Đối với nhiều người, câu chuyện Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập giá đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi thật dễ dàng cho chúng ta, chỉ nghĩ thoáng qua những gì Ngài đã thực sự chịu thống khổ trên thập giá, khi Ngài chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có xu hướng đánh giá thấp những gì Ngài đã trải qua, trong những giờ trước khi bị đóng đinh và trong sáu giờ Ngài bị treo trên thập tự giá thay cho chúng ta.
Lời cầu nguyện của tôi cho bài viết này là, nó sẽ giúp bạn cảm nhận được ý nghĩa của việc Chúa Giê-xu “nếm sự chết vì mọi người” (Hê-bơ-rơ 2:9, BTTHĐ 2010).
Đau khổ trong cầu nguyện
Chúng ta sẽ bắt đầu trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, vào đêm trước khi Ngài bị đóng đinh. Bên dưới bầu trời tối đen, Chúa Giê-xu đã chuẩn bị cho cơn ác mộng tồi tệ nhất của Ngài — cảm nhận cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời lần đầu tiên trong cõi đời đời. Hết lần này đến lần khác, Ngài cầu xin Đức Chúa Cha về một cách khác. Trong một ý nghĩa nào đó, Ngài đang xin Đức Chúa Cha tìm một điều khoản trong hợp đồng chuộc tội.
Hê-bơ-rơ 5:7 cho chúng ta cảm nhận về cường độ của những lời cầu nguyện của Ngài: “Đấng Christ đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện và nài xin đầy nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết.”
Trong vườn, Ngài không chỉ cầu nguyện – Ngài đang khóc. Ngài không chỉ khóc – Ngài còn tuôn tràn nước mắt. Ngài không chỉ tuôn tràn nước mắt – Ngài đang tuôn đổ mồ hôi. Ngài không chỉ tuôn đổ mồ hôi – Ngài còn đổ mồ hôi máu.
Bác sỹ Lu-ca, một người có óc tổ chức và quan sát tỉ mỉ chi tiết đã mô tả như sau: “Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết, mồ hôi trở nên như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lu-ca 22:44).
Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra? Làm thế nào một con người có thể đổ mồ hôi ra máu?
Trước khi chúng ta đi sâu vào vấn đề này, thật hữu ích khi nhớ rằng Chúa Giê-xu 100% là con người và 100% là Đức Chúa Trời. Là một con người, Ngài mệt thì Ngài ngủ, khát thì Ngài uống, đói thì Ngài ăn, và Ngài chảy máu khi bị cắt vào da thịt.
Và trong phân đoạn này, Ngài bị chảy ra máu, hầu như có thể là do một hiện tượng sinh vật lý hiếm khi xảy ra khi một người bị quá căng thẳng và đau khổ, các tuyến mạch máu li ti ở các lỗ chân lông vỡ ra và đổ mồ hôi máu theo đúng nghĩa đen. Nó được gọi hematidrosis.
Cũng đáng chú ý là tất cả những điều này diễn ra trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi có một rừng cây ô-liu cổ thụ phát triển tốt. Từ Ghết-sê-ma-nê bắt nguồn từ hai từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là ép dầu. Dầu được sản xuất khi ô liu được nghiền bằng một cối xay lăn bằng đá. Từ sự nghiền nát mà đem đến dầu ô-li-ve mang lại sự sống.
Tương tự như vậy, Chúa Giê-xu sắp bị nghiền nát trên thập tự giá, nơi huyết ban sự sống của Chiên Con Đức Chúa Trời sẽ chảy ra từ tay, chân và cạnh sườn của Ngài. Chúng ta thấy một điềm báo trước về điều này trong huyết mà Ngài đã đổ mồ hôi ra từ các lỗ chân lông của Ngài trong Vườn Ghết-sê-ma-nê.
Sau ba giờ đổ mồ hôi máu cầu nguyện—khi Ngài nhiều lần xin Chúa cất chén đau khổ khôn lường mà Ngài sắp uống—Ngài cũng nhiều lần tuyên bố với Đức Chúa Cha: “Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” (Lu-ca 22:42).
Đau khổ trong cơn thử thách.
Khi Chúa Giê-xu nghe tiếng những người lính tiến đến—dẫn đầu bởi Giu-đa—Ngài đứng dậy, hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha. Theo tác giả Philip Yancey, sự vâng phục này khiến Ngài trở thành người bình tĩnh nhất trong mọi cảnh tượng sắp xảy ra. Ngay khi Ngài bị bắt, tất cả bạn bè của Ngài, các môn đồ, đã chạy trốn vào bóng đêm. Bạn đã bao giờ cảm nghiệm chuyện bị một người bạn bỏ rơi? Chúa Giê-xu đã bị bỏ rơi bởi tất cả những người của Ngài. Những người lính và bảo vệ đưa Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem trong bóng tối.
Trong vài giờ tiếp theo, Ngài đã trải qua sáu phiên tòa, ba phiên tòa tôn giáo và ba phiên tòa dân sự — và tất cả đều bất hợp pháp. Trong những thử thách đó, Ngài đã bị chế nhạo, tát và đấm hết lần này đến lần khác. Nhưng Chúa Giê-xu không bao giờ tìm cách đánh trả lại. Mặc dù Ngài có thể gọi sấm sét xuống để tiêu diệt tất cả bọn chúng hoặc cử một đội quân thiên thần từ Thiên đường đến để quét sạch chúng, nhưng Ngài chỉ nhận lấy mọi cú đấm, mọi cái tát và mọi lời buộc tội sai trái. Chúa Giê-xu sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết.
Đau khổ trong tra tấn.
Sau khi tổng đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát giao Chúa Giê-xu cho người Do Thái đóng đinh, sự tàn bạo thực sự bắt đầu. Những người lính La Mã—những chuyên gia về tra tấn và giết chóc—lột áo của Chúa Giê-xu và có lẽ là xích ngài vào một cây cột đá. Họ đánh đập Ngài hết lần này đến lần khác bằng roi da La Mã, một loại roi có từ 3 đến 12 dây da bện lại. Những quả bóng kim loại được dệt vào da, và ở cuối mỗi sợi là những mảnh gốm vỡ, thủy tinh, đinh, xương hoặc kim loại xoắn, được thiết kế để lấy và xé thịt.
Hãy tưởng tượng Chúa Giê-xu bị đánh đập nhiều lần, những miếng da và cơ bắp lớn bị xé toạc sau mỗi cú đánh. Khi những người lính đã tra tấn xong, lưng, mông và chân của Ngài có đầy những mảng da dài đẫm máu, những dải thịt, cơ và gân bị xé nát. Kiểu đánh đập này được đặt biệt danh là “nửa phần sống nửa phần chết”, bởi vì một nửa số người đàn ông bị tra tấn đã chết vì nó. Nhưng không phải chỉ có nhiêu đó cho Chúa Giê-xu. Còn có nhiều thứ khác nửa để cho Ngài chịu đựng.
Những người lính mặc cho Ngài một chiếc áo choàng màu tía, xoắn một vòng gai từ loại bụi gai nổi tiếng ở Giê-ru-sa-lem — với những cái gai dài đến 8 cm — và dùng gậy đập vào hộp sọ của Ngài, thứ mà họ cũng dùng để đập vào mặt Ngài . Hơn 700 năm trước khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, nhà tiên tri Ê-sai đã tiên tri rằng Con Đức Chúa Trời sẽ bị đánh đập thậm tệ đến nỗi không còn hình dạng con người.
“Nhưng nhiều người sẽ ngạc nhiên về Người; Mặt mày Người tiều tụy hơn bất cứ người nào khác, Hình dáng Người không giống con loài người.” (Ê-sai 52:14).
Bấy giờ Chúa Giê-xu trở thành đối tượng của sự nhạo báng. Những người lính La Mã quỳ xuống trước mặt Ngài, cười lớn tiếng, “Lạy Vua dân Do Thái.” Họ tát Ngài và khạc nhổ vào Ngài. Trong tất cả mọi sự đó, Ngài vẫn im lặng.
Chịu khổ hình thập giá
Ngay sau đó, họ giải Ngài đến Gô-gô-tha, ngọn đồi có hình dạng đầu lâu, ngay bên ngoài Giê-ru-sa-lem. Tại đây, những người lính La Mã đã lột hết quần áo của Ngài, ném Ngài xuống một cây thánh giá bằng gỗ, giang hai tay ra, lấy một chiếc đinh nhọn và đóng vào cổ tay phải của Ngài. Hãy tưởng tượng nỗi đau của mỗi cú đánh, khi chiếc búa giáng xuống hết lần này đến lần khác, đóng đinh ngày càng sâu vào cổ tay Ngài.
Tiếp theo, những người lính bắt chéo chân Ngài và đóng một chiếc đinh nhọn xuyên qua chân Ngài. Tôi thậm chí không thể tượng tượng ra được nỗi đau là như thế nào. Sau đó, những người lính nâng cây thánh giá lên và thả nó vào một cái hố đã đào trước đó. Có lẽ vào thời điểm này, theo Thi thiên 22:14, tất cả xương cốt của Ngài đều rã rời ra.
Và đó là khi sự đau khổ từ từ bắt đầu. Ngài ở đó cho cả thế giới thấy — trần trụi, đổ huyết và chết, trước mắt của chính những con người mà Ngài đã sáng tạo ra. Để làm tăng thêm sự xúc phạm cho những tổn thương cùng cực của Ngài, những tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Ngài bắt đầu chế nhạo Ngài, cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo và đám đông tụ tập. Thở trên thập tự giá không phải là chuyện nhỏ. Chúa Giê-xu phải đẩy thân thể của Ngài lên để thở ra và hạ xuống để hít vào, cọ tấm lưng trần trụi đầy máu của Ngài vào thanh gỗ thô sơ của cây thập tự trong nhiều giờ. Cơn đau sẽ trở nên rất dữ dội.
Đau khổ khi bị bỏ rơi
Cuối cùng, sau sáu giờ mà mỗi hơi thở cũng là một sự hành hạ, giờ chung kết cũng gần đến. Chúa Giê-xu nhìn lên Trời và nói, “Ê-li ê-li sa bách ta mi” có nghĩa là “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mác 15:34). Vì trong giây phút ấy, Chúa Giê-xu đang chịu cơn hấp hối tột cùng. Trong giây phút đó, Đức Chúa Cha trút cơn thịnh nộ của Ngài — cơn giận của Ngài vì tội lỗi của nhân loại — lên Chúa Giê-xu.
Sau đó, Chúa Giê-xu hét lên ba từ sẽ thay đổi tiến trình lịch sử — “Mọi việc đã được trọn” — và Ngài gục đầu đẫm máu và chết. Tội lỗi của nhân loại đã được trả trọn giá bằng huyết của Chiên Con của Đức Chúa Trời, “Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” (Giăng 1:29).
Tại sao Ngài làm điều đó?
Hê-bơ-rơ 12:2 cho chúng ta câu trả lời: “Hãy nhìn xem Đức Chúa Jê-xu, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.”
Ngài chịu đựng tất cả những điều này vì “niềm vui đặt trước mặt Ngài”. Niềm vui đặt trước mặt Ngài là gì? Tôi tin rằng niềm vui đó có 2 tầng ý nghĩa:
- Làm hài lòng Đức Chúa Cha.
Ngài biết việc Ngài làm sinh tế sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa Cha, và điều đó mang lại cho Ngài niềm vui lớn (Giăng 6:38).
- Cứu bạn và tôi.
Chúng ta là niềm vui đặt trước mặt Ngài. Nếu Ngài đã chọn chúng ta và yêu thương chúng ta trước khi tạo dựng thế gian (Ê-phê-sô 1:4-5), bạn có thể chắc chắn rằng Ngài đã nghĩ đến bạn và tôi, cùng với tất cả các tín đồ khác trong suốt thời gian, khi Ngài bị treo trên thập tự giá. Và điều đó đã mang lại cho Ngài sự vui mừng giữa cơn hấp hối.
Có lẽ bạn không cảm nhận được là bạn được yêu thương. Cho dù có hay không điều đó, bạn được yêu thương bằng một tình yêu thương đời đời mà Chúa Giê-xu đã chứng tỏ trên thập giá. Có lẽ dường như không ai hiểu được nỗi khổ của bạn. Nhưng Chúa Giê-xu biết điều đó. Ngài đã uống trọn chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời khi Ngài chịu nỗi thống khổ tột cùng trên thập tự giá.
Có thể bạn không cảm thấy mình có hy vọng. Nhưng Chúa Giê-xu ban cho bạn niềm hy vọng cuối cùng. Bởi vì ba ngày sau khi bị đóng đinh và chôn, Ngài đã sống lại từ cõi chết (1 Cô-rinh-tô 15:3-4). Ngài sẽ khiến bạn sống lại từ kẻ chết, cả về thuộc linh lẫn thể xác, nếu bạn chỉ đặt niềm tin nơi Ngài.
Hóa đơn cho tội lỗi của bạn đã được thanh toán đầy đủ. Bạn chỉ cần nhận nó bằng đức tin. Hãy tin cậy Chúa Giê-xu ngay bây giờ, vì Ngài đã trải qua sự đau khổ tột cùng để trả giá cho tội lỗi của bạn trên thập tự giá. Khi bạn làm như vậy, bạn nhận được cuộc sống vĩnh cửu bắt đầu ngay bây giờ và kéo dài mãi mãi.
Nếu bạn đã đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu, thì hãy chia sẻ bài đăng này với người khác và cầu nguyện cho họ tin cậy vào Đấng Christ để được cứu rỗi và sự sống đời đời mà Ngài ban cho.
Nguyễn Trọng
(Lược dịch theo:https://www.christianpost.com)