳng một ai muốn ngó đến tôi, không ai có thể giúp tôi. Điều gì đã xảy ra nếu Đức Chúa Trời cũng rút tay Ngài ra khỏi tôi? 

Nhưng điều gì là sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nếu không phải đó là những hội thánh đã chứa chấp tôi hay người đàn bà đã cho tôi 50 yuan mà bà dành dụm được hay là bà cụ tin Chúa đã cho tôi một cái tên mới? Vượt thoát đến Trung Quốc, tôi đã mất hết hy vọng vào lòng tốt của con người. Gặp được những Cơ đốc nhân ở đó, tôi tìm lại được hy vọng. Chăm sóc những kẻ lạ, hành động thương xót mà không cần nhận gì lại. Đó là vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của phúc âm. 

 

  • JOSEPH KIM là tác giả của cuốn sách Dưới Cùng Một Bầu Trời: Từ Nạn Đói Ở Bắc Hàn Đến Sự Cứu Rỗi ở Hoa Kỳ (Houghton Mifflin Harcourt).

 

Ánh Dương

(Lược dịch theo: christianitytoday.com)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan