Đang khi quan sát bé con vừa mới chào đời của chúng tôi, chúng tôi đã thốt lên: “Wow!” chứ không chỉ là “Ôi!”.
Thật tuyệt vời khi con trai của chúng tôi đã chào đời và sẵn sàng cho một hành trình mới. Các ngón tay bé nhỏ hoàn thiện của cháu đã nắm giữ dây rốn ngay cả trước khi chào đời, lại đang nắm lấy các ngón tay của chúng tôi khi chúng tôi vuốt ve má cháu; đôi tai đã nghe thấy giọng nói của chúng tôi, và đôi mắt xanh sâu thẳm ấy giờ đang nhìn chúng tôi – và rõ ràng là đang suy nghĩ điều gì đó!
Thật tuyệt vời khi nhìn ra thế giới và nhìn lên vũ trụ hùng vĩ do Chúa tạo dựng để cảm biết sự siêu việt và thấy chính mình nhỏ bé. Song cũng hãy nhìn xuống bên trong chính chúng ta, và cả trong lòng mẹ chúng ta, để thấy chúng ta thật quan trọng, đầy tinh xảo và gần gũi. Vì Chúa đã dựng nên chúng ta, cách diệu kỳ.
Bởi đó Thi Thiên 139:14 có chép: Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên một cách đáng sợ và lạ lùng. Công việc Chúa thật quá diệu kỳ, lòng con biết rõ lắm.
Bối cảnh và trọng tâm của câu Kinh Thánh này là sự hiện diện đặc biệt của Chúa và sự thành hình của chúng ta trong lòng mẹ (câu 13, 15-16), ngay cả trước khi mẹ biết chúng ta có ở đó: trong câu 16, từ “thể chất” tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là phôi thai. Đây là thiết kế được tính toán kỹ càng về các chi tiết trên cơ thể chúng ta — nhào nặn chúng ta cách tỉ mỉ diệu vời theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:27; 9:6; Gia-cơ 3:9). Mục đích duy nhất cho sự tồn tại tuyệt vời này của con người là để ngợi khen Đấng Tạo Hóa.
Chúng ta nên lấy làm lạ về chính mình như người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Vài năm trước, Viện Nghiên Cứu Sáng Tạo đã xuất bản một bài viết có tựa đề “Được dựng nên theo hình ảnh Ngài: Cơ thể con người là một thiết kế tuyệt vời”. Đó là một bài viết xuất sắc và đáng được trích dẫn chi tiết tại đây:
“Hãy xem cơ thể con người. Kỹ thuật chế tạo uyên thâm bên trong cơ thể người trổi hơn hầu hết mọi điều mà chúng ta từng thấy. Ngay cả những nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất cũng không thể nhân bản vẻ đẹp, hiệu năng và độ phức tạp của nó. Khi nghiên cứu cơ thể người, chúng ta thấy rõ rằng đó là thành quả của một Bộ Óc thông minh và sáng tạo xuất chúng… Một ví dụ là có nhiều cấu trúc tạm thời để thai nhi tồn tại ở môi trường đầy nước trong chín tháng và đột ngột chuyển sang môi trường hít thở bình thường sau sinh. Một lá phổi thay thế sẽ lấy oxy từ mẹ, các màng chắn giúp chuyển hướng hầu hết máu xung quanh lá phổi đang phát triển của thai nhi và các mạch máu nối kết thai nhi với nhau thai – tất cả những thứ này phải cùng hoạt động để giúp thai nhi phát triển trong bụng mẹ. Trong vòng 30 phút đầu tiên sau khi sinh, tất cả các mạch tạm thời, các màng chắn và mở thường sẽ ngừng hoạt động và rồi đóng lại vĩnh viễn trong vòng một đến hai ngày tiếp theo… Hệ thống thị giác phát triển trong bụng mẹ theo quá trình và các mốc được định sẵn. Các mô hình thành mắt cách tỉ mỉ và chính xác theo từng giờ.
Đồng thời, các dây thần kinh được cấu tạo để đưa dữ liệu từ mắt lên não. Sau khi đứa bé được sinh ra, đôi mắt của bé sẽ tiếp nhận dữ liệu. Các photon ánh sáng đập vào mặt sau của võng mạc, chuyển đổi các dạng ánh sáng thành một luồng tín hiệu điện hóa.
Những dữ liệu này được gửi xuống dây thần kinh thị giác đến não để diễn giải thành thông tin. Tuy nhiên, não không thể giải thích dữ liệu này cho đến khi trong tương lai đứa bé hình thành ký ức để tham khảo. Cả hai quá trình truy xuất ký ức và liên kết chúng với các dạng dữ liệu đều cần thiết để chức năng thị giác hoàn thiện… Bàn tay con người chắc chắn là độc nhất, chúng ta có thể cử động theo các cách mà động vật không làm được. Không chỉ có cấu tạo vật lý khác với các chi tay trong thế giới động vật, bàn tay chúng ta còn được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương lớn đến khác thường trong não mang đến cho chúng ta những khả năng độc nhất chỉ con người mới có.
Bàn tay con người có thể thực hiện nhiều thao tác nắm và cử động khác nhau thể hiện sự linh hoạt và khả năng kiểm soát đáng kinh ngạc. Bàn tay của chúng ta có thể cầm các vật nặng như búa hoặc bóng bowling cũng như các vật nhẹ và dễ vỡ như khoai tây chiên… Cơ thể con người là ví dụ tốt nhất về sự kết hợp giữa thiết kế và chức năng, các năng khiếu thể thao cho thấy Chúa đã tạo ra chúng ta hoàn mỹ đến mức nào… Để cân bằng, chúng ta có một hệ thống điều khiển liên kết trong tai được gọi là hệ thống tiền đình — là ví dụ tuyệt vời về một hệ thống sinh học phức tạp với nhiều chi thể cùng hoạt động cho một mục đích duy nhất…
Hệ thần kinh trong não chúng ta truyền đi các chỉ dẫn theo dữ liệu giác quan để điều chỉnh phần còn lại của cơ thể — nhờ đó các vận động viên có thể nhảy lên và tiếp đất sau cú nhào lộn hoặc xoay vặn người…
Bất chấp nhiều kỳ quan khác mà chúng ta từng chứng kiến, bạn và tôi chính là công trình đầy hiệu quả, phức tạp và đáng kinh ngạc nhất mà Nhà Thiết Kế toàn năng và toàn tri của chúng ta đã tạo ra”.
Hãy suy ngẫm giây lát về bản thể diệu kỳ đáng kinh ngạc của bạn. Hãy trân quý mọi sinh linh, kể cả sinh linh trong bụng mẹ. Hãy lấy làm ngạc nhiên trước các nhà khoa học, nhà thơ và vận động viên chuyên nghiệp.
Cũng hãy ngợi khen Ba Ngôi Đức Chúa Trời: như là kết quả khi chúng ta lấy làm tự hào về chính mình — hãy ngước nhìn lên Đấng đã tạo nên chúng ta (câu 17). Hãy tôn thờ Ngài với lòng kính sợ thánh (vì bạn được dựng nên cách đáng kính sợ).
Hãy kinh ngạc và thán phục về công tác của Ngài trong cơ thể và linh hồn của chính bạn (vì bạn được dựng nên cách diệu kỳ).
Hãy sửng sốt vì Chúa đã nắn nên bạn vượt hơn bất kỳ công trình và tác phẩm nghệ thuật nào. Hãy kính phục Đấng Thiết Kế và Nghệ Nhân vĩ đại này.
Là Cơ Đốc nhân, bạn là một hình mẫu tuyệt vời đại diện cho bộ máy và vẻ đẹp, đặc biệt là khi được tái tạo trở nên tạo vật mới phản ánh hình ảnh Ngài trong chân lý công chính và thánh khiết, là điều đã mất trong con người sa ngã (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10).
Cũng hãy nghĩ đến chính Chúa Jêsus Christ, Đấng đã mặc lấy hồn xác loài người: để khi bạn được cứu chuộc trong Ngài, bạn có thể mừng vui trong bản chất con người của mình.
Thời gian đầu tại Học Viện của mình, John Calvin đã dạy rằng: Chúng ta hiểu hơn về chính mình bằng cách tìm biết Chúa và chúng ta hiểu hơn về Chúa bằng cách tìm biết chính mình. Hãy ngắm mình trong gương. Tìm biết chỉ đơn giản là chuyển động các ngón tay và sử dụng ngón cái của bạn. Hoặc phân tích đôi mắt, mi mắt và tuyến lệ của bạn, rồi bật khóc vì quá kinh ngạc về Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên bạn. Cũng hãy trân quý và tự hào về chính bạn cách xứng hợp với sự sáng tạo cao cả của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:31).
Tự hào về chính mình cũng là cách chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời, và hoàn tất một khía cạnh trong mục đích sống của chúng ta như trong Sách Giáo Lý Có Câu Hỏi Vấn Đáp Westminster câu hỏi số một có dạy rằng: “Mục đích sống của một người là gì? Mục đích sống của một người là để tôn vinh Đức Chúa Trời, và vui hưởng Ngài mãi mãi”.
Rốt lại, là Cơ Đốc nhân, bạn hãy nhìn thấy chính mình như một hình mẫu tuyệt vời của Vị Kiến Trúc Sư Thiên Thượng, và ngợi khen Chúa vì đã dựng nên bạn cách diệu kỳ đến thế.
(Nguồn: oneway.vn)