Nếu Không Yêu, Chúng Ta Chẳng Sống Nữa

Share

Chiến thắng những điều dữ trong Hội thánh.

Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.

— Rô-ma 12:21

Khi sứ đồ Phao-lô viết mấy lời nầy gửi cho các tín hữu của một Hội thánh nhỏ tại thành Rô-ma, ông không đơn thuần truyền dạy một lời khuyên có vẻ khôn ngoan. Ông không đơn thuần lôi kéo họ bằng một lý tưởng tẻ nhạt. Mấy lời ấy đã thấm máu và nước mắt từ chiến trận thuộc linh. Sứ đồ Phao-lô đang nói với các thánh đồ yêu dấu trong Hội thánh về cách sống trong thế gian tội lỗi. Vì nếu các Hội thánh không chiến thắng điều ác bằng điều thiện, thì họ sẽ không còn sống nữa.

Tôi đang viết với sự nuối tiếc ở trong lòng mình. Nhiều năm gần đây, tôi đã dõi theo các Hội thánh mà tôi rất yêu thương đang có sự rạn nứt và thậm chí là chia rẽ. Tôi còn nhớ những trường hợp, sự chia rẽ không phải vì những bất đồng về giáo lý hay tình trạng vô đạo đức tràn lan, mà là vì xúc phạm lẫn nhau. Bạn bè lâu năm, không còn tin tưởng nhau, không thể thông công với nhau nữa. Giống như mấy vụ chia tay, họ cũng phức tạp như vậy. Một bên phải gánh trách nhiệm nhiều hơn bên kia. Nhưng kết quả thật đau lòng, rất nhiều cộng đồng nhóm lại thờ phượng Chúa từng rất sôi nổi đã rạn nứt, đôi khi để lại thêm tàn dư khó khăn cho việc tái xây dựng từ đống vụn.

Còn tôi thấy tiếc nuối nhất đó là Chúa Jêsus phán rằng: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35). Những cuộc chia rẻ nầy đang nói gì về tình yêu của Chúa Jêsus? Chúng còn nói gì về các môn đồ của Ngài?

Những đổ vỡ trong mối quan hệ không đáng phải xảy ra. Nhưng chúng lại minh họa một thực trạng đáng suy gẫm: nếu chúng ta không yêu nhau đủ để chiến thắng điều ác bằng điều thiện, thì chúng ta sẽ bị điều ác chi phối. Những lời dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô trong Rô-ma 12 về cách yêu thương nhau bằng ân điển rời rộng là yếu tố quan trọng cho sự tồn vong của Hội thánh. Nếu chúng ta không hiểu điều đó, thì chúng ta không thể làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Jêsus là Đấng đã thắng hơn thế gian.

Thế lực mạnh nhất trong thế gian

Đối với Cơ Đốc nhân, chúng ta biết tình yêu là chúa tể của cảm xúc và nữ hoàng của đạo đức. Tình yêu là thứ độc nhất. Trong khi những cảm xúc và đức tính công bình khác là một đặc tánh của Đức Chúa Trời, thì chỉ có một đặc tánh là bản chất cốt lõi của thiên thượng được vị sứ đồ của tình yêu thương nhắc đến hai lần là: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:816).

Chúng ta biết sức mạnh vô song của tình yêu thương được Kinh Thánh nói. Nó làm trọn vẹn luật pháp và lời tiên tri: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi . . . Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:37–40). Nó là động cơ cho hành động vĩ đại nhất lịch sử loài người: sự chịu chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá. Vì yêu thương thế gian mà Đức Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài (Giăng 3:16), và cũng bởi tình yêu thương ấy mà Đức Chúa Con đã vì bạn hữu mà phó sự sống mình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Cha. (Giăng 15:1317:4).

Chúng ta biết hành động cao thượng của tình yêu không chỉ cứu chuộc loài người hư mất thôi đâu. Ấy còn là hành động mạnh mẽ nhất trong chiến trận thuộc linh đã từng xảy ra. Vì qua đó, Chúa Jêsus đã thắng hơn thế gian đầy sự ganh ghét (Giăng 16:33) và hủy phá hoàn toàn vương quốc gian ác của ma quỷ và chính hắn. (1 Giăng 3:8).

Vì thế, chẳng có gì thiêng liêng hơn hay làm vinh hiển và làm vui lòng Đức Chúa Trời nhiều hơn bằng tình yêu thương. Chẳng có gì tôn lên vẻ đẹp của đạo đức nhiều hơn, mang ý nghĩa sâu sắc hơn, và đem lại niềm vui trong con người bằng tình yêu thương. Cũng chẳng có gì công kích, dữ tợn, hay phá hoại các thế lực tối tăm bằng tình yêu thương.

Chúng ta biết điều nầy.

Nhưng Chúa Jêsus đã phán rằng: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy thì có phước, miễn là các ngươi làm theo” (Giăng 13:17). Biết không thôi vẫn chưa đủ. Vì toàn bộ phước hạnh của tình yêu thương là qua việc bày tỏ tình yêu thương. Thật vậy, nếu những gì chúng ta làm không xuất phát từ tình yêu thương, thì chúng ta chẳng làm gì cả và cũng không được gì cả (1 Cô-rinh-tô 13:1–3). Nhưng không chỉ có thế: chúng ta còn gây hư hại nặng ở trong các Hội thánh nữa.

Yêu bằng ân điển quyết liệt

Sứ đồ Phao-lô là người đầu tiên nhìn thấy sự hư hỏng nầy. Ông đã lấy làm tiếc về việc đó. Những lời dạy dỗ của ông dành cho Hội thánh ở Rô-ma chứa đầy sự cấp bách — sự khẩn thiết mà Đức Thánh Linh muốn chúng ta cảm nhận về các Hội thánh ngày nay khi đọc về họ. Qua sứ đồ Phao-lô, Đức Thánh Linh muốn chúng ta yêu thương nhau bằng ân điển quyết liệt.

Tôi gọi là “ân điển quyết liệt” vì hai lý do. Đầu tiên, chúng ta không được gọi để yêu thương nhau vì chúng ta xứng đáng được yêu thương, mà vì Chúa Jêsus đã yêu chúng ta — bằng tình yêu giàu ân điển lạ lùng (Giăng 15:12). Thứ hai, có sự quyết liệt là vì đó là tình yêu thương luôn đeo đuổi, dung chịu, không ích kỷ, vượt trên mọi sựTình yêu thương giàu ân điển quyết liệt ấy đến từ thế giới khác, một hương vị của thiên đàng ở trên đất.

Sự yêu thương trông thế nào

Hãy lắng nghe sứ đồ Phao-lô mô tả tình yêu thương mà chúng ta được kêu gọi để cảm nhận và ban cho lẫn nhau.

“Lòng yêu thương phải cho thành thật. . . . Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em” (Rô-ma 12:9–10). Chúng ta sẽ không phải đợi lâu thì mới nhận ra mình cần làm gì để cứ yêu mãi như thế. Hết thảy chúng ta đều phạm tội bằng nhiều cách (Gia-cơ 3:2). Điều nầy có nghĩa là chúng ta thường làm mích lòng nhau. Cần phải có ân điển dung chịu để giữ cho tình yêu thương luôn mềm mại.

“Hãy hết lòng kính nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Hãy lưu ý lời lẽ quyết liệt, thậm chí là cạnh tranh, mà sứ đồ Phao-lô đã chọn: “hết lòng.” Hãy thử hình dung một Hội thánh nổi bật vì sự hạ mình để xem người khác là tôn trọng hơn mình và cởi mở thực hiện việc làm đó đến nỗi mầm móng tội lỗi về sự ích kỷ và kiêu ngạo trong hết thảy chúng ta đều bị canh giữ cẩn thận (Phi-líp 2:3). Một trải nghiệm về thiên đàng. Nhưng sự hạ mình nầy chỉ được cày xới bởi thói quen làm việc có chủ đích, thậm chí phải gọi là cứng đầu.

“Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15). Khi tội lỗi còn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, thì hết thảy chúng ta đều biết để làm theo mạng lịnh nầy là một thách thức. Nhưng nếu chúng ta là đối tượng tiếp nhận tình yêu ấy, thì chúng ta biết đó sẽ là phước hạnh dường nào.

“Chớ cho mình là khôn ngoan” (Rô-ma 12:16). Chúng ta càng nghiêm túc với điều nầy, chúng ta càng lắng nghe và đáp ứng lại với người khác cẩn thận hơn. Chỉ điều nầy không thôi đã tránh được nhiều xung đột lắm rồi. Nhưng thật khó để từ bỏ định kiến cho rằng chúng ta thật khôn ngoan và không cần sự cố vấn nào cả.

“Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người” (Rô-ma 12:17). Điều rõ ràng ở trong câu Kinh Thánh nầy là chúng ta sẽ đối đãi nhau bằng tội lỗi. Hết thảy chúng ta đều biết cần phải có sự tự chủ quyết liệt để không đáp trả bằng tội lỗi. Hãy bắt phục “tư tưởng” có chủ đích mà tình yêu thương nầy đòi hỏi ở chúng ta.

Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người (Rô-ma 12:18). “Hết sức” là bao nhiêu? Thật khó trả lời. Nhưng nếu chúng ta muốn dung chịu và tha thứ lẫn nhau như Chúa Jêsus đối xử với chúng ta (Cô-lô-se 3:13), thì “hewst sức” có nghĩa là hơn cả mức bình thường chúng ta hay làm.

Tất nhiên, sứ đồ Phao-lô còn nói nhiều hơn nữa trong Rô-ma 12. Nhưng đoạn trích dẫn nầy giúp chúng ta thấy được một chút ân điển quyết liệt, tình yêu thương phải trả giá đắt tại đồi Gô-gô-tha mà nhờ đó chúng ta được gọi là Cơ Đốc nhân. Chính tình thương của Chúa Jêsus, là tình yêu thương mà thế gian cần phải thấy nơi các môn đồ, tình yêu thương thắng hơn điều ác bằng việc lành.

Thắng điều ác bằng việc lành

Sứ đồ Phao-lô kết thúc chương bằng lời khuyên mà tôi đã bắt đầu bài viết nầy là: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:21). Đó là tiếng gọi cao cả dành cho từng Hội thánh. Thật là lời kêu gọi không dễ dàng, vì “đường chật dẫn đến sự sống” (Ma-thi-ơ 7:14). Mỗi chúng ta cần phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình, mà đi theo Chúa là Đấng yêu thương chúng ta (Ma-thi-ơ 16:24Giăng 15:12).

Nguy cơ thật lớn. Vì nếu chúng ta không thắng hơn điều ác bằng việc lành, thì chúng ta sẽ bị điều ác lấn lướt. Nếu chúng ta không yêu thương nhau như Chúa Jêsus đã yêu chúng ta, thì chúng ta chẳng sống được với nhau. Những thế lực tối tăm biết điều nầy nên chúng luôn nhắm mũi tên vào điều đó. Ấy là lý do vì sao có quá nhiều Hội thánh suy tàn do mâu thuẩn nội bộ chứ không phải do sự bắt bớ từ bên ngoài. Ấy cũng là lý do vì sao các Hội thánh từng rất mạnh mẽ cũng có thể đổ vỡ.

Điều nầy không nhất thiết phải xảy ra. Nhưng sự sống của các Hội thánh tùy thuộc vào chúng ta là những tín hữu có yêu thương nhau bằng ân điển quyết liệt đến từ Chúa Jêsus hay không. Chúng ta biết rõ những điều nầy. Nhưng biết không thôi vẫn chưa đủ. Phước cho người nào làm theo những điều đó.

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan