Người Đàn Bà Bị Mất Huyết Được Chữa Lành:  Mác 5:21-34

Share

21Khi Đức Chúa Jêsus lại xuống thuyền qua bờ bên kia, có đoàn dân đông nhóm họp chung quanh Ngài. Ngài đứng trên bờ biển. 22Bấy giờ, có một người trong những người cai nhà hội tên là Giai-ru, đến, thấy Đức Chúa Jêsus, bèn gieo mình nơi chân Ngài, 23nài xin mà rằng: Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống. 24Đức Chúa Jêsus đi với người; đoàn dân đông cùng đi theo và lấn ép Ngài. 25 Vả, tại đó có một người đàn bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm, 26bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm. 27Người đã nghe tin về Đức Chúa Jêsus, bèn lẩn vào đằng sau giữa đám đông, mà rờ áo Ngài. 28Vì người nói rằng: Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành. 29Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh. 30Tức thì Đức Chúa Jêsus tự biết có sức mạnh đã ra từ mình, bèn xây lại giữa đám đông mà hỏi rằng: Ai đã rờ áo ta? 31Môn đồ thưa rằng: Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: Ai rờ đến ta? 32Ngài nhìn xung quanh mình để xem người đã làm điều đó. 33Người đàn bà biết sự đã xảy đến cho mình, bèn run sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật. 34Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bịnh.

   Chủ đề chính của mấy câu Kinh Thánh này là một người đàn bà bị mắc bệnh đã được chữa lành cách kỳ diệu. Chúa thật là vĩ đại trong các trường hợp bệnh tật! Chúa cảm thông cho sự đau yếu và bệnh tật xảy ra với dân sự của Ngài! Các thần của dân ngoại thường được miêu tả là đáng sợ và hùng mạnh trong chiến trận, thích làm đổ máu, bảo vệ người có sức mạnh và là bạn bè của chiến binh. Cứu Chúa của Cơ Đốc Nhân đứng trước mặt chúng ta là Đấng hiền lành và dễ gần, Chúa chữa lành những tấm lòng tan vỡ, Chúa là nơi nương náu của kẻ yếu đuối và bất lực, Chúa là Đấng yên ủi kẻ đau khổ và Chúa là bạn thân nhất của người bệnh. Đây không phải là Cứu Chúa mà bản chất con người rất cần hay sao? Thế giới đầy dẫy đau khổ và rắc rối. Kẻ yếu trên đất này đông hơn kẻ mạnh.

Tội lỗi gây ra sự khốn khổ.

   Chúng ta hãy quan sát mấy câu Kinh Thánh nói về tội lỗi đã dẫn đau khổ vào trong thế giới này. Chúng ta đọc về một người đã mắc một căn bệnh đau đớn nhất trong mười hai năm. Bà đã chịu đựng nhiều đau khổ từ nhiều bác sĩ, đã tiêu hết tiền của mà không thấy đỡ hơn, thậm chí bệnh còn nặng hơn. Tất cả đều đã thử qua nhưng vô ích. Kỹ năng y khoa đã chứng minh là không có khả năng chữa khỏi bệnh. Mười hai năm dài đằng đẵng, mệt mỏi đã trôi qua trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, còn sự cứu trợ thì không thấy đâu. Sự trông cậy trì hoãn khiến lòng bị đau đớn (Châm ngôn 13:12).

   Thật kinh ngạc khi chúng ta không ghét tội lỗi nhiều hơn mình tưởng! Tội lỗi là nguyên nhân gây ra mọi khổ đau và bệnh tật trên thế giới. Đức Chúa Trời không tạo ra loài người để trở thành tạo vật đau ốm và khốn khổ. Chính tội lỗi và không gì ngoài tội lỗi đã mang đến mọi điều xấu xa mà thân thể phải gánh chịu. Chính tội lỗi đã khiến chúng ta phải chịu mọi đau đớn, mọi bệnh tật ghê tởm và mọi sự yếu đuối hèn hạ mà thân thể tội nghiệp của chúng ta phải gánh chịu. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ điều này. Chúng ta hãy ghét tội lỗi bằng sự ghét thánh.

Mọi người có cảm nhận khác nhau khi đến với Đấng Christ.

   Chúng ta hãy quan sát, ở vị trí thứ hai, cảm nhận khác nhau của mọi người khi đến gần Đấng Christ. Chúng ta thấy trong mấy câu Kinh Thánh này rằng một đám đông lớn đi theo và chen lấn Ngài.Nhưng chúng ta chỉ được kể về một người đã xuất hiện trong đám đông phía sau Ngài và chạm vào Ngài bằng đức tin và được chữa lành. Nhiều người đã đi theo Chúa Jêsus vì tò mò và không nhận được lợi ích gì từ Ngài. Chỉ có một người, chỉ một người, nhận thức sâu sắc về nhu cầu của mình và quyền phép của Cứu Chúa để giải cứu mình, người đàn bà ấy đã nhận được một phước hạnh lớn lao.

   Chúng ta thấy điều tương tự vẫn xảy ra trong Hội Thánh của Đấng Christ ngày nay. Có rất nhiều người đến nhóm lại để thờ phượng Chúa và ngồi chật kín các băng ghế trong nhà thờ. Hàng trăm người dự Lễ tiệc thánh để nhận bánh và rượu. Nhưng trong số những kẻ thờ phượng và dự lễ, có rất ít người thực sự nhận được một điều gì đó từ Đấng Christ! Thời trang, phong tục, nghi lễ, thói quen, yêu thích sự phấn khích hoặc sự tò mò là động cơ thực sự của đại đa số nhiều người. Đâu đó chỉ có một vài người chạm đến Đấng Christ bằng đức tin rồi trở về nhà trong sự bình an. Những câu này thật khó nghe nhưng không may là những điều đó lại rất đúng!

Sự chữa bệnh tức thời.

   Chúng ta hãy quan sát, ở vị trí thứ ba, người đàn bà này đã được chữa khỏi ngay lập tức như thế nào. Ngay khi bà chạm vào vạt áo của Chúa, bà đã được chữa lành. Bà đã tìm kiếm một điều vô ích suốt mười hai năm qua lại được ban cho cách tức thời. Phương pháp chữa trị mà nhiều bác sĩ không thể thực hiện được lại được làm chỉ trong tích tắc. Bà cảm thấy bệnh tật đã lìa khỏi cơ thể của mình.

   Chúng ta rất muốn thấy một biểu tượng của sự nhẹ nhõm mà Phúc Âm mang lại cho linh hồn. Trải nghiệm của nhiều lương tâm mệt mỏi cũng giống hệt như người đàn bà đã mắc bệnh. Rất nhiều người đã mất nhiều năm trời sống trong đau buồn để tìm kiếm sự bình an với Đức Chúa Trời mà không thành công. Người đó đã tìm đến các phương thuốc thế gian nhưng không thấy hiệu quả. Người này mệt mỏi đi từ nơi này sang nơi khác, từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, cuối cùng người đó cảm thấy không có hiệu quả, mà còn thấy tệ hơn.

   Nhưng cuối cùng người đã tìm được sự bình yên. Người đó tìm thấy ở đâu? Người đã tìm thấy cũng tại nơi người đàn bà đã tìm thấy – nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Người đã bỏ hết việc làm của mình. Người đó đã dừng trông cậy vào những nỗ lực và việc làm của riêng mình để được giải cứu. Người đã tìm đến Đấng Christ, nhận biết mình là một tội nhân và phó thác chính mình nơi lòng thương xót của Ngài. Ngay lập tức, gánh nặng đã được cất khỏi đôi vai của người đó. Sự nặng nề biến thành niềm vui và sự lo lắng biến thành bình an. Chỉ cần một sự rờ chạm của đức tin có thể mang lại nhiều lợi ích cho linh hồn hơn là hàng trăm sự khổ hạnh do mình tạo ra. Nhìn vào Chúa Jêsus còn hiệu quả hơn nhiều năm mặc áo vải thô và rắc tro bụi. Hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ quên điều này cho đến ngày qua đời! Tiếp nhận Đấng Christ cách cá nhân chính là bí quyết thực sự để có được sự bình an với Đức Chúa Trời.

Hãy chia sẻ với người khác những phước hạnh mà chúng ta đã nhận được từ Đấng Christ.

   Thứ tư, chúng ta hãy quan sát Cơ Đốc Nhân phải xưng nhận trước mặt mọi người những phước hạnh mà họ đã nhận được từ Đấng Christ như thế nào. Chúng ta thấy người đàn bà này không được phép về nhà sau khi khỏi bệnh mà không có thông báo. Chúa đã hỏi ai chạm vào Ngài rồi nhìn xung quanh để tìm người đàn bà đã làm điều đó. 

   Không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa biết rõ tên và lai lịch của người đàn bà đó. Chúa không cần ai phải nói cho Ngài biết. Nhưng Chúa muốn dạy bà và hết thảy những người xung quanh Ngài biết rằng những linh hồn được chữa lành nên công khai thừa nhận lòng thương xót mà họ đã nhận được. Có một bài học ở đây mà tất cả Cơ Đốc Nhân thật phải ghi nhớ.

   Chúng ta không nên xấu hổ khi xưng nhận Đấng Christ ở trước mặt mọi người và cho người khác biết những điều Chúa đã làm cho linh hồn của chúng ta. Nếu chúng ta đã tìm thấy sự bình an nhờ huyết của Ngài và được đổi mới bởi Thánh Linh của Ngài, thì chúng ta không được ngần ngại xưng nhận điều đó vào mọi dịp tiện. Không cần thiết phải thổi kèn trên phố và ép buộc mọi người phải chú ý đến trải nghiệm của chúng ta. Cần nhất là tấm lòng sẵn sàng công nhận Đấng Christ là Chủ của chúng ta mà không sợ sự chế giễu hoặc sự ngược đãi xảy ra với chúng ta. Không cần làm nhiều hơn như thế nhưng cũng không nên hài lòng nếu làm ít hơn như vậy. Nếu chúng ta thấy hổ thẹn về Chúa Jêsus ở trước mặt mọi người, thì Chúa sẽ hổ thẹn về chúng ta ở trước mặt Cha và các thiên sứ vào một ngày nào đó.

Đức tin là ân điển quý báu.

   Cuối cùng, chúng ta có thấy đức tin là ân điển quý giá biết bao“Hỡi con gái ta,” Chúa phán với người đàn bà đã được lành bệnh rằng: đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bệnh”.

   Trong tất cả ân điển của Cơ Đốc Giáo, không có ân điển nào được nhắc đến nhiều trong Tân Ước như đức tin, không có ân điển nào được ca ngợi nhiều đến như vậy. Không có ân điển nào tôn vinh hiển Đấng Christ đến như thế. Niềm hy vọng mang lại sự mong đợi háo hức về những điều tốt đẹp sắp tới. Tình yêu thương làm cho tấm lòng có sự ấm áp và sẵn sàng. Đức tin là hai bàn tay trắng tiếp nhận tất cả mọi thứ và không cần phải làm gì nữa cả. Không có ân điển nào quan trọng đối với linh hồn của Cơ Đốc Nhân. Chúng ta bắt đầu bằng đức tin. Chúng ta sống bằng đức tin. Chúng ta đứng vững bằng đức tin. Chúng ta bước đi bằng đức tin chứ không phải bởi mắt thấy. Chúng ta chiến thắng bằng đức tin. Chúng ta được bình an bằng đức tin. Chúng ta bước vào sự nghỉ ngơi bằng đức tin.

   Ân điển không nên là chủ đề của sự tự vấn thái quá. Chúng ta nên thường hỏi bản thân rằng: Tôi có thực sự tin chăng? Đức tin của tôi có thật không, có phải là hàng chính hiệu và là sự ban cho của Chúa không?

   Hy vọng chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi có thể trả lời cách thỏa đáng những câu hỏi này! Đấng Christ không hề thay đổi kể từ ngày người đàn bà ấy được lành bệnh. Chúa vẫn là Đấng ân điển và có quyền phép để cứu rỗi. Nếu muốn được cứu rỗi, chúng ta chỉ cần làm một điều mà thôi. Đó chính là bàn tay của đức tin. Hễ ai “chạm” vào Chúa Jêsus thì người đó sẽ được lành.

Nguồn:  https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan