Cách đây 8 năm, khi con đầu lòng của tôi chào đời, tôi vô cùng ngạc nhiên trước sức mạnh của bản năng làm mẹ. Tôi nhớ rất rõ lần đầu phải xa con. Cảm giác nôn nao, lo lắng, làm gì cũng bị phân tâm. Xa con thật sự vô cùng khó khăn.
Nhiều phụ nữ không muốn trở lại làm việc sau khi sinh con. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng bà mẹ nội trợ ngày càng tăng chứ không giảm.
Những cặp vợ chồng muốn có cả sự nghiệp và nhiều con cái hiểu rằng phải họ phải đánh đổi một điều gì đó.
Bạn đã nghĩ đến hôn nhân và con cái chưa? Mẹ sẽ ở nhà chăm bọn trẻ, hay cả cha và mẹ đều sẽ đi làm? Đôi khi điều này xảy ra sớm hơn bạn nghĩ, và những câu hỏi lý thuyết này đột nhiên cần được trả lời ngay. Bạn và người người phối ngẫu có cùng quan điểm về vấn đề này không?
Cho dù bạn coi trọng hay coi thường ý tưởng nội trợ tại nhà, thì quyết định này vẫn ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân tương lai của bạn.
Dưới đây là 7 lầm tưởng có thể khiến bạn đưa ra lựa chọn sai lầm:
Lầm tưởng #1: Nội trợ không có chỗ trong thế giới hiện đại
Liệu có giá trị hay không khi một người mẹ dùng toàn bộ thời gian và sức lực để phục vụ gia đình?. “Việc của phụ nữ” là một cái mác có vẻ hơi trịch thượng. Trong văn hóa ngày nay, nó ám chỉ một công việc thấp kém hơn so với nam giới. Một công việc chẳng cần động não, tầm thường và không quan trọng.
Nếu bạn không hiểu được giá trị mà Chúa đã đặt trên công việc nội trợ gia đình của một người nữ, thì việc trở thành một bà mẹ chăm con tại nhà trông giống như vừa bị giáng chức.
Trở lại Sáng Thế Ký, trước khi hôn nhân bị vấy bẩn bởi tội lỗi, Đức Chúa Trời đã tạo ra người nam và người nữ đầu tiên một cách bình đẳng, nhưng khác biệt. Cả A-đam và Ê-va đều được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:27). Cả hai phải “làm cho đầy dẫy đất” và “quản trị” mọi sinh vật (Sáng Thế Ký 1:28), nhưng họ sẽ thực hiện nhiệm vụ này theo cách riêng của người nam và người nữ.
Đức Chúa Trời đặt A-đam trong vườn để “canh tác và gìn giữ vườn” (Sáng Thế Ký 2:15) và sau đó rủa sả ông trong chính công việc này (3:17). Ngược lại, Đức Chúa Trời đã trang bị cho Ê-va hoàn hảo để sinh ra và nuôi dưỡng sự sống, một người giúp đỡ “thích hợp” cho chồng bà (Sáng Thế Ký 2:18). Không có gì ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời rủa sả Ê-va trong việc sinh đẻ và gia đình (Sáng Thế Ký 3:16).
Những người mẹ chọn chăm sóc gia đình bằng toàn thời gian và sức lực không chỉ đơn thuần là hệ quả của một cấu trúc xã hội lỗi thời. Người mẹ ấy đang sống với vai trò “người giúp đỡ” cho chồng mình.
Lầm tưởng #2: Kinh Thánh không nói gì về công việc của phụ nữ
Nhiều phụ nữ đang đảm nhận những công việc quan trọng trong xã hội. Nhưng đàn ông và phụ nữ không thể hoán đổi cho nhau, và trong một số giai đoạn nhất định của cuộc đời, người phụ nữ rất khó để vừa có được sự nghiệp, vừa làm tròn trách nhiệm Chúa giao trong gia đình.
Những phân đoạn như Tít 2:3-5 và 1 Ti-mô-thê 5:14 cung cấp cho những người vợ những hướng dẫn rõ ràng về công việc của họ trong gia đình. Các phân đoạn này không cấm người vợ làm công việc ngoài xã hội, nhưng chỉ ra rằng gia đình mới là lĩnh vực trách nhiệm chính của người phụ nữ.
Cách mà người mẹ dành thời gian và sức lực để chăm sóc gia đình sẽ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình và độ tuổi của con cái. Tuy nhiên, người mẹ cần lưu ý rằng gia đình mới là ưu tiên.
Lầm tưởng #3: Ở nhà nội trợ làm suy giảm kinh tế gia đình
Có những người mẹ mong muốn đóng góp tài chính cho gia đình. Với sự hỗ trợ của chồng, họ tìm mọi cách để vừa làm việc vừa quản lý tốt tổ ấm của mình. Một công việc bán thời gian linh hoạt chính là lựa chọn phù hợp.
Giống như người nữ trong Châm ngôn 31 “để ý đến một cánh đồng và mua nó; nhờ hoa lợi của hai tay mình, nàng lập một vườn nho“. Ưu tiên của người nữ này là gia đình, nhưng cô ấy cũng sắp xếp thời gian để làm thêm công việc khác.
Tuy nhiên, hai vợ chồng cần cân nhắc chi phí khi mẹ đi làm. Nếu bạn có con nhỏ, việc mẹ đi làm có thể không mang lại nhiều lợi nhuận tài chính như bạn nghĩ. Thuê người đưa đón và chăm sóc con sẽ tốn kém, vì vậy, đối với nhiều cặp vợ chồng, không đáng để đánh đổi nguồn thu nhập thấp để chuốc thêm những căng thẳng khi phải sắp xếp lịch trình bận rộn của cả gia đình.
Một góc độ khác cần xem xét là cái giá phải trả cho hạnh phúc gia đình khi cả cha và mẹ đều đi làm. Nhiều gia đình không hạnh phúc khi mẹ theo đuổi công việc bên ngoài. Căng thẳng, không có thời gian cho con cái, không thể quản lý tốt cả gia đình và công việc – tất cả những điều này khiến cả gia đình phải gánh chịu hậu quả. Người mẹ sẽ cảm nhận thấm thía nhất những yêu cầu cạnh tranh giữa gia đình và công việc, bởi vì trách nhiệm “quản lý gia đình” được Chúa giao cho người mẹ (1 Ti-mô-thê 5:14).
Người phụ nữ khôn ngoan biết giới hạn của mình và không ngại nghỉ việc. Và người chồng khôn ngoan cũng không ngại để vợ mình làm điều đó.
Người mẹ nội trợ tại nhà chắc chắn sẽ tiêu tốn một khoản, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy được những lợi ích không thể đo lường theo tháng khi có một người lo chu toàn gia đình.
Lầm tưởng #4: Vợ và chồng đều phải có trách nhiệm kiếm thu nhập như nhau
Với những quan điểm trái chiều ngoài kia, bạn khó mà xác định được ai mới là người chịu trách nhiệm kiếm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, Chúa không đặt trách nhiệm này lên người mẹ. Đầu tiên Ti-mô-thê 5:8 nói về trách nhiệm của người nam trong việc chu cấp cho gia đình:
“Nếu ai không cấp dưỡng cho bà con mình, nhất là cho chính gia đình mình thì người ấy đã chối bỏ đức tin, còn tệ hơn người không tin nữa.”
Ê-phê-sô 5:29 cũng nói về trách nhiệm của người chồng trong việc chu cấp và yêu thương vợ mình. “Cấp dưỡng” ở đây không chỉ nói về vấn đề vật chất, nhưng chắc chắn có bao gồm vật chất.
Chu cấp tài chính cho gia đình là một công việc khó khăn. Nhưng nếu bạn là nam, thì đó là nghĩa vụ Chúa kêu gọi bạn để chăm sóc gia đình tương lai.
Lầm tưởng #6: Ở nhà nội trợ khiến người mẹ lãng phí tài năng và học vấn của mình
Chỉ dựa trên thu nhập của người mẹ, chúng ta không thể đánh giá liệu họ có tận dụng tốt tài năng và học vấn của mình hay không. Đúng vậy, người mẹ có thể kiếm tiền bằng kiến thức, nhưng còn vô vàn cách khác để sử dụng học vấn của mình.
Người mẹ nội trợ có thể dạy dỗ con cái, quản lý gia đình, phục vụ Hội Thánh và cộng đồng theo nhiều cách thức. Cho dù là một giáo viên, y tá hay quản lý, cô ấy luôn có thể giúp đỡ những người xung quanh mình. Người mẹ không cần phải được trả lương để sử dụng tài năng của mình. Chúa cho họ cơ hội – ngay tại vị trí hiện tại – để sử dụng những ân tứ và khả năng của họ.
Lầm tưởng # 7: Các bà mẹ nội trợ đang bỏ lỡ những điều tốt đẹp hơn
Thế hệ của chúng ta luôn sợ rằng nếu mình không đưa ra lựa chọn hoàn hảo, thì mình sẽ bỏ lỡ những điều tốt hơn. Phim ảnh và tiểu thuyết miêu tả người mẹ nội trợ là những người bị kìm nén nhiều nhất. Họ không hạnh phúc, buồn chán và bị ràng buộc bởi nghĩa vụ gia đình.
Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho rằng nội trợ tại gia khiến bạn bỏ lỡ những điều tốt đẹp. Tất nhiên, mọi người đều đang bỏ lỡ một điều gì đó – bởi vì chúng ta là con người và ai cũng có giới hạn. Nhưng ưu tiên gia đình hơn công việc vẫn là một lựa chọn tốt của người phụ nữ.
Nội trợ không xác định giá trị của chúng ta hoặc khiến chúng ta trở nên hoàn hảo. Chỉ duy nhất Chúa là Đấng có thể làm được điều đó. Nhưng con cái là cơ nghiệp Chúa ban (Thi-thiên 127:3), và dành thời gian cho con cái là một đặc ân của cha mẹ.
Có thể bạn là người phụ nữ mong muốn được ở nhà chăm sóc gia đình. Hoặc có thể bạn là một người nam, và bạn gái bạn muốn làm nội trợ sau khi kết hôn. Đừng sợ hãi vì những quan niệm sai lầm. Bất kể nền văn hóa này nói gì về nữ quyền hoặc cuộc sống gia đình, chúng ta cần biết rằng vai trò Chúa dành cho người nam và người nữ là tốt lành.
Khi người chồng ủng hộ mong muốn được ở nhà chăm con của vợ mình, anh ấy cũng đang ủng hộ niềm khao khát mà Chúa đặt để trong lòng mỗi người vợ: để nuôi dưỡng con cái, giúp đỡ chồng và sinh sản thêm nhiều.
Không một Cơ Đốc nhân nào có thể tìm thấy cảm giác thỏa mãn thực sự nơi sự giàu có, quyền lực hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Dù là người nội trợ hay Giám đốc, những người được cứu bởi ân điển đều tìm thấy sự thỏa lòng khi cuộc đời chúng ta là “của lễ sống và thánh” dâng lên cho Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1). Và điều đó không liên quan gì đến mức lương của bạn!
(Nguồn: oneway.vn)