7 Bước Để Đón Nhận Sự Tuôn Đổ Của Thánh Linh

Share

Sự tuôn đổ của Thánh Linh là một sự kiện quan trọng trong lịch sử. Thông qua đó, thế giới đã vĩnh viễn thay đổi từ văn hóa, đạo đức, tôn giáo trên nhiều quốc gia. Từ sự tuôn đổ Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần, Tin Lành đã được giảng ra khắp nơi trong thời đó. Lịch sử cho thấy những cơn phấn hưng lớn như 1904-1905 – Phục hưng tại Welsh, 1906 – Phục hưng Phố Azusa v.v… là do có những con người không thoả lòng với tình trạng sa sút của Hội Thánh, sự băng hoại trong xã hội và quốc gia, nhiều người chết mà không có Chúa Giê-su. Họ đã hạ mình tìm kiếm Chúa và Ngài đã dấy họ lên như những sứ giả phục hưng như Charles Finney, John Westley, George Whitefield, Charles H. Spurgeon, William j. Seymour v.v..

Khi nói đến sự tuôn đổ Thánh Linh, chúng ta không thể nói đến sự kiện Lễ Ngũ Tuần. Theo Cựu Ước, từ lễ kỷ niệm Lễ Quả Đầu Mùa (tức là đại Lễ Vượt Qua hay là Lễ Phục Sinh), tính đến 50 ngày, ngày thứ năm mươi sẽ là Ngày Lễ Ngũ Tuần. Lễ Quả Đầu Mùa là lễ kỷ niệm bắt đầu vụ thu hoạch lúa mạch và Lễ Ngũ tuần là lễ kỷ niệm bắt đầu thu hoạch lúa mì.

Ngày Lễ Ngũ Tuần là ngày Đức Thánh Linh thành lập Hội Thánh. Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh trên Hội Thánh vì đó là điều Ngài đã hứa (Công vụ 1:4,5). Đức Thánh Linh là Đấng Phù Hộ (Giăng 14:16-18) sẽ ở với chúng ta luôn từ khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su (Giăng 3:3-6). Ngài tiếp tục công việc Chúa Giê-su trên đất. Sứ đồ Phi-e-rơ nói chính Đức Thánh Linh là “lời hứa rất quý rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bản tánh Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:4). 

Đức Thánh Linh là Thần Linh sự sống. Ngài đổng công với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con dựng vũ trụ hữu hình, trái đất, mọi loài. Ngài ban sự sống trên A-đam, trên thung lũng hài cốt khô. Khi Thánh Linh tuôn đổ trên người nào thì họ trở nên những con người khác. Nơi nào có Ngài là có sự sống. Vắng bóng Ngài thì có sự chết. Có Ngài giúp đỡ thì chúng ta có thể làm được mọi sự.

Thánh Linh như gió không ai biết Chúa đến và khi Ngài đi (Giăng 3:8). Ngài là Đấng rất lịch sự. Ngài đến với những ai khao khát tiếp đón và muốn giữ Ngài ở lại. Đừng làm buồn và đừng dập tắt Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30; 1 Tê-sa 5:19). Khi chúng ta phạm tội Ngài ẩn mặt khỏi chúng ta, nhưng khi chúng ta hạ mình xuống ăn năn từ bỏ con đường gian ác và tìm kiếm thì Chúa, thì Ngài sẽ hướng về chúng ta, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội lỗi và chữa lành chữa lành và đổ thần Ngài trên chúng ta (Ê-xê-chi-ên 39:29; 2 Sử ký 7:14).

Khi Đức Thánh Linh tuôn đổ sẽ có những điều xảy ra khác thường, khiến chúng ta kinh ngạc, thậm chí sẽ có số người phê phán và chế diễu, đừng để bị chi phối về điều này vì nó đã từng xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần.

12 Mọi người đều kinh ngạc và bối rối, nói với nhau: “Việc nầy có nghĩa gì?” 13 Nhưng có kẻ lại chế giễu rằng: “Họ say rượu mới rồi đó.”

— Công vụ 2:12,13

Chúng ta cần phân biệt sự Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta khác với sự tuôn đổ Thánh Linh và điều Cha ban xuống trên mọi xác thịt (Giăng 14:17; 1 Cô-rinh-tô 6:19; Công vụ 1:8 và đoạn 2). Bài viết này nhằm giúp chúng ta khám phá những nguyên tắc chính mà tác giả nghiên cứu còn gọi là 7 Bước để đón nhận sự tuôn đổ của Thánh Linh (Dĩ nhiên chắc phải có những nguyên tắc khác nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tác giả).

1. Vì Chúa hứa Ngài sẽ tuôn đổ Thánh Linh nên chúng ta tin, xin và trông đợi

Trong Công vụ 2:17,18,21 “Đức Chúa Trời phán: 

17 Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên mọi xác thịt; Con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, Thanh niên sẽ thấy khải tượng, Và người già sẽ thấy chiêm bao. 18 Phải, trong những ngày đó, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên các đầy tớ trai và gái Ta, Và họ sẽ nói tiên tri… 21 Và ai cầu khẩn Danh Chúa đều sẽ được cứu.” (BD TTHĐ)

Khi Đức Chúa Trời tuôn đổ Đức Thánh Linh thì Linh mặc khải tiên tri sẽ giáng xuống và ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu. Ngài sẽ “Khiến” chúng ta “hiểu biết lời Ngài “dạy” (Châm ngôn 1: 23). Đức Thánh Linh còn là Thần ân điển, nài xin và Ngài cáo trách tội lỗi họ để họ “sẽ than khóc Ngài như người ta than khóc đứa con một, và sẽ thương tiếc Ngài như người ta thương tiếc con đầu lòng” (Xa-cha-ri 12:10). 

Khi “Thần linh từ trên cao được đổ xuống trên chúng ta, và sa mạc sẽ trở nên đồng ruộng phì nhiêu; Đồng ruộng phì nhiêu như rừng rậm” (Ê-sai 32:15). Chúng ta sẽ thấy những phước hạnh lớn Ngài tuôn đổ trên chúng ta, gia đình, Hội Thánh và cho mọi người.

Nếu chúng ta muốn nhận sự tuôn đổ này thì chúng ta cần phải nài xin Cha. Chúa Giê-su đã cho chúng ta lời hứa khi chúng ta mong ước Thánh Linh thì Cha sẽ ban cho.

11 Trong các con, có người nào làm cha mà con mình xin cá lại cho rắn,12 xin trứng lại cho bò cạp không? 13 Vậy, nếu các con là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt, huống gì Cha trên trời lại không ban Thánh Linh cho những người cầu xin (chữ cầu xin tiếng Hê-bơ-rơ là “ahee-teh’-o”: chữ này nghĩa là hỏi, năn nỉ cầu xin, kêu gọi, thèm muốn, mong muốn, yêu cầu) Ngài sao?” (Lu-ca 11:11-13)

“Bất cứ điều gì” khi nài xin Chúa chúng ta cần phải có đức tin là mình đã được thì sẽ nhận “thì… sẽ được như vậy” (Mác 11: 24). Câu “Thì… SẼ được như vậy” nghĩa là chúng ta phải chờ phải trông đợi Chúa SẼ trả lời. Vì đây là lời hứa của Chúa.

9 Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ, cửa sẽ mở ra cho các con. 10 Vì ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ thì cửa sẽ mở.” (Lu-ca 11:9,10)

Tóm lại vì Chúa hứa Ngài sẽ tuôn đổ Thánh Linh nên chúng ta tin, nài xin và trông đợi cho đến khi Chúa trả lời. Vì “Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (Rô-ma 1:16,17). Điều này nghĩa là không phân biệt phái tính, màu da, dân tộc, giai cấp. Nếu Chúa đã hứa, chúng ta tin và cầu xin thì Ngài sẽ thực hiện. Chúa phán, “Ta thức canh để thực hiện lời Ta phán” (Giê-rê-mi 1:12).

2. Khao khát tìm kiếm Chúa cách tột cùng

Đừng đến với Chúa vì chúng ta cần giúp đỡ và giải quyết những nan đề của mình. Chúng ta tìm kiếm mặt Chúa để tương giao mật thiết với Chúa, vì Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta. Động cơ duy nhất là chúng ta là chỉ cần có Ngài. Khi đến nài xin Chúa, chúng ta phải xác định là mình cần có Chúa, không có gì cản trở chúng ta đến với Ngài. Sau khi Chúa cho chúng ta gặp mặt Ngài thì Chúa sẽ làm những điều sau đây cho chúng ta:

a. Chúa bày tỏ ý định và kế hoạch của Ngài

Khi dân Y-sơ-ra-ên đang bị lưu đài tại Ba-bi-lôn thì Chúa đã có ý định và kế hoạch của Ngài cho họ. Chúa phán:

11 Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng. 14… Ta sẽ tập hợp các con lại từ mọi nước và mọi nơi mà Ta đã đuổi các con đến. Ta sẽ đem các con về nơi mà từ đó Ta đã lưu đày các con. (Giê-rê-mi 29:11,14).

Nếu dân Y-sơ-ra-ên muốn đạt được kế hoạch mà Chúa dành cho họ, Ngài muốn họ phải:

12 Bấy giờ các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. 13 Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng.” 14 Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ cho các con gặp được Ta và sẽ đem các con về từ chốn lưu đày” (Giê-rê-mi 29:12-14 BD TTHĐ). 

b. Chúa lập giao ước và ban cho đời sống mãn nguyện mà không trả phí tổn

Trong Ê-sai 55:1-3 Chúa kêu gọi dân sự Ngài, khao khát Chúa, tìm kiếm thờ phượng tôn cao Chúa cũng nghĩa là vâng lời sống đẹp lòng Chúa, lắng nghe sự dạy dỗ và chỉ dẫn của Ngài, thì khi đó Chúa sẽ lập giao ước là tình yêu trung kiên Ngài dành cho chúng ta.

c. Chúa khiến chúng ta thỏa nguyện, Ngài giải cứu và giải quyết mọi nan đề của chúng ta

Đa-vít sáng tác Thi Thiên 63, khi ông đang ở hoang mạc Giu-đa, ông đã tường thuật cho chúng ta khi linh hồn ông khát khao hết lòng tìm cầu Chúa, thờ phượng Chúa và bám chặt lấy Chúa. Lòng ông mong ước nhìn xem Chúa trong nơi thánh, chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang của Ngài, thì Ngài làm cho ông được thỏa nguyện, Ngài giúp đỡ ông và tiêu diệt kẻ thù của ông.

d. Chúa đổ thần Ngài trên dòng dõi chúng ta và ban phước cho chúng

3 Vì Ta sẽ đổ nước xuống trên người khát, Làm suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ thần Ta trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ ban phước cho con cháu ngươi. 4 Chúng sẽ nẩy nở giữa đám cỏ, Như cây liễu bên cạnh dòng nước. (Ê-sai 44:3,4)

Khi Thánh Linh tuôn đổ chúng ta sẽ hiểu biết điều Chúa dạy. Ân điển của Chúa sẽ tuôn đổ trên chúng ta, linh sự ăn năn cầu nguyện sẽ đổ xuống. Phước hạnh Chúa sẽ tuôn đổ, ân tứ Thánh Linh sẽ tuôn đổ. Linh sự mặc khải tiên tri sẽ giáng xuống và ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu. Tất cả những điều tốt lành từ Cha sáng láng sẽ đổ xuống con dân Ngài.

3. Hạ mình ăn năn xưng tội và từ bỏ – biệt riêng ra thánh cho Chúa

Đức Chúa Trời đã hứa trong 2 Sử ký 7:14, nếu dân Ta, là dân được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta và từ bỏ con đường gian ác, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội lỗi họ và chữa lành đất nước họ (BD TTHĐ).

Câu Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy điều kiện để Chúa chữa lành đất nước hay tuôn đổ Thánh Linh cho phục hưng bao gồm:

  1. dân được gọi bằng danh Ta. Những người được chuộc bởi huyết Chúa Giê-su.
  2. hạ mình xuống: khiêm nhường, loại bỏ sự kiêu ngạo, nhờ cậy sức riêng, sức con người, phục vụ vớ tinh thần tôn giáo
  3. cầu nguyện: Có mối tương giao thân mật với Chúa, 
  4. tìm kiếm mặt Ta: Thờ phượng ở trong sự hiện diện của Chúa, ngồi dưới chân Chúa nghe tiếng Ngài.
  5. từ bỏ con đường gian ác: Từ bỏ tội lỗi và những gì Chúa không đẹp lòng

Khi làm phần của chúng ta, phần của Chúa Ngài sẽ:

  1. từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, 
  2. tha thứ tội lỗi họ 
  3. và chữa lành đất nước họ. 

Đức Thánh Linh là Đấng thánh khiết, Ngài không chỉ đổ Thần Ngài trên những ai khát, nhưng đồng thời phải là những người trong sạch, hay cộng đồng trong sạch. Vua Đa-vít đã cầu xin Chúa sau khi ông phạm tội:

10 Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong con một lòng trong sạch; Và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng. 11 Xin đừng từ bỏ con khỏi mặt Chúa; Cũng đừng cất Thánh Linh Chúa khỏi con. (Thi thiên 51:10-11)

Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói trong Công vụ 2:38,

“Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jêsus nhận báp-têm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh”.

Điều này cho thấy sự ăn năn đi trước sau đó là sự ban cho Thánh Linh hay sự tuôn đổ Thánh Linh. Chúng ta cần xin Chúa tra xét và chỉ ra cho mình những tội lỗi chưa xin Chúa tha thứ và những tội mà Chúa muốn chúng ta ăn năn và từ bỏ.

Trong bài viết cách trải nghiệm sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh, Lý Thường Thụ (Witness Lee) một sứ giả phục hưng Trung Quốc và bạn của Mục sư Tống Thượng Tiết đã kể về người phụ nữ Trung Quốc như sau:

Trước khi cô tin Chúa, có một con gà to của hàng xóm đã đi lạc vào trang trại của cô, và cô đã bắt nó và giết nó để ăn thịt. Khi người hàng xóm đến tìm con gà, cô ấy nói dối và nói rằng cô ấy không biết nó ở đâu. Vài năm sau cô đã tin Chúa, và trong nhà thờ có các buồi nhóm cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh tuôn đổ và có nhiều người đã được Chúa thăm viếng. Cô cũng là một người khao khát cầu nguyện xin sự trải nghiệm này. Cô quỳ xuống xin Chúa tuôn đổ quyền năng của Thánh Linh, nhưng cô không được nhậm. Trong khi đó, cô nghĩ đến một con gà to của người hàng xóm mà cô đã ăn thịt trước đó. Cô trở về nhà mua một con gà lớn hơn con mà cô đã ăn thịt, đem nó cho người hàng xóm và xưng nhận tội. Ngay sau đó cô đã nhận được kinh nghiệm về phép báp-têm trong Thánh Linh.

Chúng ta không chỉ vâng lời Logos trong Kinh Thánh, nhưng cần phải vâng lời Thánh Linh thúc dục trong lòng, nếu chúng ta muốn nhận sự tuôn đổ Thánh Linh. Trong Công vụ 5:32 chép, “Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời ban cho những người vâng lời Ngài” (BD 2005). Nếu chúng ta chưa hề đối diện với Chúa, chúng ta sẽ không biết mình không vâng lời như thế nào. Mục sư Lý Thường Thụ kể câu chuyện như sau:

Có một chị nọ đã tìm kiếm nhận Báp-têm bằng Thánh Linh. Muốn có kinh nghiệm này, cô cầu nguyện và dâng mình chính mình cho Chúa. Người phụ nữ thời đó để tóc dài, búi cao trên đầu. Khi chị này cầu nguyện, chị cảm thấy rằng Chúa đang đòi hỏi cô “phá bỏ tháp” trên đầu bằng cách cắt tóc. Nhưng cô không vâng lời. Một đêm trong khi nhóm họp với các Cơ đốc nhân khác, cô cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin ban cho con kinh nghiệm sự tuôn đổ Thánh Linh”, nhưng Chúa nói, “Hãy dâng cho Ta mái tóc của con.” Cuối cùng cô đã quyết định vâng lời Chúa và cắt tóc, và ngay lúc đó Thánh Linh đã tuôn đổ trên cô. 

Sứ giả phục hưng Charles Finney nói:

“Sự phục hưng là một sự xác quyết mới về tội lỗi và sự ăn năn, theo sau là một ước muốn mãnh liệt để sống trong sự vâng phục Đức Chúa Trời. Đó là từ bỏ ý muốn của mình để làm theo ý Chúa trong sự hạ mình sâu sắc.” 

4. Tập hợp tại nơi Chúa để tìm kiếm Chúa

Trong Công vụ 1:4,5 Trước khi thăng thiên, Chúa Giê-su căn dặn các môn đồ: 

4 Các con đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải chờ đợi điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói. 5 Vì Giăng đã làm báp-tem bằng nước nhưng ít ngày nữa, các con sẽ nhận báp-tem bằng Đức Thánh Linh.” 

Các môn đồ đã vâng lời Ngài, họ về Giê-ru-sa-lem và tụ họp nhau tại phòng cao. Về đến nơi, họ lên lầu và ở tại đó. Hiện diện có Phê-rơ, Giăng, Gia-cơ, An-rê… (Công vụ 1:13)

Sau mười ngày cùng nhau cầu nguyện tìm kiếm Chúa, đến ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh tuôn đổ trên 120 người môn đồ bao gồm người lớn lẫn trẻ nhỏ. Từ đó qua bài giảng của Phi-e-rơ có 3.000 người tin Chúa Giê-su. Địa điểm được biệt riêng để cầu nguyện được nói đến nhiều lần trong sách Công vụ như sau:

  • Như thường lệ Phi-e-rơ và Giăng họp nhau đi vào đền thờ cầu nguyện lúc 3 giờ chiều, Chúa bày tỏ quyền năng chữa lành người bại từ thuở sơ sinh tại cửa đẹp (Công vụ 3:1). 
  • Khi Phi-e-rơ bị bắt bỏ tù, chờ hôm sau ra tòa xử, các môn đồ tập họp lại cầu nguyện liên tục kể ngày đêm và thiên sứ giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi tù (Công vụ 12:1-18).
  • Phao-lô và Si-la cùng hiệp nhau đi đến chổ cầu nguyện, họ đã giải cứu cô gái nô lệ bị quỷ Phi-tôn hay quỷ bói khoa ám (Công vụ 16).

Trong Ê-sai 56:7 Chúa phán, “Vì nhà Ta sẽ được gọi là Nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” Do đó, muốn nhìn thấy sự tuôn đổ của Chúa, chúng ta cần hiệp lại một nơi để cầu nguyện. Nhà Cầu Nguyện cho mọi dân tộc chính là đền tạm của vua Đa-vít mà Chúa muốn tái thiết lập. Chúa phán trong Công vụ 15:16,17 

16 ‘Sau các việc nầy, Ta sẽ trở lại, Tái thiết nhà của Đa-vít đã bị sụp đổ. Ta sẽ trùng tu những nơi bị tàn phá và phục hồi nó; 17 Để những người còn lại Và tất cả các dân ngoại được gọi bằng danh Ta, đều tìm kiếm Chúa. Chúa là Đấng đã thực hiện những việc ấy phán như vậy.

5. Yêu thương đồng tâm hiệp một 

Kinh thánh ghi nhận, mỗi lần dân Y-sơ-ra-ên hiệp một tìm kiếm Chúa thì Ngài cho họ gặp mặt Ngài và Ngài giải cứu họ và ban sự đắc tháng. Như:

  • Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên đánh sập thành Giê-ri-cô. 
  • Ghi-đi-ôn và 300 chiến binh, không vũ khí, chỉ có tù và, bình đất và đuốc trong tay.
  • Dân Y-sơ-ra-ên bị dân Phi-li-tin áp bức 20 năm, họ hiệp một ăn năn Chúa giải cứu họ khỏi dân Phi-li-tin (1 Sa-mu-ên 7)

Tình yêu thương, đồng tâm hiệp một là cốt lõi trong việc tìm kiếm Chúa và sự phục vụ Chúa từ Cựu Ước đến Hội Thánh đầu tiên trong Tân Ước.

Tất cả các người đó đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục (Công vụ 1:14). 

44 Tất cả các tín hữu đều hợp nhất với nhau, lấy mọi vật sở hữu làm của chung, 45 Bán tài sản của cải mà phân phát cho mọi tín hữu tùy theo nhu cầu của mỗi người (Công vụ 2:44,45).

Vì sự yêu thương và hiệp một rất quan trọng, nên sứ đồ Phao-lô nài khuyên chúng ta trong Ê-phê-sô 4:1-3

1… tôi nài khuyên anh em hãy sống một đời sống xứng đáng với sự kêu gọi mà Chúa đã kêu gọi anh em. 2 Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương. 3 Cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình. 

6. Kiên trì cầu nguyện liên tục

Các sứ đồ và môn đồ Chúa Giê-su “Tất cả các người đó đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục….” (Công vụ 1:14) và sau đó Thánh Linh đã tuôn đổ trên họ và qua họ có nhiều người được cứu. Chúng ta cần phải trân trọng sự hiện diện với Chúa. Vì trong sự hiện diện Chúa khiến chúng ta thay đổi con người bên trong rồi thể hiện ra bên ngoài tứ đó có tác động và ảnh hưởng đến những người chung quanh. Sự hiện Chúa khiến chúng ta khác biệt những con người khác như Môi-se, Giô-sép, Đa-vít, các môn đồ Chúa Giê-su…

“Một người có thể ham học vì bộ não của anh ta khao khát kiến thức, thậm chí cả kiến thức Kinh thánh. Nhưng anh ấy cầu nguyện vì linh hồn anh ấy khao khát Chúa”. – Leonard Ravenhill 

“Không có người đàn ông nào vĩ đại hơn đời sống cầu nguyện của mình. Mục sư không cầu nguyện thì chơi; những người không cầu nguyện thì đi lạc. Chúng ta có nhiều nhà tổ chức, nhưng ít người tĩnh thức; nhiều người chơi và đóng góp, nhưng ít người cầu nguyện; Có nhiều người hát, nhưng ít người đeo bám Chúa; Có nhiều mục sư, ít người vật lộn với Chúa; Nhiều sợ hãi, nhưng ít đổ nước mắt; Thời trang nhiều, nhiệt thành thì ít; Nhiều người quấy nhiễu, ít người cầu thay; Nhiều nhà văn, nhưng ít người chiến đấu. Chúng ta thất bại ở đây, chúng ta thất bại ở mọi nơi.” – Leonard Ravenhill

7. Mục đích là nhận lấy quyền năng giảng Tin Lành 

Chúa Giê-su trước khi thăng thiên Ngài căn dặn các môn đồ:

“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất.” (Công vụ 1:8 BD TTHĐ).

Các môn đồ đã vâng lời Chúa đồng tâm hiệp một tại một chổ và Đức Thánh Linh đã tuôn đổ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Phi-e-rơ đứng lên giảng thì những người Do Thái bị Thánh Linh cáo trách tội lỗi và họ ăn năn xưng tội, tin nhận Chúa Giê-su và chịu báp-têm, và trong ngày ấy, có độ ba nghìn người thêm vào Hội Thánh (Công vụ 2)

Khi Đức Thánh Linh tuôn đổ trên chúng ta, thì quyền năng Thánh Linh sẽ xác chứng lời giảng hay lời chứng với sự chữa lành, giải cứu và dấu lạ kèm theo (Mác 16:17,18,20). Sự tuôn đổ Thánh Linh phải đến trên cá nhân và trên Hội Thánh Chúa trước qua sự ăn năn tìm kiếm Chúa. Từ đó việc ra đi rao giảng Tin Lành sẽ có nhiều người được cứu.

Kết

Sự tuôn đổ của Thánh Linh trong lịch sử qua các sứ giả phục hưng đã thay đổi xã hội, quốc gia và thế giới. Điều này đã minh chứng sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh không chỉ vào ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng có nhiều thời kỳ và qua những con người đến với Chúa như qua 7 bước đã kể trên. Chúa đã hứa: “Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên mọi xác thịt” (Công vụ 2:17) đây là điều chắc chắn.

Chúng ta hiện nay đang ở vào thời kỳ rất cuối cùng. Đức Chúa Trời muốn tuôn đổ Thần Ngài trên tất cả chúng ta, nhưng Ngài khởi sự tuôn đổ trước tiên trên những ai khao khát, vâng lời và sống theo ý muốn Ngài cách tột cùng. Đây là những người có tinh thần hạ mình ăn năn tìm kiếm Chúa, lìa bỏ con đường gian ác. Họ có tinh thần yêu thương hiệp một, cùng nhau đến một địa điểm nhất định cầu nguyện để tìm kiếm Chúa. Họ sẳn sàng phục vụ vì ích lợi chung của Hội Thánh và vương quốc Ngài. Đây là những người có lưỡi bằng lửa và Chúa sẽ sử dụng họ đem “Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời.. rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân; bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 25:14 TTHĐ).

 

Người Dọn Đường

(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan