Câu Kinh Thánh Giáng Sinh Khó Chịu Nhất

Share

"Người nữ sẽ được cứu nhờ sinh con cái," không có ý nghĩa như bạn tưởng.

 

(Trừ khi được nêu lên, phần Kinh Thánh được trích dẫn từ Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010) 

Đầu tiên, giữa tiếng kêu cọ quẹt của thép và nhôm, tôi đã tưởng tôi là nạn nhân. Tôi tức giận và thấy nhức nhối. Nhưng rồi tôi mau chóng nhận ra mình chính là người đã gây ra tai nạn.

Tôi phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại của chiếc xe của một người lạ. Tôi đã làm người đàn ông của chiếc xe bên kia bị căng thẳng. Đó chỉ là một tai nạn nhỏ, nhưng tôi cảm nhận được sự mất mát nặng nề tôi đã gây ra cho cả hai bên. Và tệ hơn cả là sự hỗ thẹn và bực dọc. Một sự hỗ thẹn. Tôi cảm biết được một dạng giận dữ vì là người đàn bà lái xe đụng xe của người đàn ông.

Ở Ả-rập Sau-đi, đàn bà vừa được cho quyền bầu cử. Nhưng họ vẫn chưa được phép lái xe. Ngay ở những nước mà người ta cho rằng cái hạn chế như thế là cổ xưa rồi, người ta vẫn thường kể đàn bà là người tài xế dở tệ.

Tôi muốn chứng tỏ mình là hữu ích và có trách nhiệm, không chểnh mãng và lơ đễnh. Tôi muốn là một người giữ gìn tránh được tai nạn chứ không phải là người gây ra. Nhưng tôi đã gây ra. Vậy tôi có phải là một người lái quá tệ không? Có phải là tôi chỉ sợ bị dán nhãn vì tôi là người nữ? Dù gì đi nữa thì cái tai nạn đó chất đầy sự xấu hổ vào trong tôi.

Giống như mọi người nữ trước tôi, tôi cảm thấy vừa đáng hỗ thẹn và cũng vừa không đáng hỗ thẹn. Giống như người nữ đầu tiên trong vườn Ê-đen, tôi cảm biết cái hỗ thẹn về điều thật là sai phạm. Nhưng tôi cũng cảm nhận sự chấn động của nổi hỗ thẹn không dứt mà A-đam, khi ông trách bà làm cho ông ta ăn trái cấm, đã đặt lên E-va. Kể từ lúc có biến cố Sa Ngã ở vườn Ê-đen, người nữ luôn phải chịu hết hai mặt của sự hỗ thẹn.

Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta dễ tập trung vào sự Chúa giải cứu người công chính khỏi sự hỗ thẹn. Người nữ đồng trinh Ma-ri kinh nghiệm điều mà người ta gọi là chữa hoang, và ngay cả Giô-sép, người “không muốn bêu xấu nàng nên định âm thầm từ hôn.” Nhưng nàng được làm công chính bởi một thiên sứ, là người cho biết sự thật, và bởi mọi thế hệ sau này khi họ gọi nàng là “được phước.”

Nhưng lại có một câu chuyện Giáng Sinh khác nhắc chúng ta rằng Con Trẻ đến để cất đi mọi loại hỗ thẹn. Thật khôi hài làm sao vì đó là một câu mà nhiều người nữ muốn tránh né vì sợ rằng nó chỉ đem đến thêm sự hỗ thẹn: “Dù vậy, người nữ sẽ được giải cứu trong lúc sinh con cái, nếu họ cứ tiếp tục sống đoan chính trong đức tin, trong tình yêu thương, và trong sự thánh khiết.” (1 Ti-mô-thê 2.15, Bản TTHĐ).

Lời tuyên bố này thách thức cả những người có đức tin mạnh mẽ trong Chúa và Kinh Thánh. Nhưng nó là một câu chuyện Giáng Sinh. Nó không phải là về Ma-ri và Giô-sép. Cũng không phải là Ma-ri và Ê-li-sa-bét. Nó là câu chuyện Giáng Sinh của Ma-ri và E-va.

Từ Vinh Quang Đến Hỗ Thẹn

Đó là người nữ đầu tiên được dựng nên theo ảnh tượng Chúa, một người giúp đỡ thích hợp cho người nam, cùng làm việc chung với người nam để làm trọn ý chỉ sáng tạo của Chúa. Họ không có nghệ thuật kiến trúc, không thức ăn ngon hay kỹ thuật lạ lùng. Cái thiếu này là một phần của sự ủy nhiệm cho họ. Chúa đặt A-đam và E-va vào trong sự sáng tạo của Ngài để họ quản trị và cai trị — để Ngài dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài từ nền tảng mà Ngài để lại cho họ. Đó là một sự kêu gọi cao quý và rõ ràng. Câu chuyện của E-va bắt đầu với sự vinh hiển.

Nhưng dường như là nó lại kết thúc trong nhục nhã. E-va để cho Sa-tan cám dỗ nàng ra khỏi lòng tin cậy vào chương trình và mục đích của Chúa. Nàng bất tuân mạng lệnh duy nhất của Chúa và trở nên một phương tiện cho sự sa ngã của loài người và kết quả là làm cong quẹo sự sáng tạo. Rồi A-đam đổ lỗi cho E-va, tìm cách tránh né sự thật là ông ở đó với nàng khi việc xảy ra.

Đức Chúa Trời không cùng phe với A-đam đổ lỗi cho nàng. Thay vì vậy, Ngài đoán phạt con rắn:

14 Giê-hô-va Đức Chúa Trời quở trách con rắn: “Vì mầy đã làm điều đó. Nên trong tất cả các loài gia súc và thú đồng, Chỉ có mầy bị nguyền rủa; Mầy sẽ bò bằng bụng. Và ăn bụi đất trọn đời (Sáng Thế Ký 3:14–15).

Chúa chuyển lời đổ lỗi của A-đam từ E-va sang Sa-tan với lời làm sáng tỏ “vì mầy đã làm điều đó.” E-va đã bị Sa-tan nắm bắt, gài bẫy làm theo ý nó. Đang trong lúc đó thì A-đam đứng yên và xem mọi sự xảy ra.

Chúa rủa sã Sa-tan trong một cách đặc biệt: bằng cách đặt nó tranh chiến với người nữ. Ngài hứa đặt nên sự thù nghịch hay chiến trận giữa Sa-tan và người nữ, và giữa dòng dõi nó và dòng dõi người nữ. Dòng dõi nàng, bông trái của dạ của nàng và được nàng cho bú mớm, sẽ đánh cho Sa-tan một đòn đo ván.

Chúa phán lên lời chuộc tội trước mặt E-va trước khi Ngài công bố hậu quả đau thương của sự Sa Ngã trong những mối quan hệ của nàng. Thay vì chỉ ban cho E-va một hy vọng cá nhân về sự cứu chuộc nàng ra khỏi tội của nàng, Chúa nói đến nàng như là một ống dẫn để xuyên qua đó mà sự cứu rỗi của nhân loại được đem đến. Người nữ đã dự phần trong sự Sa Ngã, nhưng nàng cũng nuôi dưỡng trong lòng dạ và bầu ngực của nàng Đấng sẽ cứu chuộc tất cả chúng ta khỏi sự Sa Ngã. Nỗi sĩ nhục của E-va bị đảo nghịch lại qua sự đến của Chúa Cứu Thế.

Từ Hỗ Thẹn Đến Cứu Chuộc

Trong 1 Ti-mô-thê 2, sứ đồ Phao-lô dặn Ti-mô-thê về những vấn đề trong hội thánh địa phương, trong đó có vấn đề vai trò của phụ nữ. Trong một đoạn có tính tranh cãi cá biệt, Phao-lô nhìn lại câu chuyện của A-đam và E-va, đưa ra một lập luận làm nhiều người đọc thật lúng túng: “14 cũng không phải A-đam bị lừa gạt, nhưng là người nữ bị lừa gạt và phạm tội. 15 Dù vậy, người nữ sẽ được giải cứu trong lúc sinh con cái, nếu họ cứ tiếp tục sống đoan chính trong đức tin, trong tình yêu thương, và trong sự thánh khiết.” (1 Ti-mô-thê 2.14-15)

Mới đọc thì phân đoạn này có vẻ rối rắm. Có phải Phao-lô nhìn vào vai trò của người nữ trong sự Sa Ngã và tàn nhẫn phê phán người nữ không? Ông lập luận rằng người nữ được cứu qua hành động sinh con? Ông có lập luận theo một tư tưởng tôn giáo riêng đặt nền tảng trên việc làm lành?  Ông đang nói đến một khả năng riêng biệt của người nữ là sinh sản ra những người mang ảnh tượng Chúa trong dạ của họ như là một mạng lưới an toàn cho loài người trước khả năng họ có thể bị hủy diệt?

Thật ra, lời của Phao-lô cùng đi hài hòa với lời Chúa phán với Sa-tan và E-va. Khi Phao-lô dùng chữ “được cứu qua sự sinh con cái,” ông không nói đến sự tồn tại thể lý của nhân loại qua sự sinh sản, nhưng bởi sự sinh ra của Con Trẻ, như William Mounce và John Stott đã chỉ ra trong những sách bình giải Kinh Thánh của họ. Tiếng Hy lạp dùng mạo từ xác định để chỉ đến một bản chất duy nhất của sự sinh ra con trẻ này, và trong mạch văn rộng lớn hơn của những điều Chúa phán về E-va ở vườn Ê-đen trong hai câu đã được trích dẫn ở trên – dẫn chúng ta đến sự hiểu biết đầy đủ về lời tiên tri của Chúa: qua người nữ mà Chúa Cứu Thế sẽ đến, Ngài đánh bại Sa-tan. Người nữ được cứu, hay được cứu chuộc, qua sự sinh ra của Con Trẻ.

Sự An Ủi Vĩ Đại Của Đức Chúa Trời

Ngay sau biến cố Sa Ngã, Chúa bảo Sa-tan rằng nó sẽ tranh chiến với người nữ; lịch sử nói lên sự thật này. Cho đến hôm nay, trong những vùng nghèo đói trên thế giới, chỉ vài chữ “đó là con gái” đã mang đến sự chết. Giới nữ tiếp tục bị hạ thấp phẩm giá, bạo hành, với tình trạng bị phá khi còn là thai nhi và bị giết trong tuổi ấu nhi.

Bởi vì người nữ là ống dẫn qua đó Chúa đem Con Ngài và cũng là Đấng Cứu Thế vào thế gian, nàng trở nên người mà Sa-tan thù ghét nhất. Nàng có mở cổng cho kẻ thù vào trong, nhưng nàng cũng mang thai Đấng sẽ đóng cửa đó vĩnh viễn. Đang khi nàng là người mà Sa-tan tiếp cận đầu tiên để là một đồng minh của nó trong kế hoạch làm sụp đỗ sự sáng tạo toàn thiện của Chúa, Sa-tan phải tranh chiến với nàng suốt đời bởi vì dòng dõi của nàng sẽ sau cùng đánh bại nó.

Nhưng trước hết là có một người nữ khác: Ma-ri. Bạn có thể thấy hình ảnh Ma-ri an ủi E-va. Được một nữ tu ở Tu Viện Missisippi, Iowa vẽ vào năm 2003. Sau này nó được dùng làm thiệp Giáng Sinh và được phổ biến thật rộng rãi trên mạng vào năm ngoái. Ma-ri, với bụng bầu cưu mang hài nhi Giê-su, dịu dàng xoa mặt của một E-va buồn nản đang đặt tay mình trên bụng của Ma-ri. Tôi khóc khi tôi thấy hình ảnh này. Tôi cảm động bởi điều hy vọng cho E-va khi bà chịu đựng sự hỗ thẹn và hậu quả của điều bà đã chọn làm.

Nhưng điều diệu kỳ về sự an ủi cho E-va chính là Đức Chúa Trời, không phải Ma-ri, là người nói đến vai trò giới tính cua nàng trong cuộc đánh bại Sa-tan. Vận mệnh của nhân loại được ủy thác vào nàng và nàng đã một lần thất bại, thế mà Chúa lại ủy thác cho nàng vận mạng của nhân loại thêm một lần nữa. Con Trẻ sẽ được sinh từ lòng dạ của nàng, được nàng cho bú mớm và nằm trong tay nàng. Sự cứu chuộc này được diễn tả, theo 1 Ti-mô-thê, bởi sự bền đỗ của nàng trong đức tin, tình yêu thương và sự thánh khiết.

Dù có người đã nâng Ma-ri thành sự toàn thiện vô tội, sự thật đơn giản là bà được ủy thác và bà vâng phục chúa trong giây phút quyết định. Cũng là một tội nhân, bà sanh cho thế giới Đấng không bao giờ phạm tội. Ngài mang lấy tội của bà và của chúng ta. Ngài mang lấy sự hỗ thẹn của E-va và của chúng ta. E-va, Ma-ri và tất cả những ai tin sẽ được cứu chuộc qua sự giáng sinh của con trẻ này.

Mùa Giáng Sinh năm nay, khi chúng ta suy niệm về sự nhập thế của Đấng Christ, chúng ta có thể kinh ngạc về những cách mà sự đến của Chúa Giê-su gắn liền và gắn chặt với người nữ. Khi nhu cầu được cứu rỗi của chúng ta gắn liền với E-va, sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế được gắn liền với Ma-ri. Sự hỗ thẹn của E-va đã bị đảo nghịch lại trong danh dự của Ma-ri. Ở đâu mà danh của Đấng Christ được tiếp nhận, người nữ được cứu và danh dự của nàng được phục hồi, như chính Chúa đã báo trước với E-va.

Lời Chúa về E-va đã được ứng nghiệm toàn vẹn trong Ma-ri, và danh dự của người nữ ở trong sự cứu chuộc của toàn thể loài người. Chúa Cứu Thế đã giáng sinh và đã thắng trận chiến. Qua đức tin trong Ngài, chúng ta được giải phóng khỏi mọi sự hỗ thẹn của E-va. Chúng ta nay là những người loan tin và dự phần của ân sủng. Qua sự sống và chết của Đấng Christ, chúng ta được danh dự, phục hồi sự vinh hiển, và được ban quyền để làm trọn những mục đích của Đức Chúa Trời cho chúng ta, như là chúng ta được dựng nên như vậy.

 

Wendy Alsup/ NOVEMBER 23, 2016 – The Most Uncomfortable Christmas Verse. Christianity Today.

Wendy Alsup là giáo viên toán và tác giả của cuốn sách sắp được xuất bản “Kinh Thánh Có Tốt Cho Những Người Nữ?” (Is the Bible Good for Women? Multnomah, March). Bà có trang blog TheologyForWomen.org

Lược dịch: Ngọc Nga

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan