Suy Nghĩ Về Phục Hồi Người Lãnh Đạo Mục Vụ

Share

Khi một mục sư không còn đủ tiêu chuẩn thì họ có bị loại khỏi chức vụ một cách hoàn toàn không? Nếu có, thì trong bao lâu? Mãi mãi phải không? Họ có thể được phục hồi không? Nếu vậy, làm thế nào để họ có thể sớm được phục hồi?

Những dạng câu hỏi như thế này không phải là quá mới mẻ, nhưng chúng có vẻ xác đáng hơn bao giờ hết. Mặc dù có rất nhiều bài viết về “các mục sư sa ngã”, nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một số câu trả lời cho những câu hỏi như thế này rất đáng lo ngại. Trong bài viết này, tôi không có tham vọng rằng sẽ cung cấp toàn bộ cách xử lý cho chủ đề khó này, nhưng tôi muốn chia sẻ một số điều trong Kinh Thánh và những điều thực tế mà tôi đã từng suy gẫm suốt một khoảng thời gian dài. Đề tài này rất “đụng chạm”, như tôi đã từng suy nghĩ rằng nó đã “đụng chạm” đến nhiều người. Nó khiến cho chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận và bước theo khuôn mẫu của Kinh Thánh về vấn đề này.

Một Mục Sư Không Đủ Tiêu Chuẩn Là Gì?

Điều tôi thấy quan tâm trong những ngày này không phải là có bao nhiêu mục sư rơi vào tình trạng bị loại ra khỏi chức vụ mà là bao nhiêu người không bị loại ra. 

Chúng ta sống trong những ngày và thời đại mà bất kỳ người nào mà có tài diễn thuyết, biết kinh doanh và có tinh thần sáng tạo đều có thể xây dựng một nhà thờ và thậm chí thành công với nó. Nhưng tài năng thôi thì chưa đủ tiêu chuẩn. Một số người dường như thảo luận về chủ đề này như thể chúng ta không có sự hướng dẫn rõ ràng nào từ Kinh Thánh về tiêu chuẩn dành cho những người ở trong chức vụ trưởng lão/mục sư. Sau đây là một danh sách sơ bộ, một sự tổng hợp từ ba chương Kinh Thánh (1 Ti-mô-thê 3, Tít 1 và 1 Phi-e-rơ 5):

  1. Chung thủy trong hôn nhân/tình dục
  2. Quản lý tốt gia đình
  3. Khiêm nhường
  4. Dịu dàng
  5. Điềm tỉnh
  6. Hòa thuận
  7. Có trách nhiệm tài chánh
  8. Hiếu khác
  9. Tiết chế
  10. Thẳng thắn
  11. Kết ước sống thánh khiết
  12. Có khả năng dạy dỗ
  13. Trưởng thành thuộc linh (không phải là người mới cải đạo)
  14. Đáng tôn trọng (được những người ngoại tôn trọng)
  15. Một tấm gương tốt cho cả bầy

Người Tin Lành dường như thường thảo luận đến vấn đề không đủ tiêu chuẩn như thể nó chỉ liên quan đến việc ngoại tình, tức nhiên điều này khá rõ ràng, nó không đủ tiêu chuẩn! Nhưng chúng ta thường hiếm khi đề cập đến những điều như các mục sư nóng tính, hay tranh cãi hoặc không tự chủ. 

“Sự sa ngã” của Mark Driscoll hầu như là trường hợp mà tôi biết rõ nhất liên quan đến việc thiếu hụt tiêu chuẩn của một người trong chức vụ [Mark Driscoll phạm tội liên quan đến tội kiêu ngạo, giận dữ và tinh thần độc đoán – ND) nhưng nó vẫn chưa phải là một khái niệm được hiểu rộng rãi trong thời đại của những người hầu việc Chúa nổi danh. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng trong nhiều hệ phái và truyền thống thì “những tiêu chuẩn Kinh Thánh khác cho chức vụ” đã bị bỏ qua trong một thời gian dài.

Điểm mấu chốt là tiêu chuẩn cho chức vụ mục sư được đặt rất cao. Chức vụ mục sư không rộng mở cho bất cứ ai chỉ có “cảm giác được kêu gọi.” Ngoài tài năng và lòng ước muốn, chức vụ mục sư đòi hỏi sự trưởng thành, trải qua sự thử nghiệm và sự vâng lời lâu dài để theo cùng một hướng. Vì lí do này, khi một vị mục sư trở nên không đạt tiêu chuẩn thì chúng ta đang xử lí một vấn đề ở một cấp độ khác hơn khi so sánh với ngay cả một vấn đề rất nghiêm trọng giữa vòng những người thế gian đối với những tội lỗi đáng bị trừng phạt của họ. Đây không phải là vì các vị mục sư bị đòi hỏi như là siêu Cơ-Đốc nhân hoặc có nhiều ân huệ của Đức Chúa Trời hơn người thường, mà là vai trò lãnh đạo đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn.

Những Vị Mục Sư Đã Bị Loại Khỏi Chức Vụ Có Thể Được Phục Hồi Không?

Điều đầu tiên chúng ta nên nói đến là chúng ta thường nói về hai loại phục hồi khác nhau mà chưa phân biệt rõ ràng về sự khác nhau đó. Cần phải phân biệt giữa việc phục hồi cho chức vụ và sự phục hồi cho mối thông công. Liên quan đến việc một mục sư bị loại khỏi chức vụ có được phục hồi mối thông công không thì câu trả lời chắc chắn là có. Bất kỳ tín hữu nào đã sa ngã về mặt đạo đức, là mục sư hay không đều nên được phục hồi hoàn toàn cho cộng đồng Cơ-Đốc giáo, theo như các bước ăn năn và quá trình phục hồi của Hội Thánh của họ.

Đây là lý do tại sao chúng ta cũng phải cẩn trọng với những lời chỉ trích của chúng ta! Thỉnh thoảng, khi chúng ta tranh luận chống lại sự phục hồi của một số mục sư đối với bục giảng, có vẻ như chúng ta cũng đang khước từ khả năng của họ để gia nhập lại mối thông công với các tín hữu. 

Những gì chúng ta đang nói ở đây cụ thể hơn là như thế này: Một mục sư đã không đạt tiêu chuẩn bởi lí do nào đó thì có thể được phục hồi cho chức vụ mục sư không? Nói cách khác: một mục sư đã không đạt tiêu chuẩn có thể trở nên đủ tiêu chuẩn trở lại không? Đây là một câu hỏi gây tranh cãi trong chính nó, cũng như đối với nhiều nhà lãnh đạo, câu trả lời cho câu hỏi bằng cách nào và khi nào thì không có triển vọng bởi vì họ đều trả lời là “không thể phục hồi”. 

Chẳng hạn, John MacArthur viết:

Có một số tội lỗi không thể sửa đổi vì đã khiến tiêu tan danh tiếng của một người và loại người ấy khỏi chức vụ lãnh đạo mãi mãi. Ngay cả Phao-lô, một người của Đức Chúa Trời, nói rằng ông cũng e ngại rằng ông cũng có khả năng không đạt tiêu chuẩn.

Trong 1 Cô-rinh-tô 9:27, “Tôi kỷ luật thân thể tôi và khiến nó trở thành nô lệ của tôi, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy cho những người khác mà chính tôi sẽ không đạt tiêu chuẩn chăng.” (Bản dịch NASU)

Khi đề cập đến thân thể của mình, Phao-lô rõ ràng có cái nhìn liên quan đến tội lỗi vô luân về tình dục. Trong 1 Cô-rinh-tô 6:18, ông mô tả nó là một tội lỗi mà phạm đến chính thân thể của mình. Chắc chắn tội lỗi này sẽ loại bỏ một người khỏi chức vụ lãnh đạo Hội Thánh vì người ấy mất đi vĩnh viễn một phẩm chất không đáng trách là người chỉ có một vợ (Châm ngôn 6:33; 1 Ti-mô-thê 3:2).

Tôi muốn nói điều này nhưng không muốn gây vấp phạm, tôi sẽ không đồng ý với mục sư MacArthur. Trước tiên, nếu như tội lỗi trước đó đã làm cho một người không đủ tiêu chuẩn thì Phao-lô đã không đủ tiêu chuẩn bởi vì trước đó ông đã từng giết hại nhiều Cơ-Đốc nhân. 

Chắc chắn rằng tội lỗi mà một người phạm sau khi người ấy kết hiệp với Đấng Christ nghiêm trọng hơn so với tội lỗi họ đã phạm trước khi cải đạo – không phải là nghiêm trọng trong hình thức rất xấu xa nhưng nghiêm trọng theo cách trái ngược với bản chất mới – nhưng nếu bất kỳ người nào có thể được coi là đáng trách mãi mãi, thì điều đó dường như đã loại trừ người ấy ngay cả ra khỏi mối thông công. Ân điển hoặc là che đậy tất cả mọi tội lỗi đã ăn năn hoặc là không che đậy tội lỗi nào cả.

Tôi cũng không tìm thấy lời giải thích nào của MacArthur là đáng thuyết phục cả. Ông đặt 1 Cô-rinh-tô 9:27 trong bối cảnh 1 Cô-rinh-tô 6:18 để biện luận rằng Phao-lô đang suy nghĩ đến vấn đến tội lỗi tình dục. Nhưng đó dường như không phải là những gì Phao-lô đang nói trong văn mạch trực tiếp của chương 9. Câu 27 đang trong văn mạch của một đoạn văn dài giải thích về triết lý truyền giáo của Phao-lô, và nói lên mối quan tâm của ông ấy để “trở nên mọi cách cho mọi người.” (Câu 22). Dĩ nhiên, ông có đề cập đến việc “tự kiểm soát” bản thân (câu 25), nhưng nó liên quan đến việc việc tự kỷ luật. Tất nhiên, điều này không loại trừ bất kỳ sự cân nhắc nào về việc chống lại sự vô đạo đức về tình dục, nhưng việc “không đủ tiêu chuẩn” được đề cập trong câu 27 dường như không liên quan đến một thất bại đạo đức nhưng thất bại trong một nhiệm vụ. Nói cách khác, câu 27 xuất hiện từ quỹ đạo lý luận của Phao-lô xuyên suốt chương 9 rằng ông muốn trở nên mọi cách như mọi người dù là người Do Thái hay Hy Lạp để có thể cứu được vài người. (vv. 19-23). Ông không muốn rơi vào tình trạng thiếu tính linh hoạt trong việc truyền giáo. Đây là lí do vì sao ông đã tốn rất nhiều giấy mực trong phân đoạn trước đó nói về giá trả cho chức vụ và những điều tương tự như vậy. Sau đó, ông tiếp tục thảo luận về sự kỷ luật của ông liên quan đến luật nghi lễ của người Do Thái như là điều cần xem xét trong việc truyền giáo. Ông đang nói phần lớn liên quan đến bối cảnh văn hóa thời bấy giờ. Với suy nghĩ này trong tâm trí, một lần nữa chúng ta không phải là cố để loại bỏ vấn đề liên quan đến tội lỗi tình dục nhưng có vẻ như việc không đủ tiêu chuẩn mà Phao-lô đang có trong tâm trí liên quan đến việc không đủ tiêu chuẩn để tiếp cận trong việc rao giảng cho các nhóm người nhiều hơn là bị loại hoàn toàn khỏi chức vụ. Tôi lấy bối cảnh trực tiếp để có thêm sự hướng dẫn về ý nghĩa của câu Kinh Thánh 1 Cô-rinh-tô 9:27 hơn là lấy một câu ở tận ba chương trước đó để giải thích ý nghĩa của nó.

Với tất cả những gì đã nói, rõ ràng chúng ta biết sự vô luân tình dục thì không đủ tiêu chuẩn cho các mục sư bởi vì cũng có những phần Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta tiêu chuẩn này cho chức vụ. Một trong những câu Kinh Thánh được tìm thấy về tiêu chuẩn này như MacArthur đã đề cập, đó là ở trong 1 Ti-mô-thê 3:2. Nhưng câu hỏi mà chúng ta thật sự đặt ra là liệu việc không đủ tiêu chuẩn này có phải là mãi mãi chăng. Ngay cả khi chúng ta lấy 1 Cô-rinh-tô 9:27 để nói đến một thất bại về đạo đức, thì nó cũng không nói gì đến tính mãi mãi của tình trạng bị loại ra. MacArthur thêm từ ngữ “mãi mãi” vào phần trình bày của ông, nhưng nó không được tìm thấy trong câu Kinh Thánh này. Theo như 1 Ti-mô-thê 3, Tít 1, và 1 Phi-e-rơ 5 thì có phải một người có tiếng tốt và được chứng nhận rộng rãi là những tiêu chuẩn được liệt kê trong đó? (Tôi sẽ quay lại câu hỏi này sau một phút nữa, vì vậy đừng quên nó.)

Về chủ đề này, một Mục sư khác là John Piper viết:

Có thể khôi phục một mục sư đã phạm tội tình dục mà đã ăn năn? Hay là một mục sư bị loại mãi mãi vì cớ người ấy không còn đáp ứng được tiêu chuẩn để trở thành người “không chỗ chê trách” phải không?

Cuối cùng, tôi nghĩ câu trả lời là có. Một mục sư đã phạm tội tình dục có thể trở lại làm mục sư một lần nữa. Và tôi nói rằng chỉ bởi ân điển của Chúa và phẩm chất “không chỗ chê trách” có thể được phục hồi.

Tôi đồng ý với Piper về điều này, tuy nhiên tôi nghĩ rằng có rất nhiều thứ vướng mắc có lẽ cần chúng ta tháo gỡ. Nhưng trước hết, chúng ta có sự hướng dẫn trong Kinh Thánh để phục hồi một mục sư sa ngã không? À, trên thực tế đây là một hình thức nhân từ mà chúng ta thực hiện.

Sự phục hồi của Phi-e-rơ cho chúng ta biết gì về sự phục hồi của các mục sư bị loại ra khỏi chức vụ?

Hãy để tôi làm rõ ở đây rằng chúng ta không đang thảo luận đến vấn đề xung đột mối quan hệ hay tranh cãi giữa những người trong chức vụ. Một vài người nói trường hợp của Phi-e-rơ theo hướng đó là việc ông chối bỏ Đấng Christ nhưng rồi sau đó bởi cuộc hội ngộ với Chúa đã khiến ông thay đổi tình thế, nhưng điều này không làm cho công chính tội lỗi khủng khiếp mà Phi-e-rơ đã phạm. Mặt khác, chúng ta có một vài ví dụ trong Công Vụ và trong một số các thư tín của Phao-lô có đề cập đến các cuộc tranh luận nội bộ và xung đột trong mối quan hệ, thúc đẩy sự chia tay giữa những người phục vụ Phúc Âm, nhưng Phao-lô không nói đến những người đó bị loại ra khỏi chức vụ . Dĩ nhiên, ông cũng nói về những vị mục sư một thời nhưng sau đó họ chấp nhận tà giáo, hay nói cách khác là những người đã lìa bỏ đức tin.) Vì vậy, chúng ta phải đặt trường hợp Phi-e-rơ chối bỏ Chúa Giê-xu vào đúng danh mục.

Chúa Giê-xu đã cảnh báo rằng, “Nhưng bất cứ ai chối Ta trước mặt thiên hạ, ta cũng sẽ từ chối bỏ người đó trước mặt Cha Ta trên thiên đàng (Ma-thi-ơ 10:33). Điều này làm cho việc chối bỏ Chúa Giê-xu cách công khai (bởi bất kỳ tín hữu nào) là sự chối bỏ có tác động mãi mãi. Phi-e-rơ thậm chí còn được Chúa Giê-xu báo trước rằng ông sẽ làm điều này, nhưng Phi-e-rơ đã cãi với Ngài rằng ông sẽ không làm như vậy (Ma-thi-ơ 26:35). Vì thế, bây giờ chúng ta có sự phản bội niềm tin của một chứng nhân phản bội. Chúng ta có thể đồng ý rằng bất kỳ người hầu việc Chúa nào chối bỏ Chúa Giê-xu khi bị đưa vào hoàn cảnh khó xử thì người ấy đã vào vị trí của việc không đủ tiêu chuẩn phải không? Với suy nghĩ này, chúng ta hãy xem lại tình tiết của sự phục hồi được tìm thấy trong Giăng 21: 15-19: Khi họ ăn bữa sáng, Chúa Giê-xu hỏi Phi-e-rơ, “Hỡi Si-môn, con của Giăng, con có yêu Ta hơn những người này không?

“Vâng, thưa Chúa” ông ấy nói với Ngài, “Chúa biết rằng con yêu Ngài.”

 “Hãy nuôi chiên Ta,” Ngài nói với ông ấy. Lần thứ hai Ngài đã hỏi ông ấy, “Hỡi Si-môn, con của Giăng, con có yêu Ta chăng?”

 “Vâng, thưa Chúa” ông ấy nói với Ngài, “Chúa biết rằng con yêu Ngài.”

 “hãy chăn chiên Ta,” Ngài đã nói với ông ấy.

Ngài đã hỏi ông ấy lần thứ ba rằng, ““Hỡi Si-môn, con của Giăng, con có yêu Ta chăng?”

Phi-e-rơ rất đau buồn khi Ngài đã hỏi ông ấy lần thứ ba, “con có yêu Ta chăng? ông ấy nói, “thưa Chúa, Ngài biết tất cả mọi sự; Chúa biết rằng con yêu Ngài.”

 “Hãy nuôi chiên Ta,” Chúa Giê-xu phán. “Thật, Ta bảo thật con, khi còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy, muốn đi đâu thì đi; nhưng lúc già, con sẽ đưa tay ra, để người khác thắt lưng cho và dẫn con đi đến nơi mình không muốn.” Ngài nói điều nầy để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào để tôn vinh Đức Chúa Trời. Sau đó, Ngài bảo ông rằng: “Hãy theo Ta.” (câu 15-19)

Đây có phải là một khung cảnh hướng dẫn chúng ta để xem xét việc phục hồi một người trở lại chức vụ không? Mặc dù nó không phải là một đoạn văn mang tính dạy dỗ mà chỉ là một câu chuyện ký thuật lại, tôi nghĩ vậy.

Trước tiên, ý nghĩa mang tính rộng hơn là sự phục hồi dành cho tội nhân là có thể xảy ra! Vinh hiểu thuộc về Chúa! Đối với tất cả các tín hữu thì đây là một bức tranh tuyệt vời của Phúc Âm. Tại sao Chúa Giê-xu lặp lại câu hỏi đến ba lần? Sự khác biệt về ngôn ngữ của từ “yêu” (agape, phileo) không mang nhiều ý nghĩa lắm, vì nó dường như chỉ thể hiện phong cách của một chuyên gia văn học như Giăng, nhưng thay vào đó, Chúa Giê-xu đã lặp lại ba lần với mục đích che đậy tội lỗi của Phi-e-rơ khi ông ba lần chối bỏ Ngài. Ý chính ở đây là gì? Bạn không thể phạm bất cứ tội lỗi nào mà ở ngoài ân điển của Đức Chúa Trời. Tội lỗi của bạn bao xa thì Phúc Âm vẫn xa hơn nó.

Thứ hai, có vẻ hiển nhiên đối với tôi rằng sự phục hồi theo quan điểm ở đây không chỉ đơn giản là sự thông công mà còn là vai trò lãnh đạo. Một số người ủng hộ việc truất quyền vĩnh viễn bỏ lỡ ý nghĩa của những gì đang diễn ra trong khoảnh khắc tuyệt vời này. Sự xen kẽ giữa từng câu hỏi và câu trả lời của việc “hãy nuôi/chăm sóc chiên Ta” dường như chỉ ra rằng Phi-e-rơ không chỉ đơn giản là được phục hồi lại cho “ân sủng tốt lành” với Chúa Giê-xu mà còn cho chức vụ phục vụ Chúa. Ông chắc chắn không bị sa thải khỏi chức vụ sứ đồ của mình và tất nhiên tiếp tục rao giảng và viết các thư tín một cách có thẩm quyền. Đây là sau khi ông ấy đã công khai phủ nhận việc biết Chúa Giê-xu.

Thứ ba, ngoài hai điều chính yếu trên thì việc phục hồi là một công việc của lòng nhân từ và việc xác nhận đủ tiêu chuẩn trở lại là điều có thể xảy ra. Một số tranh luận từ tình tiết phục hồi Phi-e-rơ rằng sự phục hồi chức vụ thì chúng ta có thể dám nói là ngay lập tức hay không. Đó là vấn đề mà tôi sẽ tiếp tục sau đây. 

Làm Thế Nào Một Mục Sư Sa Ngã Sớm Được Phục Hồi?

Nếu có khả năng để phục hồi thì câu hỏi được đặt ra là khi nào? Một số người viện dẫn trường hợp Chúa Giê-xu phục hồi Phi-e-rơ nói rằng ngay lập tức. Tôi nghĩ không phải như vậy.

Có hai yếu tố quan trọng trong Giăng 21 là những điều kiện tiên quyết cần thiết nhất để phục hồi các mục sư sa ngã: (a) đau buồn tin kính (21:7) và quyết định của Hội Thánh như là đại diện của Đấng Christ trên đất (Ma-thi-ơ 16:19).

Nói một cách thẳng thắn, Chúa Giê-xu không có mặt ở đây để nói với chúng ta rằng, “Yeah, người này đã sẵn sàng.” Vậy chúng ta đang có gì? Chúng ta có Lời của Ngài (Kinh Thánh) và chúng ta có thân thể của Ngài (Hội Thánh). Câu trả lời cho câu hỏi, “Làm thế nào một mục sư bị sa ngã có thể được phục hồi?” Thật sự không thể được trả lời dứt khoát theo một khung thời gian nhất định. Nó có thể mất thời gian cho người này nhiều hơn so với những người khác. Một số người có thể không bao giờ được phục hồi. Vấn đề ở đây là, nó không thật sự phụ thuộc vào họ. Việc phục hồi được thực hiện cũng như trong tất cả các trường hợp xử lý kỷ luật, là bởi Hội Thánh là nơi mà việc loại một người ra khỏi chức vụ đã được thực hiện. Có quá nhiều yếu tố có thể liên quan đến trong từng trường hợp khác nhau. 

Nhưng tôi suy nghĩ chúng ta có thể nói rằng không phải là ngay lập tức, vì những lý do sau:

1. Đau buồn tin kính là điều cần thiết.

Sự đau buồn của Phi-e-rơ là trường hợp cụ thể được ghi lại. Làm thế nào chúng ta có thể biết nỗi đau buồn này là nỗi đau buồn tin kính (2 Cô-rinh-tô 7:10) ? Điều này không chỉ đơn giản là sự đau buồn vì được phát hiện (hay được bắt gặp), hay tệ hơn, một sự chân thành giả tạo với mục đích để đánh lừa thì sao? À, chính Chúa Giê-xu thì không thể bị lừa. Ngài có thể nhìn thấu vào tấm lòng của Phi-e-rơ, và thấy được sự ăn năn thật của ông ấy. Hội Thánh, với tư cách là đại diện của Đấng Christ trong các vấn đề kỷ luật của Hội Thánh ngày nay dĩ nhiên không biết mọi sự giống như Chúa Giê-xu. Chúng ta xác định sự ăn năn cách đáng tin cậy bằng nhiều hình thức khác nhau và bằng những hành động khác nhau. Thông thường, các quy trình kỷ luật của Hội Thánh liên quan đến các bước mà các thành viên phải phục tùng để thể hiện sự hợp tác và thể hiện sự đau buồn của họ đối với tội lỗi của họ. Đối với những người phạm tội ngoại tình mà ăn năn, thì có thể đòi hỏi những điều như là gọi điện thoại và gửi email cho người bạn đời bị tổn thương của họ, cắt đứt mọi liên lạc với đối tác ngoại tình của họ, v.v. Đối với người nghiện khiêu dâm đã trở thành thói quen, thì có thể liên quan đến việc cài đặt phần mềm chống những trang web khiêu dâm. Đối với các thành viên của Hội Thánh bị kỷ luật vì tất cả các loại tội lỗi của họ, thì có thể liên quan đến các cuộc họp thường xuyên với người có trách nhiệm và/hoặc một người tư vấn. Có các quy định khác nhau để phục hồi, nhưng các bước được sắp xếp đúng trình tự.

Một số người có thể nói rằng điều đó không phải là ân điển, nhưng kỷ luật của Hội Thánh trong Kinh thánh không phải là trừng phạt hay lên án. Đó là một thực tại mà ân điển đi vào trong áp dụng. Hầu hết mọi người thừa nhận rằng chúng ta không ủng hộ việc phục hồi các thành viên không ăn năn trở lại mối thông công của Hội Thánh. Vì vậy, một khi chúng ta thực hiện việc ăn năn như là một đòi hỏi, thì chúng ta nhất thiết phải hỏi, “Làm sao bạn biết được một người đã thật sự ăn năn?” Rõ ràng có nhiều cách để tạo ra sự nối tiếp vô tận của các vòng pháp lý để người ta bước qua. Đó là sự thất sủng. Chúng ta đơn giản chỉ liên quan đến sự ăn năn. Ăn năn là đúng Kinh Thánh và đó là điều quý báu. Chúng ta có Thân Thể Đấng Christ, danh tiếng của Hội Thánh và sự đáng tin cậy của lời chứng của chúng ta cho Đấng Christ để xác nhận một người có ăn năn thật không. Không một tội nhân nào là được miễn trừ khỏi tất cả những những điều đã được nhắc đến ở trên và nếu người nào được miễn trừ thì đó là từ chối ân điển đối với những người khác. Xử lý đúng cách, kỷ luật đúng cách là ân điển (Hê-bơ-rơ 12:11).

2. Phục hồi cho mối thông công không giống như phục hồi cho chức vụ mục sư.

Đối với bất kỳ người nào rơi vào tội lỗi đáng kỷ luật, thì việc phục hồi mối thông công có thể tương đối là ngay lập tức. Tôi nói là “tương đối” bởi vì dựa trên những điều đã nhắc đến ở trên. Nhưng sự trừng phạt không phải là một đức tính duy nhất trong Kinh Thánh. Giống như người cha trong câu chuyện ngụ ngôn, chúng ta tìm kiếm tình yêu với sự phục hồi cho mọi thành viên bướng bỉnh, dù là mục sư hay không, và nhanh chóng chạy đến tiếp nhận họ khi họ tỏ ra quan tâm đến việc trở về với gia đình. Nhưng, một lần nữa, phục hồi mối thông công không giống như việc phục hồi cho chức vụ mục sư. Hãy ghi nhớ những tiêu chuẩn này?

3. Phi-e-rơ không tự phục hồi chính ông

Hội Thánh, với tư cách là đại diện của Đấng Christ, phải khẳng định tiêu chuẩn của bất kỳ người nào đối với chức vụ mục sư. Đấng Christ có thể làm đủ tiêu chuẩn một người ngay lập tức hoặc ngay lập tức phục hồi một người nếu người đó sa ngã. Tuy nhiên, Hội Thánh của Đấng Christ có sự hướng dẫn xa hơn về cách chúng ta có thể đưa ra những quyết định này. Trở lại với câu nói ở trên: đối với những người tìm kiếm tiêu chuẩn cho chức vụ mục sư thì theo 1 Ti-mô-thê, Tít 1 và 1 Phi-e-rơ 5 – thì cần phải có tiếng tốt tồn tại trong một thời gian dài và được xác nhận rộng rãi là các phẩm chất được liệt kê trong các danh sách này. Đó không phải là những thứ có thể được chứng nhận ngay lập tức. Và những tiêu chuẩn đó không phải là những thứ có thể được chứng nhận ngay lập tức được. Ngay từ đầu, những tiêu chuẩn này không được chứng nhận một cách nhanh chóng khi chúng ta lập một người vào chức vụ mục sư, và những tiêu chuẩn này cũng không nên được bỏ qua khi chúng ta xem xét việc phục hồi một mục sư đã bị loại ra khỏi chức vụ.

Bạn không thể nào quả quyết được một người có quản trị gia đình tốt hay không khi chỉ bạn gặp người ấy lần đầu. Bạn cần phải chứng kiến tận mắt cuộc sống gia đình của họ để biết một cách tường tận hơn. Chẳng hạn như, một người chồng lừa dối vợ mình đã bị bại lộ thì bạn không thể nào xác định người đó là một người đàn ông tốt của gia đình được. Để xác định một người có thật sự tốt hay không thì cần có thời gian để quan sát để xem người ấy có đang thật sự bước đi trong sự ăn năn, và lấy lại danh tiếng đã bị đánh mất hay không. Có thời gian để điều này xảy ra, mặc dù dĩ nhiên một số trường hợp thì xảy ra nhanh hơn trường hợp kia nhưng tất cả đều cần phải có thời gian. Không thể nào một mục sư đã hình thành trong một thời gian dài thói quen lạm dụng trong lời nói và đùa giỡn cách thô lỗ mà người ấy có thể lấy lại được danh tiếng như là một người dịu dàng và hòa thuận ngay lập tức được. Hầu như ít có mục sư nào đã bị loại ra khỏi chức vụ vì lí do đã có một thời gian dài ở trong việc nghiện rượu và bê bối tình dục mà lấy lại được danh tiếng như một người tiết độ và “người một chồng/một vợ” được. 

Điều này tương đồng với một tiêu chuẩn để thiết lập chức vụ ở trong Kinh Thánh đó là “không phải là người mới cải đạo.” Kinh Thánh đang nói về một Cơ-Đốc nhân (có lẽ là) vừa ăn năn tin Chúa, nhưng nguyên tắc cơ bản là như nhau. Sự ăn năn là một sự tái lập ngay lập tức cho mối thông công, nhưng để phục hồi lại chức vụ mục sư thì cần phải có thời gian để thử nghiệm.

Cách thức xử lý như vậy không có nghĩa là quá khắt nghiệt. Đó là cách mà Đấng Christ bảo vệ Hội Thánh của Ngài và Ngài cũng bảo vệ những tội nhân ăn năn tránh khỏi việc quá vội vàng quay trở lại trong cùng một áp lực mà đã cho thấy rằng họ đã không phát triển phẩm chất nào đó khi bước vào chức vụ.

Ngay cả khi một mục sư trong bối cảnh của sự phục hồi đang có kế hoạch đảm nhận chức vụ bục giảng của một Hội Thánh khác hoặc gieo trồng Hội Thánh mới, thì việc phục hồi chức vụ của người ấy vẫn phải được hội chúng trước đó xác nhận. Đây là quy chuẩn cho những người lãnh đạo chịu hạ mình phục tùng sự kỷ luật.

Vậy, làm thế nào có thể sớm phục hồi một mục sư sa ngã? Tôi không biết. Không phải là không bao giờ. Cũng không phải là ngay lập tức. Một nơi nào đó ở khoảng giữa, là thời điểm mà Hội Thánh đã dành thời gian để phân biệt và khẳng định phẩm chất của một người. 

Một lần nữa, tôi cũng đồng ý với John Piper:

Sự tha thứ đến một cách nhanh chóng và ngay lập tức dựa trên sự ăn năn. Nhưng niềm tin thì không phải như vậy và không thể như vậy.

Nếu một mục sư đã phản bội dân sự của họ, và điều đó đã làm tổn thương Hội Thánh và làm tổn thương vợ của họ, thì người đó có thể được tha thứ một cách tức khắt. Làm sạch ngay. Huyết của Chúa Giê-xu sẽ tẩy sạch tội lỗi đó. Nhưng khi nói đến vấn đề thiết lập lại niềm tin thì điều cần thiết cho mối quan hệ giữa người chăn và chiên, giữa vợ và chồng phải mất bao nhiêu thời gian? Một thập kỷ chăng? Phải mất một thời gian dài, một thời gian dài, cho đến khi ký ức được chữa lành hẳn.

Và rất là thực tế tôi nghĩ rằng đây là những gì tôi sẽ nói: Một người ở trong chức vụ mà phạm tội ngoại tình thì nên ngay lập tức từ chức và tìm kiếm công việc khác. Và người ấy không nên làm công tác ở trong Hội Thánh thêm chút nào nữa. Anh ta nên tìm kiếm một loại công việc khác và tiếp tục cuộc sống của mình một cách khiêm nhường để nhận sự kỷ luật và cứ ở yên đó cho đến khi nào đủ tiêu chuẩn nhận chức vụ trở lại, dù là trong Hội Thánh đó hay trong một Hội Thánh khác. Và chính Hội Thánh là nơi đưa ra quyết định cho việc phục hồi chức vụ cho người ấy nếu như đã đến thời điểm chứ không phải do người ấy quyết định.

Hỡi những người bạn của tôi hãy nhớ điều này, không ai trong chúng ta là người vui hưởng đặc quyền của việc phục vụ Phúc Âm lớn hơn so với Hội Thánh của Đấng Christ, dù là Hội Thánh địa phương hay Hội Thánh phổ thông. Chúng ta có thể đã được cung cấp một nền tảng, nhưng chúng ta phục vụ Ngài và theo ý muốn của Ngài. Chúng ta phải thuận phục theo Hội Thánh của Ngài.

Đối với chức vụ của chúng ta thì Hội Thánh có thẩm quyền để xử lý vấn đề trong nhiều trường hợp. Nếu bạn là một mục sư sa ngã mà đang mong muốn phục hồi chức vụ, tôi khuyên bạn rằng đừng xem thời gian ở ngoài chức vụ hoặc thời gian bị kỷ luật của bạn là không ân điển. Trên thực tế, đây có thể là bài học tiếp theo của bạn về việc ân điển của Đức Chúa Trời thật sự lớn lao đến mức nào. Bạn có thể hạ thấp giá trị của ân điển để vội vàng quay trở lại chức vụ bục giảng, bạn có thể chỉ làm cho mình cảm thấy hợp lệ bởi việc quay trở lại bục giảng, đó là bởi vì bạn vẫn không sẵn lòng để thấy cách mà ân điển lớn lao có thể cũng cố bạn và làm mãn nguyện bạn bên ngoài ánh đèn sân khấu. Nên nhớ rằng Ngài đủ tốt lành để cung cấp mọi nhu cầu của bạn.

 

Barnaba Huỳnh

(Lược dịch theo: churchleaders.com)

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan