Có điều gì trong đời sống của người tin Chúa phải nản lòng bằng cuộc chiến trường kỳ với tội lỗi dai dẳng chăng! Điều nầy đặc biệt đúng khi chúng ta đã kinh nghiệm sự đắc thắng tội lỗi trong những lĩnh vực khác của đời sống. Chúng ta biết Đức Chúa Trời có quyền cất tội lỗi của chúng ta, vậy tại sao Ngài không làm?
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng đôi khi sự đắc thắng tội lỗi bị trì hoãn vì cớ Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết ăn năn thật là gì. Đức Chúa Trời muốn tôi con Chúa không chỉ biết cách sống thánh khiết, mà còn vâng phục mạng lệnh của Ngài để xé lòng mỗi khi chúng ta thiếu mất vinh quang của Ngài (Giô-ên 2:13). Đúng vậy, tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta là một nan đề, nhưng đời sống chưa biết ăn năn thật là gì cũng là nan đề không kém.
Xé lòng
Có lẽ tất cả chúng ta đã từng bắt gặp một mục sư minh họa khái niệm về sự ăn năn trong bài giảng sáng Chúa nhật. Mục sư đi ngang qua sân khấu như đang đi trên “con đường tội lỗi” làm thí dụ, rồi nói với chúng ta rằng: sự ăn năn không chỉ dừng lại khi chúng ta đi trên con đường, mà phải đi làm sao để sống trong sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.
Điều nầy hoàn toàn đúng, sự ăn năn là quay lưng khỏi tội lỗi và trở lại với Cha thiên thượng. Tuy nhiên, cách minh họa nầy chưa cho thấy rõ thái độ của tấm lòng khi chúng ta trở lại với Chúa. Đây không phải là điểm ngẫu nhiên, nhưng phải cho thấy sự ăn năn thật là gì.
Sự ăn năn thật, cũng như mọi điều tốt lành khác, là quà tặng của Đức Chúa Trời.
Trong Giô-ên 2:12–13, Đức Chúa Trời kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo.” Trong Cựu Ước, người ta thường bày tỏ sự đau thương thống hối bằng cách xé áo của họ. Nhưng ngoài việc nhìn thấy những “dấu hiệu” bề ngoài bày tỏ sự đau buồn về tội lỗi, Đức Chúa Trời quan tâm nhiều hơn vào sự đau buồn ở trong lòng của họ – đau buồn đến mức khóc lóc và buồn rầu.
Trong bài Thi thiên nổi tiếng về sự ăn năn, Đa-vít nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời không lấy làm vui trước những dấu hiệu bề ngoài của sự ăn năn (bao gồm cả việc dâng tế lễ), nhưng “của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi thiên 51:17). Chúng ta không nói đến sự xấu hổ và sự buộc tội mà kẻ thù muốn chồng chất ở trên chúng ta, mà chúng ta đang nói đến sự đau buồn tin kính.
Chúng ta có thể đã quen với thái độ cưỡi ngựa xem hoa khi ăn năn, nhưng phân đoạn nầy cho thấy điều quan trọng nhất chính là thái độ của tấm lòng. Sự ăn năn của chúng ta có giống như tấm lòng bị xé ra như cái áo, tan vỡ và hối hận ở trước mặt Đức Chúa Trời chăng? Đây là thái độ còn thiếu trong hầu hết những lần năn năn và cũng là điều mà Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta!
Làm thể nào để có một tấm lòng tan vỡ
Nghe có vẻ lạ, nhưng chúng ta phải làm gì để có một tấm lòng tan vỡ?
Đầu tiên, chúng ta cần cầu xin. Sự ăn năn thật, cũng như mọi điều tốt lành khác, là một quà tặng của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 2:25). Nếu chúng ta muốn vâng theo mạng lệnh để xé lòng mình, chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự ăn năn thật.
Càng chiêm ngưỡng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta càng buồn hơn vì đã xem thường vinh hiển ấy.
Chúng ta cũng phải biết một trong những trở ngại lớn nhất để có tấm lòng tan vỡ, đó là khi chúng ta phớt lờ những khía cạnh tương quan của tội lỗi. Cụ thể, tôi muốn nói đến việc chúng ta nghĩ tội lỗi là thất bại trong việc làm hơn là thất bại trong sự mật thiết với Chúa. Nỗi buồn duy nhất mà chúng ta trải qua là thất vọng vì mình đã không làm điều đúng, chứ không phải vì chúng ta đã “khinh thường” Đức Chúa Trời hằng sống (2 Sa-mu-ên 12:9).
Khi phạm tội, chúng ta đóng vai một kẻ ngoại tình đang tìm kiếm sự khoái lạc từ người khác, chứ không phải từ Đấng duy nhất có thể khiến chúng ta được thỏa mãn. Đó là lý do tại sao Đa-vít thưa với Chúa rằng: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi” (Thi thiên 51:4). Đa-vít đã nhận thức đúng đắn thất bại của mình trong mối quan hệ, tấm lòng của ông đã thực sự đau buồn chỉ khi chúng ta phạm tội nghịch cùng Đấng mà chúng ta vô cùng yêu mến.
Chiêm ngưỡng sự vinh hiển của Ngài
Rốt lại, sự ăn năn thật không xảy ra chỉ vì hiểu được khía cạnh tương quan của tội lỗi, mà còn phải hiểu được bản chất của Đấng mà chúng ta đang có mối quan hệ với Ngài. Nói cách khác, chúng ta càng thấy Đức Chúa Trời là Đấng thật vinh hiển và thánh khiết như thế nào, thì chúng ta càng thấy tội lỗi là điều đáng phải đau buồn. Ăn năn là ít cảm thấy tồi tệ về hành vi của mình và cảm thấy kính sợ lẫn vui vẻ về Đức Chúa Trời nhiều hơn. Càng chiêm ngưỡng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta càng buồn hơn vì đã xem thường vinh hiển ấy.
Cuối cùng, kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta đó là: chúng ta sẽ nên thánh vì Chúa là thánh (1 Phi-e-rơ 1:16). Ngài chắc chắn sẽ thực hiện điều đó! Trong khi đó, Chúa muốn có những người biết tan vỡ tấm lòng vì đã học được cách đau buồn về tội lỗi của mình.
(Nguồn: tienphong.org)