Trận Chiến Thuộc Linh Với Cái Tôi Của A-đam và Ê-va

Share

Chúng ta “được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài… được giữ vững trong Ngài” (Cô-lô-se 2.16-17)

Chiến trường thuộc linh là một trận chiến không ngừng giữa hai “người” đối nghịch nhau nhưng lại đang sống trong lòng của chúng ta. Một bên là “cái tôi,” là con người cũ sống theo xác thịt và cũng là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tội ác. Một bên là con người mới được Đức Thánh Linh vận hành biến đổi để trở nên giống Chúa Giê-su, là con người của sự “kính yêu tôn thờ Chúa và yêu thương người khác” (Ga-la-ti 5.6-23; Mác 7.20-22; Mác 12.28-31).

Những thành phần cốt lõi của tấm lòng của con người chúng ta như là khát vọng được tự do toàn vẹn, ao ước được sống sung mãn, ý chí và lý trí vv – đều là những phương tiện mà con người cũ xác thịt muốn chiếm hữu để đánh bại con người mới trở nên giống Chúa Giê-su. Ngược lại chúng cũng là những phương tiện mà con người mới dùng để đánh bại con người cũ. Do đó cần thấy rõ những thành phần đó là những con dao hai lưỡi trong trận chiến thuộc linh này.

Con người mới luôn giúp chúng ta để cho Đức Chúa Trời tể trị lòng mình để qua đó Thánh Linh của Chúa sẽ dấy lên trong chúng ta lòng khao khát tôn thờ Chúa và yêu thương người khác. Ngài ban sự sáng và ơn quyền để giúp chúng ta ăn năn, hiểu biết lẽ thật, sống phục vụ và tận hưởng đời sống có đầy 9 phầm chất của trái Thánh Linh: tình yêu thương, sự vui mừng, bình an vv… (Ga-la-ti 5.22-23a). Ngài hướng dẫn chúng ta hòa hợp được những điều vừa kể với ý chí tự chủ và lý trí của riêng chúng ta để đánh tan mọi thế lực của ma quỷ hoặc tiếp tục đứng lên đồng hành với Ngài sau những lúc vấp ngã.

Nhưng khi cái “tôi” điều khiển được chúng ta thì nó sẽ khiến chúng ta nâng mình lên làm “chúa” của chính mình, chúng ta sẽ dùng những phương tiện này để xây dựng nên “cái của tôi” và chúng trở nên những đồn lũy cản trở hay chống nghịch lại Chúa. Hơn thế nữa, chúng ta có thể dùng chúng để xây dựng “vương quốc” của mình hay của tổ chức hội thánh của mình. Nguy hiểm hơn hết là nếu không ăn năn, chúng ta sẽ bị Sa-tan lèo lái dùng chúng để xây dựng thế giới tối tăm của nó.

Trong lịch sử nhân loại, người đầu tiên phải đối diện với trận chiến thuộc linh với cái “tôi” của mình là A-đam và Ê-va. Sa-tan chủ động tấn công họ một cách quỷ quyệt. Nó tìm một chủ đề để họ có thể “trò chuyện” với nó. Chủ đề đó là sự tự do và sung mãn của đời sống con người. Nó dùng cuộc “trò chuyện” này để ly gián họ với Chúa. Sau khi ly gián được thì nó “chuyển tải” vào họ một tâm thần sống cho “cái tôi” của họ. Kết quả là họ mất đi địa vị vinh hiển và đời sống vĩnh phúc trong vườn Ê-đen. Nhưng sau đó, A-đam và Ê-va đã tỉnh thức để sống ca ngợi tôn thờ Chúa. Kết quả là mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời đã được phần nào phục hồi

1. Những Con Dao Hai Lưỡi Cực Kỳ Nguy Hiểm

Khát Vọng Được Tự Do Và Sống Sung Mãn Toàn Vẹn.

Lý do sâu xa và quan trọng nhất khiến A-đam và E-va, tổ phụ loài người chúng ta, phạm tội trong vườn Ê-đen là vì họ muốn “mắt…sẽ mở ra… sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện, ác” (Sáng Thế 2.5). Trở nên giống như Đức Chúa Trời tức là trở nên bình đẳng với Ngài, không còn phải ở “dưới” Ngài và từ đó mà có một loại tự do toàn vẹn.

Sự tự do toàn vẹn là bằng chứng và nguồn gốc của một sự sống sung mãn toàn vẹn. Cho nên con người không ngừng tìm cách có được, xây dựng được và giữ cho được sự tự do toàn vẹn đó.

Nhưng cần phân biệt có hai loại tự do đối nghịch nhau.

Một là loại tự do có được bằng cách loại Chúa ra khỏi đời sống. Loại tự do này dựa trên tư tưởng cho rằng sự tự do toàn vẹn là khi con người hoàn toàn độc lập và biết tin cậy nơi chính mình hơn là tin cậy người khác hay Chúa. Thực ra đây chỉ là một loại tự do ảo tưởng có đặc tính hủy hoại kẻ mang nó vào tâm tư của mình.

Hai là loại tự do trong năng quyền sáng tạo của Đức Chúa Trời. Chúa dựng nên A-đam và Ê-va với một tấm lòng trong sạch tuyệt đối đến nỗi “A-đam và vợ cả hai đều trần truồng nhưng không thấy xấu hổ” (2.25). Tấm lòng trong sạch này khiến cho khát vọng và ý chí của họ đi trong định hướng tin cậy và vâng phục Ngài một cách tuyệt đối. Kết quả là họ tận hưởng được sự tự do và sự sống sung mãn toàn vẹn Chúa ban cho trong vườn Ê-đen.

Để hủy phá sự sáng tạo lớn nhất của Đức Chúa Trời là loài người, ma quỷ phải tìm mọi cách phá vỡ lòng tin cậy và vâng phục Chúa của A-đam và Ê-va.

Điều trước tiên mà Sa-tan làm là gieo sự nghi ngờ Chúa vào lòng của họ. Ê-va nói với con rắn là Chúa đã phán ăn trái cây biết điều thiện, ác thì sẽ chết (2.2). Con rắn nói quả quyết “Chắc chắn không chết đâu…” (2.4). Nếu A-đam và Ê-va hết lòng tin cậy Chúa, họ đã lấy quyền quản trị muôn loài mà Chúa đã ban cho họ (1.28) trong đó có thẩm quyền đặt tên cho mọi loài thú đồng và chim trời (2.19-20) – để trách phạt và đuổi con rắn đi. Nhưng họ đã không làm như vậy. Lòng tin cậy Chúa của họ đã bị lung lay trầm trọng. Nghi ngờ, không còn tin cậy Chúa thì tự nhiên sẽ dần dần mất đi ý chí vâng phục Chúa.

Chất “nghi ngờ” đến từ ma quỷ luôn luôn là một loại độc dược có sức hủy hoại đức tin một cách kinh khủng không ngờ.

–Vua Sau-lơ nghi ngờ lòng dân ngã theo Đa-vít khi họ ca ngợi tài dùng binh của Đa-vít; nên thay vì dùng Đa-vít làm cánh tay phải của mình lại tìm cách thủ tiêu Đa-vít.

–Dân Y-sơ-ra-ên không tin vào quyền năng của Chúa nên từ bỏ Chúa mà thờ những thần tượng của những nước đã đánh thắng họ.

–Những chính quyền quân phiệt hay độc tài đều có cùng chủ trương “Bắt lầm (hay bắn lầm) hơn là bỏ sót!”

–Vì nghi ngờ Chúa đã không hành động trước những thảm cảnh diệt chủng, chiến tranh vv Charles Templeton – vốn là một nhà truyền giảng đầy ơn cùng thời với Billy Graham – đã từ bỏ niềm tin và chức vụ để trở thành một nhà chính trị và nhà báo vô thần.

–Nghi ngờ sinh ra sự chia rẻ và không hiệp một trong gia đình, Ban Chấp Hành, Mục sư, hội thánh địa phương, hệ phái và cả trong những phong trào phục hưng mà Chúa dấy lên.

Điều kế tiếp, Sa-tan thuyết phục họ tin rằng Chúa đã dối gạt họ. Nó nói rằng sau khi ăn trái cấm thì họ sẽ không chết như Chúa đã nói đâu. Trái lại họ trở nên ngang bằng với Đức Chúa Trời. Họ sẽ có sự tự do toàn vẹn và họ sẽ sống sung mãn muôn phần hơn sự sống Chúa ban cho họ trong vườn Ê-đen! Hình ảnh tương lai của một cái “tôi” vinh hiển hơn cả sự vinh hiển mà Chúa ban cho A-đam và Ê-va trong hiện tại khiến cho họ trở nên không vâng phục Chúa nhưng nghe theo lời ma quỷ mà ăn trái cấm!

Hậu quả đầu tiên của việc họ được “mở mắt” theo cách của Sa-tan là “nhận biết mình trần truồng” (3.7) vì sự vinh quang của Chúa đã từng bao phủ tâm linh, tâm hồn và thân thể của họ nay đã thành “thiếu mất” (Rô-ma 3.23). Họ trở nên sợ hãi sự hiện diện của Chúa đến nỗi phải lánh xa khỏi Ngài (3.7-10). Hậu quả đau đớn nhất là họ và dòng dõi của họ là loài người bị mất đi sự sống tự do và sung mãn toàn vẹn trong vườn Ê-đen. Họ đã đánh mất thẩm quyền quản trị muôn loài vào tay Sa-tan để rồi nó sẽ không ngừng dùng thẩm quyền đó để hủy hoại loài người và mọi sự mà Chúa đã dựng nên một cách tốt lành.

Cái “tôi” loại Chúa ra khỏi đời sống của con người là kẻ hủy diệt tất cả mọi sự tốt đẹp mà chúng ta đang xây dựng và khao khát.

–Nó phá vỡ biết bao nhiêu gia đình, xé tan những tình bạn, và làm tan rã biết bao nhiêu tổ chức chính trị cũng như tôn giáo đã khởi đầu được tốt đẹp.

–Nó khiến những người lãnh đạo dân Do Thái đã chối bỏ Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế mà tổ phụ của họ đã nói tiên tri đến, và khiến Ngài bị đóng đinh trên thập giá.

–Nó dạy con người và ngay cả những tổ chức tôn giáo và giáo hội dùng thủ đoạn bất chính để bảo vệ danh tiếng đạo đức hay công lý giả hình. Một thí dụ rõ ràng là có nhiều tổ chức tôn giáo chẳng những đã che dấu mà còn đối xử bất công với những nạn nhân bị những người lãnh đạo nhà thờ lạm dụng tình dục.

— Nó là nguồn gốc của mọi điều hủy hoại đời sống của nhân loại như phá thai tự do vô trách nhiệm, lối sống đồng tính, chiến tranh, bóc lột, nghèo đói vv…

–Nó góp phần tạo nên nhiều mục sư, tiên tri và sứ đồ giả trong thời sau rốt – như Chúa Giê-su đã cảnh báo trước cho chúng ta (Ma-thi-ơ 24). Trong số những người này, có nhiều người đã khởi đầu bằng sự xức dầu và ơn quyền chân chính trong Chúa!

Nguy hiểm nhất là khi cơ đốc nhân hay tổ chức hội thánh tôn thờ chính mình và “cái của tôi”. Khi đó chúng ta sẽ tự nâng mình lên làm “chúa” và coi mình cao trọng hơn người khác. Chúng ta sẽ dùng địa vị, sự xức dầu, ân tứ và sự cất nhấc Chúa ban vv làm những phương tiện xây dựng vương quốc riêng của mình – vô tình chúng ta tự xây những đồn lủy của sự tối tăm và tham dục của con người, cản trở công việc Chúa và chống nghịch Ngài.

2. Những Con Dao Chỉ Có Một Lưỡi Để Đánh Đuổi Kẻ Thù

Cảm Tạ, Ca Ngợi Và Thờ Phượng.

A-đam và Ê-va đã hoàn toàn thua trận chiến thuộc linh với Satan trong Sáng Thế chương 3, nhưng trong chương 4 là A-đam và Ê-va đã sống với một lối sống tích cực, họ đã vươn mình thay đổi. Mặc dù sự thay đổi này không biến đổi hoàn toàn hậu quả tội lỗi, nhưng nó giúp tái lập lại một phần mối tương giao giữa họ với Đức Chúa Trời. Chương 4 đặc biệt cho thấy rõ là mỗi một lần tên họ được nhắc đến là một lần họ cảm tạ, ca ngợi và tôn thờ Chúa.

Dù bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, mất đi sự sống vĩnh phúc và mất quyền quản trị muôn loài, A-đam và Ê-va vẫn giữ lòng tôn thờ Ngài. Khi sanh đứa con trai đầu là Ca-in, Ê-va cảm tạ, ca ngợi và tôn thờ Chúa: “Nhờ CHÚA, tôi đã sinh được một người” (Sáng Thế 4.1a). Họ lại tiếp tục cảm tạ, ca ngợi và tôn thờ Chúa về đứa con thứ hai là A-bên. Sau biến cố đau thương Ca-in giết A-bên, Ê-va sinh Sết. Lời cảm tạ, ca ngợi và tôn thờ Chúa về Sết của Ê-va càng sâu đậm hơn: “A-đam lại ăn ở với vợ, nàng sinh một trai, đặt tên là Sết vì nàng nói: “Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một con trai khác thay cho A-bên đã bị Ca-in giết!”.” (4.25). Lối sống cảm tạ, ca ngợi và tôn thờ Chúa của A-đam và Ê-va dẫn đường cho con cháu của họ là Sết và Hê-nót và loài người “cầu khẩn danh CHÚA” (4.26).

Sự ca ngợi và thờ phượng là nguồn của sự hiện diện vinh hiển và quyền năng của Chúa. Người không hiểu biết hay không tin cậy Ngài không thể ca ngợi và thờ phượng Ngài bằng lẽ thật và tâm linh của mình (Giăng 4.23-24).

A-đam và Ê-va đã biết Chúa dựng nên họ và ban cho họ cuộc sống tự do và sung mãn ở vườn Ê-đen. Dù tội lỗi làm họ mất đi cuộc sống đó, nó vẫn không thể cướp đi mọi kinh nghiệm và kỷ niệm trước đây họ từng tương giao với Ngài. Lòng cảm tạ biết ơn mọi điều Chúa ban, tinh thần ca ngợi và tôn thờ Chúa dẫu giữa hoạn nạn, thử thách và mất mát chung quanh là dấu hiệu nói đến họ đã trở lại tin cậy nơi tình yêu của Chúa.

Cảm tạ, ca ngợi và tôn thờ Chúa là những con dao một lưỡi trong trận chiến thuộc linh với cái tôi của chúng ta. Đó là những nguồn của sự hiện diện vinh hiển và quyền năng của Chúa để thanh tẩy đời sống thể lý, tâm hồn và tâm linh của chúng ta và hội thánh khỏi mọi sự xâm nhập của ma quỷ. Đó là vũ khí thuộc linh có tầm vóc “chiến lược” trong chương trình Chúa phục hưng hội thánh và đất nước.

–Khi Đa-vít khảy đàn, ác thần mà Chúa sai đến khuấy phá Sau-lơ rời khỏi Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 16.14-23).

–Khi có người gảy đàn thờ phượng ca ngợi thì “tay của Đức Giê-hô-va ở trên Ê-li-sê” (2 Các Vua 3.15).

–Điều gì xảy ra sau khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem – đã không sợ hãi trước sự bắt bớ và đàn áp của giới chức chính quyền và tôn giáo Do Thái – tiếp tục dạn dĩ thờ phượng và cầu nguyện? “Họ đang cầu nguyện thì phòng họp rúng động. Tất cả đều được đầy dẫy Thánh Linh, rao giảng lời Đức Chúa Trời cách dũng cảm” (Công Vụ 4.31). Chúa gia tăng sự đầy dẫy Thánh Linh và lòng can đảm cho toàn hội thánh.

–Điều gì xảy ra khi Phao-lô và Si-la ca ngợi và thờ phượng Chúa trong tù? Xiềng xích, gông cùm và cửa ngục bị mở ra và sau đó người cai ngục cùng gia đình ông tin nhận Chúa (Công Vụ 16.22-34).

–Sau khi Hội Thánh GBI (Gereja Bethel IIndonesia) đặt trọng tâm vào sự ca ngợi và thờ phượng, tái lập sự thờ phượng với Đền Tạm Đa-vít thì Chúa ban cho họ sự phục hưng diễn tiến liên tục lớn lạ. Khởi đầu từ năm 1994 với một hội thánh địa phương có 400 tín hữu nay Hội Thánh GBI trở thành một mạng lưới hội thánh có trên 250.000 tín hữu với 2000 hội thánh lớn nhỏ. Dù Indonesia là một nước có dân số Hồi Giáo đông nhất thế giới, Hội Thánh GBI vẫn tiếp tục phát triển với các mục vụ truyền thanh truyền hình Cơ Đốc, các chiến dịch “Chữa Lành Truyền Giảng,” các chương trình phục vụ người nghèo, các chương trình đi vào trường học với sự chấp nhận của Bộ Giáo Dục, các hoạt động trong giới trẻ vv…

3. Vũ Khí Chiến Thắng Trận Chiến Thuộc Linh: Vâng Phục Và Tin Cậy

Chiến lược của Sa-tan trong trận chiến thuộc linh là dùng “cái tôi” xác thịt của con người để tạo nên một phản ứng dây chuyền mà bước khởi đầu là sự nghi ngờ. Lòng nghi ngờ phát triển thành sự vô tín. Sự vô tín, trong tình cảnh có lần đã tin trước đây, sinh ra phản ứng phát triển những suy tưởng và lối sống loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống của cá nhân, gia đình, hội thánh và đất nước – để thay vào đó bằng những cái “tôi” của cá nhân, tổ chức con người, hội thánh địa phương hay giáo hội vv.

Cách đơn giản và hữu hiệu nhất, để đập tan chiến lược của nó là (hạ mình) “đầu phục và đến gần Chúa để ma quỷ phải lánh xa chúng ta” (Gia-cơ 4.7-8).

Cùng lúc đó, chúng ta cần quyết tâm trục xuất ra khỏi tâm hồn mọi phản biện nghịch lại với Lời Chúa đến từ những lối sống hay triết lý có thể rất cao đẹp bề ngoài của thế gian ngày nay. Hãy dứt khoát dập tắt mọi sự tưởng tượng hay trông chờ về một tương lai vinh hiển và thỏa lòng cho bản tính xác thịt của con người. Hãy đếm các ơn phước Chúa ban trong mỗi ngày để thấy rõ và tạ ơn Chúa về tình yêu sâu thẳm biết bao mà Ngài luôn tuôn đổ vào đời sống của chúng ta

Hãy vững tin vào Lời Chúa là chân lý (Giăng 17.17b) và chính Chúa là “Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống” (Giăng 14.6). Lời Chúa và Chúa giải phóng mọi người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi, sự chết và quyền lực của ma quỷ để dẫn chúng ta đến sự tự do tuyệt đối (Giăng 8.32; Ga-la-ti 5.1) và một đời sống sung mãn (Giăng 10.10). Sống theo Lời Chúa dẫn đến sống tận hưởng sự “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ…” là những phần ân sủng ngọt ngào của trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5.22). Chúng ta sẽ trở nên những con người đầy dẫy tình yêu thương sẻ chia và phục vụ (Ga-la-ti 5.13-14) với năng quyền thắng hơn mọi sự của Đức Thánh Linh (Rô-ma 8.37-39).

Hãy luôn xin Thánh Linh Chúa soi dẫn và ban ơn quyền cho chúng ta tăng trưởng trong mỗi ngày trong những điều như sau:

–Nhận biết chính tôi và mọi sự của tôi cũng như muôn sự, là do Chúa ban cho để tôi luôn ở trong Ngài, làm gì được là bởi Ngài, cho Ngài và vì vinh hiển của Ngài. Do đó tôi không tìm sự vinh hiển dù chỉ 1% cho mình (Cô-lô-se 2.16-17)

–Có tâm trí và tâm tình Đấng Christ là tự bỏ chính mình (Lu-ca 9.23), coi mọi sự là sự lỗ là rơm rác (Phi–líp 3.7-8). Không tìm lợi riêng mình (Rô-ma 15.1).

–Sống phục vụ người khác, coi người khác như tôn trọng hơn mình (Mác 10.45, Ga-la-ti 6.2, Phi-líp 2.3-4). Điều này sẽ giúp tôi không lạm dụng người khác và lạm dụng những gì Chúa giao.

–Đời sống cảm tạ, ngợi khen và thờ phượng Chúa, coi sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-su là điều tối trọng đại để có Ngài và tiếp tục ở trong Ngài.

–Tin cậy nơi tình yêu của Đức Chúa Trời, tình yêu mà Đấng Christ đã phó mạng sống vì tôi, Đức Thánh Linh phù hộ giúp đỡ và không rời tôi.

–Luôn ý thức Sa-tan và ma quỷ là kẻ thù nguy hiểm, kẻ dối gạt. Tuyệt đối không nghe lời nó, tin nó, nhưng chống cự mỗi lần nó đến cám dỗ mình.

Lời Kết

Trận chiến thuộc linh với cái tôi của A-đam và Ê-va vẫn tiếp diễn xuyên suốt Kinh Thánh và lịch sử nhân loại. Ngày nay ma quỷ và thế giới tối tăm luôn không ngừng đưa ra những lý lẽ hay triết lý kêu gọi xây dựng sự tự do và lối sống độc lập không cần đến Chúa để thỏa mãn cho “cái tôi” và biến mọi sự vinh hiển hay tốt đẹp trở thành "cái của tôi".

Tất cả những lối sống này chỉ là những quỷ kế giả dối và mang tính hủy diệt tách rời chúng ta khỏi mối quan hệ với Chúa và từ đó hủy diệt sự tự do và sự sống sung mãn trong Chúa mà chúng ta đang tận hưởng. Đây là những lối sống ích kỷ tìm lợi cho cá nhân, gia đình, hội thánh, hệ phái v.v… Chúng đều đem đến một hậu quả duy nhất là sự thất bại và nhiều hậu quả hủy hoại không thể đo lường như gương của A-đam và Ê-va, vua Sau-lơ và vua Đa-vít (khi ông sa ngã) vv.

Chúng ta cần xin Chúa ban ơn phân biệt và tri thức để có thể tra xét về và khử đi động cơ "cái tôi' và "cái của tôi" trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình.

Chúng ta phải ý thức tôi sinh ra từ Ngài làm gì được là bởi Ngài, cho Ngài và vì vinh hiển của Ngài. Chúng ta “được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài… được giữ vững trong Ngài” (Cô-lô-se 2.16-17)

Khi đạt được sự hiểu biết này thì mỗi người lãnh đạo hội thánh và tín hữu sẽ dám sống và tuyên bố như Phao-lô là " Vì đối với tôi, sống tức là Chúa Cứu Thế và chết là ích lợi" (Phi-líp 1:21). Những luồng phục hưng sẽ sớm đến trên chúng ta, hội thánh, đất nước mà chúng ta đang sống trong, đặc biệt là quê hương Việt Nam. Lửa Thánh Linh từ những nơi này sẽ lan ra nhiều nơi trên thế giới. Riêng chúng ta sẽ vui mừng gặp Chúa Giê-su mà không hổ thẹn. A-men.

PHẠM PHI PHI & NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG
 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan