Nàng dâu Cải Chánh.  Tình yêu kiên định của Margaret Baxter

Share

Năm 1655, một góa phụ giàu có và tin kính, Mary Hanmer, đã chuyển đến Kidderminster, một thị trấn xa xôi ở phía tây nước Anh, để học hỏi từ chức vụ của Richard Baxter. Ông là một trong những mục sư xuất sắc nhất của thời đại. Thông qua chức vụ của ông, Kidderminster đã được biến đổi. Những gia đình bị vướng vào tình trạng say sưa và bạo lực đã trở thành những nơi ca hát vui mừng. Bà Hanmer rất muốn nghe ông giảng và sốt sắng phục vụ trong cộng đồng hẻo lánh này.

Tuy nhiên, đứa con gái còn nổi loạn ở tuổi thiếu niên là một chuyện hoàn toàn khác. Lúc đầu, Margaret thất kinh trước sự nghèo đói và tồi tàn của cuộc sống tại Kidderminster, nàng không hề có sự đói khát thuộc linh nào đối với chức vụ của Baxter. Nhưng đây là một khởi đầu sẽ khiến cô gái trẻ Margaret Hanmer này trở thành bà Baxter, một người vợ trung kiên.

Sống cho bản thân

Cô gái mười sáu tuổi Margaret đã chịu nhiều đau khổ trong suốt cuộc nội chiến xâu xé nước Anh từ năm 1642 đến 1651. Khi được năm tuổi, lâu đài của gia đình đã bị thiêu rụi, vài người đàn ông trong gia đình bị giết, còn nàng thì bị lột trần và bị đe dọa tính mạng.

Giờ đây, hoà bình đã được lập lại, Margaret muốn sống cho riêng mình. Nhưng nàng xuất thân từ tầng lớp xã hội cao quý hơn người dân tại cộng đồng dệt may ở nông thôn này. Không có bạn bè hoặc không có xã giao gì cả! Nàng cố tình ăn mặc lộng lẫy để khiến mọi người phải chú ý.

Bà Hanmer đau khổ khi thấy đứa con gái của mình không màng đến thực trạng thuộc linh. Nhưng ít ra Margaret đang nhóm lại tại một Hội thánh rao giảng Phúc Âm. Xét cho cùng, Baxter luôn giảng dạy “như một người đang hấp hối đối với những người đang hấp hối”. Ông khẩn khoản cầu thay cho người nào lắng nghe sự giảng dạy của mình và liên tục thăm viếng từng gia đình trong cộng đồng, nài nỉ mọi người quay trở lại với Đức Chúa Trời.

Dù không chủ ý nhưng tấm lòng của Margaret bắt đầu bị cáo trách về tính ích kỷ, kiêu ngạo, phù phiếm và xem thường Đức Chúa Trời. Sự cáo trách này là khởi điểm cho sự biến đổi của nàng từ một thiếu niên nổi loạn trở thành môn đồ tận hiến của Chúa Jêsus.

Sống cho Đức Chúa Trời

Khi thái độ của Margaret mềm mại hơn, nàng đã ăn năn vì đã khinh thường những người hàng xóm nghèo khổ. Nàng bắt đầu dành thời gian đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, cũng ghi lại ước muốn sống cho Đức Chúa Trời của mình. Nhật ký cá nhân của nàng, được phát hiện sau khi nàng qua đời, đã chứa đựng “những trang tự vấn lương tâm” do nàng viết lại khi mới đôi mươi. Chẳng hạn, nàng ghi rằng “mười dấu hiệu của người có Thánh Linh của Đấng Christ” (Trong hoạn nạn cũng như vui mừng, trang 54). Trong số mười dấu hiệu đó, nàng ghi lại tội lỗi của mình và than thở vì mình chưa có Thánh Linh của Đấng Christ.

Trong khoảng thời gian này, Margaret mắc bệnh rất nặng. Nhiều người trong cộng đồng đã kiêng ăn và cầu nguyện xin Chúa gìn giữ mạng sống của nàng, còn Đức Chúa Trời đã đáp lời cách phi thường. Khi bình phục, Margaret liệt kê bảy “ơn thương xót lớn” mà nàng muốn Hội thánh dâng lời cảm tạ. Nàng cũng gửi thêm những nan đề cấp bách cần cầu thay cho Hội thánh nữa. Nàng muốn có lòng khiêm nhường, có lương tâm dịu dàng, có sức lực để chống trả cám dỗ và có sự nhu mì để chịu đựng mọi thử thách mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra trong cuộc đời của mình.

Ngoài ra, Margaret đã thực hiện một “giao ước với Đức Chúa Trời” cách bí mật và một loạt những cam kết mà mọi người phát hiện ra sau khi nàng đã qua đời. Nàng viết rằng:

Hôm nay, tôi đã tái kết ước với Đức Chúa Trời toàn năng và bởi ân điển của Ngài, tôi sẽ nỗ lực duy trì và tìm kiếm lòng thương xót của Ngài cho linh hồn của mình, tôi sẽ cố gắng nhận biết rõ hơn về tội lỗi của mình. (59)

Sống để phục vụ người khác

Năm 1660, Charles II được phục chức làm hoàng đế, nhờ đó mà Hội thánh Anh giáo cũng được khôi phục lại. Trước sự thay đổi này, Baxter đã chuyển tới Luân Đôn để cố gắng ảnh hưởng Hội thánh theo Kinh Thánh nhiều hơn.

Mary Hanmer đã chuyển đến Kidderminster chỉ để học hỏi từ chức vụ của Baxter. Không còn lý do để ở lại nữa, bà và Margaret cũng chuyển đến Luân Đông. Nhưng chỉ trong vài tháng sau đó, Mary đã qua đời, để lại Margaret một mình.

Đến lúc này, Baxter vẫn chưa tính đến chuyện kết hôn. Ông tin rằng nếu người mục sư tận tâm trong chức vụ, thì ông ta sẽ không thể đáp ứng những đòi hỏi của gia đình. Nhưng sau đó, Đạo luật Thống nhất năm 1662 đã yêu cầu mục sư từ bỏ những đặc điểm Thanh Giáo của mình, buộc Baxter phải rời khỏi chức vụ. Khi lời biện hộ của ông cho lối sống độc thân bị bác bỏ, ông đã kết hôn với Margaret vào ngày 10 tháng 9 năm 1662. Ông được 47 tuổi, còn nàng được 23 tuổi. Bấy giờ, ông không có phương tiện để kiếm sống, còn nàng thì giàu có. Người ta cứ thoả sức bàn tán về chuyện này.

Nhưng Margaret đã vô cùng hạnh phúc. Nàng phải cùng chồng đối mặt với bắt bớ và bất ổn, nhưng họ đã vui hưởng sự kết hiệp thực sự trong Phúc Âm. Họ có cùng đam mê rao truyền Đấng Christ cho tội nhân đang cần Ngài. Nàng còn chăm lo những điều thiết thực trong sinh hoạt hàng ngày, để Richard được tự do thực hiện chức vụ viết lách của ông. Ông ngưỡng mộ sự khôn ngoan của nàng và thường tham khảo ý kiến:

Nàng rất giỏi giải quyết những trường hợp gặp vấn đề về lương tâm hơn hầu hết các thánh đồ mà tôi từng biết trong đời. Tôi thường đưa ra những vụ việc, mà cô ấy giải quyết cách bất ngờ, để thuyết phục bản thân rằng mình vẫn còn thiếu sót trong cách giải quyết vấn đề. (48)

Margaret vui mừng khi sử dụng tài chính vào việc tặng sách cũng như giúp đỡ người gặp khó khăn. Nàng và Richard đã mở cửa nhà để tiếp đón những người hàng xóm, hầu cho Richard có thể chia sẻ Lời Chúa với họ (đây là một hoạt động bất hợp pháp, nhưng họ vẫn làm).

Vào tháng 6 năm 1669, Richard bị bắt và chịu án sáu tháng tù. Margaret cương quyết muốn ở tù cùng chồng và một người cai ngục tốt bụng đã cho phép họ có một căn phòng riêng. Họ được phóng thích sớm nhưng phải tìm chỗ ở bên ngoài thành phố Luân Đôn, vì Đạo Luật Năm Dặm khét tiếng buộc các truyền đạo trái phép phải giữ khoảng cách năm dặm đối với bất kỳ địa điểm nào mà họ đã từng phục vụ ở đó.

Năm 1672, nhà vua đã ban bố Lệnh Ân Xá, giúp xoa dịu tình hình của các nhà truyền đạo trái phép. Suốt nhiều năm còn lại trong đời mình, Margaret đã hỗ trợ và khích lệ Richard trong chức vụ của ông. Nàng sử dụng tài sản của mình để thuê các tòa nhà, để ông có thể truyền giảng, thậm chí nàng còn chi trả kinh phí xây dựng các điểm nhóm.

Sự sống đời đời

Trong suốt mười chín năm chung sống, cả Richard lẫn Margaret đều ngã bệnh. Họ cùng sống với hy vọng về cõi đời đời.

Vào năm 1647, Baxter đã mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng. Lúc ấy, ông viết quyển Sự yên nghỉ đời đời của thánh đồ, trong đó ông nài xin độc giả của mình dành thời gian mỗi ngày để suy gẫm về thiên quốc:

Hãy tìm chỗ riêng tư, lúc thuận tiện, và bỏ những chuyện khác sang một bên. Hãy ngước mắt lên trời. Hãy nhớ rằng sự yên nghỉ đời đời của chúng ta ở đó. Hãy suy gẫm về sự diệu kỳ và tính hiện thực của điều này. Hãy đi từ nhận thức đến đức tin, bằng cách so sánh niềm vui trên trời và lạc thú trần gian, cho đến khi chúng ta được biến đổi một tội nhân đãng trí, một kẻ yêu thế gian, thành người nhiệt thành kính mến Đức Chúa Trời . . . Hãy suy gẫm cho đến khi tấm lòng của chúng ta bị dứt khỏi trần thế mà hướng về thiên quốc, cho đến khi chúng ta thấy vui thích khi được đi cùng với Đức Chúa Trời.

Margaret đã bước vào “sự yên nghỉ đời đời” trước chồng mình. Sau mười hai ngày bệnh nặng, nàng đã qua đời vào ngày 14 tháng 6 năm 1681, ở tuổi 42. Richard đã rất đau buồn. Ông lập tức viết một ký sự về vợ mình, mô tả cách yêu thương về lòng tận hiến của nàng dành cho Đức Chúa Trời.

Richard phản ánh cách trung thực về sự lo lắng và sợ hãi của Margaret, cũng như tính cầu toàn đến mức bị ám ảnh. Nàng đã nỗ lực hết mình. Mong muốn phục vụ vượt quá khả năng của nàng, cuối cùng thì cả cơ thể và tâm trí đều chịu đựng sự căng thẳng. Nhưng ông cũng khen ngợi sự thương xót mà nàng đã dành cho người nghèo và người gặp khó khăn, cũng như lòng sốt sắng để vươn đến những người chưa biết Đấng Christ, nàng là một tấm gương sáng cho người khác noi theo. Nàng có tiếng là vui vẻ và dễ chịu đối với những người xung quanh.

Lời chứng của Baxter về sự tận hiến và sự tin kính của vợ mình mạnh mẽ đến nỗi hôn nhân của ông thường được xem là điều lý tưởng cho mọi người. Hơn ba trăm năm sau, Margaret vẫn là một người nữ đáng ngưỡng mộ và noi theo.

—————————————————–

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Nguồn:  https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan