5 Lý Do Không Thuyết Phục Để Ly Hôn

Share

Forbes Advisor thực hiện một cuộc khảo sát trên 1000 người Mỹ đã hoặc đang trong quá trình ly hôn để tìm hiểu lý do dẫn đến thất bại trong hôn nhân. Cuộc khảo sát cho thấy 63% những người ly hôn nói rằng nếu hiểu rõ cam kết là gì trước khi kết hôn thì có thể ngăn chặn sự đổ vỡ trong hôn nhân của họ. Trong đó, 56% cho biết họ có thể đã không ly hôn nếu hiểu rõ hơn về đạo đức và giá trị của người phối ngẫu. Một điều đáng ngạc nhiên là chưa đến 5% những người ly hôn nhận định hôn nhân của họ không thể cứu vãn.

Trong một thế giới mà sự thiêng liêng của hôn nhân ngày càng bị chèn ép, thì điều quan trọng cần làm là đánh giá lại những lý do thường được dùng để dẫn đến ly hôn. Chắc chắn có những tình huống cho thấy ly hôn là một lựa chọn hợp lý theo Kinh Thánh, chẳng hạn như các trường hợp bị bỏ rơi, bị lạm dụng hoặc không chung thủy. Nhưng theo khảo sát, có nhiều trường hợp chỉ cần hiểu rõ hơn về cam kết và các giá trị thì có thể cứu vãn hôn nhân.

Sau đây là năm lý do không thuyết phục thường được dùng để dẫn đến ly hôn.

  1. Hết yêu: Sai lầm về cảm xúc

Một trong những lý do thường xuyên được dùng để ly hôn nhiều nhất là quan niệm cho rằng một hoặc cả hai bên đã “hết yêu”. Quan niệm hiện đại về tình yêu thường được lãng mạn và cảm xúc hóa, chịu ảnh hưởng từ văn học, điện ảnh và văn hóa đại chúng. Quan điểm này bắt nguồn từ việc tưởng rằng tình yêu chỉ là trải nghiệm cảm xúc và hoàn toàn đi ngược lại với hiểu biết về tình yêu trong Kinh Thánh, vốn bắt nguồn từ sự cam kết và hành động.

Trong cả Tân Ước, thuật ngữ được sử dụng thường xuyên nhất để chỉ về tình yêu là agape, nghĩa là tình cảm vị tha, hy sinh. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô mô tả tình yêu thương trong 1 Cô-rinh-tô 13:4–7 là nhịn nhục, nhân từ và chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương này nên là nền tảng của hôn nhân Cơ Đốc.

Chúng ta có thể cho rằng tình yêu thương là một lựa chọn. Dù tình yêu thương chỉ là vấn đề của quyết định hơn là cảm xúc, nhưng không đơn thuần chỉ là sự lựa chọn. Như John Piper nói rằng: “Nếu tình yêu thương của chúng ta chỉ là một lựa chọn, thì vẫn chưa hẳn là tình yêu thương đâu”. Thay vào đó, như Piper lưu ý rằng chúng ta không thể làm tốt công việc yêu thương nếu không lệ thuộc vào Chúa. Chỉ có ân điển của Đức Chúa Trời mới giúp chúng ta biết yêu thương nhau trong hôn nhân.

  1. Không hợp nhau: Ảo tưởng về người tâm đầu ý hợp

Một trong những khái niệm chết người nhất của thời đại ngày nay là ý tưởng về “người bạn tâm giao” hoặc “người tâm đầu ý hợp”. Mặc dù hợp nhau là điều quan trọng, nhưng làm gì có hai người hợp nhau hoàn toàn – mỗi người nam và người nữ đều là tội nhân, có những khuyết điểm và sự bất toàn khác nhau. Kinh Thánh dạy rằng mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23), ám chỉ sự bất toàn và không phù hợp là điều không thể tránh khỏi.

Chúng ta nên nghĩ đến khía cạnh hy sinh, chứ không phải bạn tâm giao. Sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá là khuôn mẫu tối hậu cho để chúng ta biết cách yêu thương và hy sinh. Trong hôn nhân, hai người đều được kêu gọi để bày tỏ tình yêu thương đó bằng nhiều cách khác nhau. Điều này đòi hỏi phải từ bỏ ước muốn, sở thích và thậm chí nhu cầu của mình vì ích lợi của người kia. Yêu là làm điều tốt nhất cho người khác và sẵn sàng chịu đựng khó khăn và phiền phức.

Chỉ có ân điển của Đức Chúa Trời mới giúp chúng ta biết yêu thương nhau trong hôn nhân.

Thí dụ, trong Ê-phê-sô 5:25, người chồng được dạy phải yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội thánh, xả thân vì Hội thánh. Tình yêu hy sinh như thế ngụ ý rằng sự không phù hợp có thể và nên được giải quyết thay vì trở thành lý do để ly hôn. Trên thực tế, sự phù hợp chỉ thường xảy ra sau khi chúng ta đã có những hy sinh.

Sự phù hợp là khả năng sống với nhau mà không có xung đột. Điều đó không phải là một khám phá, mà là mục tiêu để chúng ta phấn đấu. Đó là sự cố gắng không ngừng làm theo mạng lịnh của sứ đồ Phao-lô chép trong Rô-ma 12:18 rằng: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”. Nếu đã kết hôn, thì điều này phụ thuộc vào chúng ta, hãy làm hết mọi thứ trong khả năng của mình để ăn ở hòa thuận – phù hợp – với người phối ngẫu của mình.

  1. Khó khăn tài chính: Tầm nhìn tạm thời so với tầm nhìn đời đời

Khó khăn về tài chính thường được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu tạo ra căng thẳng trong hôn nhân. Mặc dù những khó khăn về tài chính đáng được cân nhắc cách nghiêm túc, nhưng lại thường bị dùng cách hấp tấp để bào chữa cho việc ly hôn. Thay vào đó, vấn đề này nên được xem là cơ hội để chuyển sự tập chú của chúng ta từ tạm thời sang đời đời.

Phần lớn những nan đề tài chính của chúng ta bắt nguồn từ việc tập chú vào của cải vật chất, là những thứ tạm thời và sẽ bị hư hỏng. Chúa Jêsus đã cảnh báo những kẻ dại về việc tích lũy của cải ở dưới đất rằng: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy” (Ma-thi-ơ 6:19). Trong hôn nhân, không nên tập chú vào việc tích lũy vật chất mà hãy chú ý vào những giá trị đời đời để nuôi dưỡng mối quan hệ, chẳng hạn như yêu thương, chung thủy và trưởng thành thuộc linh. Khi vợ chồng gặp khó khăn về tài chính, thì đó là cơ hội để đánh giá lại những ưu tiên và củng cố những điều đó sao cho phù hợp với nước Đức Chúa Trời.

Khó khăn về tài chính cũng có thể là sự rèn luyện để phát triển sự thỏa lòng và tin cậy vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết trong Phi-líp 4:11–13 rằng ông học cách thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh, dù dư dật hay thiếu thốn – sự vui thỏa được đâm rễ ở trong Đấng Christ. Tương tự, các cặp vợ chồng có thể học cách thỏa lòng và tin cậy vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời, thậm chí những lúc khó khăn về tài chính.

Đừng vội phán xét những điều này là nhàm chán. Nhiều cặp vợ chồng Cơ Đốc sau khi áp dụng quan điểm của Kinh Thánh về tài chính bằng cách thay đổi tầm nhìn từ tạm thời sang đời đời, họ đã biết cách định hướng những thách thức này để củng cố hơn là làm suy yếu hôn nhân của mình.

  1. Hạnh phúc cá nhân: Tính ích kỷ

Từ những năm 1970, văn hóa ở Mỹ đã xoáy sâu vào cuộc tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn của cá nhân. Quan niệm này được thúc đầy bởi các phương tiện truyền thông, văn chương và thậm chí nhiều hệ thuyết tâm lý thế tục, tất cả đều cho rằng hạnh phúc cá nhân là mục tiêu tối hậu trong đời. Vấn đề của quan điểm này là không chỉ không tạo ra hạnh phúc mà còn tích cực làm suy giảm sự phụ thuộc lẫn nhau rất cần thiết ở trong hôn nhân.

Kinh Thánh đưa ra một câu chuyện trái ngược để thách thức thói ích kỷ ở trong đời sống và mối quan hệ. Trong Phi-líp 2:3–4, sứ đồ Phao-lô dạy các tín hữu rằng: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. Nguyên tắc này đặc biệt thích hợp cho bối cảnh hôn nhân, vì sự thuận phục lẫn nhau và sự hy sinh của bản thân là bí quyết cho sự phát triển (Ê-phê-sô 5:21).

Trong khi thế gian mang đến hạnh phúc phù du tùy vào hoàn cảnh cuộc sống, thì Kinh Thánh dạy rằng niềm vui thật được tìm thấy ở trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Giống như Nê-hê-mi 8:10 chép rằng: “Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi”. Niềm vui ấy không phải là cảm xúc thoáng qua mà là sự thỏa mãn tột cùng đến từ việc nhận biết và phục sự Chúa.

  1. Chán nản: Nguy cơ của tính tự mãn

Tính tự mãn trong hôn nhân thường biểu hiện qua việc thiếu quan tâm, thiếu nhiệt tình, hoặc lo lắng về mối quan hệ. Điều này có thể bào mòn sự mật thiết và sự tin tưởng vốn là những điều thiết yếu của một hôn nhân khỏe mạnh. Tính tự mãn trái với kiểu mẫu hôn nhân theo Kinh

Thánh, đòi hỏi không ngừng nuôi dưỡng, yêu thương và nỗ lực có chủ đích (Ê-phê-sô 5:29).

Một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại sự nhàm chán trong hôn nhân Cơ Đốc là tập trung vào việc cùng nhau tăng trưởng trong Đấng Christ. Một người nam và một người nữ đi trên hành trình thuộc linh với nhau sẽ khám phá được mục đích và hướng đi vượt xa những thói quen thế tục trong đời sống mỗi ngày. Các cặp vợ chồng có thể tham gia vào những hoạt động chung thúc đẩy sự tăng trưởng thuộc linh, họ sẽ ngày càng quan tâm nhau nhiều hơn khi cùng trở nên giống như ảnh tượng của Đấng Christ.

Một nhà văn nổi tiếng người Anh tên là Samuel Johnson đã từng nói rằng: “Khi một người đàn ông mệt mỏi với thành phố Luân Đôn, tức là anh ta cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống; vì ở Luân Đôn có tất cả mọi thứ cho cuộc đời kia mà”. Điều này cũng đúng đối với hôn nhân Cơ Đốc. Thật khó bị buồn chán khi chúng ta ở bên cạnh một người trở nên giống với Đấng thú vị nhất trên đời.

Một lý do thỏa đáng để ở lại trong hôn nhân

Lý do cuối cùng để nâng đỡ và nuôi dưỡng hôn nhân, dẫu có những sai lầm và khó khăn, không chỉ là vì hạnh phúc của con người mà còn vì vinh hiển thượng thiên nữa. Một hôn nhân theo đúng Phúc Âm là phép ẩn dụ chỉ về Đấng Christ và Hội thánh của Ngài. Giữa thế gian đang sa lầy trong khoái lạc tạm bợ và cam kết hời hợt, cuộc hôn nhân nào neo chặt vào Phúc Âm sẽ đứng vững như ngọn hải đăng của hy vọng. Đó là những giao ước thiêng liêng, chứ không như các hợp đồng ngoài xã hội, chính Đức Chúa Trời sẽ xây đắp cho hôn nhân của họ.

Khi các cặp vợ chồng đến gần Đức Chúa Trời, họ tìm được sức lực để đối diện với những thử thách, có thể là khoảng cách cảm xúc, căng thẳng tài chính hoặc sự bất toàn nào đó chẳng hạn. Họ khám phá niềm vui trong sự vâng phục Lời Chúa, thỏa lòng khi hy sinh cho nhau và sự bình an vượt quá mọi điều thông biết khi neo chặt hôn nhân của họ bằng đức tin.

Thật khó bị buồn chán khi chúng ta ở bên cạnh một người càng ngày trở nên giống với Đấng thú vị nhất trên đời.

Phúc Âm mang đến cho các cặp vợ chồng hay xung đột một câu chuyện tốt hơn. Tình yêu không chỉ là một cảm xúc mà là một lựa chọn mang đến sự biến đổi khi tình yêu ấy được đâm rễ thật sâu ở trong tình yêu thương của Đấng Christ đã bày tỏ với chúng ta. Khi tình yêu thương của Đấng Christ trở thành nền tảng, thì chúng ta mới hiểu được không có việc gì là quá khó với Đức Chúa Trời – kể cả việc thay đổi, phục hồi và thậm chí là phục hưng một cuộc hôn nhân mà nếu là thế gian thì đã bỏ từ lâu rồi.

Nếu chúng ta thắc mắc về có nên tiếp tục hôn nhân dựa vào các tiêu chuẩn của thế gian hay không, thì hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không chỉ cho phép mà còn thiết lập hôn nhân vì sự vinh hiển của Ngài. Khi quay lại với Chúa và áp dụng các nguyên tắc được trình bày trong Kinh Thánh, chúng tq có thể hâm nóng lại tình yêu, xây dựng lại lòng tin và đạt được sự mật thiết sâu sắc mà bản thân đã từng nghĩ là đã mất rồi. Đây là sự trông cậy và lời hứa của hôn nhân tôn cao Phúc Âm.

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org  

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan