Cách Kinh Doanh Của Người Do Thái (Phần 3)

Share

12. Hãy xét khoan hậu về mọi hành động của người khác.

Bạn có biết câu thành ngữ “Hãy xét khoan hậu về mọi hành động của người khác” chưa? Nếu chưa, thì có thể qua những bản dịch khác không hoàn toàn chính xác: “Hãy xét khoan hậu mọi người”, hoặc “Nếu còn phân vân, hãy giải quyết tốt cho người ta”.

Một thái độ cư xử như vậy có thể bị coi là thiếu suy nghĩ. Liệu chúng ta có phải đối xử khoan hậu với kẻ trộm bây giờ đang muốn xin vào làm người thu ngân ở ngân hàng? Người phụ nữ phải trả lời gì với lời đề nghị của người đàn ông, mà vợ anh ta mới đòi ly dị vì bị đánh đập? Liệu cô ta có nên Cách Kinh Doanh Của Người Do Thái theo nguyên tắc: “nếu còn phân vân, hãy giải quyết tốt cho người ta”? Trong thực tế, dịch cho đúng ý hơn câu thành ngữ đó phải là: “Hãy xét khoan hậu về mọi hành động của người khác”.

Nói một cách khác, khi đánh giá về cư xử của một người khác, đừng chỉ nghĩ về một hay là hai hành động xấu, mà phải chú ý đến cả những điều tốt mà con người đó đã làm nữa. Thí dụ, cách đây không lâu trong một tạp chí có một bài báo ra mắt để phê phán ông Oscar Shindler, trong đó chủ yếu kể về những chuyện đeo đuổi phụ nữ của ông ta. Thêm vào đó, trong thời kỳ Thế chiến lần thứ hai, Shindler cũng chẳng có gì nổi bật về những nguyên tắc trong quan hệ làm ăn. Thực tế là ông ta cũng có những mặt tiêu cực. Nhưng ông đã liều mạng để cứu thoát hưon 1150 người Do-thái khỏi tay phát-xít. Sự liều mình hy sinh của ông quan trọng hơn nhiều mọi thiếu sót, và chúng ta phải tính đến điểm này.

Luân lý Do-thái dạy: nếu bạn biết nhiều điểm tốt về con người và bỗng nhiên gặp phải chuyện anh ta đã phạm một sai lầm, thì đừng vội khinh thường người đó. Tốt hơn cả là hãy cố hiểu vì sao anh ta lại cư xử như vậy. Hãy tìm lý do để bào chữa cho hành động của anh ta. Nếu bạn không tìm được lời giải thích lô-gích, thì hãy coi đó như là chuyện tình cờ thôi. Đừng coi đó là điều cố hữu của anh ta.

Dennis Prager một lần đã nói rằng nếu bạn biết ai đó khá lâu, bao giờ cũng có thể nêu lên được năm phẩm chất tính cách mà khiến bạn cho anh ta là một người tốt, thậm chí tuyệt vời nữa, và đồng thời năm phẩm chất khiến ta phải nghĩ là anh ta là một người xấu.

Chúng ta thường phán xét bất công về người khác. Nếu chúng ta không thích ai đó, chúng ta chỉ nghĩ về chuyện anh ta thật là xấu thôi. Ngày hôm nay Áp-ra-ham Linh-côn nổi tiếng là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của nước Mỹ. Nhưng vào thời của mình ông thường bị trỉ trích dữ dội. Có phải là tính cách ông đã thật sự hoàn hảo? Tất nhiên là không, nhưng ngày hôm nay chúng ta gọi những người mà chỉ biết chú ý đến những điều đó là những kẻ chỉ trích và ngu dại.

Khi thấy viên kim cương, họ không nhận thấy vẻ đẹp của nó, bởi vì chỉ để ý vào những vết rạn nứt. Đừng quên điều tốt. Quan trọng nhất là hãy công bằng. Trong hoạt động kinh doanh thường phải gặp mâu thuẫn nhiều hơn là so với cuộc sống đời thường: nảy sinh sự xung khắc lợi ích, không ngừng diễn ra cuộc đấu tranh để điều khiển công việc. Trong bối cảnh “trận chiến marketing”, “chiến tranh thương hiệu” và những chiến lược kinh doanh hiện đại tương tự, người ta không phải lúc nào cũng cư xử được phù hợp. Chính vì thế nên nguyên tắc “Hãy xét khoan hậu về mọi hành động của người khác” có thể đem lại sự giúp đỡ lớn trong việc đưa ra được quyết định đúng đắn, đặc biệt là trong những hoàn cảnh giao tiếp trong kinh doanh.

13. Hãy trả lại đồ bị mất

“1 . Nếu ngươi thấy bò hay là chiên của anh em mình bị lạc, thì chớ làm bộ chẳng thấy, phải dẫn nó về cho anh em mình. 2 Ví bằng anh em ngươi không ở gần ngươi, và ngươi không quen biết người, thì phải dắt bò, chiên đó vào nhà ngươi, cho đến chừng anh em ngươi đến kiếm, bấy giờ, phải trả nó lại cho. 3 Ngươi làm như vậy cho con lừa, áo xống hay là mọi vật chi của anh em ngươi mất, mà ngươi xí được; chớ làm bộ không thấy.” (Phục truyền đoạn 22)

Một người phụ nữ nhặt được trong phòng nghỉ của trạm xăng một chiếc ví nhỏ. Trong đó có bốn trăm đô-la bằng những tờ giấy bạc hai mươi đô-la. Tình huống này khiến bà phải suy nghĩ. Nếu bà để tiền lại chỗ cũ, với hy vọng rằng người chủ của nó sẽ quay trở lại, thì cũng có thể có ai đó khác sẽ lấy chúng. Nếu trao lại cho một nhân viên nào đó, người ta cũng có thể giữ lại cho mình. Vì thế nên bà lấy ví tiền đó và để  lại một mẩu giấy ghi: “Tôi nhặt được cái ví. Nếu nó là của bạn, hãy gọi điện cho tôi.” Bên dưới bà ghi số điện thoại mình. Không lâu sau đó một người phụ nữ gọi đến, và nói rằng bà đánh mất ví có tiền trong đó. Nhưng khi bị hỏi rằng trong ví có bao nhiêu tiền, và ví đó đã để quên ở đâu, thì rõ ra là bà ta chỉ đang thử đoán mò. Sau đó, một người đàn ông gọi đến và nói rằng đó là chiếc ví của bà mẹ anh ta, bà đánh mất bốn trăm đô-la toàn là tờ hai mươi đô-la. Bà mẹ và cậu con trai đã đến để lấy lại tiền mình. Thì ra họ là những người nghèo, và bốn trăm đô-la đó là khoản tiền trợ cấp xã hội của bà. Người phụ nữ lớn tuổi kia rất vui và cảm ơn người đã trả lại tiền cho mình.

Nhặt được một đồ vật bị mất, và tìm mọi cách để trả lại nó đúng cho chính chủ, người phụ nữ này đã tuân theo điều luật của To-ra được trích dẫn ở trên. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, mục này được gọi là “trả lại đồ bị mất”. Người nhặt được phải trả lại đồ vật cho đúng chính chủ, cho nên người phụ nữ đã xử sự đúng, khi không đưa nó cho những người phục vụ ở trạm xăng, hoặc đưa ngay cho người gọi đến trước tiên mà nói rằng đó là ví tiền của họ.

Theo luật của người Do-thái, phải công bố về vật thất lạc đã tìm thấy (trong trường hợp này bà đã chỉ ra trong tờ giấy là chiếc ví), và sau đó hỏi về các dấu tích cụ thể (“Có bao nhiêu tiền trong ví? Bạn đã để quên nó ở đâu”). Nếu mà đồ vật không có dấu tích cụ thể nào (thí dụ tờ một đô-la rơi giữa phố đông người), thì có thể coi như rằng người chủ của nó đã không còn hy vọng tìm lại được nó, lúc đó người nhặt được có thể được giữ lấy.

Theo luật của người Do-thái, giữ lại cho mình đồ vật có dấu tích và có thể trả lại được cho chính chủ – là một lỗi lầm nghiêm trọng, vì đó không chỉ là ăn cắp, mà là một tội lỗi mà không hối cải cho đến cùng được. Thậm chí nếu sau này người đó ân hận về việc mình đã cư xử không trung thực, thì anh ta cũng không thể tìm lại được người chủ của đồ vật đó. Sửa lại việc làm sai trái đó không thể được nữa. Mỗi người trong số chúng ta có thể một lần nào đó nhặt được một vật nào đó thật sự giá trị (thí dụ tiền hoặc thẻ tín dụng). Những lời To-ra nói “phải trả nó về cho anh em mình” nhắc chúng ta rằng, giữ lấy những đồ vật đó không chỉ giống như là ăn cắp, mà chính là ăn cắp.

14. Chừng nào nến còn cháy.

Một nhà thông thái vĩ đại Rabbin Ysrael Sa-lan-ter một lần dừng lại nghỉ đêm ở nhà người thợ giầy. Đến tận đêm khuya ông vẫn thấy người kia làm việc dưới ngọn nến lay lắt gần tàn. Rabbin Sa-lan-ter đến gần người chủ nhà và hỏi: – Xem kìa, đã muộn lắm rồi, nến cháy đã gần tàn hết. Sao ông còn làm việc? – Chừng nào nến còn cháy, còn có thể làm được hoặc sửa được cái gì đó. Chừng nào chúng ta còn sống – chừng nào nến còn cháy – chúng ta còn có thể sửa được cái gì đó. Chúng ta còn có thể làm hòa với người mình đã xa cách, cải thiện quan hệ trong gia đình, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ bạn mình tổ chức ra công việc làm ăn. Chúng ta có thể làm việc với tính cách mình, và học được cách trở nên công bằng. Điều gì bạn muốn sửa trong tính cách mình? Hãy nghĩ xem cách nào mình có thể làm được. Chừng nào nến còn cháy, chúng ta còn có thể cải thiện quan hệ của mình, thế giới của mình, chính bản thân mình.

 

(Nguồn : http://hoithanhkienbai.blogspot.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan