Những Vũ Đài Quốc Tế Cũng Là Những Thánh Đường. Thể Thao Tiết Lộ Điều Gì Về Sự Thờ Phượng

Share

“Sự khen ngợi không ngừng, những bài hát tha thiết, khát vọng chiến thắng, tinh thần hiệp một, tôn vinh chiếc cúp, sai lầm đáng tiếc, không bỏ sót ngày nào và tất cả mọi thứ trong cái tôn nghiêm đẹp đẽ ấy”. Những điều kể trên nghe giống một buổi nhóm trong nhà thờ quá, nhưng đó lại là trải nghiệm nhiều năm trước của tôi trong một trận cầu chuyên nghiệp ở Anh. Bỏ qua khung cảnh lúc ấy, tôi thấy rất vui khi nghe người ta hát rất say sưa, một cảm giác cháy bỏng thường không có ở trong sự thờ phượng của hội chúng. 

Như vậy, các môn thể thao chuyên nghiệp cho thấy bản năng thờ phượng, sự hoan nghênh và sự ngưỡng mộ sâu sắc của chúng ta. Chúng ta đang thờ lạy những hữu thể.

Câu hỏi không phải là chúng ta có thờ phượng hay không, mà là chúng ta đang thờ phượng ai hay cái gì. Nhiều người ngày nay tôn sùng các môn thể thao bằng cách này hoặc cách khác. Tôi đã từng trải qua nhiều khung cảnh của các môn thể thao (với tư cách là vận động viên, người hâm mộ và huấn luyện viên) nên cũng hiểu rằng cả đàn ông lẫn phụ nữ, con trai và con gái, đều có sự say mê các bộ môn thể thao và yêu thích các đội tuyển thể thao. Nhưng đàn ông và mấy đứa con trai lại có khuynh hướng thờ hình tượng nhiều hơn khi đề cập đến việc ủng hộ các đội thể thao mà họ yêu thích.

Những ham muốn xác thịt

Yêu thích thể thao và ủng hộ một đội tuyển thể thao mà mình yêu thích không nhất thiết là một nan đề (như tôi đã nói, tôi đã từng là một cầu thủ, người hâm mộ và huấn luyện viên). Tuy nhiên, giống như bất cứ mọi khía cạnh khác ở trong đời sống Cơ Đốc, chúng ta phải học cách quản trị những điều Chúa ban cho thật khôn ngoan. Đôi khi, chúng ta lạm dụng những điều Chúa ban và bắt đầu nuôi dưỡng những suy nghĩ và thói cư xử theo xác thịt. Sứ đồ Giăng nói với chúng ta rằng “chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian” (1 Giăng 2:15).

Điều này không có nghĩa là chúng ta không được thích cái bờ hồ đẹp mắt hoặc một bữa ăn ngon, nhưng chúng ta cần phải cẩn thận không được yêu thích các vật thọ tạo đến nỗi thay thế luôn vị trí của Đấng Tạo Hóa. Trong thế gian có “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (1 Giăng 2:16). Các đội chơi thể thao chuyên nghiệp thường tạo ra nhiều cơ hội cho những ham muốn xác thịt.

Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta cùng với những ước muốn tươi đẹp, chẳng hạn như khao khát tình yêu thương hoặc thể hiện niềm vui.

Tuy nhiên, bản chất tội lỗi của chúng ta dễ làm cho những ham muốn này trở nên lệch lạc, khiến chúng ta yêu những điều không nên yêu, hoặc yêu theo cách thức hay mức độ không phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời.

Người Hy Lạp thường nói về bốn loại cảm xúc, còn Augustine và nhiều người khác cho đó là những công cụ hữu ích để phân tích và hiểu rõ hành vi của loài người: (1) khao khát, tức là ước ao những điều tốt đẹp; (2) niềm vui, tức là tận hưởng những điều tốt đẹp; (3) sợ hãi, tức là cần tránh xa điều dữ và điều lành bị đe dọa và (4) đau buồn, tức là khi điều dữ xảy ra và điều lành bị tổn hại.

Những cảm xúc này lây lan giữa vòng người hâm mộ thể thao, ai nấy đều phải hết sức cẩn thận kẻo những cảm xúc này bị mất kiểm soát.

Những người hâm mộ các môn thể thao muốn thưởng thức mùi vị của chiến thắng, nhưng có nhiều trường hợp, nỗi sợ thất bại và đau buồn kèm theo cho thấy chúng ta dễ bị mất cân bằng cảm xúc. Tôi đã nghe nhiều cầu thủ, huấn luyện viên và người hâm mộ nói rằng họ ghét bị thua cuộc còn hơn là thích thắng cuộc. Đối với nhiều người, thể thao là cánh cửa rõ rệt nhất để chạm vào tâm hồn của họ, vì họ thể hiện niềm vui hoặc đau buồn nhiều hơn bất kỳ khía cạnh nào khác trong cuộc sống!

Người hâm mộ bị làm nô lệ

Khi chẩn đoán cho biết các môn thể thao có thể gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của chúng ta hay không, thì chúng ta nên tự hỏi mình một số câu hỏi.

Thí dụ, thói đam mê thể thao có kéo chúng ta ra khỏi sự thờ phượng chung vào ngày Chúa Nhật không, hay là khiến chúng ta liên tục bị mất tập trung trong giờ thờ phượng? Chúng ta có vui hưởng Đức Chúa Trời và cảm tạ Chúa ở trong và thông qua thói đam mê thể thao của mình không (Ê-phê-sô 5:20)? Hay là chúng ta chỉ đang nuông chiều những ham muốn cá nhân?

Hãy nhớ rằng, hễ làm gì mà không có đức tin đều là tội lỗi (Rô-ma 14:23). Thậm chí trong việc thưởng thức thể thao, chúng ta phải làm bằng đức tin để giữ tấm lòng của mình luôn tìm kiếm niềm vui từ những món quà mà Đức Chúa Trời đã ban cho con dân của Ngài. Chúng ta phải làm mọi sự vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bao gồm cả việc ủng hộ các đội tuyển thể thao (1 Cô-rinh-tô 10:31). 

Khi thưởng thức các môn thể thao, chúng ta có gây thiệt hại cho người khác – kể cả chính mình không? Có vài người trở nên đau khổ hoặc tức giận khi đội tuyển của họ thua cuộc đến nỗi đã trút cơn giận lên người khác, thậm chí lên cả những thành viên trong gia đình của mình. Điều này vi phạm điều răn thứ sáu. 

Cũng hãy tự hỏi rằng: chúng ta có thích cảm giác ủng hộ một đội tuyển, hay là thích cảm giác mà họ mang lại cho mình? Nói cách khác, chúng ta không nên để cho sự thất bại của một đội tuyển thể thao chi phối cảm xúc của mình trong nhiều ngày sau trận thua của họ. Khi chúng ta đem lòng say mê một điều nào đó, thì cái đó sẽ kiểm soát chúng ta chứ chúng ta không hề kiểm soát nó. Thưởng thức thể thao đúng cách là phải nhớ rằng chúng ta có thể học cách thỏa lòng cho dù kết quả ra sao đi nữa (Phi-líp 4:11). 

Tôi nói điều này với tư cách là một người rất thích cạnh tranh (ghét thua cuộc hơn là thắng cuộc), nhưng tôi cần phải liên tục thấy rõ sự thành công của những đội tuyển mà tôi ủng hộ và huấn luyện bằng góc độ tạm thời lẫn đời đời.

Nhìn từ góc độ tạm thời, thật kỳ lạ khi chúng ta nổi giận với những đối tượng chẳng hề quen biết, đang đổ mồ hôi đầm đìa, chỉ vì họ mặc màu áo khác với cái đội còn lại cũng đang đổ mồ hội chèm nhẹp? Không ai trong số những người đang đổ mồ hôi ướt đẫm ấy quan tâm đến cảm xúc của chúng ta. Còn nữa, ngay cả khi đội tuyển của mình giành chức vô địch, thì niềm vui ấy chỉ tồn tại rất ngắn: chúng ta sẽ lo lắng cho mùa giải tiếp theo về công tác huấn luyện hoặc chất lượng của những cầu thủ mới gia nhập vào đội tuyển của họ.

Vinh hiển lớn hơn

Giải pháp cho sự thế tục và thần tượng trong thể thao không thể đơn giản chỉ là phơi bày sự trống trải cuối cùng sẽ xảy ra với một người hâm mộ cuồng nhiệt. Như Thomas Chalmers (1780-1847) đã lập luận trong quyển “Sức mạnh của lòng yêu mến” rằng chúng ta không thể đơn giản trừ bỏ sự yêu thích thế gian bằng cách chứng minh những điều ấy là trống rỗng. Sự yêu thích thế gian – đặc biệt là thích đến nỗi cung phụng cho thể thao – chỉ bị trừ bỏ bằng sự kính mến Đức Chúa Trời đến từ Đức Chúa Trời. 

Sự yêu mến mà con cái của Ngài dành cho Đức Chúa Cha (1 Giăng 3:1) là niềm vui sẽ giải phóng chúng ta thoát khỏi kiếp nô lệ cho sự hào nhoáng của các môn thể thao. Vậy, trừ khi chúng ta biết kính mến Đức Chúa Trời vì cớ mọi sự mà Chúa đã làm và sẽ làm vì chúng ta, thì chúng ta vẫn sẽ miệt mài theo đuổi sự yêu thích thể thao của đời này.

Hơn nữa, sứ đồ Giăng cũng liên kết một khải tượng tuyệt vời – tức là nhìn thấy Chúa Jêsus mặt đối mặt – với tình yêu mà chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. Đối với con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta kiên nhẫn chờ đợi ngày cuối cùng: được biến hoá theo ảnh tượng của Đấng Christ (Rô-ma 8:29). Khi Chúa Jêsus hiện ra, “chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy” (1 Giăng 3:2). Tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Cha và niềm hy vọng được trở nên giống như Đấng Christ khi gặp Ngài sẽ giúp chúng ta say mê thờ phượng Đức Chúa Trời, chứ không phải thể thao, là trọng tâm ở trong đời sống mỗi ngày của con dân Chúa.

Nếu những người hâm mộ các đội tuyển thể thao có thể ngồi trên những băng ghế kim loại lạnh ngắt mỗi tuần, hô hào và ca hát để cổ vũ đội tuyển của mình giành chiến thắng, thì chúng ta cũng nên gặp anh chị em của mình vào mỗi Chúa Nhật để hoan nghênh, nhiệt tình hơn thế nữa, những chiến thắng của Đức Vua và sự vinh hiển đời đời của Ngài chứ, có phải không?

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org   

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan