Một bài bình luận xuất sắc của Tiến sĩ Dinah Miller, giáo sư trợ lý khoa tâm thần và nghiên cứuhành vi tại Đại Học Y Khoa Johns Hopkins, đã được Medscape xuất bản vào ngày 7 tháng 7 để xem xét vấn đề trợ tử đối với các bệnh tâm thần.
Miller nêu lên câu hỏi: Hỡi các bác sỹ tâm thần, chúng ta đem đến hy vọng hay cái chết?
Miller viết: Đưa ra sự lựa chọn về cái chết mà nó lại được tạo điều kiện bởi chính người đang cố gắng giúp họ tốt hơn dường như đi ngược lại với tất cả những gì tôi đã học được và mâu thuẫn với vai trò của chúng tôi với tư cách là bác sĩ tâm thần, những người luôn nỗ lực hết mình để ngăn chặn hành vi tự tử.
Miller đề cập đến luật pháp của Canada sẽ cho phép trợ tử đối với bệnh tâm thần. Cô nói:
Tự tử do bác sỹ hỗ trợ vì các tình trạng tâm thần tạo ra một câu hỏi hóc búa cho các bác sỹ tâm thần. Là các chuyên gia sức khỏe tâm thần, chúng tôi nỗ lực ngăn chặn hành vi tự tử và coi đó là một hành động thường được thúc đẩy bởi chứng trầm cảm. Những người quyết tâm chết bởi tay của chính họ thường làm như vậy. Trầm cảm làm sai lệch nhận thức và khiến nhiều bệnh nhân tin rằng họ sẽ tốt hơn nếu họ chết và những người thân yêu của họ sẽ tốt hơn nếu không có họ.
Những nhận thức bị bóp méo này là một phần căn bệnh của họ. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta, với tư cách là bác sỹ tâm thần, chuyển từ quan điểm ngăn chặn tự sát – sử dụng các biện pháp như điều trị không tự nguyện khi cần thiết – sang việc trở thành người đề nghị và tạo điều kiện thuận lợi cho cái chết của bệnh nhân? Tôi sẽ để điều này cho các đồng nghiệp người Canada của mình suy ngẫm, vì tôi sống ở một tỉnh bang mà việc tự tử được hỗ trợ vì bất kỳ điều kiện nào vẫn là bất hợp pháp.
Miller sau đó đặt một số câu hỏi nghiêm túc về việc ai sẽ được điều trị và ai sẽ nhận cái chết?
Khi Canada hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho cái chết đối với bệnh tâm thần nghiêm trọng, chúng ta phải tự hỏi liệu các yếu tố chủng tộc hoặc kinh tế xã hội có đóng một vai trò nào không. Liệu những người nghèo, những người ít được tiếp cận với các lựa chọn điều trị đắt tiền và hỗ trợ xã hội, có nhiều khả năng yêu cầu cái chết thuận lợi hơn không? Và làm thế nào để chúng ta xác định liệu những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng có đủ khả năng để đưa ra quyết định như vậy hay liệu chính bệnh tâm thần đang khiến họ nhận thức về một tương lai không có hy vọng?
Miller sau đó đặt câu hỏi liệu các bác sỹ tâm thần người Canada sẽ đưa ra đề nghị về cái chết khi bệnh nhân từ chối sự điều trị hiệu quả không?
Miller sau đó bình luận rằng Tiến sĩ Susan Kalish, một bác sỹ lão khoa (geriatric) và chăm sóc cận tử (palliative care), người hỗ trợ trợ tử cũng nhận ra rằng việc để luật trở nên quá dễ dãi là một vấn đề. Tuy nhiên, Miller kết thúc bài viết của mình bằng tuyên bố:
Là bác sỹ tâm thần, chúng ta mang lại hy vọng cho những bệnh nhân dễ bị tổn thương và yếu đuốinhất hay chúng ta mang đến cái chết? Chúng ta kiên quyết chống lại việc tự tử hay chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho nó? Chúng ta có nguy cơ rơi vào chỗ tạo điều kiện cho bệnh nhân tử vong khi họ không có các lựa chọn khác – vì cớ họ không được tiếp cận với sự điều trị hoặc khi các tranh chiến về xã hội và tài chính làm trầm trọng thêm tình trạng tuyệt vọng của một người? Chúng ta có nên lo lắng rằng trợ tử tâm thần sẽ biến thành một hình thức thuyết ưu sinh khi mànhững người không thể đóng góp cảm thấy rằng họ nên hy sinh bằng cách chết đi? Nếu chúng ta, với tư cách là bác sỹ tâm thần, không phải là sứ giả của hy vọng, thì nói một cách chính xácchúng ta là ai?
Lược dịch: Ngọc Nga & Trần Ngọc.
Nguồn: alexschadenberg.blogspot.com