Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 27

Share

27LÀM SAO TOÀN THẮNG TRONG SỰ CẦU NGUYỆN

 

Có thể nhiều lần, cầu nguyện toàn thắng là một chiến trường khốc liệt song ngắn ngủi. Dù vậy, sự cầu nguyện toàn thắng thường có các đặc điểm sau:

Bạn phải sẵn lòng mất thời gian

Có một số lời đáp tức thì cho các vấn đề có tầm quan trọng thuộc linh. Tất nhiên, Đức Chúa Trời đã thi thố phép lạ khi đáp ứng các lời khẩn cầu ngay tại chỗ, song nhiều chiến trận thuộc linh đòi hỏi khá nhiều thời gian. Bạn không thể tìm kiếm ơn phước Chúa dựa trên thời lượng cầu nguyện. Song không có ai đã trở nên quyền năng trong sự cầu nguyện mà không từng để nhiều thời gian cầu nguyện cả.

Hãy lắng nghe lời chứng của Ê-sai: “Ta vì cớ Si-ôn sẽ chẳng làm thinh, vì cớ Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng an nghỉ, cho đến chừng nào sự công bình nó rực rỡ như sự sáng và sự cứu rỗi nó chói lòa như ngọn đèn. Hỡi Giê-ru-sa-lem, Ta đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Đừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi khen trong cả đất!” (Ês 62:1,6-7).

Nê-hê-mi đã cầu nguyện dốc đổ cả ngày và đêm: “Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của đầy tớ Chúa, mà tôi hiện lúc này hằng ngày và đêm cầu nguyện vì dân Y-sơ-ra-ên, là các tôi tớ Chúa, ở tại trước mặt Chúa và xưng các tội của dân Y-sơ-ra-ên mà chúng tôi đã phạm với Ngài. Vả lại, tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội” (Nê 1:6).

Đa-ni-ên cầu nguyện đều đặn vào giờ đã định nhưng đã để ba tuần liền dốc đổ cầu nguyện lúc có nhu cầu đặc biệt (Đa 10:2).

Phao-lô cả ngày lẫn đêm, đã cầu nguyện dốc đổ cho các tân tín hữu và các Hội thánh mới lập của mình (Itê 3:10). Chúng ta sẽ không làm ít hơn khi học cách cầu nguyện toàn thắng.

Chúa Jêsus thường xuyên cầu nguyện suốt đêm. “Trong lúc đó, Đức Chúa Jêsus đi lên núi để cầu nguyện và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời” (Lu 6:12). “Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho các người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài mà lại chậm đến cứu họ sao! Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?” (18:7-8).

Bạn học cầu nguyện bằng cách cầu nguyện. Người ca sĩ bỏ ra hàng giờ để luyện thanh nhạc và học thuộc bài hát. Các võ sĩ tập luyện để hoàn thiện các kỹ năng và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp mình. Đội quân không được trui rèn gian khổ bằng sự thao tập liên tục thì ít giành được chiến thắng. Chỉ có một cách duy nhất để học cầu nguyện. Đó không phải là đọc sách về cầu nguyện, hát về cầu nguyện, nghe các bài giảng về cầu nguyện nhưng bằng cách cầu nguyện thêm, càng thêm và hơn thế nữa.

Trong chính bản chất của sự việc, sự đắc thắng trong cầu nguyện thường mất nhiều thời gian. Sự cầu nguyện tìm cách trục xuất các kẻ thù thâm căn cố đế. Cầu nguyện tìm cách thay đổi ý muốn của con người. Có thể bạn phải vây phủ họ nhiều ngày với sự cầu nguyện trước khi họ hiểu hoặc trở nên sẵn lòng vâng lời Đức Chúa Trời. Các sự đáp lời cầu nguyện thường đòi hỏi thời điểm và sự điều phối phức tạp các sự kiện và đời sống bởi Đức Chúa Trời.

Sức mạnh của sự cầu nguyện có thể được nâng đến mức hầu như không chống lại được. Bạn không thể lưu trữ hết ân điển nhưng bạn có thể tích trữ sự cầu nguyện. Các dòng nước tràn ngập đang dâng lên, có thể quét sạch bất cứ ngăn trở nào và làm vỡ tan bất kỳ cái đập nào. Cũng vậy, năng lực tích lũy của sự cầu nguyện toàn thắng có thể chuyển dời các trở lực không lay động nổi. Nền tảng đó là sự cầu nguyện không thôi. Điều này còn hơn là một hoạt động mà phải trở thành thái độ của cuộc sống.

Bạn phải cầu nguyện trong Thánh Linh

Trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử dân sự của Đức Chúa Trời đã chứng minh mối liên hệ giữa Thánh Linh và sự cầu nguyện. Spurgeon nói: “Cầu nguyện là một nghệ thuật mà chỉ Thánh Linh mới có thể dạy chúng ta. Ngài là Đấng ban cho mọi lời cầu nguyện”. E.M.Bounds tin rằng: “Bí mật của sự cầu nguyện yếu đuối ở mọi nơi là thiếu quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời”.

Bạn phải được đầy dẫy Thánh Linh và sống trong Thánh Linh nếu bạn thật sự muốn toàn thắng khi cầu thay. Lời cầu nguyện yếu ớt được phát sinh từ một kinh nghiệm nông cạn, hời hợt về Đức Thánh Linh. Đầy dẫy Thánh Linh là được chính Ngài kiểm soát và chỉ có Ngài mới có thể làm cho bạn trở nên đủ khả năng cho một đời sống cầu nguyện.

“Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Êph 6:18). Hãy nhân danh Đức Thánh Linh mà cầu nguyện” (Giu 20). “Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Đức Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy” (Rô 8:26-27). “…chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh” (Êph 2:18).

Đức Thánh Linh, Đấng vĩ đại khiến điều này thành có thể vào thời điểm của Ngài. Một vai trò chính của chức vụ Ngài trong Cơ đốc nhân là khiến người ấy có khả năng cầu nguyện như đáng phải có. Vì thế, cầu nguyện trở thành chức vụ đối tác thật sự với Đức Thánh Linh. Thức canh và cầu nguyện đòi hỏi bạn phải rất nhạy bén với Thánh Linh, với sự kiểm tra, nhắc nhở của Ngài, với tâm trạng của Ngài. Giữ tâm linh thức tỉnh và nhạy bén giúp bạn sống trong Thánh Linh, bước đi trong Ngài và cầu nguyện trong Ngài. Bằng cách này, bạn mới nếm trải được sự suy nghĩ của Ngài và các ao ước của Ngài.

Bạn phải cầu nguyện bằng sự bền đỗ khẩn cấp

Nài nỉ dai dẳng là sự bền đỗ không xấu hổ trong việc cầu xin. Nó bày tỏ tinh thần thúc bách đến mức không thể trì hoãn các nài xin khẩn cấp của mình. Kinh Thánh thường nhắc lại việc quan trọng là tiếp tục theo đuổi sự cầu nguyện khẩn thiết, không sờn lòng hay bỏ cuộc.

Chúa Jêsus đã kể cho môn đồ một ví dụ minh họa lẽ thật này. Có một vị quan án không công bình kia, có lòng cứng cỏi với Đức Chúa Trời và con người, song vì sự bền đỗ không hổ thẹn của một bà góa nghèo khó nên ông đã có hành động giúp đỡ bà (Lu 18:1-8). Chúa Jêsus đã hứa rằng huống chi là Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện bền đỗ của con cái Ngài.

Chúa Jêsus đã dạy rằng việc kêu cầu khẩn thiết và bền đỗ sẽ đem đến những kết quả từ một người bạn vốn không muốn giúp đỡ vì đơn thuần chỉ là bạn mình. Ngài kết luận: “Ta nói cùng các ngươi, dầu người ấy không chịu dậy cho bánh vì là bạn mình, nhưng vì cớ người kia làm rộn, sẽ dậy và cho người đủ sự cần dùng”. Rồi Chúa Jêsus liền ban lời hứa và mạng lệnh cầu nguyện quan trọng, nêu rõ tính thúc bách gia tăng: “Ta nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp và sẽ mở cửa cho ai gõ” (Lu 11:5-10).

Judson nói: “Đức Chúa Trời rất yêu thích các lời cầu nguyện khẩn thiết đến nỗi Ngài sẽ không ban cho chúng ta nhiều ơn phước nếu không có điều đó”. Lời cầu nguyện bền đổ khẩn thiết đã rèn tập bạn trong đời sống cầu nguyện. Bounds viết: “Có ít điều đem lại sức mạnh trường kỳ và mau chóng dường ấy cho linh hồn bằng một kỳ cầu nguyện khẩn thiết kéo dài và mệt nhoài”. Các kỳ cầu nguyện như vậy là những lần tăng trưởng lớn lao trong ân điển và sự trưởng thành thuộc linh.

Lời cầu nguyện bền đỗ khẩn thiết cả linh hồn và con người bạn tham gia. Đó là sự biến động của toàn thể linh hồn bạn hướng về Đức Chúa Trời: “Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu Ta, sẽ đi và cầu nguyện Ta và Ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ cho các ngươi tìm được Ta” (Giê 29:12-14).

Bounds nói: “Thiên đàng quá bận nên không thể nghe được những ai cầu nguyện nửa lòng”. Đức Chúa Trời không khoan dung tính hâm hẩm của chúng ta. Lời cầu nguyện ăn nuốt bằng lửa. Chính những người cầu thay bốc lửa đã chinh phục. Lòng khao khát cháy bỏng như thế khiến sự cầu thay là vô địch. Khẩn thúc là sự cầu nguyện bốc cháy. Lòng khao khát là ngọn lửa bên trong; sự cầu thay là ngọn lửa lan tỏa ra bên ngoài đến với Đức Chúa Trời.

Lời cầu nguyện rực lửa đốt cháy đường đi, vượt qua các vật cản đến với ngôi Đức Chúa Trời. Lòng nóng cháy là sự sửa soạn tốt nhất của bạn cho sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện bốc lửa là cường độ được sinh ra từ Thánh Linh. Lửa Thánh Linh báp-têm lòng bạn như một chiến sĩ cầu nguyện và ban quyền năng cầu nguyện cho bạn. Nếu các lời cầu nguyện của bạn không được lửa Thánh Linh chạm đến thì bạn vẫn chưa cảm nhận được lòng rộn rã của Đức Chúa Trời. Được cuốn hút vào ý muốn, mục đích, lòng nhiệt thành và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thì tấm lòng và lời cầu nguyện của bạn sẽ bùng cháy.

Bạn không thể tạo ra loại lửa này của Thánh Linh nhưng bạn có thể chuẩn bị cho lửa đó, đón chào, cầu nguyện cho đến lúc bạn nhận được lửa và nạp thêm nhiên liệu để giữ cho lửa không tắt lịm đi. Loại cầu nguyện cháy bỏng như thế đôi khi làm cho sự buồn ngủ biến mất và lòng khát khao kiêng ăn. Cảm xúc tự tạo thì dễ kiếm; sự nhiệt thành của con người đôi khi lại quá khích. Nhưng lời cầu nguyện được Thánh Linh ban quyền phép đem lửa từ thiên đàng xuống, lửa ở trong linh hồn và tâm linh hân hoan.

Bounds viết: “Lửa là đời sống cầu nguyện; thiên đàng được chạm đến bởi sự khẩn thúc bốc cháy ngày càng tăng”. Thiên đàng ít chú ý đến các lời cầu xin bình thường. Đức Chúa Trời không bị lay động bởi những khao khát yếu ớt, các lời cầu nguyện lờ phờ và sự biếng nhác thuộc linh. Ngài sui sướng khi thấy một linh hồn đang bốc cháy với niềm đam mê thánh khi tấm lòng tan chảy ra với Ngài.

Cả thiên đàng lẫn địa ngục đều trân trọng lời cầu nguyện kiên trì, dạn dĩ và thiết tha. Không có chỗ cho sự nhút nhát trong việc cầu thay. Chúng ta phải dạn dĩ đến với ngôi ân điển (Hê 4:16). Đức Chúa Trời không thời gian cho những cái gọi là cầu nguyện mà chỉ thoáng qua các ý thất thường của một linh hồn hâm hẩm. Ê-sai đã than thở: “Chẳng có ai kêu cầu danh Ngài hay gắng sức cầm lấy Ngài” (Ês 64:7).

Sự cầu nguyện khẩn thúc cuốn hút vào nhu cầu và lời đáp của Đức Chúa Trời đến mức bỏ qua mọi điều khác. Đây là bí quyết của lời cầu nguyện hiệu quả. Chúa Jêsus đã minh họa về bà góa khẩn thúc ngay sau lời nài xin của các môn đồ: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện”.

Lời cầu nguyện khẩn thiết gia tăng cường độ cho đến khi được đáp lời. Cầu nguyện có thể là một chuỗi tiếp nối với mức độ cao hơn trong sự nài xin, tìm kiếm, gõ cửa và kiêng ăn. Người đã được nhấc lên trong sự cầu nguyện như thế không thể dừng lại vì biết ý muốn Chúa mà phải thấy sự vinh hiển Ngài.

Ngay khi Đức Chúa Trời vừa ban lời hứa đặc biệt thúc đẩy trong lòng bạn thì bạn cần tiếp tục bằng đức tin năng động. Ê-li biết Đức Chúa Trời sẽ giáng mưa xuống, và ông đã bền đỗ liên tục cầu nguyện 7 lần, úp mặt vào giữa hai đầu gối (Ivua 18:41-46). Đa-ni-ên biết Đức Chúa Trời hứa sẽ giải cứu dân Do Thái, và ông đã cầu thay cho tới khi Ngài sai thiên sứ Trưởng đến chuyển lời đáp và báo tin ông thật rất được yêu quý biết bao (Đa 10:10-11, 19). Đức Chúa Trời đang hành động trong quyền năng, song Phao-lô vẫn cứ thúc đẩy chiến trận cầu nguyện ngày đêm cho tất cả các Hội thánh và tín hữu của mình.

Cầu nguyện khẩn thiết có thể khiến thống khổ. Cầu nguyện là việc khó khăn nhọc nhằn và hơn thế nữa. Có khi cầu nguyện làm tươi mới, tuyệt diệu, song cũng có những lần sự cầu thay là việc lao khổ, nhọc nhằn, không ngoạn mục và hấp dẫn. Cầu nguyện là hiện thực. Các núi phải chuyển dời; ma quỷ phải bị đánh tan. Cơ đốc nhân hời hợt xem cầu nguyện là công việc đánh vật và chiến trận. Bỗng nhiên xảy ra một tai nạn thảm khốc, một cơn bệnh trầm trọng hoặc cái chết cận kề. Bấy giờ, người cạn cợt đó mới kêu nài sự cầu thay của người cầu nguyện toàn thắng. Rồi bất chợt, người ấy không muốn bất kỳ điều gì khác hơn là sự cầu nguyện khẩn thúc.

Cầu nguyện là vật lộn, như Gia-cốp tại rạch Gia-bốc. Cuộc vật lộn này có thể diễn ra lặng lẽ, song không kém phần thống khổ và quặn thắt. Thư Côl 4:12 nói về Ê-pháp-ra rằng ông đang chiến đấu thống khổ trong sự cầu nguyện: “Người vì anh em chiến đấu (nghĩa đen: đau đớn, thống khổ) không thôi trong khi cầu nguyên, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời”. Đó có phải là lời mô tả chính xác về sự cầu nguyện của bạn cho các anh em, Hội thánh và đất nước của mình không? Phao-lô đã nhân danh chính mình mà nài xin cho loại khẩn thúc đầy thống khổ này: “Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình lên Đức Chúa Trời” (nghĩa đen: chịu thống khổ với tôi trong sự cầu nguyện) (Rô 15:30).

Khi Môi-se đứng vào chỗ sứt mẻ để cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên, ông đã tham dự sự khẩn thúc đầy thống khổ. Đó là sự khẩn thúc thống khổ khi Phao-lô cầu nguyện cho những người Do Thái chưa được cứu: “Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao chính mình có thể bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác là dân Y-sơ-ra-ên” (Rô 9:1-3). Đó là sự khẩn thúc như thế trong vườn Ghết-sê-ma-nê khi mồ hôi cầu nguyện của Đấng Christ trở nên như các giọt máu lớn, rơi xuống đất (Lu 22:44).

Bạn có thể học sự cầu nguyện toàn thắng. Bạn có thể học vượt qua chính mình và đắc thắng Sa-tan cho đến khi Đức Chúa Trời thấy và sai các thiên sứ Ngài mau chóng đem lời đáp của Ngài đến. Điều này thường tốn thời gian và thường lớn lên từ đời sống hằng đào sâu trong sự cầu thay của bạn. Bạn phải học kiên trì cho tới lúc lời đáp đến. Bạn phải học để Thánh Linh kiểm soát sự cầu nguyện của mình và dẫn dắt bạn từng bước cho đến khi bạn toàn thắng. Chỉ có Ngài mới có thể ban cho bạn sự thúc bách đến mức cả con người bạn kêu gào với Đức Chúa Trời, không chịu để Sa-tan cản bước hoặc làm thối chí. Vậy, bạn sẽ không cầu nguyện cho mọi nhu cầu hoặc sẽ không cầu nguyện theo cách này mỗi ngày. Nhưng khi Đức Chúa Trời chỉ dẫn, Thánh Linh sẽ đặt sự khẩn thiết đó vào linh hồn bạn.

Sự cầu nguyện toàn thắng khẩn thiết của bạn có thể tăng cường độ cho đến khi bạn thật sự vật lộn trong sự cầu nguyện. Đây là cuộc vật lộn về linh hồn, không phải về thể xác. Đây là sự cầu nguyện toàn thắng trên mọi quyền lực Sa-tan đã giương ra để chống lại ý muốn Đức Chúa Trời. Đây là sự cầu nguyện đem quyền năng, phép lạ của Đức Chúa Trời đến để cưu mang nhu cầu con người. Ôi, hỡi các anh em yêu dấu của tôi! Nào, chúng ra hãy cùng toàn thắng trong sự cầu nguyện!

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan