Chúa Giê-su Giáng Sinh Để Phục Hưng – Những Ai Được Dự Phần Với Ngài?

Share

Dân Y-sơ-ra-ên trong suốt 400 năm họ không hề nhận sự mặc khải nào của Chúa. Họ bị người La-mã chiếm đất và áp bức và họ đã kêu cầu Đức Chúa Trời ban cho họ Đấng Mê-si để phục hưng và giải cứu họ khỏi ách đô hộ của người La-mã. 

Đức Chúa Trời nhậm lời và vào đúng thời điểm Chúa Giê-su đã được sinh ra, nhưng những ai đã được chiêm ngưỡng hài nhi Giê-su, Đấng Mê-si, Đại Sứ Giả Phục Hưng đến từ thiên đàng đem đến sự phục hưng cho cả nhân loại. Và ai là những người đầu tiên được dự phần với Ngài trong chương trình vĩ đại này?

Chúng ta đang sống giữa biến động và hổn độn hiện đang xảy ra trên toàn cầu, từ trong gia đình, nơi công sở, kinh tế, xã hội, chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch v.v. Tất cả những gì chúng ta đã thấy và nghe là những dấu hiệu của rúng động mà Chúa đã nói trong Hê-bơ-rơ 12:26-29 để những gì bị rúng động sẽ bị loại bỏ và những gì không rúng động sẽ tồn tại. Đây là những điều Đức Chúa Trời đang chuẩn bị dọn đường cho sự phục hưng lớn và là mùa gặt vĩ đại trước ngày Chúa Giê-su trở lại. Tương tự như thời Chúa Giê-su hạ sinh sẽ có những con người tiên phong, được Ngài cho dự phần sản sinh cơn đại phục hưng.

Trong bài viết này chúng ta suy ngẫm về những nhân vật đã gặp hài nhi Giê-su giáng sinh, và được Đức Chúa Trời chọn chuẩn bị và loan báo về Đấng đến đem phục hưng toàn nhân loại, cách đây 2020 năm. Ngỏ hầu chúng ta học được những gì từ họ và chuẩn bị mình để được Chúa sử dụng mình cho mùa gặt cuối cùng trước khi Chúa Giê-su trở lại.

Mary (Lu-ca 1:26-38): 

Nhân vật thứ nhất chúng ta nói đến là Ma-ri. Giữa hàng triệu người trong thời ấy, tại sao Chúa chọn Ma-ri để Con Thánh ra đời? Ma-ri đã có những đức tính gì mà Đức Cha và thiên đàng tin cậy để chăm sóc Con Một của Đức Chúa Trời cho đến khi Ngài bước vào chức vụ? Ma-ri, một cô gái đã trở thành nhân vật lịch sử mà hàng ngàn năm sau được hàng tỉ người ngưởng mộ, thậm chí giáo hội Công Giáo còn tôn thờ bà.

Kinh Thánh cho biết,

26 Vào tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, thuộc miền Ga-li-lê, 27 gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên Giô-sép, thuộc gia tộc Đa-vít; trinh nữ này tên Ma-ri

— Lu-ca 1:26,27

Điều đầu tiên, Ma-ri phải là người Na-xa-rét vì chúa Giê-su sau này được gọi Giê-su Người Na-xa-rét để ứng nghiệm lời tiên tri. Cô phải là một trinh nữ để ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 7:14 “một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên.

Khi gặp Ma-ri thiên sứ nói, “Xin chúc mừng cô, người được hồng phúc (người rất được hồng phúc/rất được ơn, highly favored one NKJV), Chúa ở cùng cô!” (Lu-ca 1:28).

Đời sống của Ma-ri dù Kinh Thánh không nói chi tiết là cô đã sống như thế nào, nhưng chúng ta có thể đoán là, cô là gái đồng trinh, người có đời sống trong sạch, tấm lòng và cách sống của Ma-ri như lời nói, thái độ đã thu hút sự chú ý của Đức Chúa Trời để Ngài tin tưởng giao Con Thánh cho bà sinh ra và chăm sóc. Ma-ri thật sự là người rất được ơn và Chúa đã ở với cô. Khi một người có đời sống làm hài lòng Chúa thì Ngài có sứ mệnh cho họ. Thiên sứ đã chuyển giao sứ mệnh của Đức Chúa Trời cho bà như sau:

31 Này, cô sẽ thụ thai và sinh một trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người con trai đó sẽ nên cao trọng và sẽ được xưng là Con Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi vua Đa-vít, tổ phụ Ngài. 33 Ngài sẽ trị vì nhà Gia-cốp đời đời; nước Ngài sẽ không bao giờ chấm dứt

— Lu-ca 1:31-33

Đây quả thật một sứ mạng qua lớn lao ngoài sức tưởng tượng của một cô gái vừa đến tuổi lập gia đình. Ma-ri cũng như chúng ta sẽ thắc mắc làm sao tôi làm được việc này. Do đó Ma-ri hỏi: “Tôi còn là trinh nữ, làm sao có việc đó?” (Lu-ca 1:34).

35 Thiên sứ đáp: “Thánh Linh sẽ giáng trên cô, quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ bao phủ cô, cho nên Con Thánh sinh ra sẽ được xưng là Con Đức Chúa Trời. 37 Vì không có điều gì Đức Chúa Trời không làm được!”

— Lu-ca 1:35,37

Thiên sứ cho biết đây là công việc quyền năng của Thánh Linh sẽ làm cho cô, vì Ngài ở cùng cô, bóng Đấng Toàn Năng sẽ che phủ cô và Ngài sẽ làm việc cho cô và qua cô, cũng như Ngài đã làm cho Ê-li-sa-bét là người bà con với Ma-ri, một phụ nữ lớn tuổi có tiếng là hiếm muộn. Sau khi nghe điều này thì Ma-ri nói: “Vâng, con là đầy tớ Chúa, nguyện việc đó xảy đến cho con như lời ông nói!” (Lu-ca 1:38).

Trong ít phút ngắn ngủi trò chuyện với thiên sứ, Ma-ri đã tiếp nhận sứ mạng vì bà đã xác nhận chính mình “là đầy tớ Chúa”. Bởi đức tin dù không hiểu phương cách Chúa sẽ làm bằng cách nào? Ma-ri chỉ muốn vâng lời bất chấp những rủi ro sẽ xảy đến cho mạng sống khi không có chồng mà đã có con (vì theo phong tục thời đó phạm tội tà dâm sẽ bị ném đá chết). Còn hôn nhân của mình sẽ như thế nào? Vị hôn phu của mình là Giô-sép sẽ đối xử với mình thế nào nếu như biết mình có thai? Tất cả những nan đề, rủ ro, nguy hiểm và danh dự đối với Ma-ri nó không quan trọng. Điều quan trọng nhất của Ma-ri là mình chỉ đầy tớ Chúa, do đó nhiệm vụ của mình là vâng lời và làm đẹp lòng Chúa. Tất cả những nan đề mình thì ý Chúa được nên.

Ma-ri đồng thời là người ghi nhớ và suy ngẫm về những điều của Chúa. Khi các người chăn kể những điều thiên sứ bày tỏ cho họ. Kinh thánh ký thuật, “Còn Ma-ri thì ghi khắc những lời ấy và để tâm suy nghiệm” (Lu-ca 2:19). Tương tự như thế sau khi thất lạc Chúa Giê-su và tìm được Ngài trò chuyện với các giáo sư Do Thái giáo trong đền thờ, bà đã “ghi khắc mọi việc ấy trong lòng” (Lu-ca 4:51).

Chúng ta có thể học từ nơi Ma-ri, là người được Đức Chúa Trời sử dụng để chuyển tải sự phục hưng bằng cách sống trong sạch, là người Chúa đẹp lòng, người suy ngẫm lời Chúa và sự huyền nhiệm được giấu trong Ngài. Chúng ta hãy sống bằng đức tin và dám trả giá cho làm theo những gì Chúa phán bảo vì chúng ta chỉ là đầy tớ của Ngài. Người dám tin như thế thì “không có điều gì Đức Chúa Trời không làm được!” qua họ (Lu-ca 1:37).

Giô-sép (Ma-thi-ơ 1:18-25)

Nhân vật kế tiếp là Giô-sép, ông cũng thuộc dòng dõi vua Đa-vít (Ma-thi-ơ 1:16), và đã đính hôn cùng Ma-ri. Nghe tin Ma-ri vợ hứa đã thụ thai, Giô-sép “là người công chính, không muốn bêu xấu nàng nên định âm thầm từ hôn” (Ma-thi-ơ 1:19). 

Nếu là người đàn ông khác, khi biết vị hôn thê mình có thai, Giô-sép sẽ rất tổn thương và giận dữ. Ông sẽ đến chất vấn Ma-ri, và gia đình Ma-ri để hỏi cho ra lẽ. Tại sao đem cho tôi sự sĩ nhục này? Hoặc ông sẽ kêu gọi ném đá Ma-ri và người đàn ông đã khiến Ma-ri mang thai, chỉ có cái chết mới rửa được sự sĩ nhục lớn mà ông phải chịu. 

Nhưng Giô-sép không làm điều này, vì ông là người công chính, ông không muốn Ma-ri bị bêu xấu, hay bị tổn hại nên định âm thầm từ hôn. Người công chính là người kính sợ Đức Chúa Trời, sẽ không tìm cách trả thù hay làm hại người khác, dù họ là kẻ thù mình vì ông tin sự trả thù thuộc về Chúa. Ông tin mọi sự rằng “mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu kính Đức Chúa Trời, tức là những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài (Rô-ma 8:28).

Đang khi Giô-sép suy tính sẽ làm gì, thì một thiên sứ của Chúa hiện đến trong giấc mộng và bảo: 

“Này Giô-sép, con cháu Đa-vít, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì thai nàng đang mang là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ sinh một trai, hãy đặt tên là Giê-su, vì Ngài sẽ cứu dân tộc mình thoát khỏi tội lỗi.” 

Những người như Giô-sép sẽ được Chúa dùng cho sự phục hưng cho thời kỳ cuối cùng vì họ không để sự tổn thương hay thất vọng bởi lời nói hành động của người khác. Họ sống công chính và khao khát làm điều lành. Họ sẽ không soi mói và chú ý đến lỗi lầm của người khác. Người như Giô-sép, cũng giống như Đa-niên không để đời sống mịnh bị ô uế vì họ có tâm trí và tấm lòng trong sạch. Nhờ đó họ thấy giấc mơ, khải tượng và những sự huyền nhiệm của Chúa. Những người có tâm trí kiên định này là yếu tố rất quan trọng giúp họ tập trung đến sứ mạng Chúa giao và hoàn thành sứ mạng ấy. Kinh Thánh ghi nhận, “Khi tỉnh giấc, Giô-sép thực hiện đúng như điều thiên sứ của Chúa đã truyền và cưới Ma-ri làm vợ” (câu 24).

Ngoài ra, tấm lòng của những người giống Giô-sép là “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ” (Ma-thi-ơ 5:44). Đối với họ, dù có điều gì xảy đến sẽ không làm họ bất an hay sợ hãi. Vì “Không có sự sợ hãi trong tình yêu thương, trái lại tình yêu toàn vẹn loại bỏ sợ hãi” (Giăng 4:18). Chỉ có những người có tấm lòng lớn mới làm việc lớn cho Chúa.

Giăng Báp-tít (Lu-ca 1:39-45)

Người đầu tiên đã thấy Chúa Giê-su khi Ngài còn trong bụng bà Ma-ri là Giăng Báp-tít. Kinh Thánh cho biết, khi Ma-ri chào mừng Ê-li-sa-bét.

41 Vừa khi Ê-li-sa-bét nghe tiếng Ma-ri chào, bào thai trong bụng bà liền nhảy mừng và Ê-li-sa-bét được đầy dẫy Đức Thánh Linh. 42 reo lên: “Cô có phước nhất trong giới phụ nữ. Phước cho bào thai trong lòng cô! 43 Do đâu tôi được vinh dự này, mẹ Chúa tôi đến thăm tôi? 44 Vì khi tai tôi nghe tiếng cô chào, thì thai nhi trong lòng tôi liền nhảy mừng.

Giăng Báp-tít là người dọn đường cho Chúa, ông là người đầy dẫy Thánh Linh từ trong bụng mẹ. Chỉ qua tiếng chào của Ma-ri với mẹ ông là Ê-li-sa-bét, Giăng Báp-tít liền nhận biết Chúa Giê-su, ông vui mừng chào Ngài từ khi ông và Chúa Giê-su còn trong bụng mẹ. Tâm linh ông có thể nhận diện và nối kết với Chúa Giê-su trước khi ông ra đời.

Chúa Giê-su đang kết nối những người dọn đường cho sự trở lại của Ngài, họ là những người sống khác thường. Họ không giống như những thầy tế lễ cả, những thầy thông giáo, người Pha-ri-si hay Sa-đu-sê là những người tìm kiếm chức quyền, tiền bạc và tiếng khen của con người. Họ là những người đầy dẫy Thánh Linh, nghe được tiếng Người Chăn. Họ rao giảng về sự ăn năn là búa đã kề gốc cây, sự trở lại của Ngài và giảng về Đức Thánh Linh là Đấng phù hộ, sự báp-tem bằng Thánh Linh và bằng lửa.

Mấy người chăn chiên (Lu-ca 2:8-20)

Trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh, có các mục tử thức đêm canh bầy chiên, đây là những người có vị trí thấp trong xã hội. Thiên sứ Chúa hiện ra báo tin, nên họ rất khiếp sợ. 

10 Nhưng thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. 11 Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi 

— Lu-ca 2: 10,11 (BDTTHĐ)

Sau khi nghe thiên sứ báo tin và được thấy muôn vàn thiên binh cùng với thiên sứ ấy ngợi ca Đức Chúa Trời họ vội vàng rủ nhau lìa bỏ bầy chiên vào thành Bết-lê-hem để đến tìm gặp Cứu Chúa. Sau khi gặp Ngài, họ “trở về tôn vinh và ca ngợi Đức Chúa Trời vì tất cả những điều họ nghe và thấy”. Nghĩa là họ ngợi khen Chúa vì điều Ngài đã và đang làm và thuật lại cho những người khác những gì họ chứng kiến và kinh nghiệm.

Qua điều này chúng ta có thể thấy, những người được Chúa dùng dự phần cho sự phục hưng sắp đến sẽ có những người đơn sơ, bình dân, có thể những người kém học thức, những người bình thường, địa vị mà thấp nhất trong xã hội hay những người bị xã hội ruồng bỏ. Chúa sẽ hiện ra và bày tỏ sự vinh hiển Ngài với họ. Những người này sẽ sẳn sàng lìa bỏ mọi sự để tìm kiếm Chúa và chia sẻ quyền năng và kinh nghiệm mình gặp Chúa cho mọi người.

Si-mê-ôn và Anne

Một nhóm người nữa là những người được dự phần với Ngài trong sự phục hưng là những người cầu thay. Kinh Thánh cho biết Chúa bày tỏ cho Si-mê-ôn là một người công chính và đạo đức. Si-mê-ôn là “người có Đức Thánh Linh ngự trên ông”. Ông “trông đợi sự an ủi của dân Y-sơ-ra-ên”, nghĩa là ông cầu nguyện trông chờ Đấng Mê-si đến phục hưng và cứu đất nước mình. Vì “Đức Thánh Linh đã cho ông biết trước rằng ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ”. Điều này cho thấy ông có thể là một tiên tri hay có sự mặc khải tiên tri về sự ra đời của Ngài để cầu nguyện đồng thời chờ đợi lời hứa của Chúa.

Ngoài ra, còn có An-ne người đàn bà góa, tám mươi bốn tuổi. Cụ ở luôn trong đền thờ, kiêng ăn, cầu nguyện và ngày đêm phục vụ Chúa.

Tại đây chúng ta thấy các cụ này là những người đầy dẫy Thánh Linh, họ cầu thay và nhận sự mặc khải về sự phục hưng và họ cầu nguyện trông chờ sự thăm viếng của Ngài. Như vậy những người sẽ được Chúa cho dự phần cho sự phục hưng cho thời kỳ cuối cùng sẽ bao gồm tiên tri hay có mặc khải tiên tri, họ nghe được tiếng Chúa. Những người kiêng trì cầu nguyện cho sự phục hưng là điều Chúa hứa. Họ kiêng ăn, ngày đêm cầu nguyện Chúa và phục vụ Ngài.

Các nhà thông thái từ phương đông (Lu-ca 2:1-12)

Các nhà thông thái thấy ngôi sao từ phương đông họ lặn lội hàng ngàn cây số, ban ngày nghỉ, còn ban đêm đi theo ngôi sao dẫn đường để tìm Chúa. Chúng ta không biết là họ phải tốn bao nhiêm dậm đường đến khi tìm được Ngài. Nhưng qua lệnh của vua Hê-rốt giết tất cả trẻ em dưới 2 tuổi, điều này cho thấy từ lúc các nhà thông thái thấy ngôi sao cho đến khi họ đi đến gặp Chúa là cả năm. Nghĩa là hành trình họ đi rất dài và tìm Chúa thật không dễ dàng, dầu vậy không ngăn cản quyết tâm họ tìm Chúa cho đến khi gặp Ngài.

Vì các nhà thông thái lầm tưởng hài nhi Giê-su là sẽ ở trong cung điện nên họ tìm hỏi vua Hê-rốt, nhưng sau được biết Ngài sẽ sinh tại Bết-lê-hem, họ rời vua Hê-rốt thì ngôi sao họ đã thấy ở phương đông đi trước họ cho đến khi dừng lại ngay trên chỗ con trẻ ở. Khi gặp hài nhi Giê-su họ bèn đi đến quỳ xuống thờ lạy Ngài và dâng lên Ngài các lễ vật quý giá: vàng, trầm hương và một dược.

Nhóm người sẽ được Chúa sử dụng cho sự phục hưng nữa sẽ như các nhà thông thái tìm kiếm Chúa cho đến khi gặp Ngài. Họ trả giá tìm kiếm Chúa, dâng lên Chúa những gì quí giá nhất họ có. Họ có khải tượng nghe tiếng Chúa và đi trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Điều đáng tiếc là Vua Hê-rốt, “các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo” và cả thành Giê-ru-sa-lem nghe và biết vị vua đã được sinh ra, nhưng họ không ngờ Ngài là Đấng Mê-si họ trông chờ nên không ai tìm gặp Ngài.

Vua Hê-rốt không đi tìm gặp Chúa vì ông yêu ngai vàng, quyền lợi, cuộc sống xa hoa và ông không muốn mất nó. Thậm chí ông còn tìm cách giết Đấng đến để đem sự phục hưng, vì ông sợ Ngài sẽ cản trở và giành lấy những quyền lợi của ông. Tương tự như thế, “các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo” (câu 4), họ biết nơi Chúa hạ sinh, nhưng không tìm kiếm Ngài. Vì họ yêu chức quyền, địa vị, kiến thức hơn là yêu Ngài. Họ lo sợ Chúa giành lấy ảnh hưởng của họ. Điều này được chứng minh họ bắt bẻ và chống đối Chúa Giê-su lúc Ngài thi hành chức vụ.

Dân chúng thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa khi nghe các nhà thông thái nói một vị vua mới ra đời họ đều bối rối, nhưng không quan tâm tìm kiếm Con Trời. Họ cũng như con dân Chúa ngày nay, họ thờ ơ với sự phục hưng, lạnh nhạt với sự trở lại của Chúa.

Giống như thời Chúa giáng sinh, nhiều người giống như chủ nhà trọ (Lu-ca 2:7), lo kiếm tiền, lo nhu cầu cuộc sống, tìm cơ hội để thành công và làm giàu. Họ quá bận rộn, khi Chúa đến ở quán trọ của họ, nhưng họ không có chỗ cho Ngài. Vì không nhận biết Con Thánh nên họ Ngài trong chuồng gia súc là chiên máng cỏ. Ngài đến để che chở cho con người, Nhưng con người che bọc Ngài bằng khăn giữa đêm đông giá rét mướt. Con Thánh giáng sinh để tìm cứu và chết thay cho dân Ngài nhưng họ chẳng hề nhận biết Ngài. Chúa Giê-su đến không mấy người hay, khi Ngài đi cũng không mấy người biết. Chúa Giê-su đã nói về họ như sau:

Vì dân này đến gần Ta bằng miệng; Tôn vinh Ta bằng môi nhưng lòng thì xa cách Ta. Sự chúng nó kính sợ Ta Chỉ là điều răn của loài người, do loài người dạy bảo 

— Ma-thi-ơ 15:8

Chúa Giê-su sẽ trở lại thế gian lần nữa, Ngài sẽ không đến như một hài nhi bé bỏng yếu ớt được bọc bằng khăn, nhưng Ngài sẽ đến với địa vị Vua Vinh Hiển. Nhưng trước khi Ngài đến sẽ có cơn phục hưng xảy ra, 

Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân; bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến 

— Ma-thi-ơ 24:14 (BDTTHĐ)

Ngài đang tìm kiếm những con người chuẩn bị cho sư phục hưng mà Ngài sẽ đem đến. Họ là những đầy tớ trong trắng sẳn sàng làm theo ý Ngài như Ma-ri; họ là những người công chính và kiên định sống theo khải tượng như Giô-sép; những con người khao khát tìm kiếm Chúa sống tận hiến cho Ngài như các nhà thông thái; những người đơn sơ dù thấp hèn trong xã hội; nhưng muốn chiêm ngưỡng vinh quang Ngài để chia sẻ cho người khác; những con người, kiêng ăn, cầu nguyện và ngày đêm phục vụ Chúa và những người như Giăng Báp-tít sẽ rao giảng Tin Lành bắng quyền năng Thánh Linh không để làm vui lòng người nghe, nhưng kêu gọi mọi người trở lại cùng Chúa, ăn năn và nhận Báp-tem Thánh Linh và bằng lửa.

Ước mong bạn và tôi chúng ta sẽ không đánh mất cơ hội được dự phần dọn đường cho sự trở lại của Chúa Giê-su. Chúng ta sẽ chiêm ngưởng và kinh nghiệm sự vinh hiển tỏa sáng trên chúng ta và qua chúng ta cho thế giới hư mất. Như Ê-sai đã nói tiên tri cho thời đại chúng ta là;

1 Hãy đứng lên và chiếu sáng vì ánh sáng của ngươi đã đến; Và vinh quang CHÚA tỏa sáng trên ngươi. 2 Vì nầy, bóng tối sẽ bao trùm quả đất; Và tối tăm che phủ các dân. Nhưng CHÚA sẽ tỏa sáng trên ngươi; Và vinh quang Ngài sẽ chiếu sáng trên ngươi

— Ê-sai 60:1,2

 

Người Dọn Đường 

(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan