26. Hãy dùng thần tánh của Ðức Chúa Jêsus làm ví dụ
Ngày càng có nhiều người tranh cãi, bàn luận và tranh đấu trên lẽ thật nền tảng và có tính cách sống còn này.
Ma quỷ đủ khôn ngoan để không lãng phí những đợt tấn công của chúng vào những khía cạnh nhỏ nhặt và không quan trọng của lẽ thật và sự dạy dỗ Cơ Ðốc.
Ma quỷ sẽ không gây nên một vấn đề nào cho diễn giả nếu người đó lo sợ trước sự khắc nghiệt của hội chúng mình và lo lắng về công việc của ông ta đến độ ông chỉ giảng trong 30 phút và tóm lại những điều ông nói là, “Hãy làm người tốt và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn!”
Bạn có thể trở nên tốt lành đúng như điều bạn muốn, nhưng bạn vẫn cứ đang đi xuống địa ngục nếu bạn không đặt niềm tin của mình nơi Ðấng Christ! Ma quỷ sẽ không lãng phí thời gian để gây rắc rối cho diễn giả nào chỉ có sứ điệp là, “Hãy làm người tốt!”
Nhưng Cơ Ðốc nhân tin quyết sống trong hy vọng vui mừng về sự tái lâm của Ðấng Christ và một phần quan trọng của lẽ thật nằm ở chỗ ma quỷ luôn luôn “tăng tốc” để đấu tranh và nhạo báng điều này. Một trong những thành công lớn của hắn là việc hắn có thể làm cho người ta tranh cãi và trở nên điên dại về sự tái lâm – hơn là nhìn lên và chờ đợi Chúa đến.
Giả sử một người đi ra nước ngoài được hai, ba năm, xa cách gia đình mình. Thình lình ông ta gởi một bức điện về nhà, “Công việc của ba đã xong, ba sẽ về nhà hôm nay.”
Sau vài giờ, ông trở về nhà, đứng trước cửa và thấy người nhà mình đang trong sự hỗn độn. Ðã có một cuộc tranh cãi về việc ông ta sẽ về nhà vào buổi trưa hay buổi tối. Ðã có những tranh cãi về loại phương tiện đi lại mà ông dùng. Và sau đó, người cha nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào, chẳng có một ai sẵn sàng để đón nhận cái nhìn đầu tiên của ông.
Bạn có thể nói, “Ðây chỉ là một ví dụ.”
Nhưng thực trạng của phần nhiều các cộng đồng Cơ Ðốc giáo ngày nay là gì?
Họ đang tranh đấu và liếc mắt nhìn nhau. Họ đang bàn cãi việc liệu Ngài có trở lại hay không và Ngài sẽ trở lại như thế nào, và họ bận rộn sử dụng cái mà họ cho là những chứng lý bằng văn tự về sự sụp đổ của Rô-ma và sự xuất hiện của anti-christ.
Hỡi những người anh em của tôi, khiến cho Cơ Ðốc nhân tranh cãi về những chi tiết nhỏ nhặt của sự tái lâm của Ðấng Christ để họ quên đi điều quan trọng nhất là công việc của ma quỷ. Ðã có biết bao Cơ Ðốc nhân bị bối rối và hoang mang bởi những tranh cãi đó đến độ họ quên rằng Cứu Chúa đã dùng chính Ngài để thanh tẩy một dân tộc thuộc riêng về Ngài, mong muốn rằng chúng ta sống tỉnh táo, công chính và tin kính, trông đợi sự hiện ra vinh hiển của Chúa và Cứu Chúa vĩ đại của chúng ta.
Ðó là Sự Hiện Ra, vốn là điều được diễn đạt trong Hội Thánh Cơ Ðốc, và nó được dùng khi đề cập đến sự hiện đến của Ðấng Christ trên trần gian.
Nó được dùng với 2 ý nghĩa trong thư I Ti-mô-thê và II Ti-mô-thê.
Trước hết, Phao-lô nói trong II Ti-mô-thê 1:8-10 là: “Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Ðức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng, mà bây giờ mới bày tỏ ra bởi sự hiện ra của Ðức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng Tin Lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng.”
Phân đoạn đó ghi lại lần xuất hiện sáng ngời đầu tiên của Ngài, lúc Ngài đến trần gian để hủy phá sự chết bằng chính sự chết và sống lại của Ngài.
Rồi sứ đồ Phao-lô qua một trong những bài ca ngợi khen cảm động và tuyệt vời đó đã nói trong I Ti-mô-thê 6:13-16, “Trước mặt Ðức Chúa Trời là Ðấng ban sự sống cho mọi vật, và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ Phi-lát, ta khuyên con phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta.”
Phao-lô nói về sự hiện ra lần thứ hai, “là sự mà Ðấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi Chúa, một mình Ngài có sự sáng không thể gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được, danh vọng, quyền năng thuộc về Ngài đời đời! A-men.”
Khi tôi đọc điều Phao-lô viết cho chúng ta, nó khiến tôi nghĩ đến một con chim chiền chiện hay một con họa mi trèo lên một nhánh cây và cất tiếng hót một bài ca không chuẩn bị từ trước, nhưng rất êm tai. Phao-lô thường hay ngắt ngang và chen vào những lời ca tụng tuyệt vời để ngợi khen Ðấng Christ trong các thư tín của mình, và đây là một trong số những lời ca tụng đó!
Phao-lô nhắc nhở những tín hữu Cơ Ðốc rằng khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm, Ngài sẽ hiện ra và khiến cho không còn mối nghi ngờ nào về Thân Vị của Vua của các vua và Chúa các chúa.
Phao-lô cũng đã cẩn thận an ủi những tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên khi họ lo sợ rằng họ sẽ chết trước khi Ðấng Christ hiện ra lần thứ hai (tái lâm). Thực ra có những Cơ Ðốc nhân trong Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca lo lắng về hai vấn đề, một là suy nghĩ của họ, cho rằng Chúa đã đến và họ đã bỏ lỡ rồi. Hai là suy nghĩ của họ cho rằng họ sẽ chết trước khi Ngài đến và bởi sự chết đó, họ sẽ bỏ lỡ những niềm vui do sự hiện ra của Ngài mang đến.
Vì thế, Phao-lô viết hai thư tín cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca để hướng họ trực diện với lẽ thật về sự hiện ra lần thứ hai của Ðấng Christ.
“Vì nếu chúng ta tin Ðức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Ðức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Ðức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài” – tức là, nếu bạn qua đời và được ở với Chúa, Ðức Chúa Trời sẽ khiến bạn sống lại khi Ðức Chúa Jêsus hiện ra lần thứ hai – “Vả, này là điều chúng tôi nhờ Chúa mà rao bảo cho anh em chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Ðấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.”
Bạn thấy đấy, sự giải thích được linh cảm của Phao-lô dạy chúng ta rằng những ai chết trước sự tái lâm của Ðấng Christ sẽ không có gì thất lợi cả. Ngược lại, họ còn được ở một vị trí thuận lợi hơn, vì trước khi Cứu Chúa vinh hiển chờ đợi những thánh nhân ở khắp nơi trên thế giới, những tín hữu trung kiên đã qua đời từ hàng bao thế kỷ trước sẽ được sống lại trong quyền năng của Ðức Chúa Trời, mặt lấy một thân thể vinh hiển mà đến với Ngài.
Hỡi những anh em yêu dấu của tôi, những gì Phao-lô nói với chúng ta trong lời dạy vốn trước tiên là ban phát cho những Cơ Ðốc nhân Tê-sa-lô-ni-ca là rất rõ ràng.
Chúng ta không có quyền suy nghĩ rằng việc phần lớn các tòa giảng Cơ Ðốc hoàn toàn câm lặng trước lẽ thật vinh hiển về sự tái lâm hầu đến của Ðấng Christ là một điều rất lạ lùng hay sao? Thật là nghịch lý khi có sự câm lặng đáng sợ này trong những Hội Thánh Cơ Ðốc ngay chính trong thời điểm mối đe dọa bị quét sạch khỏi bề mặt trái đất lại lớn hơn bao giờ hết.
Nga và Mỹ, hai cường quốc nguyên tử lớn, tiếp tục chạy đua để đạt đến những thứ vũ khí giết người hàng loạt. Ðây là một tính từ kép đáng sợ chưa từng bao giờ được sử dụng trong lịch sử tiếng Việt. Các khoa học gia đã phải gia tăng sức mạnh hủy diệt hầu như không tưởng của những quả bom nguyên tử trong kho dự trữ của chúng ta – như thế, từ giết người hàng loạt là một phát minh mới trong thời đại chúng ta.
Cả Mỹ và Nga đều khẳng định về sức mạnh giết người hàng loạt của các kho vũ khí hạt nhân, nó đủ mạnh để giết chết hết thảy mọi người trên địa cầu (nam, nữ, trẻ con…) – không phải chỉ một lần, mà đến hơn 20 lần. Ðó là sự giết người hàng loạt!
Ðiều đó cũng giống với việc kẻ thù truyền kiếp là Sa-tan đang thuyết phục các thánh nhân trong Thân thể Ðấng Christ dính líu vào những vụ tranh cãi đầy cay đắng về sự cất lên sau kỳ đại nạn và sự cất lên trước kỳ đại nạn; thuyết hậu thiên niên hy, phi thiên niên hy và thuyết tiền thiên niên hy – ngay chính thời điểm mà sự giết người hàng loạt đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta như một đám mây đen đầy đe dọa.
Hỡi những anh em yêu dấu của tôi, đây là thời điểm mà dân sự của Ðức Chúa Trời phải thức canh trước hy vọng và lời hứa tái lâm của Ngài để mỗi sáng khi họ thức dậy, thì giống như một đứa trẻ thức dậy vào buổi sáng Giáng Sinh – nóng lòng và tin quyết rằng ngày Cứu Chúa đến có thể là hôm nay!
Thay vì có sự mong đợi đó, chúng ta lại tìm thấy gì giữa vòng Hội Thánh của Chúa ngày nay? Những tranh cãi thuận và chống về sự tái lâm của Ngài, về những chi tiết của sự cất lên – và một vài trong số những điều này đã đưa đến nỗi cay đắng. Mặt khác, chúng ta tìm thấy đa phần các Cơ Ðốc nhân dường như vô tình thờ ơ trước toàn bộ sự thật về sự tái lâm của Ðức Chúa Jêsus Christ.
Rất ít những mục sư chịu giảng về sách Khải huyền – và điều này đúng với cả giới Tin Lành cấp tiến lẫn Tin Lành thủ cựu! Chúng ta đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa hoài nghi và thói ngụy biện trong thời đại ngày nay. Rõ ràng có nhiều thói dị thường và sự mâu thuẫn trong xã hội và trong hàng ngũ của những Cơ Ðốc nhân tự xưng đến độ chắc chắn sẽ có một ai đó viết về nó.
Một điều bất thường đó là sự cần thiết phải biết lẫn nhau tốt hơn dẫn đến yêu thương và hiểu nhau tốt hơn. Hàng triệu người đang đi lại và gặp gỡ hàng triệu những con người khác, rồi làm quen; vì thế nếu giả thuyết nêu ra là đúng, thì hết thảy chúng ta phải yêu mến lẫn nhau giống như một gia đình lớn tràn đầy phước hạnh (từ lâu rồi).
Thay vào đó, chúng ta căm ghét lẫn nhau giống như ma quỷ. Trên khắp thế giới, việc các quốc gia căm thù lẫn nhau ở một mức độ đáng ngạc nhiên và vượt kỷ lục là điều hoàn toàn thật.
Tôi sẽ đề cập đến một sự mâu thuẫn khác vốn cũng rất rõ ràng. Những nhà giáo dục và xã hội học nói với chúng ta rằng tất cả những gì chúng ta cần làm là đưa giáo dục giới tính vào nhà trường và mọi vấn đề giới tính đáng bực mình sẽ biết mất khỏi xã hội.
Thật không phải là khác thường khi mà cái thế hệ đã được dạy và hướng dẫn nhiều về những vấn đề giới tính, hơn là cả 25 thế hệ trước cộng lại, lại chính là thế hệ sa đọa và hư hỏng nhất trong hành vi tính dục sao?
Và không phải là dị thường khi cũng chính thế hệ đó, có thể đang chờ đợi một đợt giết người hàng loạt thình lình bằng bom nguyên tử, lại là một thế hệ rất sợ phải nói đến sự tái lâm của Cứu Chúa và không sẵn lòng bàn luận về những lời hứa đầy lòng nhân từ của sự giải cứu và vinh hiển sao?
Có thể bạn không mong đợi tôi nói về nó, nhưng tôi sẽ nói: Chúng ta thật là một đám người lập dị làm sao! Thế hệ chúng ta dị thường quá đỗi!
Ðức Chúa Trời phán rằng Ngài rất đặc biệt coi trọng sự nhất quán thuộc linh và thánh khiết của những thánh nhân Cơ Ðốc, nhưng chúng ta thật không nhất quán chút nào khi chúng ta để cho ma quỷ và xác thịt mình làm lẫn lộn và hòa trộn chúng ta đến nỗi chúng ta bị chệch hướng khỏi sự kiên nhẫn đợi chờ ngày Cứu Chúa hiện ra!
Thế đó, chúng ta sống giữa hai biến cố vĩ đại – sự thành nhục thể của Ðấng Christ, sự chết và phục sinh, và sự tái lâm của Ngài cùng đem lại sự vinh hiển cho những ai mà Ngài đã cứu chuộc qua sự chết của mình. Ðây là thời gian chuyển tiếp cho các thánh nhân – nhưng nó không phải là một khoảng trống không. Ngài đã ban cho chúng ta nhiều việc để làm, và Ngài đòi hỏi sự trung tín từ nơi chúng ta.
Trong lúc đó, chúng ta sốt sắng về việc lành, sống vững vàng, công chính, tin kính ngay trong thế giới hiện tại, trông lên Ngài và lời hứa của Ngài. Giữa cuộc đời của chúng ta, và giữa hai đỉnh núi cao của những công việc Ðức Chúa Trời trên đất, chúng ta nhìn lại và nhớ, nhìn tới và hy vọng! Là những thành viên trong mối tương giao trìu mến của Ngài, chúng ta bẻ bánh và uống chén của Chúa. Chúng ta hát ngợi khen Ngài và chúng ta cầu nguyện trong danh Ngài, ghi nhớ và mong đợi!
Hỡi những anh em yêu dấu của tôi, điều đó cảm động lòng tôi hơn bất cứ thứ gì khác trên trần gian này. Ðó quả là một đặc quyền phước hạnh, còn đẹp đẽ và thỏa lòng hơn bất kỳ tình bạn nào, bức tranh nào, buổi hoàng hôn nào, hay bất kỳ vẻ đẹp nào của tự nhiên. Hãy nhìn lại ân điển của Ngài mà yêu thương nhau; hãy nhìn tới sự tái lâm và vinh hiển của Ngài; trong khi đó, hãy làm việc tích cực và vui mừng trong hy vọng – cho đến lúc Ngài đến!