Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ yêu mẹ của các con tôi nhiều hơn. Nghĩa là tôi sẽ thoải mái cho các con tôi biết là tôi yêu mẹ chúng. Trong sự gần gũi của cuộc sống gia đình rất dễ cho chúng ta xem thường nhau nhưng vẫn cứ tưởng là mình yêu thương, và vì đó để cho sự nhàm chán len lỏi vào làm suy giảm cả đến tình yêu sâu đậm nhất.
Sau khi tôi chia sẻ về mối liên hệ gia đình cho một nhóm đông phụ huynh, thì một ông bố đến nói với tôi: “Nếu tôi hiểu đúng ý ông tối nay, thì điều lớn nhất tôi có thể làm cho con tôi là phải yêu mẹ chúng. Có đúng thế không?” Tôi đáp: “Vâng, ông nói đúng. Và điều lớn nhất người mẹ có thể làm cho con cái là phải yêu chồng”.
Khi con cái biết bố mẹ yêu nhau thì đứa con cảm thấy an toàn, vững tin và có gì thiêng liêng trong cuộc sống mà nó không thể tìm thấy bằng cách nào khác. Đứa bé đó cũng cảm nhận được niềm vui trong những mối liên hệ mà không phương tiện nào khác có thể tạo nên được. Một đứa bé biết cha mẹ yêu nhau, thì không cần nhiều lời giải thích về bản chất tình yêu của Đức Chúa Trời hoặc về cái đẹp của tình dục. Và khi cha mẹ mỉm cười với nhau trong yêu thương thì đứa bé cũng sẽ mỉm cười lại với thế giới cha mẹ và với thế giới chung quanh. Tình yêu mà đứa bé cảm nhận được giữa bố mẹ tuôn tràn thoải mái sang đứa bé và giúp chuẩn bị cho bé nhận ra tình yêu thương chân thật trong mọi mối liên hệ tương lai.
Để con tôi biết được tôi yêu mẹ chúng, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ hơn trong những công việc nhỏ nhặt tôi làm để giúp vợ tôi. Tình yêu thật thì rất cụ thể. Tôi sẽ tỏ ra đặc biệt tốt với vợ như là làm nhiều hơn mức đòi hỏi trong công việc nhà, tặng món quà nho nhỏ cho vợ trong dịp đặc biệt và viết thư tình cho nàng lúc phải đi xa nhà. Tôi sẽ nắm tay nàng đi dạo trong công viên hay rừng cây. Và tôi sẽ thì thầm nói với vào tai các con tôi những lời yêu đương nói về nàng.
Để bày tỏ tình yêu, tôi sẽ hoạch định những cơ hội đặc biệt để ở bên nàng. Tôi nhớ những lần cả hai chúng tôi đi ăn tối hoặc dự hòa nhạc hay thư giãn vào một buổi tối bên bờ hồ, tình yêu mà chúng tôi dành cho nhau không chỉ có một mình chúng tôi cảm nhận được. Đôi lúc các con chúng tôi đã lo trang hoàng bàn ăn trong phòng hoặc đặt một tấm biển Chào Mừng để đón rước khi chúng tôi trở về, hoặc chuẩn bị sẳn một vở kịch nhỏ để trình diễn tặng chúng tôi. Chúng cảm nhận được tình yêu giữa bố mẹ và muốn được chia sẻ.
Tôi cũng nhớ khi các con tôi lớn cả rồi, chúng tìm cách đặc biệt tạo cho mẹ chúng và tôi nghĩ làm việc để có thời giờ gần gũi nhau. Chúng nói: “Tôi nay Bố Mẹ đi chơi xa đi, để chúng con ở nhà một mình.”
Bây giờ tôi mới thấy hơn bao giờ hết là khi con cái thấy mối liên hệ yêu thương khắn khít giữa bố mẹ thì tình yêu của chúng lan rộng ra, để rồi chính bản thân chúng cũng tự tạo được những niềm vui và hạnh phúc đẹp đẽ trong cuộc sống. Tôi tin chắc rằng có lẽ không mang gì lại cho con cái một kho tàng vui thỏa, bình an nội tâm bằng lúc chúng cảm nhận và nhìn thấy tình yêu của cha mẹ chúng dành cho nhau. Ngược lại, con cái sống trong cảnh xung đột hoặc nghi ngờ là cha mẹ chúng không thương yêu nhau, thì chúng sẽ bị đau bao tử và những chứng loét trong cơ thể.
Bây giờ thì tôi biết có một liên hệ mật thiết giữa tình yêu cha mẹ dành cho nhau với tình yêu, sự vâng phục và sự chăm sóc con cái. Khi cha mẹ nắm tay nhau bước đi thì con cũng nắm tay. Khi cha mẹ đi riêng rẽ thì con cũng khó mà nắm tay ai.
Tôi biết vai trò làm cha mẹ rồi cũng qua đi. Con cái rồi đây sẽ lớn và phân tán. Nhưng cuộc sống chung của vợ chồng vẫn tiếp tục. Cho nên sự đeo đuổi tìm hiểu nhau vẫn phải tiếp diễn. Nếu chúng ta giữ cho mối liên hệ trường cửu này luôn tốt đẹp và phát triển thì những gì chóng qua sẽ diễn tiến tương đối nhẹ nhàng. Nhưng nếu chúng ta thất bại trong cuộc sống hôn nhân, thì những vấn đề vai trò làm cha mẹ sẽ trở thành hầu như không khắc phục được.
Tôi có thế nghe có vẻ thiên về cảm tính quá không? Nếu có thì tôi tin là chúng ta cần thiên về cảm tính nhiều hơn thế nữa. Phần lớn nan đề của nhiều cặp vợ chồng đó là trước đám cưới thì họ sống quá nhiều tình cảm, còn sau đám cưới thì quá ít. Và không gì quan trọng đối với hạnh phúc tương lai của cha mẹ hoặc con cái cho bằng tình yêu cụ thể, lâu bền, sâu sắc của cha mẹ dành cho nhau.
(Nguồn: John M. Drescher, Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình. Người dịch: Mục sư Lê Ngọc Cẩn – 1998)