7 Lý Do Hội Thánh Giải Nhiệm Chúa Giê-Su

Share

Một số Mục sư đáng bị cách chức hay giải nhiệm hay không lưu nhiệm vì không đủ tư cách đạo đức hoặc không sống đúng với tiêu chuẩn chức vụ mục vụ mà 1 Ti-mô-thê 3.1-7 đòi hỏi.

Nhưng có nhiều Mục sư nam và nữ đã bị giải nhiệm hay không được lưu nhiệm vì nhiều lý do không phải là những lý do như trên:

  • Không làm cho hội thánh phát triển mở mang như ý ban lãnh đạo hội thánh mong muốn.
  • Không hội đủ một đòi hỏi đặc biệt về tính cách con người.
  • Lương Mục sư cao quá.
  • Mục sư già lắm rồi.
  • Đang trong thời kỳ “cạn kiệt’ như Ê-li (1 Các Vua 19) và hội thánh cho biết là không thể “thông cảm” được.
  • Không được lòng những người lãnh đạo hội thánh (không phải vì có sai phạm).

Không có Mục sư nào là trọn vẹn. Nhưng những vụ việc cách chức, giải nhiệm hay không lưu nhiệm những Mục sư được ơn là những điều làm tổn thương các tín hữu, gia đình Mục sư và hội thánh. Những vụ việc này cũng làm cho cộng đồng, thường là không có nhiều liên hệ với hội thánh, xem hội thánh địa phương là một tổ chức tôn giáo tầm thường.

Nếu dựa vào những lý do kể trên để cách chức, giải nhiệm hay không lưu nhiệm Mục sư thì chúng ta có thể đưa ra 7 lý do để cách chức, giải nhiệm hay không lưu nhiệm Chúa Giê-su trong chức vụ Quản Nhiệm.

1. Chúa Giê-su Không Luôn Có Mặt Trong Văn Phòng Mục sư

Chúa Giê-su luôn luôn đến các khu phố nói chuyện với mọi người. Ngài không bỏ ra nhiều thời giờ ngồi ở bàn giấy. Hầu hết các việc Ngài làm là ở bên ngoài bốn bức tường nhà thờ. 

Đã có bao nhiêu Mục sư không được lưu nhiệm chỉ vì ‘mắt’ của người ta không thấy họ làm việc! Cho đến nay đa số các tín hữu đều tưởng rằng Mục sư chỉ làm việc vài ngày trong một tuần như: 30 hay 45 phút giảng dạy vào sáng Chúa Nhật, hướng dẫn hay dự các buổi họp Ban Trị Sự, cầu nguyện và học Kinh Thánh, đi thăm viếng theo lịch thăm viếng, và thỉnh thoảng đi thăm người bệnh. Dường như họ không kể đến những giờ cầu nguyện và học Kinh Thánh cá nhân, dự các khóa huấn luyện, các buổi họp của giáo hội, những giờ thăm thân tín hữu, những cuộc hẹn tư vấn, các văn thư hành chánh, thăm người bệnh, đến với các vụ việc khẩn cấp bất ngờ nữa đêm, và thời giờ soạn bài giảng hay chia xẽ v.v.

2. Chúa Giê-su Ăn Uống Với Những Thành Phần Không Tốt Trong Xã Hội

Chúa Giê-su ‘uống’ trong nơi công cộng. Ngài uống rượu nho với các môn đệ. Ngài dự các buổi tiệc mà ở đó người ta uống rượu. Ngài ăn uống với kẻ thu thuế và những người không vâng giữ luật pháp. Thế nên có kẻ tố cáo Ngài “ham mê ăn uống” (Ma-thi-ơ 11.19). 

Nhiều Hội thánh có những quy định ‘bất thành văn’ hoặc những ‘truyền thống’ không nằm trong Kinh Thánh nhưng lại là ‘luật’ ràng buộc các hoạt động thông công, phục vụ và liên hệ cộng đồng của cộng đồng dân Chúa và Mục sư. Đáng buồn là luật này lại là điều chính yếu được dùng để ‘xét’ và ‘chấm điểm’ cho việc lưu nhiệm Mục sư!

3. Chúa Giê-su Không Hùa Theo Với Những Định Kiến Của Những Người Lãnh Đạo Hội Thánh

Chúa Giê-su thường bất đồng với những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Ngài không làm theo khải tượng của họ. Thậm chí Ngài còn lên án tội lỗi của họ (Ma-thi-ơ 23:1-36).

Dù ít có Mục sư nào hành xử như Chúa Giê-su, nhưng rõ ràng là có một số Mục sư mặc dù công khai tôn trọng các thành viên trong Ban Trị Sự Hội thánh nhưng vì cớ đã đặt vấn đề với những sự phục vụ hay đường lối của các vị này mà không đủ số phiếu để được mời hay lưu nhiệm.

4. Chúa Giê-su Giảng Dài

Chúa Giê-su không vặn đồng hồ khi Ngài giảng. Trong một số trường hợp, Ngài giảng rất dài đến nổi người ta lỡ mất buổi ăn trưa (Lu-ca 9.11-12).

Không ai mà không thích những bài giảng ngắn. Nhưng có phải khoảng thời gian bài giảng là quan trọng hơn nội dung dạy dỗ và xây dựng hay sự vận hành của Thánh Linh trong lúc đó không?

5. Chúa Giê-su Phá Vỡ Những Truyền Thống

Chúa Giê-su không luôn luôn làm theo truyền thống. Ngài phá vỡ mọi truyền thống không phù hợp với Lời Chúa trong Kinh Thánh. Đó là một trong những lý do mà những nhà lãnh đạo tôn giáo muốn đóng đinh Ngài trên thập giá (Mác 3.1-6).

Nếu có một điều mà tất cả chúng ta không muốn thay đổi, đó là sự thay đổi. Có người chọn giữ truyền thống hội thánh hơn là Mục sư. Chúng ta muốn có một Mục sư được Chúa dùng thay đổi hội thánh hay muốn có một vị duy trì những truyền thống kềm giữ sự thay đổi để phát triển?

6. Số Người Theo Chúa Giê-su Giảm Sút

Theo cách nhìn đếm đầu người của chúng ta thì khởi đầu, Chúa Giê-su phát triển mục vụ của Ngài tốt. Nhưng dân dần khi Ngài bắt đầu giảng dạy những điều “khó” thì rất nhiều người bỏ đi (Giăng 6.66-67). Không ai nói đó là thất bại!

Nhưng có nhiều Mục sư sống và chết vì con số. Nếu số hội viên hay người dự thờ phượng tăng lên. Họ thở hắt ra như trút được một gánh nặng. Nhưng khi con số thấp đi, họ bắt đầu cập nhật tờ tóm tắt cá nhân (résume) dùng để xin hay nhận mục vụ ở nơi khác.

7. Chúa Giê-su Không Lập Gia Đình

Đúng là một Hội thánh sẽ không giải nhiệm Chúa Giê-su vì lý do này. Nhưng nhiều Hội thánh đặt việc có gia đình là một tiêu chuẩn cho chức vụ mục vụ. 

Có thể hiểu được điều mong muốn của Hội thánh là một Mục sư có gia đình sẽ được nhiều thuận lợi hơn và tránh được những ngăn trở hơn trong chức vụ mục vụ. Nhưng chưa hay không lập gia đình không thể là nguyên cớ để không mời hay không lưu nhiệm một Mục sư.

Nếu lấy đó làm tiêu chuẩn thì cả Chúa Giê-su và Phao-lô không đạt tiêu chuẩn. 

Suy Niệm:

Các Hội thánh cần cẩn thận khi có ý giải nhiệm hay không lưu nhiệm Mục sư. Nếu không phải vì có một sai phạm đáng phải bị giải nhiệm thật rõ ràng, đừng vội vàng quyết định.

Khi cách chức, giải nhiệm hay không lưu nhiệm một Mục sư là một sự đau thương. Nó như là một vụ ly dị. Nó làm tổn thương tất cả mọi người liên hệ. Nó làm tổn thương quý vị, mục sư và gia đình của ông/bà, các tín hữu, đặc biệt các tín hữu yêu quí họ.

Trước khi ly dị, có phải là chúng ta sẽ làm tất cả mọi điều chúng ta có thể làm để cho mối liên hệ hôn nhân được tốt đẹp không? Quý vị đã nói ra những trăn trở của mình? Đã tìm sự tư vấn chuyên môn và thích hợp? Đã thử những cách để sự việc được tốt hơn? Đã để cho có thời gian chữa lành?

Tại sao không làm với Mục sư những gì đã làm trong sự hàn gắn mối hôn nhân? 

Đúng là Hội thánh có đặc tính của một tổ chức, nhưng các Mục sư không phải là những ‘nhân viên’ của Hội thánh như là những ‘nhân viên’ của các công ty làm ăn. 

Điều đáng tiếc là nhiều công ty ngoài đời lại có những chính sách bảo vệ công nhân viên chức của họ không bị sa thải trái phép tốt hơn nhiều Hội thánh. Họ có những quy định về các bước cảnh cáo hay giải hòa những bất đồng giữa công nhân viên chức và công ty.

 

Ánh Dương – Viết theo Brandon Hilgemann, JESUS YOUR FIRED, April 2, 2017, churchleaders.com

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan