Biến Đổi Nhịp Điệu Thờ Phượng

Share

Năm 2017 đánh dấu 500 năm Phong Trào Cải Chánh (Protestantism) do Martin Luther khởi xướng. Người ta thường biết đến ông là một nhà thần học, một Mục sư, một nhà văn thơ (đặc biệt qua công trình soạn dịch toàn bộ bản Kinh Thánh tiếng La-tin ra tiếng Đức v/v). Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng ông cũng là một nhà cải chánh âm nhạc và giáo nghi thờ phượng hội thánh – Ban Biên Tập.

Trong hơn một ngàn năm chiều dài của sự thờ phượng Cơ Đốc, hiếm khi mà người tín hữu hát ca ngợi. Thế rồi khi Luther đến. Paul J. Grime.

 “Sau Lời của Chúa, âm nhạc đáng được sự ca ngợi cao trọng nhất,” Luther tuyên bố. Như thế, ông đứng vào vị trí khác biệt rất lớn so với những nhà cải chánh khác cùng thời với ông.

Ulrich Zwingli, người lãnh đạo của hội thánh cải chánh mới ở Zurich là một nhạc công chuyên nghiệp. Thế mà dưới ảnh hưởng của ông, các quan xét cấm tất cả mọi hình thức chơi đàn organ, và một số trong những người theo phong trào cải chánh của Zwingli đi đến mức đập vỡ các đàn organ trong nhà thờ của họ. Dù sau này, Zwingli có cho phép một số thanh nhạc, ông bác bỏ các nhạc cụ.

John Calvin, dù xem âm nhạc là một món quà Chúa ban cho, ông cho rằng nó chỉ là một món quà ân tứ trong “thế gian,” nên vị trí của âm nhạc trong hội thánh hết sức bị giới hạn. Ông xem nhạc cụ là “vô giác và kỳ cục” và không cho phép phối khí các nhạc cụ. Chỉ có hòa âm các bè hát những bài Thi Thiên là được cho phép.

Martin Luther thì không như vậy. “Tôi không theo quan điểm,” ông viết, “cho rằng tất cả nghệ thuật phải bị bứt bỏ và hủy diệt vì cớ phúc âm, như một vài người cuồng tín phản đối; ngược lại, tôi sẽ vui mừng khi thấy tất cả mọi nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, phục vụ Ngài là Đấng đã ban cho và sáng tạo chúng.”

Âm nhạc trong sự thờ phượng hội chúng tiếp tục là một trong những di sản tồn tại của Luther. “Ai ngờ được,” ông nói, “rằng khởi đầu tất cả mọi người hát những gì mà ngày nay ban hát hát hay đối đáp khi vị giám mục đang làm nghi lễ thánh?”

Thực vậy, các bài thánh ca của Luther – đặc biệt bài “Chúa, Bức Thành Kiên Cố Ta” – là điểm tương giao trực tiếp duy nhất với Luther của nhiều người (ý nói là rất nhiều người biết ông qua bài thánh ca này). Những tập thánh ca hiện đại có thể có đến hai mươi hay hơn nữa những bài thánh ca ông sáng tác, và nhiều tập thánh ca không phải của hội thánh Lutheran cũng có một số bài thánh ca của ông.

Luther có những niềm tin như thế nào về âm nhạc? Vai trò của nó trong thờ phượng là gì? Và chính Luther đã cống hiến những gì cho âm nhạc của hội thánh?

CA NGỢI VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC

Vào thế kỷ thứ 16, soạn nhạc đã được phát triển thành một nghệ thuật cấp cao, và chính Luther là một nhạc công được huấn luyện chuyên nghiệp. Ông có giọng hát tốt, thổi sáo, và cũng nhúng tay vào những soạn nhạc cấp cao. Ông quen thuộc với những công việc của một nhà soạn nhạc hàng đầu, như Josquin des Prez: “Đức Chúa Trời giảng phúc âm qua âm nhạc, như thấy được trong Josqin des Prez, với tất cả những dòng nhạc được soạn tuôn chảy tự do, nhẹ nhàng và vui tươi, không bị áp đặt hay vặn bóp lại bởi những khuôn luật, và giống như là bài hát của loài chim sẻ.”

Luther quan sát rằng chỉ có con người được ban cho ân tứ nói ngôn ngữ và ân tứ tạo ra bài hát. Điều này cho thấy là chúng ta phải “ca ngợi Đức Chúa Trời bằng cả lời lẫn âm nhạc.” Hơn nữa, âm nhạc là một cỗ xe vận hành công bố Lời của Chúa. Luther thích dẫn những thí dụ như Môi-se ca ngợi Chúa bằng bài hát theo sau cuộc vượt qua Biển Đỏ, và Đa-vít là người soạn rất nhiều bài Thi Thiên.

Ông nói, “Tôi luôn luôn yêu thích âm nhạc, ai có kỹ năng trong loại nghệ thuật này, là có tính khí thích hợp với mọi sự. Chúng ta phải dạy âm nhạc trong các trường học; một hiệu trưởng cần phải có kỹ năng âm nhạc, không thì tôi không thể kể ông ta là hiệu trưởng được. Cũng vậy, chúng ta không nên đặt các người trai trẻ vào chức vụ thầy giảng nếu họ không khá về âm nhạc.”

NHÀ CẢI CHÁNH BẢO THỦ

Sự đánh giá cao âm nhạc của Luther cân xứng với một thái độ cẩn trọng khi đi đến lãnh vực cải chánh lại các thực hành trong sự thờ phượng. “Không phải là lúc này hay bất cứ lúc nào, đều là lúc chúng ta xóa bỏ toàn thể nghi thức thờ phượng Chúa,” ông viết, “nhưng phải làm sạch những gì đang được xử dụng, những gì đã bị hư hoại bởi những sự thêm thắt ghê tởm, và hướng chúng đến một công dụng thanh khiết.” 

Ông không có tham vọng muốn chỉ đơn giản vứt bỏ hết mọi nghi thức thờ phượng của hội thánh. Tiếng kêu cầu sự thương xót trong từ của danh xưng Kyrie (Chúa), sự ca ngợi Đấng Christ trong câu tán tụng Gloria in Exelsis (vinh danh Chúa), sự xác chứng theo bài tín điều các sứ đồ, sự công bố Đấng Christ là của lễ một lần đủ cả cho tội lỗi của thế gian trong Agnus Dei – những điều này là những thành phần cốt lỏi sống thực cho sự trung tín tuyên xưng lẽ đạo “được xưng là công chính duy bởi đức tin.”

Nhưng Luther tìm cách cải chánh. Một trong những điều ông quan tâm là việc chỉ dùng tiếng La-tin trong buổi thờ phượng. Người dân bình thường cần nghe và hát Lời Chúa trong ngôn ngữ của họ — tiếng Đức – để họ có thể được dạy dỗ. Trong một trong những bài viết đầu tiên về thờ phượng của Luther, ông nói, “Hãy để mọi sự được làm để cho Lời (của Chúa) được tự do đến với mọi người.”

Luther cũng tìm cách gạt bỏ đi mọi dấu vết của những sự giảng dạy sai lạc, mà theo ông đặt giáo nghi thờ phượng là trọng tâm, trong thể dạng một tuyển tập những lời cầu nguyện và những lời đối đáp xoay quanh lời của Đấng Christ về “nghi thức tổ chức” Luther bác bỏ lời dạy ám chỉ tiệc thánh là một của tế lễ mà thầy tế lễ dâng cho Chúa. Với giáo nghi, ông chọn một số từ ngữ chỉ trích rất mạnh, gọi nó, “là một thứ pha chế từ hầm ô uế của đủ mọi người.”

Dù vậy, Luther hiểu rằng cải chánh vội vàng chỉ làm trở nên tệ hại hơn. Trong bản sửa lại đầu tiên của ông về nghi thức thờ phượng năm 1523 (“Một Trật Tự Về Tiệc Thánh Và Thờ Phượng Cho Hội Thánh Ở Wittenberg”), Luther nói, “Tôi do dự và sợ hãi, một phần vì cớ những người yếu đức tin, là những người không thể bất thình lình thay đổi từ cái trật tự cũ truyền thống sang một cái trật tự mới và lạ thường.” Thật thế, khoảng cách 6 năm giữa lúc khởi đầu cuộc CẢI CHÁNH và sự cải chánh thờ phượng cho thấy sự thận trọng của Luther. 

 “Trật Tự Về Tiệc Thánh” chính nó cũng là một cố gắng cải chánh có tính bảo thủ. Chắc chắn là giáo nghi về tiệc thánh (của Công Giáo thời đó) bị bỏ đi và được thay thế với những điều dạy rằng những lời của Đấng Christ phải được đọc lớn lên. Và tất cả những người dự tiệc thánh nhận lãnh không chỉ thân thể nhưng cũng huyết của Đấng Christ trong nghi lễ. Mặc dù các bài hát thánh ca tiếng Đức được khích lệ, tiếng La-tin vẫn là ngôn ngữ hành lễ. 

Việc chuyển từ tiếng La-tin sang tiếng Đức cũng bị trì hoãn vì không có nhiều bài thánh ca hay những phần phụng vụ thờ phượng được dịch sang tiếng Đức. Luther kêu gọi các nhà thơ và nhạc sĩ có khả năng hãy sáng tác những bài thánh ca và lời phụng vụ thờ phượng mang tính chất công bố Lời Chúa. Vào gần cuối năm 1523, Luther viết cho Georg Spalatin là Mục sư của hoàng tử vùng Saxony, thúc giục ông ta viết thánh ca bằng tiếng Đức dựa theo các bài Thi Thiên. Ông thẳng thắn khuyên: hãy dùng chữ đơn giản và bình dân nhất, duy trì sự trong sáng của sự dạy dỗ của Lời Chúa, và giữ ý nghĩa bản dịch càng sát với Thi Thiên càng tốt.

Vào năm 1526, các tư liệu đã có đủ để Luther chuẩn bị một buổi thờ phượng hoàn toàn trong tiếng Đức. Buổi thờ phượng này rập theo cấu trúc truyền thống của sự thờ phượng. Dù Luther có thêm vào những bài thánh ca tiếng Đức để thay thế tiếng La-tin, ông luôn nhấn mạnh rằng thỉnh thoảng vẫn cần có buổi thờ phượng tiếng La-tin. Thực sự, ý muốn sâu xa của ông là không chỉ có các buổi thờ phượng trong tiếng Đức và La-tin nhưng nếu được thì cũng nên có trong tiếng Hy-lạp và Hê-bơ-rơ!

NGƯỜI SOẠN THÁNH CA

Trong thời gian giữa hai lần ấn hành bản nghi thức phụng vụ thờ phượng năm 1523 và năm 1526, Luther bắt đầu viết thánh ca. Dù ông tỏ ra nghi ngờ về khả năng của mình, ông không phải là loại người cứ chần chờ mãi. Thomas Munzer, một nhà cải chánh cấp tiến, đã viết lên những bài thánh ca và phụng vụ thờ phượng. Để bảo vệ dân sự của mình tránh khỏi những dạy dỗ của Munzer, Luther quyết định cung ứng cho họ những bài thánh ca do chính ông sáng tác.

Trong những tháng cuối năm 1523 và đầu năm 1524, Luther soạn hơn 20 bài thánh ca – hơn phân nữa tổng số những bài ông sáng tác. Bốn trong số đó xuất hiện vào tháng 1 năm 1524 trong tập thánh ca Lutheran thứ nhứt (được biết đến như là “Tập Thánh Ca 8 Bài,” vì có 8 bài).

Vào mùa hè năm 1524, hai tập thánh ca khác xuất hiện trong các thị trấn quanh Erfurt, mỗi tập có khoảng 24 bài thánh ca, trong đó 18 bài là của Luther. Trong năm 1524, tập thánh ca đầu tiên được soạn dưới sự bảo trợ của Luther cũng được ấn hành. Không giống như những tập thánh ca hiện đại ngày nay, thực ra nó là tập thánh ca cho ban hát với nhiều bè hát. Trong 38 bài có 24 bài là của Luther. 

Các bài thánh ca được loan truyền nhanh chóng đến nỗi nhiều bài được ấn hành mà không có sự cho phép của Luther. Mặc dù ông không có mối quan tâm về điều mà ngày nay gọi là vi phạm bản quyền tác giả, ông không muốn những người khác làm cho những bài thánh ca của ông được “cải sửa” và loan truyền. Ông nói rằng chỉ duy có sự dạy dỗ trong sáng của Chúa là được phép thông thương lưu truyền.

Luhter viết nhiều loại thánh ca khác nhau. Bài đầu tiên của ông, đúng hơn là ca khúc, được viết sau cái chết tử 

đạo của hai người theo Luther (tại Brussels vào ngày 1 tháng 7 năm 1523). Luther dùng bài này để giải tỏa những tin đồn rằng hai người này đã “bỏ niềm tin” trước khi chết. Luther hát rằng cho dù kẻ thù nghịch có thể loan tin dối trá, “chúng ta tạ ơn Chúa vì bởi đó mà Lời Ngài lại được tuyên bố lần nữa.”

Những bài thánh ca khác của Luther là cho các buổi thờ phượng trong nhà thờ và cầu nguyện tại nhà. Năm 1524, Luther viết 6 trong số 7 bài thánh ca của ông dựa trên Thi Thiên. Bài thánh ca Thi Thiên cuối cùng của ông, “Chúa Bức Thành Kiên Cố Ta,” được viết vào 3 năm sau đó đang khi Luther trải qua những cơn thử thách rất lớn. Bài thánh ca này tỏ ra một phong cách tự do hơn rất nhiều và chỉ liên hệ rất nhẹ với lời của Thi Thiên 64. Nhưng “Chúa Bức Thành Kiên Cố Ta” phản ảnh cả những tranh chiến của ông và lòng tin tuyệt đối trong Chúa: “Dẫu quỷ dữ đầy trên thế gian này, Đuổi theo ta toan nuốt hằng ngày. Chúng ta không kinh khiếp ưu phiền. Chúng chẳng bức thắng chúng ta.”

Luther cũng viết nhiều bài thánh ca cho những phần mục thờ phượng và cho các phần phụng vụ theo niên lịch hội thánh. Để dạy giáo lý, ông viết hai thánh ca về 10 Điều Răn, một thánh ca về bài Tín Điều Các Sứ Đồ, một cho bài Cầu Nguyện Chung và nhiều bài khác cho lễ báp-tem và Tiệc Thánh. Qua những bài thánh ca này, Luther bày tỏ lòng mong muốn của ông dạy dỗ về đức tin, đặc biệt cho các trẻ em.

Martin Luther đã đúc nên một phong cách thánh ca và âm nhạc hội thánh mới mẻ để tiếp tục truyền đạt sứ điệp mà ông công bố.

Paul J. Grime 

Paul J. Grime là Mục sư Chủ Nhiệm Hội Thánh Thánh Phao-lô Lutheran ở West Allis, Wisconsin, ứng viên Tiến sĩ Đại Học Marquette.

 

(Nguồn: http://www.christianitytoday.com/history/issues/issue-39/changing-tempo-of-worship.html )

 

Chuyển Ngữ: Ngọc Nga

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan